LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 22

Chương 1: KIỀN ĐỘ TẠP

Phẩm thứ 7: BÀN VỀ VÔ NGHĨA, phần 2

Thần đất khởi xướng như vầy: Đức Thế Tôn chuyển Thánh pháp luân, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trong chúng hội bấy giờ, cũng có vị trời khác xướng: Phật chuyển pháp luân. Vì sao chỉ nói một mình thần đất xướng?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Thần đất luôn đi theo Đức Thế Tôn, muốn khiến Phật chuyển pháp luân không có các trở ngại. Đức Như Lai theo thời chuyển chánh pháp luân không có các trở ngại. Thần đất tự nghĩ mình có công lao, nay đã được quả, tâm sinh hoan hỷ, do đó nên cất cao tiếng xướng trước.

Lại có thuyết nói: Trong chúng hội bấy giờ, tuy có các vị trời khác, nhưng nghe thần đất vốn nhanh nhẹn nên xướng trước. Như hôm nay nơi xứ đại chúng tập hợp, người tánh nhanh nhẹn, thường vui mừng cất cao tiếng xướng trước. Thần đất kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Vì thần đất cảm thấy hoan hỷ sâu đậm, nên xướng trước.

Lại có thuyết cho: Là theo đúng pháp thứ lớp. Vì sao? Vì thần đất xướng trước, tiếp theo là thần hư không, trải qua trong khoảnh khắc trên đến cõi Phạm thế.

Hỏi: Như từ chỗ phát khởi tiếng thì âm thanh ở đấy liền dứt, sao nói là trên lên đến cõi Phạm thế?

Đáp: Đây là pháp chuyển nối tiếp. Thần đất xướng xong, vị trời khác lại xướng. Chuyển chuyển như vậy cho đến cõi Phạm thế. Cũng như một ngọn đèn chuyển chuyển cùng cháy, âm thanh kia cũng như thế.

Hỏi: Như trời cũng hiểu pháp, vì sao nói vì con người nên chuyển pháp luân?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Do con người thấy đế trước, trời thấy đế sau.

Lại có thuyết cho: Vì con người là hiện thấy, trời không phải là hiện thấy.

Lại có thuyết nêu: Do con người làm chứng, không phải do trời làm chứng.

Lại có thuyết nói: Vì hành nghiệp của Đức Phật cùng với con người là đồng, trời thì không đồng.

Lại có thuyết cho: Vì các trời cũng từ trong nơi con người đạt được lợi ích tốt đẹp.

Lại có thuyết nêu: Vì trong con người có đủ bốn chúng.

Lại có thuyết nói: Nếu ở nơi xứ này diệt thì cũng ở nơi xứ ấy sinh, tuy có Thánh nhân nơi các thiên cung nhưng trong nẻo người có người chứng pháp cam lộ, không gọi là pháp diệt. Nếu không có người chứng mới gọi là pháp diệt. Thế nên, nếu ở nơi xứ này diệt, thì cũng ở nơi xứ ấy sinh.

Nếu Chuyển luân Thánh vương xuất thế, thì tiếng nói thấu đến cung trời Tha hóa tự tại. Tiếng nói của Tôn giả Kiều-trần-như v.v… thấu đến trời Phạm thế. Tiếng nói của Đức Phật thấu đến trời A-canị-trá.

Hỏi: Vì sao tiếng nói của Chuyển luân vương thấu đến cung trời Tự Tại. Tiếng nói của Kiều-trần-như v.v… thấu đến trời Phạm thế. Tiếng nói của Đức Phật thấu đến trời A-ca-nị-trá?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Chúng sinh tạo nghiệp có phẩm hạ, trung, thượng. Người tạo nghiệp phẩm hạ, tiếng nói thấu đến cung trời Tự Tại. Người tạo nghiệp phẩm trung, tiếng nói thấu đến trời Phạm thế. Người tạo nghiệp phẩm thượng, tiếng nói thấu đến trời A-ca-nị-trá.

Lại có thuyết nêu: Chúng sinh tạo nghiệp được tiếng tăm tốt có phẩm hạ, trung, thượng. Người tạo nghiệp phẩm hạ, tiếng nói thấu đến cung trời Tự Tại. Người tạo nghiệp phẩm trung, tiếng nói thấu đến trời Phạm thế. Người tạo nghiệp phẩm thượng, tiếng nói thấu đến trời A-ca-nị-trá.

Lại có thuyết cho: Chúng sinh tán thán cha mẹ, các bậc Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn có phẩm hạ, trung, thượng. Nếu người tạo phẩm hạ, tiếng nói thấu đến cung trời Tự Tại. Người tạo phẩm trung, tiếng nói thấu đến trời Phạm thế. Người tạo phẩm thượng, tiếng nói thấu đến trời A-ca-nị-trá.

Lại có thuyết nói: Nếu Chuyển luân Thánh vương xuất thế, thì dùng mười điều thiện để giáo hóa ở trong sáu trời thuộc cõi dục nhận lấy quả báo. Nếu có người mới sinh lên cảnh trời, thì chư thiên hoan hỷ: Thân thuộc thọ nhận vui của ta nay đã thêm nhiều. Vì lúc Chuyển luân Thánh vương xuất thế, chư thiên đều hoan hỷ, nên tiếng nói của Chuyển luân vương thấu đến cung trời Tự Tại. Vì Phạm thiên thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân, nên tiếng nói thấu đến trời Phạm thế. Chư thiên Thủ-đà-hội đã giúp cho Bồ-tát giác ngộ, nên xuất gia ra khỏi thành Ca-tỳ-la, đạt được trí vô thượng, vì thế nên Phật xuất hiện ở đời, tiếng nói thấu đến trời A-ca-nị-trá.

Lại có thuyết cho: Chuyển luân Thánh vương là người ái dục, do đó tiếng nói thấu đến xứ không lìa dục. Vì trong trời Phạm thế có cao thấp, trên dưới, nên tiếng nói của Tôn giả Kiều-trần-như thấu đến cảnh trời này. Vì Đức Phật có đại danh xưng tối thắng, nên tiếng nói của Phật thấu đến trời A-ca-nị-trá. Nếu như chúng sinh nơi cõi Hữu đảnh có nhĩ thức, thì tiếng nói của Đức Thế Tôn cũng nên thấu đến cõi đó, vì Đức Thế Tôn đã tu rộng nghiệp được tiếng tăm tốt.

Hỏi: Vì sao âm thanh của Chuyển pháp luân thấu đến trời Phạm thế?

Đáp: Vì Phạm thế là xứ được tất cả loài người tôn trọng.

Lại có thuyết nói: Vì trời Phạm thế đã tạo ra giới hạn sai biệt của ba ngàn đại thiên thế giới.

Lại có thuyết cho: Vì trời Phạm thế có trên dưới, cao thấp.

Lại có thuyết nêu: Vì địa kia có pháp giác quán (tầm tứ) là căn bản của ngôn ngữ. Như nói: Do tâm giác quán nên có ngôn ngữ.

Lại có thuyết nói: Vì nơi trời kia có nhĩ thức là thiện, nhiễm ô, vô ký không ẩn mất của địa mình.

Lại có thuyết nêu: Vì nơi trời kia có miệng là thiện, nhiễm ô, vô ký không ẩn mất của địa mình, có pháp tạo tác.

Do các sự việc này, nên tiếng nói của chuyển pháp luân thấu đến cảnh trời PhạmThế.

Hỏi: Pháp do chư Phật giảng nói đều là pháp luân chăng?

Đáp: Không phải. Nói về kiến đạo, đó gọi là pháp luân.

Hỏi: Nghe Đức Phật giảng nói pháp, số người nhập kiến đạo là nhiều, vì sao không gọi là pháp luân?

Đáp: Số người kiến đạo ấy tuy là pháp luân, nhưng không ở ban đầu. Người nhập pháp đầu tiên mới được gọi là pháp luân. Người nhập pháp sau cùng như Tu-bạt-đà-la cũng được gọi là pháp luân.

Hỏi: Tất cả chư Phật đều ở nơi nước Ba-la-nại chuyển pháp luân. Xứ ấy có nhất định chăng? Nếu nhất định, thì như thuyết này nói làm sao thông? Như nói: Phật Nhiên Đăng chuyển pháp luân ở thành Đăng Quang. Nếu không nhất định, thì như Đàm Ma Tu Bồ Đề đã nêu kệ làm sao thông? Như kệ nói:

Nên niệm chỗ dựa Phật quá khứ

Đại thành Ca Da, rừng Thí Lộc

Đều ở xứ này khéo phân biệt

Pháp diệu thanh tịnh là vô thượng.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nên tạo ra thuyết này: Có bốn xứ nhất định: (1) Xứ nơi cội cây Bồ-đề. (2) Xứ chuyển pháp luân. (3) Xứ trên trời đi xuống dưới đất. (4) Xứ hóa hiện thần biến lớn.

Vì sao biết được xứ nơi cội cây Bồ-đề là nhất định? Từng nghe có Chuyển luân vương Văn-đà-kiệt cùng với bốn binh chủng bay đi giữa khoảng không, ngang qua bên trên cây Bồ-đề, thì xe báu liền dừng lại, không thể bay tiếp. Bấy giờ, nhà vua hoảng sợ, nghĩ thầm: Nay ta sắp mất ngôi vua là điều không hề mong muốn. Vậy mạng gặp nạn chăng? Thần cây Bồ-đề nói với vua: Đại vương đừng sợ! Không mất ngôi vua, cũng không có mạng gặp nạn. Đại vương không thấy nơi cội cây Bồ-đề chăng? Ở đấy có tòa kim cương, tất cả Bồ-tát đều an tọa trên tòa này, chứng đắc trí vô thượng. Đại vương muốn đi qua, có thể tránh xứ này, rẽ sang con đường khác. Lúc ấy, nhà vua xuống xe, đem các thứ cúng dường nơi cây Bồ-đề xong, theo đường khác mà đi. Do sự việc ấy nên biết được nơi cội cây Bồ-đề là xứ nhất định.

