LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Thế nào là Pháp thế đệ nhất? Vì sao gọi là Pháp thế đệ nhất? Chương như thế cùng giải thích nghĩa của chương, ở đây nên nói rộng, là Ưu-ba-đề-xá.

Hỏi: Ai tạo ra Kinh (Luận) này?

Đáp: Là Đức Phật – Thế Tôn. Vì sao? Vì tánh tướng của các pháp rất sâu xa, vi diệu, chỉ có bậc Nhất thiết trí mới có thể xét đoán tường tận.

Hỏi: Ai hỏi, ai đáp?

Đáp: Hoặc có người nói: Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi, Đức Phật đáp.

Lại có thuyết nói: Năm trăm vị A-la-hán hỏi, Đức Phật đáp.

Lại có thuyết nói: Chư thiên hỏi, Đức Phật đáp.

Lại có thuyết nói: Người biến hóa hỏi, Đức Phật đáp. Vì sao? Vì tánh tướng của các pháp phải nên nói rộng, nhưng không có người hỏi. Bấy giờ, Đức Thế Tôn hóa làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, vận y Tăng-già-lê, hình dạng đoan nghiêm. Vị Tỳ-kheo ấy hỏi, Đức Phật đáp. Chẳng hạn như hỏi: Nhân duyên của các nghĩa kinh.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao lại nói là do Tôn giả Ca Chiên Diên Tử tạo?

Đáp: Vì Tôn giả kia thường ưa thích thọ trì đọc tụng, vì người khác giải thích, nói rộng, khiến được lưu hành phổ biến, danh xưng quy về Tôn giả, nên nói là do Tôn giả tạo.

Lại có thuyết nói: Chính Tôn giả Ca Chiên Diên Tử kia tạo ra Kinh (Luận) này.

Hỏi: Vừa nói: Tánh tướng của các pháp rất sâu xa, vi diệu, chỉ có bậc Nhất thiết trí mới có thể xét đoán tường tận. Vậy Tôn giả Ca Chiên Diên Tử sao có thể tạo được?

Đáp: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử kia cũng có trí tuệ sâu rộng, mạnh mẽ, nhạy bén, khéo nhận biết về tướng chung, tướng riêng. Lại nhận biết văn nghĩa và biên vực trước sau, thông suốt ba Tạng, ba Minh, sáu Thông, đầy đủ tám Giải thoát, lìa dục của ba cõi, chứng được Nguyện trí, đã tu hành và lập nguyện nơi trụ xứ của năm trăm vị Phật: Nguyện cho tôi vào đời vị lai, trong giáo pháp để lại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có thể tạo ra Kinh A-tỳ-đàm.

Hỏi: Nếu như vậy thì A-tỳ-đàm của Phật là thế nào?

Đáp: Đức Thế Tôn ở mỗi mỗi phương sở, thôn ấp, vì hóa độ chúng sinh nên đã tạo ra vô số cách nêu giảng. Tôn giả Ca Chiên Diên Tử kia, ở trong vô số cách nêu giảng ấy đã lập môn, chương, tạo kệ tụng, đặt tên phẩm, nêu những Kiền độ (nhóm): Ví như khi nói về nhiều thứ nghĩa không giống nhau, đã lập ra Kiền độ Tạp. Hoặc khi nói tướng của sử, lập ra Kiền độ Sử. Hoặc khi nói tướng của trí, lập ra Kiền độ Trí. Hoặc nói tướng của nghiệp, lập ra Kiền độ Nghiệp.

Hoặc nói tướng của bốn đại, lập ra Kiền độ Bốn đại. Nếu nói tướng của căn, lập ra Kiền độ Căn. Nếu nói tướng của định, lập ra Kiền độ Định. Nếu nói tướng của kiến, lập ra Kiền độ Kiến. Như Kinh Pháp Cú có nói: “Đức Thế Tôn đã vì chúng sinh nên ở mỗi mỗi phương sở, thôn ấp, dùng vô số cách nói để diễn giảng”.

Tôn giả Đạt-ma-đa-la (Pháp Cứu – Soạn giả Kinh Pháp Cú – ND ghi), sau khi Phật diệt độ, trong vô số cách giảng nói ấy, đối với nghĩa của vô thường đã lập ra phẩm Vô thường, cho đến nghĩa của Phạm chí lập ra phẩm Phạm chí. Tôn giả Ca Chiên Diên Tử này cũng lại như thế.