Vì sao biết được xứ chuyển pháp luân là nhất định? Tức do kệ trên, nên biết được xứ đó là nhất định.

Vì sao biết được xứ từ trên trời đi xuống dưới đất là nhất định? Từng nghe sau khi Đức Phật cách biệt thế gian, xứ từ trên trời xuống dưới đất có các sự việc khổ não. Các Tỳ-kheo bỏ nơi chốn ra đi, dị học ngoại đạo đến ở trong đó. Về sau các Tỳ-kheo lại đến chỗ ấy, nói với ngoại đạo: Đây là nơi chốn của thầy ta, từ trên trời đi xuống. Ngoại đạo lại nói: Đây là chốn thờ cúng tế trời, thường trụ của ta. Cho đến diễn ra cuộc tranh chấp quyết liệt. Các Tỳ-kheo nói với ngoại đạo: Nay nên cùng lập lời nói thành thật, nếu thuộc về người nào sẽ có tướng điềm lành hiện bày. Các ngoại đạo đều yên lặng. Lúc ấy, các Tỳ-kheo bèn lập lời thành thật: Xin chư thần chứng tri! Nếu khiến xứ này là nơi chốn của chư Phật quá khứ đã lên thiên cung vì mẫu thân thuyết pháp rồi đi xuống trần gian thì sẽ hiện tướng điềm lành. Khi đó, tại trụ xứ kia, bỗng nổi lên trụ đá to, trên có sư tử đá, tức thì gầm lớn. Các ngoại đạo sợ hãi nên bỏ đi. Trong miệng sư tử tuôn ra các tràng hoa báu quấn quanh trụ đá này. Do sự việc ấy nên biết xứ Đức Phật từ trên trời đi xuống dưới đất là nhất định.

Vì sao biết được xứ hóa hiện thần biến lớn là nhất định? Vì khi Đức Phật còn tại thế, các nhóm ngoại đạo thường tìm Phật để cùng so tài hiện bày thần biến. Trải qua mười sáu nước lớn, Đức Phật không hiện thần biến, đến lượt trở về nước Xá-vệ mới hiện thần biến. Do sự việc này nên biết được xứ hóa hiện thần biến lớn là nhất định.

Hỏi: Nếu xứ chuyển pháp luân là nhất định, thì thuyết nói Đức Phật Nhiên Đăng chuyển pháp luân nơi thành Đăng Quang làm sao thông?

Đáp: Nước Ba-la-nại hiện nay tức là thành Đăng Quang ngày xưa.

Lại có thuyết nói: Có ba xứ nhất định: Là nơi cội cây Bồ-đề, xứ từ trên trời đi xuống và xứ hiện thần biến lớn. Ba xứ này là nhất định, như trên đã nói. Ba xứ không nhất định là xứ chuyển pháp luân, xứ đản sinh và xứ nhập Niết-bàn.

Vì sao biết được xứ chuyển pháp luân là không nhất định? Nếu A-la-uất-đà-ca-tử không mạng chung thì Đức Phật đã không đến nơi chốn kia để vì năm người như Kiều-trần-như v.v… thuyết giảng pháp. Tức từ nước Ma-già-đà dẫn đến nước Ba-la-nại.

Hỏi: Nếu xứ chuyển pháp luân không nhất định, thì như kệ của Đàm-ma-tu-bồ-đề đã nói làm sao thông?

Đáp: Kệ ấy chẳng cần phải thông. Vì sao? Vì đấy không phải là Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm. Vì đấy chỉ là pháp tạo văn tụng. Phàm là người tạo văn tụng, lời nói tất vượt quá sự thật.

Hỏi: Như nếu muốn thông suốt thì nên thông như thế nào?

Đáp: Quá khứ cũng từng có Đức Phật ở nơi xứ ấy chuyển pháp luân, do đấy nên nói như vậy.

Hỏi: Ba-la-nại là nghĩa gì?

Đáp: Có con sông mang tên Ba-la-nại, cách đấy không xa, có một thành vua được xây dựng, nên gọi là Ba-la-nại.

Hỏi: Vì sao gọi là xứ luận bàn của Tiên nhân?

Đáp: Hoặc tạo ra thuyết này: Tất cả chư Phật đều ở nơi nước Ba-la-nại chuyển pháp luân. Chư Phật là những Tiên nhân tối thắng. Vì lần đầu tiên ở nơi xứ ấy chuyển pháp luân, nên gọi là xứ Tiên nhân luận bàn. Hoặc lập ra thuyết này: Chư Phật bất tất ở nơi xứ ấy chuyển pháp luân, vì thời gian Đức Phật xuất thế đã có đại tiên A-la-hán cư trú nơi ấy, đang cư trú, sẽ cư trú. Nếu Đức Phật không xuất thế, thì có Phật-bích-chi ở đấy. Nếu không có Phật-bích-chi, thì có Tiên nhân đạt năm thông cư trú. Do sự việc này, nên gọi là xứ luận bàn của Tiên nhân, cũng gọi là trụ xứ của Tiên nhân.

Rừng Thí Lộc có nghĩa gì? Bầy nai thường di chuyển khắp trong đó, nên gọi là rừng nai. Lại nữa, vua Phạm-ma-đạt đã đem rừng cây này ban cho đàn nai, nên gọi là Rừng Thí Lộc.

* Lại, Đức Thế Tôn nói: Tỳ-kheo này đã dứt hết lậu, trời Ba mươi ba thường tập họp, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì Kinh Ba Lợi Chất Đa Thọ Dụ là chỗ dựa căn bản để tạo luận. Hoặc có người cho trời Ba mươi ba có trí thông rõ hiện tiền, nhận biết Tỳ-kheo đã dứt hết lậu, chẳng phải là do trí tỷ tướng để nhận biết. Muốn quyết định nói trời Ba mươi ba không có trí thông rõ hiện tiền, chỉ là trí tỷ tướng. Vì sao? Vì tuệ sinh đắc không nhận biết pháp lậu tận. Vì sự việc ấy, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu tuệ sinh đắc không thể nhận biết được pháp lậu tận, thì chư thiên kia làm sao nhận biết?

Đáp: Do năm sự việc nên nhận biết:

1. Đức Thế Tôn khởi tâm thế tục:

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn khởi tâm thế tục?

Đáp: Vì vừa ý Đức Thế Tôn. Ai là người khiến Đức Thế Tôn vừa ý nhất? Đó là người có thể dứt bỏ hữu ở vị lai. Đức Thế Tôn cũng nói: Nếu Tỳ-kheo là người khởi phần ít hữu ở vị lai, thì Ta cũng không khen ngợi người ấy, cho đến nói rộng. Tỳ-kheo kia đã dứt bỏ hữu nơi vị lai là vừa ý, nên Đức Thế Tôn đã khởi tâm thế tục.

Lại có thuyết cho: Muốn khiến cho người được tha tâm trí nhận biết nên dùng miệng nói, bảo với người khác.

2. Nói với người khác: Về nghĩa nói với người khác, như trước đã nói.

3. Tôn giả kia cũng khởi tâm thế tục:

Hỏi: Vì sao Tôn giả kia cũng khởi tâm thế tục?

Đáp: Vì Tôn giả kia, từ vô thủy đến nay, đã bị phiền não luôn đốt cháy, nay đã được nguội lạnh. Bỏ các nhập cháy nóng, được các nhập mát mẻ. Bỏ chúng sinh phiền não, trụ trong chúng sinh thanh tịnh. Bỏ gánh nặng của ấm nhiễm ô, được ấm thanh tịnh, sinh tâm hoan hỷ nên khởi tâm thế tục.

4. Tôn giả kia cũng nói với người khác:

Hỏi: Vì sao Tôn giả kia cũng nói với người khác?

Đáp: Vì muốn ở trong hiện pháp những điều nói ra đều thành thật, đúng đắn. Cũng khiến thí chủ thí các thứ thức ăn uống, y phục, giường tòa để nằm ngồi, thuốc thang chữa bệnh, sinh khởi tâm hoan hỷ. Cũng muốn hiển bày về người xuất gia có hành quả thật. Thế nên nói với người khác.

5. Từ trời Đại oai đức được nghe:

Hỏi: Thế nào là trời Đại oai đức?

Đáp: Là người đắc quả A-la-hán trong cõi trời ấy.

Hỏi: Tất cả đều nhận biết chăng?

Đáp: Nếu là người căn trí như nhau thì nhận biết.

Hỏi: Các trời khác cũng khen ngợi pháp này chăng?

Đáp: Cũng khen ngợi.

Hỏi: Nếu như vậy thì trong đây vì sao không nói?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Nếu chư thiên thường xuyên tập họp, thì trong đây nói. Như trời Ba mươi ba, vào các ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm, thường suy nghĩ đến hàng người, trời xem có những ai hành pháp thiện chăng?

Lại có thuyết nêu: Trong trời Ba mươi ba kia, hoặc có chư thiên dùng cây Ba-lợi-chất-đa-la, dụ cho A-la-hán. Thế nên khen ngợi.

Lại có thuyết nói: Trời Ba mươi ba nếu nghe có nhiều người hành việc thiện, thì chư thiên ở đấy đều hoan hỷ. Do đó nên khen ngợi.

Lại có thuyết cho: Trời Ba mươi ba thường dò xét con người, xem có ai hành thiện thì sẽ ủng hộ họ. Thế nên khen ngợi.

Hỏi: Cũng khen ngợi người hữu học không?

Đáp: Cũng khen ngợi. Như kinh nói: Nếu người thế gian luôn hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thì chư thiên khen ngợi, huống chi là người hữu học.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao chỉ nói người dứt hết lậu không nói người hữu học?

Đáp: Do sự tối thắng, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết nói: Vì lấy thời gian cây Ba-lợi-chất-đa-la sum suê, hoa nở rộ làm dụ.

Lại có thuyết cho: Do người dứt hết lậu, tức nên thọ nhận sự cúng dường, không xen lẫn với lỗi lầm tai hại, không có tội, không có ngờ vực, oán hận. Thế nên khen ngợi.

Lại có thuyết nêu: Nếu thế gian có A-la-hán, thì chư thiên tăng nhiều, nẻo ác giảm thiểu. Vì thế nên khen ngợi. Cũng như vua sáng trị nước thì dân chúng ngay thẳng tăng nhiều. Người dứt hết lậu kia cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Nếu thế gian có A-la-hán, thì chư thiên thêm nhiều, chúng A-tu-la giảm thiểu. Như lúc mặt trăng tròn, nước nơi biển cả tăng. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Nếu thế gian có A-la-hán, thì lúc chư thiên cùng với A-tu-la đánh nhau sẽ thắng. Như thiên tử kiến thiện tinh tấn thì chư thiên chiến thắng. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Nếu thế gian có A-la-hán, thì oai đức của chư thiên sinh sau vượt hơn oai đức của chư thiên sinh trước. Vì thế nên khen ngợi. Như dùng gạo đường thí cho thì hơn người thí ở ngả tư đường. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Nếu thế gian có A-la-hán, thì dùng một ít thức ăn thí cho, được sinh lên cõi trời. Vì thế nên khen ngợi. Như Tôn giả Ma ha Ca-diếp dùng một bát cơm nấu bằng gạo xấu. Tôn giả A-ni-lô-đầu dùng một bữa ăn thí cho. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Nếu thế gian có A-la-hán, người trông thấy có thể sinh tâm kính tin, sẽ được sinh lên trời. Vì thế nên khen ngợi. Như loài chó dữ, ểnh ương chỉ hít lấy không khí. Hàng Chiên-đà-la do khởi tâm kính tin, nên được sinh lên cõi trời. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Nếu thế gian có A-la-hán, ngục tù sinh tử được gặp đại ân xá. Như vua sinh con thì đại xá lao ngục. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Nếu thế gian có A-la-hán, tức có thể hiển bày đạo của nẻo thiện, nẻo ác. Như khi mặt trời mọc, tức trông thấy đường bằng phẳng hoặc đường đầy hiểm nạn. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Nếu thế gian có A-la-hán, thì không mất ngôi vị trời, không đọa nơi nẻo ác, trở lại được ngôi vị trời. Cũng như Đế thích. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Nếu thế gian có A-la-hán, thì tất cả thế gian đều thường đạt được thiện lợi, không lúc nào trống, thiếu. Cũng như sư thiện chỉ dạy đệ tử thiện, thường được thiện lợi, không khi nào trống, thiếu. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Nếu thế gian có A-la-hán, thì tuy có nhạc trời, nhưng có thể lìa bỏ, tư duy được tịch tĩnh. Như Đế thích, Chuyển Luân vương, Diêm La vương suy xét được xuất gia. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Nếu thế gian có A-la-hán, thì tất cả thế gian sẽ được nghe pháp báu như phẩm đạo v.v… nên thường được mùa. Như hải thuyền chở của báu, khiến thiên hạ được no đủ. Sự việc kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Nếu thế gian có A-la-hán, thì tất cả người đời đều thọ hưởng an vui, như mùa lúa chín no đủ. Sự việc kia cũng như thế.

Hỏi: Là khen ngợi tất cả bậc A-la-hán chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đều khen ngợi tất cả A-la-hán. Vì sao? Vì chư thiên thường ưa thích khen nói về người thiện. Tất cả việc làm đều xong, thật là hy hữu. Thế nên đều khen ngợi.

Lại có thuyết cho: Không hẳn đã khen ngợi tất cả A-la-hán. Nếu A-la-hán tạo hành nghiệp tiếng tăm tốt cũng khiến được tăng ích thì khen ngợi. Còn nếu không tạo hành nghiệp tiếng tốt, hoặc tuy có tạo nhưng không khiến tăng trưởng, thì có ở gần cũng không nhận biết, huống hồ là chư thiên?

Lại có thuyết nêu: Nếu giàu sang mà xuất gia, như vua Thíchbà-đà v.v… tức nên khen ngợi.

Lại có thuyết nói: Như trong kinh đã nói: A-la-hán tức nên khen ngợi.

Lại có thuyết cho: Nếu là người có đại trí, có phước báo lớn, nếu có thể khiến cho các chúng trời tăng, nẻo ác giảm thiểu, tức nên khen ngợi.

Lại có thuyết nêu: Nếu tạo lợi ích cho người khác không sinh chán mệt, như Tôn giả Xá-lợi-phất v.v… thì nên khen ngợi.

Lại có thuyết nói: Nếu có khả năng hộ trì pháp Phật, làm nơi chốn quy hướng cho đời, thì nên khen ngợi.

Hỏi: Chư thiên có nhận biết người tăng thượng mạn không?

Đáp: Nếu người có tăng thượng mạn, tự nói là A-la-hán, thì chư thiên không nhận biết. Nếu người không có tăng thượng mạn, tự nói là đắc A-la-hán, thì chư thiên tức nhận biết.

Lại có thuyết nói: Nếu là người có căn thiện sâu dày, khởi tăng thượng mạn, thì chư thiên không nhận biết. Nếu người khởi quán bất tịnh, hệ thuộc cõi dục, sinh tăng thượng mạn thì nhận biết. Như Đế thích, vào thời kỳ thế gian không có Phật, nếu thấy người nào sống nơi chốn vắng lặng, vô sự, liền đến nơi đó quán sát người này có tướng thành Phật hay không. Đế thích hãy còn như thế, huống chi là trời khác mà không nhận biết?

Hỏi: Lại nhận biết người phạm giới chăng?

Đáp: Nếu phạm giới thô thì nhận biết, tế thì không nhận biết.

* Lại, Đức Thế Tôn nói: Có hóa pháp điều phục, có như pháp tu hành, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Kinh Thiền Na Lê Sư là chỗ dựa căn bản để tạo phần Luận này.

Từng nghe ở nước Ma-già-đà có bệnh dịch lan rộng. Đang trong mùa dịch ấy, những người phụ tá của vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-già-đà, có nhiều người chết.

Lại có thuyết nói: Vua A-xà-thế lúc giết phụ vương, cũng giết luôn quan phụ tá thân tín của vua cha. Bà con của quan phụ tá đến xin Tôn giả A-nan vì mình thưa hỏi Đức Phật: Ở các nơi thôn xóm, như những người tin ưa Phật, sau khi mạng chung, Đức Thế Tôn đều luôn nói trước xứ sắp sinh của họ. Hôm nay các thân thuộc của tôi ở nước Ma-già-đà này, những người vừa mạng chung, Đức Phật không nói nơi chốn sắp sinh. Tôn giả nên vì chúng tôi thỉnh vấn Đức Thế Tôn về những người vừa mạng chung ấy được sinh vào nơi nào?

Bấy giờ, Tôn giả A-nan vì chỗ thân quen, nên đã hứa tạo phương tiện, liền đi đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch Phật: Dân chúng của nước khác, có người mạng chung, Đức Thế Tôn thường về xứ sinh của họ. Nay quan phụ tá của vua nước Ma-già-đà vừa mạng chung, Đức Thế Tôn không nói xứ sinh của ông ấy. Vì Đức Phật không nói nơi chốn sắp sinh kia, nên các thân thuộc của họ sinh tâm sầu não, không sinh kính tin. Kính mong Đức Thế Tôn nói về nơi sắp sinh của vị ấy.

Đức Thế Tôn thành bậc Đẳng chánh giác ở tại nước Ma-già-đà. Lại, vua Tần-bà-sa-la, thâm tâm tin Phật, được pháp cứu cánh, luôn cung kính, phụng sự chúng Tăng. Do sự việc này, nên nói về xứ sinh của người vừa chết như quan phụ tá v.v… của vua nước Ma-già-đà. Lúc ấy, Đức Thế Tôn yên lặng chấp thuận, tức thì mang y bát vào thành Na-đề-kiền khất thực. Khất thực xong, trở lại Tinh xá. Rửa chân tay rồi, vào phòng Quân-xà-ca, trải giường ra ngồi, khéo thâu giữ thân tâm, nhập thiền định, nhằm quán xứ sắp sinh của sứ hầu vua nước Ma-già-đà.

Hỏi: Đức Thế Tôn đã có tri kiến như thế, muốn có đối tượng quán, nên suy niệm liền nhận biết ngay, vì sao phải trải giường ngồi, cho đến nói rộng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì muốn nói đến sự việc rất sâu xa, khó nhận biết, khó sáng rõ , khó thấy. Vì sao? Vì tất cả nghĩa đã được nêu giảng nơi kinh Phật về chỗ sâu xa nhất không gì bằng nghiệp. Mười hai chi duyên tuy là rất sâu, nhưng không bằng hai chi thể là nghiệp. Tín là sâu diệu. Mười lực của Đức Như Lai trí nhận biết nghiệp lực là thâm diệu hơn hết. Trong bốn pháp không thể nghĩ bàn, nghiệp không thể nghĩ bàn là sâu xa nhất. Trong tám Kiền Độ của Luận này, Kiền Độ Nghiệp cũng là sâu xa bậc nhất. Do sự việc ấy, nên Đức Phật phải trải giường tòa, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết cho: Vì muốn chờ đợi người thọ nhận sự hóa độ tập hợp.