Lại, chư Phật xuất hiện ở đời, đều giảng nói về ba Tạng. Đó là Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm.

Hỏi: Có gì khác biệt giữa Tu-đa-la, Tỳ-ni và A-tỳ-đàm?

Đáp: Hoặc có người nói: Không có khác biệt. Vì sao? Vì đều xuất phát từ dòng sông Phật của một biển trí, nhân nơi tâm đại từ mà giảng nói.

Lại có thuyết nói: Cũng có khác biệt. Khác biệt như thế nào? Tức tên gọi khác biệt. Nghĩa là: Đây là Tu-đa-la. Đây là Tỳ-ni. Đây là A-tỳ-đàm. Lại nữa, khác biệt vì phân biệt về tâm gọi là Tu-đa-la, phân biệt về giới gọi là Tỳ-ni, phân biệt về tuệ gọi là A-tỳ-đàm.

Hỏi: Nếu như vậy thì trong Tu-đa-la cũng phân biệt về giới, cũng phân biệt về tuệ. Trong Tỳ-ni cũng phân biệt về tâm, cũng phân biệt về tuệ. Trong A-tỳ-đàm cũng phân biệt về tâm, cũng phân biệt về giới. Ba Tạng như thế có gì khác biệt?

Đáp: Vì dựa vào phần nhiều: Trong Tu-đa-la phần nhiều nói về Tâm pháp. Trong Tỳ-ni phần nhiều nói về Giới pháp. Trong A-tỳđàm phần nhiều nói về Tuệ pháp.

Lại nữa, ngay trong Tu-đa-la: Nếu phân biệt về tâm gọi là Tuđa-la. Nếu phân biệt về giới gọi là Tỳ-ni. Nếu phân biệt về tuệ gọi là A-tỳ-đàm. Trong A-tỳ-đàm: Nếu phân biệt về giới gọi là Tỳ-ni. Nếu phân biệt về tâm gọi là Tu-đa-la. Nếu phân biệt về tuệ gọi là A-tỳđàm. Trong Tỳ-ni: Nếu phân biệt về tuệ gọi là A-tỳ-đàm. Nếu phân biệt về giới gọi là Tỳ-ni. Nếu phân biệt về tâm gọi là Tu-đa-la. Như thế, đó gọi là sự khác biệt của ba Tạng.

Lại nữa, trong Tu-đa-la: Nên tìm xét về thứ lớp. Vì những lý do nào Đức Thế Tôn nói Tu-đa-la ấy – Kế đến lại nói Tu-đa-la này? (Như nói: Tin Phật, tiếp theo nên tin pháp, là nghĩa tìm xét về thứ lớp). Trong Tỳ-ni: Nên tìm xét về nhân duyên. Như nói giới này duyên nơi việc như thế nào để chế lập? Trong A-tỳ-đàm: Nên dùng tướng để tìm xét, không dùng thứ lớp.

Lại nữa, Tu-đa-la vì dựa vào lực, nên nói. Tỳ-ni vì dựa vào đại từ, nên nói. A-tỳ-đàm vì dựa vào vô úy, nên nói.

Lại nữa, trong vô số cách nêu bày, giảng nói có sự xen lẫn gọi là Tu-đa-la. Nói rộng về giới luật gọi là Tỳ-ni. Nói về tướng chung, tướng riêng gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, chưa gieo trồng căn thiện khiến gieo trồng căn thiện, gọi là Tu-đa-la. Đã gieo trồng căn thiện, muốn khiến cho thành thục, gọi là Tỳ-ni. Khi căn thiện đã thành thục, được chánh giải thoát, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, vì đầu tiên nhập pháp, nên gọi là Tu-đa-la. Đã nhập trong pháp, là thọ trì giới, nên gọi là Tỳ-ni. Người đã thọ trì giới rồi, khiến được chánh giải, gọi là A-tỳ-đàm.

Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, như vậy gọi là khác biệt.

Hỏi: Tôn giả kia vì nhân duyên gì tạo ra Kinh (Luận) này?