Lại có thuyết nêu: Vì Thiền-na-lợi-sư (Thiên tử Thắng Uy, là hậu thân của vua Tần Bà Sa La) tập hợp ở vị lai. Thiền-na-lợi-sư nếu nghe Đức Phật sắp nói đến sự việc này, tất đi đến chỗ Phật.

Lại có thuyết nói: Phật nhân sự việc này cũng nói Như Lai có tám công đức như thật:

(1) Minh gồm đủ. (2) Giới gồm đủ. (3) Thuyết pháp đầy đủ. (4) Hiện sáng rõ. (5) Khéo giảng nói đạo. (6) Được bạn thiện. (7) Được quyến thuộc thiện (8) Có tâm tạo lợi ích đối với tất cả chúng sinh. Như thế, nói rộng như kinh.

Lại có thuyết cho: Vì muốn khiến Tôn giả A-nan nghe, giữ không quên, vì tăng ích tâm tôn trọng, khát khao, ngưỡng mộ của Tôn giả A-nan.

Lại có thuyết nêu: Vì muốn dứt bỏ tâm xem thường, không có thật đức. Tức như có người có một ít hiểu biết, người khác đến hỏi, do xem thường nên đã hỏi, liền đáp. Đức Như Lai muốn thị hiện, nay tuy có tri kiến như thế, tức nên nghĩ đến là nhận biết, nhưng vẫn cố tạo ra phương tiện.

Lại có thuyết nói: Vì muốn hiện bày pháp của người thông sáng, nên Đức Thế Tôn cũng nói về thông sáng. Có ba thứ tướng: (1) Khéo tư duy về đối tượng tư duy. (2) Khéo nêu bày về điều mình nói.

(3) Khéo hành điều mình hành.

Lại có thuyết cho: Các quan phụ tá v.v… của vua nước Ma-giàđà có các thứ nhân, có các thứ quả, có các thứ nghiệp, có các thứ báo, sinh khắp trong sáu trời cõi dục. Đức Thế Tôn vì muốn quán xét đúng thật sự việc như thế, nên mới trải giường tòa, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết nêu: Lúc Đức Phật sắp nhập thiền định, Tôn giả A-nan mới thưa hỏi về sự việc này, Đức Phật chưa đáp, liền nhập thiền định. Bấy giờ, Đức Thế Tôn, vào cuối ngày, từ thiền định khởi, ở trước Tỳ-kheo Tăng trải giường ngồi. Lúc này, Tôn giả A-nan suy nghĩ: Nay thân tâm Đức Thế Tôn vắng lặng, đúng là lúc nên hỏi. Phật đã biết tâm của Tôn giả A-nan đang nghĩ gì, mới bảo Tôn giả A-nan: Các phụ tá v.v… của vua nước Ma-già-đà gồm có tám vạn bốn ngàn, hoặc quá số này, hoặc là hóa pháp điều phục, hoặc là như pháp tu hành, đoạn dứt ba kiết, được đạo Tu-đà-hoàn, cho đến nói rộng.

Hỏi: Thế nào là phụ tá?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Là hàng quyến thuộc lo công việc bên trong cung vua Tần-bà-sa-la, nên gọi là phụ tá.

Lại có thuyết cho: Vì thường xuyên hầu cận Tam bảo nên gọi là phụ tá.

Lại có thuyết nói: Đây là tên gọi đã có từ đời trước. Vì sao? Vì vua Tần-bà-sa-la xưa kia từng là Chuyển luân Thánh vương, một thời cùng với bốn binh chủng du hành nơi hư không, xe báu của vua bỗng nhiên không hành, nói rộng như trên. Trong chuyển pháp luân, cho đến tám vạn bốn ngàn người phụ tá của vua, cúng dường cây Bồ-đề xong, theo con đường khác mà đi. Chuyển luân Thánh vương thời bấy giờ là vua Tần-bà-sa-la hiện nay. Tám vạn bốn ngàn người phụ tá thời ấy là các quan phụ tá hôm nay. Vì thế nên biết là tên gọi đã có của đời trước.

Lại có thuyết nêu: Các phụ tá này giúp vua cai trị hai nước, khiến đất nước được giàu có, hưng thịnh. Sau khi mạng chung, hai nước hầu như không còn gì nên gọi là phụ tá.

Trong kinh Phật nói các phụ tá, có người là Hóa pháp điều phục, có người là Như pháp tu hành, nhưng không phân biệt. Kinh Phật là chỗ dựa căn bản để tạo luận. Những điều trong kinh không nói nay vì muốn nói nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là Hóa pháp điều phục? Thế nào là Như pháp tu hành?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Các vị phụ tá của nước Ma-kiệt-đà, thân trời thấy pháp gọi là Hóa pháp điều phục. Thân người thấy pháp gọi là Như pháp tu hành.

Lại có thuyết cho: Các quan phụ tá của nước Ma-kiệt-đà, người không thọ giới thấy pháp gọi là Hóa pháp điều phục. Người thọ giới thấy pháp gọi là Như pháp tu hành.

Lại có thuyết nêu: Nếu ở đây trồng căn thiện cũng khiến cho thành thục, ở nơi kia được giải thoát gọi là Hóa pháp điều phục. Đối với ba sự việc này đều được đầy đủ, gọi là Như pháp tu hành.

Như thế, ở đây trồng căn thiện của phần đạt, ở nơi kia nhập kiến đạo. Ở đây trồng căn thiện của quán đế, ở nơi kia nhập kiến đạo. Ở đây thọ giới giả danh, ở nơi kia được giới chân thật. Ở đây đạt được giới giải thoát, giới thiền, ở nơi kia được giới vô lậu. Ở đây là tâm học thiện, giới học thiện, ở nơi kia là tuệ học thiện. Ở đây được quả Tu-đà-hoàn, ở đây được căn thiện sửa trị, ở nơi kia được tịnh kiến. Ở đây được năm căn như tín v.v…, ở nơi kia được tín không hoại, nên biết cũng như thế. Là hóa pháp điều phục.

Ở trong đây đã gieo trồng căn thiện của phần đạt, tức ở trong đây nhập kiến đạo. Ở đây trồng căn thiện của quán đế, tức ở trong đây nhập kiến đạo. Ở trong đây nhập kiến đạo, ở trong đây thọ giới giả danh, tức ở trong đây được giới chân thật. Ở trong đây đạt được giới giải thoát, giới thiền, tức ở trong đây được giới vô lậu. Ở đây là giới học thiện, tâm học thiện, tức ở trong đây là tuệ học thiện. Ở đây được quả Tu-đà-hoàn, tức ở trong đây được quả Tu-đà-hoàn. Ở trong đây được căn thiện sửa trị, tức ở trong đây được tịnh kiến. Ở đây được năm căn như tín v.v…, tức ở đây được tín không hoại, nên biết cũng như thế. Là Như pháp tu hành.

Hỏi: Vì sao trong nẻo trời, người thấy pháp gọi là Hóa pháp điều phục. Trong nẻo người, người thấy pháp gọi là Như pháp tu hành?

Đáp: Vì trong nẻo người là tu tập Thánh đạo hiện ở trước, cũng đọc tụng nhiều, hiểu rõ nghĩa của pháp kia. Theo phương tiện, siêng năng tu tập. Đầu đêm, cuối đêm thọ nhận pháp một, bảy, sáu, bảy. Từ lúc mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc, ngồi kiết già, hành trì tinh tấn, trụ trong núi đá, hang núi, đỉnh an thiền, trấn hành thiền, dựa vào pháp trượng, tạo công hạnh tinh tấn như thế v.v… xong, sau đấy Thánh đạo mới hiện ở trước. Trong nẻo trời không có sự việc này. Nếu ở trong đấy tu theo phương tiện như thế v.v…, về sau sinh trong cảnh trời kia, không cần công dụng nhiều, Thánh đạo vẫn hiện ở trước, thế nên gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người, tu tập pháp như thế v.v… thì Thánh đạo hiện ở trước, gọi là Như pháp tu hành.

* Thế nào là nhiều dục? Thế nào là không biết đủ? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luân này?

Đáp: Đối tượng hành tác của hai pháp này là giống nhau: Có người tánh nhiều dục, người đời nói là người không biết đủ. Có người tánh không biết đủ, người đời nói là người nhiều dục. Vì hai pháp này giống nhau, nên người đời cho là một. Nay vì muốn nói về thể tánh của hai pháp ấy cũng nói là chúng có khác biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là nhiều dục?

Đáp: Chưa được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đây là nói về người tại gia. Chưa được y phục, thức ăn uống, giường tòa, ngọa cụ v.v… Đây là nói về người xuất gia. Nếu dục, thường dục, rất nhiều dục, cho đến nói rộng.

Người tại gia cầu tìm các cảnh giới như sắc v.v… nên dong ruổi khắp bốn phương. Người làm ruộng thì cầu tìm ruộng đất, vườn rừng, bò, dê v.v… tích chứa các thứ ngũ cốc, các thứ vật dụng để nuôi sống. Người giàu sang thì mong cầu ngôi vua, cõi nước, thành ấp, voi, ngựa, các thứ vật báu như vàng, bạc, lưu ly v.v…

Người xuất gia thì mong cầu những vật cần dùng như y bát, các thứ phòng nhà, đệ tử, đồ chúng v.v… Đó gọi là nhiều dục.

Hỏi: Thế nào là không biết đủ?

Đáp: Đã được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đây là nói về người tại gia. Đã được y phục, thức ăn uống, giường tòa, ngọa cụ v.v… Đây là nói về người xuất gia. Không biết đủ là không thể vừa ý đối với những thứ đã được, cho đến nói rộng.

Người tại gia không biết đủ: Nếu có một thửa ruộng đất, không biết đủ, lại mong cầu hai thửa ruộng đất. Có hai thửa ruộng đất, không biết đủ, cho đến mong cầu được nhiều, cũng không biết đủ. Vườn, rừng, bò, dê v.v… cho đến các vật dụng nuôi sống, nói cũng như thế. Người giàu sang, đối với một ngôi vua, không biết đủ, mong cầu hai ngôi vua. Nơi hai ngôi vua, không biết đủ, cho đến cầu được nhiều ngôi vua. Lại mong cầu được nhiều châu báu, nói cũng như thế.

Người xuất gia đối với một y bát, không biết đủ, mong cầu được hai, ba, cho đến cầu nhiều cũng không biết đủ. Lại mong cầu các vật dụng nuôi sống, không biết đủ, nói cũng như thế. Đó gọi là không biết đủ.

Hỏi: Nhiều dục và không biết đủ có khác biệt gì? Vì sao tạo lại ra phần Luận này?

Đáp: Hai pháp này giống nhau, tuy đã nói về thể tánh, tức cũng nên nói về sự khác biệt. Thế nào là nhiều dục? Thế nào là không biết đủ?

Nhiều dục: Nếu chưa được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc

v.v…, cho đến nói rộng.

Do đâu biết là nhiều dục?

Đáp: Do đối tượng mong cầu nên biết. Nếu lúc cầu mong các cảnh giới như sắc v.v… tạo nhiều phương tiện, dùng nhiều phương tiện, nên biết. Vì sao? Vì nhiều dục là nhân của nhiều phương tiện.

Không biết đủ: Là đã được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc v.v…, cho đến nói rộng. Lại muốn, lại cầu.

Do đâu biết là không biết đủ?

Đáp: Nếu đã muốn, lại mong muốn, điều này tất thường xuyên cầu nhiều, do cầu nhiều nên biết. Vì sao? Vì đã muốn, lại muốn là nhân của thường xuyên cầu nhiều.

Lại có thuyết nói: Không biết đủ là nhân, nhiều dục là quả. Hai pháp này lại cùng hiển hiện. Hoặc do nhân hiển bày quả. Hoặc do quả làm rõ nhân. Hai pháp này đều cùng là căn bất thiện tham.

Lại có thuyết cho: Nhiều dục là ở địa ý, không biết đủ là ở sáu thức thân. Vì sao? Vì năm thức duyên nơi pháp hiện tại. Nhiều dục duyên nơi vị lai.

Lời bình: Hai pháp này đều cùng ở nơi sáu thức thân, đều là pháp nơi cõi dục. Nói như thế là tốt.

* Thế nào là ít dục? Thế nào là biết đủ?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hai pháp này là tương tợ. Có người tánh ít dục, người đời nói là biết đủ. Có người tánh biết đủ, người đời nói là ít dục. Vì hai pháp này giống nhau, nên người đời cho là một. Nay vì muốn nói về thể tánh của hai pháp đó, cũng nói về sự khác biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Thế nào là ít dục?

Đáp: Là chưa được các thứ sắc thanh hương vị xúc, cho đến nói rộng. Đây là nói về người tại gia. Chưa được các thứ y phục, thức ăn uống, cho đến nói rộng. Đây là nói về người xuất gia. Nếu không muốn, không thường mong muốn, không hết sức mong muốn, cho đến nói rộng. Người tại gia làm ruộng không mong cầu về ruộng đất, cho đến nói rộng. Người giàu sang không mong cầu ngôi vị vua, cho đến nói rộng. Người xuất gia không mong cầu về y bát, cho đến nói rộng.

Thế nào là biết đủ?

Đáp: Là đã được các thứ sắc thanh hương vị xúc, cho đến nói rộng. Đây là nói về người tại gia. Đã được các thứ y phục, thức ăn uống v.v… cho đến nói rộng. Đây là nói về người xuất gia.

Biết đủ: Là vừa ý đối với những thứ đã có được, cho đến nói rộng. Người tại gia biết đủ, là đối với một thửa ruộng đất biết đủ, không cầu mong hai thửa ruộng đất. Cho đến đối với một vật dụng cần cho đời sống, biết đủ, không mong cầu hai vật dụng, cho đến nói rộng. Hàng giàu sang đối với một ngôi vị vua biết đủ, không cầu có hai ngôi vị vua, đối với hai ngôi vị vua biết đủ, không mong cầu nhiều ngôi vị vua, cho đến nói rộng. Người xuất gia đối với một y bát nên biết đủ, không mong cầu hai y bát. Cho đến đối với các vật dụng nuôi sống thân không mong cầu nhiều, cho đến nói rộng.

Hỏi: Ít dục và biết đủ có sai biệt gì? Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hai pháp này là giống nhau, tuy đã nói về thể tánh, cũng nên nói về sự khác biệt.

Ít dục: Là nếu chưa được các thứ sắc thanh hương vị xúc, cho đến nói rộng. Làm thế nào để nhận biết là ít dục? Đáp: Do không cầu mong nên nhận biết. Vì không cầu mong là nhân của ít dục.

Biết đủ: Là đã được các thứ sắc thanh hương vị xúc, cho đến nói rộng. Làm thế nào để nhận biết là biết đủ? Đáp: Do không thường xuyên cầu mong, không tạo nhiều phương tiện. Không tạo nhiều phương tiện là nhân của biết đủ.

Đó gọi là sự khác biệt của hai pháp ấy.

Hoặc có khi ít cầu mong nhưng là nhiều dục. Hoặc có khi nhiều cầu mong nhưng là ít dục. Ít cầu mong nhưng là nhiều dục: Như cần một quả Ha-lê-lặc, được rồi lại muốn hai quả. Đó gọi là ít cầu mong nhưng là nhiều dục. Nhiều cầu mong nhưng là ít dục: Như cần trăm ngàn lượng vàng để dùng vào việc sắm vật dụng cần cho đời sống, được rồi thì không mong muốn nữa. Đó gọi là nhiều cầu mong nhưng là ít dục.

Hoặc có trường hợp nhiều cầu mong là không biết đủ. Hoặc có trường hợp nhiều cầu mong là biết đủ. Nhiều cầu mong là không biết đủ: Tức được các vật dụng nuôi sống thân, đã đủ rồi cũng cố cầu tìm nhiều. Đó gọi là nhiều cầu mong là không biết đủ. Nhiều cầu mong là biết đủ: Là được các vật dụng nuôi sống thân, chưa đủ, nhưng biết đủ không cầu tìm nữa.

Hỏi: Vì sao hỏi về ít dục mà đáp là không mong muốn. Như nói: Không mong muốn, không luôn mong muốn, không hết sức mong muốn?

Đáp: Các vật dụng nuôi sống thân có hai thứ: Một là như pháp. Hai là không như pháp. Như pháp là ít dục. Không như pháp là không mong muốn.

Lại có thuyết nói: Các vật dụng nuôi sống thân có hai thứ: Một là thích hợp. Hai là không thích hợp. Thích hợp là ít dục. Không thích hợp là không mong muốn.

Lại có thuyết cho: Thọ dụng các vật khác có hai loại: Một là do ngu tối. Hai là để dứt khổ. Để dứt khổ là ít dục. Do ngu tối là không mong muốn.

Lại có thuyết nêu: Đối với của cải thì không mong muốn. Đối với đạo vô lậu thì mong muốn.

Lại có thuyết nói: Hết thảy bậc A-la-hán đã đoạn dứt hẳn tâm dục, vì thương xót chúng sinh nên thọ nhận các thứ cần dùng khác.

* Thế nào là khó đầy? Thế nào là khó nuôi? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì đối tượng hành của hai pháp này là tương tợ. Có người tánh là khó đầy, người đời nói là kẻ khó nuôi. Có người tánh là khó nuôi, người đời nói là kẻ khó đầy. Hai pháp này tương tợ, người đời cho là một. Nay muốn nói về thể tánh, cũng nhằm nói về sự khác biệt của chúng nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là khó đầy?

Đáp: Là uống nhiều, ăn nhiều.

Hỏi: Thế nào là khó nuôi?

Đáp: Là như thường xuyên ăn uống.

Hỏi: Hai pháp này vì sao không hỏi về sự khác biệt của chúng?

Đáp: Nên hỏi. Nên nói như thế này: Khó đầy và khó nuôi có gì khác biệt? Ăn nhiều là khó đầy. Lựa chọn thức ăn là khó nuôi. Nhưng không hỏi, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn, cho đến nói rộng.

* Thế nào là dễ đầy? Thế nào là dễ nuôi? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Nếu như trên đã nói về khó đầy, khó nuôi. Do đó ở đây nói về dễ đầy, dễ nuôi.

Hỏi: Thế nào là dễ đầy?

Đáp: Là không ăn nhiều, không uống nhiều.

Hỏi: Thế nào là dễ nuôi?

Đáp: Là không thường xuyên ăn uống.

Hỏi: Trong đây vì sao không hỏi về sự khác biệt?

Đáp: Nên hỏi, như trên đã nói. Hoặc có người ăn ít nhưng là khó đầy. Hoặc có người ăn nhiều nhưng là dễ đầy.

Ăn ít nhưng là khó đầy: Tức nên ăn một nắm lại ăn hai nắm. Đó gọi là ăn ít nhưng là khó đầy.

Ăn nhiều nhưng là dễ đầy: Nếu ăn một hộc mới đủ cung ứng cho thân nhưng lại không ăn. Đó gọi là ăn nhiều nhưng là dễ đầy.