Đáp: Vì muốn đem lại lợi ích cho người khác. Nếu có người nào thọ trì đọc tụng thông suốt, thuyết giảng để sự nhớ nghĩ được thích hợp, vô lượng phiền não và các hành ác không hiện tiền, do sự tu tập ân cần này, nên có thể hội nhập pháp tướng. Ví như có người muốn giúp ích cho người khác, trong ngôi nhà tối tăm đốt lên ngọn đèn lớn, để cho kẻ có mắt được trông thấy các thứ sắc. Tôn giả kia cũng lại như thế. Vì muốn giúp ích cho người khác nên tạo ra Kinh (Luận) này. Đức Phật cũng như vậy. Vì đem lại lợi ích cho chúng sinh, nên đã giảng nói mười hai bộ kinh:

  1. Tu Đa La.
  2. Kỳ Dạ.
  3. Ba Già La Na.
  4. Già Đà.
  5. Ưu Đà Na.
  6. Ni Đà Na.
  7. A Ba Đà Na.
  8. Y Đế Mục Đa Già.
  9. Xà Đà Già.
  10. Tỳ Phật Lược.
  11. A Phù Đà Đạt Ma.
  12. Ưu Ba Đề Xá.

Vì sao? Vì có chúng sinh, tuy có nhân trong, nhưng không có duyên ngoài, chung quy vẫn không thể tu hạnh thắng tấn, nếu gặp duyên ngoài thì có thể tu hành. Ví như các thứ hoa Bát-đầu-ma, Phânđà-lợi, Câu-vật-đầu, Ưu-bát-la ở trong ao nước, nếu ánh sáng mặt trời không soi chiếu đến, chúng sẽ không nở rộ, không tỏa hương. Nếu ánh sáng mặt trời soi chiếu đến, thì chúng tất trổ hoa, tỏa ngát hương. Hoặc như trong ngôi nhà tối có vô số các vật, nếu không có ánh đèn chiếu vào, tất không thể trông thấy các vật ấy, hễ có ánh đèn sáng thì thấy rõ. Chúng sinh cũng như vậy, tuy có nhân bên trong, nhưng nếu không có duyên bên ngoài, thì trọn không thể tu hành thắng tấn. Nếu gặp ngoại duyên thì có thể tu tập hành thắng tấn.

Do duyên này, Đức Phật nói kệ:

Ví như trong nhà tối

Tuy có vô số vật

Nếu không đèn chiếu sáng

Có mắt không thể thấy.

Nếu người tuy có trí

Không nghe pháp từ người

Người ấy trọn không thể

Phân biệt nghĩa thiện, ác.

Ví như người có mắt

Nhờ đèn thấy các sắc

Có trí dựa đa văn

Phân biệt nghĩa lành, dữ.

Đa văn hay biết pháp

Đa văn hay tránh ác

Đa văn lìa vô nghĩa

Đa văn được Niết-bàn.

Kinh Phật cũng nói: Có hai nhân, hai duyên nên phát sinh chánh kiến: (1) Nghe pháp từ người khác. (2) Bên trong tư duy chân chánh.

Lại nói: Người có được bốn pháp là rất hy hữu: (1) Gần gũi thiện tri thức. (2) Nghe pháp từ người khác. (3) Bên trong tư duy chân chánh. (4) Tu hành đúng như pháp.

Lại nói: Nếu đệ tử của Ta nhất tâm lắng nghe pháp, tất có thể đoạn trừ năm thứ ngăn che, tu hành đầy đủ bảy pháp giác phần. Như Đức Phật Thế Tôn, vì tạo lợi ích cho người khác, nên đã nói mười hai bộ kinh. Tôn giả Ca Chiên Diên Tử kia cũng lại như thế.

Lại nữa, vì nhằm phá trừ bóng tối của vô minh, như đèn xua tan bóng tối, tạo ra ánh sáng, A-tỳ-đàm cũng lại như thế: Phá trừ bóng tối vô minh, ban cho ánh sáng trí tuệ.

Lại nữa, vì muốn khiến cho hình tượng vô ngã được phân minh. Ví như gương soi sáng, chiếu các sắc tượng. Nếu người có thể dùng tuệ của A-tỳ-đàm, khéo phân biệt tướng chung, tướng riêng, thì hình tượng người vô ngã tự nhiên hiển hiện.

Lại nữa, vì muốn vượt qua sông sinh tử. Ví như trăm ngàn nado-tha chúng sinh đều nương dựa nơi chiếc thuyền vững chắc, không có chút sợ hãi, tức có thể từ bờ bên này sang đến bờ bên kia. Như thế, hàng trăm ngàn na-do-tha chư Phật, Thế Tôn và các quyến thuộc cũng lại như vậy. Dựa vào thuyền A-tỳ-đàm, không sợ hãi, nên có thể từ bờ bên này sang đến bờ bên kia.