Từng nghe có con voi cái tên là Ma-trà chở Xá-lợi Đức Phật đi vào nước Kế Tân. Do căn thiện ấy, nên ở nơi nước ấy chết, được sinh trong nẻo người. Về sau xuất gia, chứng đắc quả A-la-hán. Mỗi ngày ăn một hộc (10 đấu) cơm, cho đến khi sắp Bát Niết-bàn, nói với các Tỳkheo ni: Các vị nên tập hợp lại! Tôi sẽ tự nói về pháp thù thắng đã đạt được. Các Tỳ-kheo ni không tin vào lời ông vừa nói, nên thưa: Thầy là người dễ đầy. Vì sao không tự nói về pháp thù thắng đã được? Vị A-la-hán lại nói với các Tỳ-kheo ni: Các vị chớ sinh tâm không tin. Từ khi có thân đến nay, tôi thường là dễ đầy. Cũng nói về nhân duyên đời trước của tôi: Tôi vốn là voi cái, đã bỏ thân kia rồi, nay được thân này, nên có thể ăn một hộc năm đấu cơm, nhưng chỉ ăn một hộc, cho đến nói rộng. Những sự việc như thế v.v… tuy là ăn nhiều nhưng là dễ đầy.

Từng nghe vua Ba-tư-nặc có thể ăn hai hộc cơm, uống hai hộc nước. Vì là nhân duyên công đức của vua, nên đã mọc lên một cây mía và một nhánh lúa, ngày ngày lớn dần. Vì ăn uống từng ấy cơm nước nên thân thể béo to. Do thân to lớn này, nên khi đến chỗ Đức Phật, Đức Phật bèn hỏi: Thân thể đại vương lớn khỏe như thế, hẳn là không mỏi mệt chăng? Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc tâm sinh hổ thẹn, hướng về Đức Phật thưa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Người nên có chánh niệm

Ăn uống biết dừng đủ

Cũng không gặp khổ thọ

Dễ tiêu, thọ mạng tăng.

Nghe Đức Phật nói, vua Ba-tư-nặc tự giảm ăn dần, cho đến thời gian sau chỉ ăn một hộc cơm. Như thế, tuy là ăn nhiều nhưng là dễ đầy.

Hoặc có khi lựa chọn thức ăn nhưng là khó nuôi. Hoặc có khi lựa chọn thức ăn nhưng là dễ nuôi.

Lựa chọn thức ăn nhưng là khó nuôi: Là ăn thức ăn dở đủ cung cấp cho thân, nhưng lựa chọn thức ăn ngon.

Lựa chọn thức ăn nhưng là dễ nuôi: Là ăn thức ăn dở không thể cung cấp cho thân, nhưng không lựa chọn thức ăn ngon.

Hoặc có khi vì tham vị, nên thường xuyên ăn, nhưng ăn không nhiều. Hoặc có khi thức ăn nhiều, nhưng không tham vị, thường xuyên ăn. Hoặc có khi ăn nhiều, tham vị, thường xuyên ăn. Hoặc có khi ăn không nhiều, không tham vị, thường xuyên ăn.

Trường hợp thứ nhất: Là như chim v.v…

Trường hợp thứ hai: Là như voi, ngựa v.v…

Trường hợp thứ ba: Là như sói, chó, chồn, mèo v.v…

Trường hợp thứ tư: Là trừ từng ấy sự việc trên.

Hỏi: Hai pháp này có khác biệt gì?

Đáp: Thể tánh tức là khác biệt. Như trước đã nói.

Khó đầy: Là ăn nhiều. Khó nuôi: Là ăn lựa chọn.

Lại có thuyết cho: Khó đầy là nhiều dục. Khó nuôi là không biết đủ. Hai pháp này đều cùng là pháp của cõi dục, đều cùng là căn bất thiện tham, chung nơi sáu thức thân.

Dễ đầy, dễ nuôi là trái với trên.

Hỏi: Hai pháp ấy có khác biệt gì?

Đáp: Thể tánh tức là khác biệt. Như trước đã nói. Ăn uống không nhiều là dễ đầy. Ăn uống không lựa chọn là dễ nuôi.

Lại có thuyết cho: Dễ đầy là ít dục. Dễ nuôi là biết đủ. Hai pháp này đều cùng là pháp nơi ba cõi, là căn thiện không tham, đối trị nơi tham, chung nơi sáu thức thân.

Kinh Phật nói: Có bốn Thánh chủng, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói kinh này?

Đáp: Vì nhằm ngăn trừ bốn thứ hành nghiệp, nên nói kinh này.

Bốn thứ nghiệp: Là hoặc dùng việc làm ruộng làm nghiệp. Hoặc dùng việc mua bán làm nghiệp. Hoặc dùng việc phụng sự quan làm nghiệp. Hoặc dùng sự việc tôn quý làm nghiệp.

Một thứ nghiệp: Là lấy việc xin ăn làm nghiệp.

Vì nhằm ngăn chận bốn thứ nghiệp để hành một thứ nghiệp, nên Đức Thế Tôn giảng nói kinh này.

Lại nữa, vì muốn hiện rõ nghiệp và công việc nên làm. Nghiệp: Là nên cầu xin y phục, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ để tự sinh sống. Công việc nên làm: Là nên vui thích đoạn trừ phiền não, vui thích tu tập pháp thiện. Như thế nghiệp vô tận là việc nên làm, nghiệp không tội là việc nên làm, nghiệp không hại kẻ khác là việc nên làm, nghiệp không đồng với ngoại đạo là việc nên làm, nói cũng như thế.

Lại nữa, vì muốn hiện bày Thánh đạo và vật dụng của Thánh đạo. Thánh đạo: Là vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập. Vật dụng của Thánh đạo: Là thức ăn uống, y phục, ngọa cụ v.v… Quả Samôn, vật dụng của quả Sa-môn; Bà-la-môn, vật dụng của Bà-lamôn cũng như thế.

Do những sự việc như vậy, nên Đức Phật giảng nói kinh này.

Hỏi: Thể tánh của Thánh chủng là gì?

Đáp: Vì đối trị tham, nên gọi là căn thiện không tham. Nếu giữ lấy pháp tương ưng cùng có thì tánh là bốn ấm, năm ấm.

Lại có thuyết nói: Tánh là không tham, là tinh tấn. Ba pháp đầu là không tham. Vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập là tinh tấn.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết này. Như thuyết trước nói là tốt. Vì sao? Vì vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập cũng là tánh không tham.

Hỏi: Nếu như vậy thì sao có bốn?

Đáp: Vì đoạn trừ bốn thứ ái sinh khởi, nên có bốn. Vì đoạn trừ ái nhân nơi y phục sinh khởi nên nói Thánh chủng đối với y phục biết đủ. Vì đoạn trừ ái nhân nơi thức ăn uống sinh khởi, nên nói Thánh chủng đối với thức ăn uống biết đủ. Vì đoạn trừ ái nhân nơi phòng nhà, tọa cụ v.v… sinh khởi, nên nói Thánh chủng đối với các thứ phòng nhà, tọa cụ biết đủ. Vì đoạn trừ ái nhân nơi hữu tăng trưởng sinh khởi, nên nói Thánh chủng vui thích đoạn trừ tu tập. Thế nên, vì nhằm ngăn trừ bốn thứ ái, nên nói bốn Thánh chủng. Đây là thể tánh của Thánh chủng, cho đến nói rộng.

Đã nói thể tánh của Thánh chủng. Về lý do nay sẽ nói.

Vì sao gọi là Thánh chủng?

Thế nào là Thánh? Do thiện nên nói là Thánh hay do vô lậu nên nói là Thánh? Hoặc có thuyết nói: Thánh nhân hành pháp này nên gọi là Thánh.

Lại có thuyết cho: Vì có thể sinh ra quả tốt đẹp, vừa ý, nên gọi là Thánh. Ở đây nói là quả y (Quả đẳng lưu).

Lại có thuyết nêu: Là quả báo (Quả dị thục). Nghĩa là có thể sinh ra quả báo tốt đẹp, vừa ý.

Thế nào gọi là chủng? Vì Hằng hà sa chư Phật trong quá khứ và đệ tử của chư Phật đều từ trong Thánh chủng này sinh, nên gọi là chủng.

Lại có thuyết nói: Vì có thể khiến cho pháp Phật trụ lâu, nên gọi là chủng. Vì sao? Vì sau Đức Phật Bát Niết-bàn, đạo pháp đã tồn tại hàng ngàn năm không hoại, là do diệu lực Thánh chủng. Như cột kèo đã giữ vững ngôi nhà, khiến không tan hoại. Thánh chủng kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Nghĩa nối tiếp là nghĩa của chủng. Sau Đức Phật Bát Niết-bàn, khiến cho pháp Phật nối tiếp không đoạn dứt là nghĩa của chủng.

Có Thánh như thế, có chủng như thế, nên gọi là Thánh chủng.

Về cõi: Hữu lậu là thuộc nơi ba cõi. Vô lậu là không hệ thuộc.

Hỏi: Như cõi dục có bốn thứ, tức có thể như thế, do có y phục, thức ăn uống, giường tòa, ngọa cụ. Cõi sắc không có thức ăn uống, cõi vô sắc không có y phục, thức ăn uống, ngọa cụ v.v…, vì sao nói có bốn thứ?

Đáp: Cõi sắc, vô sắc tuy không có các vật dụng như thế, nhưng vẫn có các công đức như thế.

Lại có thuyết cho: Trong cõi này đã tu pháp biết đủ về y phục, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ v.v…, nên tuy sinh trong cõi kia, nhưng cũng còn thuận theo.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Cõi sắc, cõi vô sắc kia tuy không có pháp này, nhưng vẫn có sự đối trị của pháp ấy. Đối trị có nhiều thứ: Có đối trị đoạn trừ. Có đối trị lỗi lầm tai hại. Có đối trị nắm giữ. Có đối trị phần xa. Cõi sắc có bốn thứ đối trị này. Cõi vô sắc có hai thứ là đối trị nắm giữ và đối trị phần xa.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Không có y phục, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ vô lậu, nhưng có Thánh chủng vô lậu. Hai cõi kia tuy không có các thứ y phục, thức ăn uống v.v… nhưng có Thánh chủng vô lậu.

Về địa: Hữu lậu ở mười một địa. Vô lậu ở chín địa.