Lại nữa, vì muốn các Luận, Kinh làm ngọn đèn sáng. Như người cầm đuốc đi vào bóng tối, trọn không có sợ hãi. Như thế, người tu hành cầm đuốc A-tỳ-đàm, ở trong nghĩa của các Kinh không có gì sợ hãi.

Lại nữa, vì muốn quan sát các pháp thiện, bất thiện, vô ký. Như người khéo nhận biết về vật báu, tức khéo phân biệt về các thứ báu như kim cương v.v… Như thế, người trí dùng tuệ A-tỳ-đàm để phân biệt các pháp thiện, bất thiện, vô ký.

Lại nữa, vì hiện bày người của A-tỳ-đàm như núi Tu-di không gì có thể làm cho nghiêng động. Như núi chúa Tu-di an trụ trên địa Kim luân, gió mạnh bốn phương thổi đến vẫn không thể làm lay động. Như thế, người trí đã dùng núi Tu-di của tuệ A-tỳ-đàm, an trí trên địa Kim luân giới, thì bốn thứ gió tà điên đảo không thể lay động.

Lại nữa, do ba nhân duyên nên Tôn giả Ca Chiên Diên Tử tạo ra Kinh (Luận) này: (1) Vì tăng ích nơi trí. (2) Vì mở bày giác ý. (3) Vì đoạn trừ ngã, nhân.

Tăng ích nơi trí: Nghĩa là tất cả Kinh, Luận trong pháp nội, ngoại, không gì bằng A-tỳ-đàm.

Mở bày giác ý: Nghĩa là chúng sinh thường ngủ say, không có lúc thức, do đó không biết cái gì là sử nhất thiết biến? Cái gì là sử không biến? Cái gì là tự giới duyên nơi sử biến? Cái gì là tha giới duyên nơi sử biến? Cái gì là duyên hữu lậu? Cái gì là duyên vô lậu? Cái gì là duyên hữu vi? Cái gì là duyên vô vi? Thế nào là gồm thâu? Thế nào là tương ưng? Thế nào là nhân? Thế nào là duyên? Ai thành tựu? Ai không thành tựu? Người có thể nhận biết rõ các pháp xa gần như thế v.v… là nhờ uy lực của A-tỳ-đàm.

Đoạn trừ ngã, nhân: Nghĩa là Tôn giả Ca Chiên Diên Tử kia, tạo ra Kinh (Luận) A-tỳ-đàm, chưa từng nói có ngã, có nhân, trong tất cả xứ thường nói không có ngã, không có nhân.

Do các nhân duyên như thế v.v…, nên Tôn giả kia tạo ra Kinh (Luận) A-tỳ-đàm này.

Hỏi: Thể của A-tỳ-đàm là gì?

Đáp: Là tuệ căn vô lậu. Tự thể gồm thâu một giới, một nhập, một ấm. Một giới nghĩa là pháp giới. Một nhập nghĩa là pháp nhập. Một ấm nghĩa là hành ấm. Nếu lấy tương ưng, có chung thì gồm thâu ba giới, hai nhập, năm ấm. Ba giới là ý giới, ý thức giới và pháp giới. Hai nhập là ý nhập, pháp nhập. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Lại, Tu-đa-la có nói: Này Đế thích! Trong suốt đêm dài sinh tử, tâm chân chất, ngay thẳng, không có quanh co, dua nịnh. Những điều đã hỏi, vì để nhận biết rõ, không phải để nhiễu loạn, nên Ta sẽ dùng A-tỳ-đàm thâm diệu để cho ông tùy ý hỏi. Ở đây, cái gì là nghĩa thâm diệu? Đó là tuệ căn vô lậu.

Lại như kinh nói: Có Phạm chí, họ Độc tử, tánh chân chất, ngay thẳng, không có quanh co, dua nịnh. Những điều ông đã hỏi, vì để nhận biết rõ, không phải để quấy nhiễu, nên Ta sẽ dùng A-tỳ-đàm thâm diệu để cho ông tùy ý hỏi. Ở đây, cái gì là nghĩa thâm diệu? Đó là tuệ căn vô lậu.

Lại có Bà-la-môn Phạm-ma-du và Phạm chí Tu-bạt, cũng nói như trên.