Về nương dựa: Là dựa vào thân nơi ba cõi. Đầu tiên là dựa vào cõi dục.

Về hành: Là hành mười sáu hành, cũng hành các hành khác.

Về duyên: Là duyên nơi tất cả pháp.

Về niệm xứ: Là bốn niệm xứ.

Về trí: Cùng với mười trí tương ưng.

Về định: Cùng với ba định tương ưng.

Về căn: Cùng với ba căn tương ưng, là hỷ căn, lạc căn, xả căn.

Về đời: Ở nơi ba đời.

Về duyên: Là duyên nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, cũng duyên nơi pháp không phải là đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Là thiện. Duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký: Là duyên nơi ba thứ.

Về hệ thuộc ba cõi: Như trước đã nói: Hữu lậu là hệ thuộc ba cõi. Vô lậu là không hệ thuộc. Duyên nơi hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Duyên nơi hệ thuộc ba cõi, cũng duyên nơi không hệ thuộc.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Là cả ba thứ. Duyên nơi học, vô học, phi học phi vô học: Là đều duyên nơi ba thứ.

Về do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Là do tu đạo đoạn, không đoạn. Duyên nơi kiến đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Duyên nơi ba thứ.

Về duyên nơi pháp tự thân, tha thân, không phải thân: Là duyên nơi ba thứ.

Về duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa: Là duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa.

Hỏi: Là địa ý hay là năm thức thân?

Đáp: Là địa ý, không phải là năm thức thân. Vì sao? Vì năm thức thân là pháp sinh đắc.

Lại có thuyết cho: Là năm thức thân. Vì sao? Vì tất cả tâm thiện đều là Thánh chủng.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết này. Như thuyết trước nói là tốt.

Hỏi: Là thiện sinh đắc hay là thiện phương tiện?

Đáp: Là phương tiện thiện, không phải là thiện sinh đắc. Vì sao? Vì tất cả văn, tư, tu thiện đều là giải thoát, nên là Thánh chủng.

Lại có thuyết nói: Là thiện sinh đắc.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì cho đến con kiến cũng có thiện sinh đắc, nên có thể là Thánh chủng.

Hỏi: Nếu là phương tiện, thì thiền ngoại đạo, giải thoát, thắng xứ, nhất thiết xứ là Thánh chủng chăng?

Đáp: Không phải. Vì sao? Vì như trước đã nói: Văn, tư, tu thiện là giải thoát, nên là Thánh chủng. Ngoại đạo không biết đủ, là tăng trưởng hữu và vật dụng của hữu, nên không phải là Thánh chủng.

Hỏi: Trong tất cả tâm thiện đều có ít dục, biết đủ. Vì sao? Vì đối trị với tham là căn thiện không tham. Vì sao nói biết đủ là Thánh chủng, không nói ít dục?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ít dục cũng là tên dục, lại là tên gọi khác của không có đối tượng dục. Nếu khi nói ít dục, cũng có đối tượng dục, không gọi là không có đối tượng dục. Còn biết đủ thì không có đối tượng dục, cũng không có tên gọi khác, nên nói là Thánh chủng.

Lại có thuyết cho: Ít dục là ít dục đối với các vật chưa được, nên ít dục là đối với vị lai. Biết đủ là biết đủ đối với các vật đã được, nên biết đủ là đối với hiện tại. Nếu ở trong hiện tại đã được một ít vật dụng nhưng có thể biết đủ thì đấy là rất khó. Đối với ngôi vị Chuyển luân Thánh vương ở vị lai chưa được mà ít dục, chưa đủ là khó. Vì là khó, nên nói là Thánh chủng.

Lại có thuyết nêu: Ít dục là thuộc cõi dục. Biết đủ là thuộc ba cõi.

Lại có thuyết nói: Ít dục là hệ thuộc ba cõi, không phải là không hệ thuộc. Biết đủ là hệ thuộc nơi ba cõi, cũng là không hệ thuộc.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết ấy, vì hai pháp này đều cùng là hệ thuộc nơi ba cõi, cũng là không hệ thuộc.

Hỏi: Nếu như vậy thì trở lại sinh nghi. Vì sao nói biết đủ là Thánh chủng, không nói ít dục?

Đáp: Vì khác với sự nhận biết của ngoại đạo, nên không nói ít dục là Thánh chủng. Nếu nói ít dục là Thánh chủng, thì các ngoại đạo sẽ nói thế này: Chúng tôi cũng là những người hành Thánh chủng. Vì sao? Vì các ông cũng mặc y phấn tảo, còn chúng tôi thì không mặc y phục. Các ông cũng khất thực để tự sống, còn chúng tôi phần nhiều là không ăn. Các ông cũng ngồi dưới bóng cây, còn chúng tôi hoặc thường xuyên giơ tay lên, co một chân mà đứng, không ngồi nằm nơi giường tòa. Chúng tôi đã hành pháp như thế, chẳng phải là Thánh chủng sao?

Phạm chí của ngoại đạo tuy hành pháp ấy, nhưng đối với hữu và vật dụng của hữu không biết đủ. Thế nên, vì làm rõ chỗ khác hẳn với ngoại đạo, do vậy không nói ít dục là Thánh chủng.

Hỏi: Vì sao thuốc chữa trị bệnh trong Thánh chủng không nói đến?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Pháp này vì nhập trong điều đã nói trên. Vì sao? Vì thuốc chữa trị bệnh có hai thứ: (1) Có thể ăn. (2) Không thể ăn. Có thể ăn: Là thuộc trong thức ăn uống. Không thể ăn: Là thuộc trong y phục, giường nằm, tọa cụ v.v…

Lại có thuyết cho: Nếu tất cả người trong tất cả thời gian đều dùng thì nói là Thánh chủng. Thuốc chữa trị bệnh không phải tất cả người nơi tất cả thời gian đều dùng.

Như Tôn giả Bà-câu-la nói: Ta xuất gia trong pháp Phật, đã quá tám mươi tuổi, không nhớ là thân này có bệnh, thậm chí là đau đầu.

Cũng không nhớ về việc cất giữ thuốc chữa bệnh, cho đến cất giữ một quả Ha-lê-lặc.

Như tất cả người nơi cõi dục này, không phải nơi tất cả thời gian đều cất giữ thuốc chữa bệnh, huống chi là cõi sắc, vô sắc. Lại nữa, nếu thọ dụng pháp này khiến con người phóng dật, nhưng nếu có thể xả bỏ, thì đó gọi là Thánh chủng. Thuốc chữa trị bệnh không thể khiến con người phóng dật, thế nên không nói là Thánh chủng.

Hỏi: Vì sao đạt được giới giải thoát vô tác, nói là Thánh chủng, không nói hữu tác là Thánh chủng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì hữu tác tùy theo sát-na diệt, còn vô tác thì nối tiếp không đoạn dứt. Nghĩa không đoạn dứt là Thánh chủng.

Lại có thuyết cho: Vô tác cùng với đạo vô lậu đều cùng được. Hữu tác thì không như thế. Vậy nên vô tác là Thánh chủng.

Người tại gia có bốn Thánh chủng. Người xuất gia cũng có bốn. Người tại gia có tâm trông mong nhưng không thể hành.

Từng nghe: Đế thích ngồi trên tòa có nhiều thứ hoa, có đến một ngàn hai trăm na-do-tha thị nữ, sáu vạn kỹ nữ, thường hòa tấu âm nhạc để làm vui lòng Đế thích. Nhưng vì Đế thích luôn có tâm trông mong Thánh chủng, nên không thọ dụng các thứ âm nhạc kia. Người xuất gia cũng có tâm trông mong, cũng hành Thánh chủng. Người xuất gia, hoặc có người tùy được các thứ y phục, thức ăn uống v.v… nhưng không biết đủ, là hành Thánh chủng.

Từng nghe: Có một Tỳ-kheo, vào lúc mặt trời lặn, đi đến chỗ Đức Phật, theo Phật cầu xin phòng để ở lại. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan cấp cho Tỳ-kheo này phòng, nhà. Tôn giả A-nan vâng theo. Bấy giờ, vị Tỳ-kheo nói với Tôn giả A-nan: Đại đức nên làm nghiêm tịnh phòng này, nên dẹp bỏ ngói đá, rác rưới v.v… treo cờ phướn, lọng báu, rải các thứ hoa, đốt hương thương diệu, trải ngọa cụ mềm mịn, đặt lên đó gối đẹp.

Tôn giả A-nan sau khi dọn dẹp phòng này xong, bèn đi đến bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật nói với A-nan:Như lời Tỳ-kheo kia đã nói, ông nên hết lòng bày biện đủ các thứ. Tôn giả A-nan đều thực hiện đầy đủ. Lúc này, vị Tỳ-kheo kia liền vào phòng, an tọa trên giường. Vào lúc đầu đêm, giải thoát tịnh khởi, theo thứ lớp khởi các pháp giải thoát khác, dứt hết tất cả lậu, được quả A-la-hán, khởi luôn thần thông. Lúc trời vừa sáng, do sức của thần thông, nên từ phòng nhà bỗng nhiên ra đi.

Sáng sớm, Tôn giả A-nan đến phòng Tỳ-kheo kia thấy cửa vẫn còn đóng, nhưng không thấy Tỳ-kheo, vội đến bạch Phật, thưa rõ về sự việc này. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Ông chớ nên sinh tưởng khác lạ về Tỳ-kheo ấy! Vào đầu đêm hôm qua, Tỳ-kheo kia đã khởi giải thoát tịnh, cho đến khởi thần thông, do sức của thần thông từ nơi phòng kia ra đi. A-nan nên biết! Tỳ-kheo kia, tánh ưa thích sự sạch đẹp, đã từ trong cõi trời Tánh ý đến, sinh nơi cõi này. Nếu ông không vì vị ấy sửa sang, trang trí phòng ở sạch đẹp, cùng những ngọa cụ v.v… như thế, thì Tỳ-kheo kia không thể đạt được pháp thắng tấn.

Như thế, người xuất gia tuy đối với các thứ y phục, giường tòa, tọa cụ v.v… không biết đủ, không tùy được mà dùng, nhưng vẫn có thể hành Thánh chủng.

Chư Phật quá khứ đều khen ngợi y phấn tảo nhưng không cho phép mặc. Nay Đức Phật khen ngợi y phấn tảo nhưng cho phép được mặc.

Hỏi: Vì sao chư Phật quá khứ khen ngợi y phấn tảo nhưng không cho phép mặc. Nay Đức Phật khen ngợi nhưng cho phép mặc?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Người thời xa xưa, tánh không tham ái, tuy có y trị giá hàng trăm ngàn lượng vàng, nhưng tâm luyến vướng của họ không như người đời nay luyến vướng y tầm thường.

Lại có thuyết cho: Người thời xa xưa, tài sản dồi dào, nhiều vật báu. Nếu cầu tìm tấm y trị giá hàng trăm ngàn lượng vàng, chưa đủ là khó. Như người đời nay, của cải vật báu ít ỏi, mong cầu tìm y phấn tảo cũng còn khó được, huống chi là tấm y trị giá hàng trăm ngàn lượng vàng.

Lại có thuyết nêu: Người thời xa xưa, tâm ưa thích sạch đẹp, đối với vật thô xấu không sinh tâm tôn kính. Vì thế, nên khen ngợi nhưng không cho dùng. Người thời nay, tánh ưa thích thô xấu, đối với người thọ dụng vật thô xấu có thể sinh tâm tin kính. Do đó nên khen ngợi cũng cho phép thọ dụng.

Lại có thuyết cho: Người thời xa xưa, thân thể mềm mại, nếu thọ dụng vật thô xấu, thì không thể tự tại. Vì thế nên khen ngợi, nhưng không cho thọ dụng. Người thời nay, thân thể thô mạnh, nhận dùng các vật thô xấu, có thể tự bảo tồn thân. Vì thế nên khen ngợi cũng cho phép thọ dụng.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Các vật dụng xa xưa, nếu khi khen ngợi tức cũng thọ dụng. Vì sao? Vì Đức Phật không phải là vô cớ khi khen ngợi.

Hỏi: Y phấn tảo bị xem thường là dễ được, nên lúc cầu tìm không có lỗi chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Vì y phấn tảo không có nhiều người mặc nên xem thường. Vì lúc cầu dễ được nên xem thường. Vì xứ xứ đều có thể tìm được nên dễ được. Vì Đức Phật đã cho phép mặc, nên lúc cầu tìm không có lỗi. Lại nữa, vì hành nghiệp này không có lỗi, nên khi cầu tìm không lỗi. Lại nữa, vì là đối tượng hành tác của người trí, nên lúc cầu không có lỗi.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Vì ít giá trị, nên nói là xem thường. Vì không từ người khác được, nên dễ được. Vì không có chủ, nên khi cầu tìm không có lỗi.

Đức Phật do hai sự việc nên biết đủ về y phục nói là Thánh chủng: (1) Vì đoạn trừ tâm tham đắm về y phục như Nan-đà v.v… (2) Vì khen ngợi người biết đủ về y phục như Ma ha Ca-diếp v.v…

Do hai sự việc nên biết đủ về ăn uống nói là Thánh chủng: (1) Vì đoạn trừ tâm tham đắm về ăn uống như Bà-đà-lợi v.v… (2) Vì khen ngợi người biết đủ về ăn uống như Bà-câu-la v.v…

Do hai sự việc nên biết đủ về giường tòa nói là Thánh chủng:

(1) Vì đoạn trừ tâm tham đắm về giường tòa như Tỳ-kheo Ngu vương v.v… Như nói: Tỳ-kheo Ngu vương bạch Phật: Xin mong Đức Thế Tôn quán xét giường tòa của con thô xấu như thế. (2) Vì khen ngợi người biết đủ về giường tòa như Ly-bà-đa v.v…

Do hai sự việc nên nói vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập là Thánh chủng: (1) Vì đoạn trừ tâm biếng trễ như Xiển-đà v.v… (2) Vì khen ngợi người siêng năng hành tinh tấn như Ức Nhĩ v.v…

Do bốn sự việc nên biết là người trụ nơi Thánh chủng: (1) Không thích luận bàn về việc được lợi dưỡng. (2) Không ưa gần gũi người tham ăn ngon. (3) Không dùng nhiều vật dụng cần cho sự sống. Những thứ người ấy dùng đều là thanh tịnh. (4) Đối với các thứ lợi dưỡng, được hay không được, không sinh tâm yêu ghét.

Kinh Phật nói bốn Thánh chủng này là tối thắng, là chủng tánh, là đáng ưa thích, là không xen tạp.

Tất cả thế gian, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên ma, Phạm đều không thể như pháp nói về lỗi của họ.

Hỏi: Thế nào là tối thắng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nếu hành pháp này tức chính là người tối thắng. Như Đức Phật nói: Năm trăm đệ tử của Ta, mỗi người đều có sự việc tối thắng. Nếu đối với các thứ vật dụng cần cho đời sống mà biết đủ, thì Đức Phật cũng khen ngợi người ấy là tối thắng.

Lại nữa, Niết-bàn là tối thắng. Vì pháp này có thể đạt đến, nên gọi là tối thắng.

Lại nữa, vì có thể nhận biết pháp tối thắng, nên gọi là pháp tối thắng. Những gì là pháp tối thắng? Nghĩa là Đức Phật, hoặc đệ tử Đức Phật. Ai có thể nhận biết pháp này? Nghĩa là người hành Thánh chủng và tu Thánh đạo.

Lại nữa, vì pháp này là tối thắng trong tất cả căn thiện của ý đầy đủ, nên nói là tối thắng. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh phần nhiều do ý không được đầy đủ mà chết. Nếu là người trụ nơi Thánh chủng, lúc mạng chung, tâm ý luôn đầy đủ. Thể của pháp này là tối thắng, vì có thể đạt đến tối thắng, nên gọi là tối thắng.

Lại nữa, vì có thể trừ bỏ lỗi lầm của sự chứa nhóm. Vì sao? Vì người thấp kém luôn chứa nhóm nhiều. Người tối thắng thì không chứa nhóm. Nếu người trụ nơi Thánh chủng, đối với các thứ cần dùng đều không chứa nhóm. Chuyển luân Thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ, các thứ của cải vật báu hiện có do đấy dễ hết. Trụ nơi nghiệp Thánh chủng, mọi thứ thọ dụng là vô tận. Vì có thể trừ bỏ pháp tích chứa, nên thể là tối thắng. Vì có khả năng đạt đến pháp tối thắng của Niết-bàn, nên gọi là tối thắng.

Hỏi: Thế nào là chủng tánh?

Đáp: Như trước đã nói: Hằng hà sa số chư Phật trong quá khứ và các đệ tử đều từ trong chủng này xuất sinh nên từ xưa gọi là chủng tánh. Cũng vì khiến cho pháp của chư Phật luôn nối tiếp không gián đoạn, nên gọi là chủng tánh.

Lại có thuyết cho: Pháp này có thể nhận biết về chủng tánh, nên gọi là chủng tánh. Chủng tánh thiện của Như Lai Đẳng Chánh Giác, chỉ pháp này mới có thể nhận biết, nên gọi là chủng tánh.

Hỏi: Thế nào là đáng ưa thích?

Đáp: Vì sự vui thích hiện có đó đoạn trừ và vui thích tu tập, pháp này có thể tạo vui thích nên gọi là đáng ưa thích.

Lại nữa, pháp này cũng có thể nói là nhận biết. Vì sao? Vì người hành pháp này, có thể theo thứ lớp nhận biết phần ban đêm, nên lấy khi mặt trời lặn, ngồi kiết già, đến lúc mặt trời mọc mới đứng dậy.

Lại nữa, vì pháp này có thể nhận biết pháp đáng ưa thích, nên gọi là đáng ưa thích.

Lại nữa, vì có thể vào thai của Thánh pháp, nên gọi là tối thắng. Vì nhập nơi chủng tánh của pháp thiện, nên gọi là chủng tánh. Lúc trụ nơi pháp thiện, vì có thể nhận biết khí vị của pháp thiện, nên gọi là đáng ưa thích.

Hỏi: Thế nào là không xen tạp?

Đáp: Vì không xen lẫn với bốn thứ nghiệp (Như đã nói ở trước), nên gọi là không xen tạp. Vì công đức của hành nghiệp này là thuần thiện, nên gọi là không xen tạp.

Sa-môn, Bà-la-môn không thể như pháp nói về lỗi nghĩa là không xen lẫn với lỗi lầm tai hại, không bức bách đối với người khác. Như kinh nói: Tỳ-kheo nên biết! Đệ tử Thánh của Ta, tâm không yêu ghét. Thế nào là không yêu ghét? Yêu gọi là yêu giận. Đệ tử Thánh đã hàng phục yêu giận, không bị khuất phục do yêu giận, nên gọi là không yêu ghét. Luận này cũng nói: Có ưa thích đoạn trừ, ưa thích tu tập. Hai pháp ấy có gì khác biệt?

Đáp: Đạo vô ngại là ưa thích đoạn trừ. Đạo giải thoát là ưa thích tu tập.

Lại nữa, kiến đạo là ưa thích đoạn trừ. Tu đạo là ưa thích tu tập.

Như kiến đạo, tu đạo, thì nhẫn trí, tri căn, vị tri dục tri căn, dĩ tri căn, địa kiến, địa tu, nói cũng như thế.

HẾT – QUYỂN 22