Như Đức Phật nói với Phạm chí Tiên Ni: Pháp của Ta rất thâm diệu, khó hiểu, khó diễn đạt, khó biết, khó thấy, không phải là đối tượng của tư duy, phân biệt có thể đạt tới. Chỉ có trí vi diệu quyết định mới có thể nhận biết được pháp ấy. Vì sao? Vì không tức là vô ngã, còn ông thì chấp ngã. Ông luôn ở trong đêm dài sinh tử, có kiến khác, dục khác, tâm khác. Do đó, nên trí cạn cợt của ông thì không thể đạt được. Ở đây, cái gì là nghĩa thâm diệu? Đó là tam muội không.

Như nói người ngu không có mắt mà lại cùng với Tỳ-kheo, Thượng tọa trí tuệ biện luận về nghĩa rất sâu xa. Ở đây, cái gì là nghĩa rất sâu xa? Đó là pháp thoái chuyển.

Như Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: Pháp mười hai nhân duyên này rất sâu xa, khó hiểu, khó diễn đạt, khó nhận biết, khó thấy, không phải là nơi chốn có thể đạt đến của tư duy, phân biệt. Chỉ có trí vi diệu quyết định mới có thể nhận biết, chẳng phải là trí còn kém cỏi của ông có thể đạt tới. Ở đây, cái gì là nghĩa rất sâu xa? Đó là nhân duyên.

Như nói: Xứ này rất sâu xa, đó là duyên khởi. Pháp này lìa dục, là tịch diệt, Niết-bàn. Ở đây, cái gì là nghĩa rất sâu xa? Đó là tánh tịch diệt của nhân duyên.

Như nói: Các pháp rất sâu xa nên khó thấy, vì khó thấy nên rất sâu xa. Ở đây, cái gì là nghĩa rất sâu xa? Đó là thể tánh sâu xa của tất cả các pháp.

Hỏi: Cái gì là thể của A-tỳ-đàm?

Đáp: Là tuệ căn vô lậu. Do sức của tuệ căn vô lậu, nên khiến cho xứ sinh được tuệ, có thể thọ trì mười hai bộ kinh, đọc tụng thông suốt, cũng gọi là A-tỳ-đàm.

Lại, do sức của tuệ căn vô lậu, nên có thể khiến cho văn tuệ nhận biết được tướng riêng, tướng chung. Lại khiến cho văn tuệ kiến lập tướng chung, tướng riêng. Lại còn giúp cho văn tuệ đoạn trừ cái ngu của tự tánh và cái ngu trong duyên, không nhận lầm về pháp. Lại, do sức của tuệ căn vô lậu, nên có thể khiến cho tư tuệ, an ban, niệm xứ về bất tịnh, cũng gọi là A-tỳ-đàm.

Lại, do sức của tuệ căn vô lậu, nên có thể làm cho tu tuệ đạt được Noãn, Đảnh, Nhẫn và Pháp thế đệ nhất, cũng gọi là A-tỳ-đàm.

Lại, do tuệ như thế v.v… khiến cho tuệ căn vô lậu càng thêm được sáng sạch, cũng gọi là A-tỳ-đàm.

Hỏi: Nếu tuệ căn vô lậu là Thể của A-tỳ-đàm, thì vì sao Kinh (Luận) này lại gọi là A-tỳ-đàm?

Đáp: A-tỳ-đàm đầy đủ nên cũng gọi là A-tỳ-đàm. Như trong rất nhiều xứ của kinh có nói: Nhân nơi vô số thứ đầy đủ nên lập vô số tên gọi.

Do lậu đầy đủ, nên nói là lậu. Như nói bảy lậu là phiền não, là sự cháy bùng, là khổ não. Thật ra lậu có ba, đó là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

Vì cấu uế có đủ nên nói là cấu uế. Như kệ nói:

Nữ cấu phạm hạnh

Nữ buộc chúng sinh

Khổ hạnh phạm hạnh

Không nhờ nước sạch.

Người nữ thật ra không phải là cấu uế. Cấu uế thật sự có ba, đó là cấu uế của tham, sân, si.

Vì vui đầy đủ nên nói là vui. Như kệ nói:

Khi ăn uống vui

Mặc y cũng vui

Kinh hành hang núi

Đây cũng lại vui.

Ăn uống v.v… không phải là vui. Vui thật sự là lạc thọ.

Vì sử đầy đủ nên nói là sử. Như nói: Tỳ-kheo bị sắc sai khiến, bị sắc trói buộc. Sắc không phải là sử. Sử thật có bảy.

Vị đầy đủ nên nói là vị. Như nói: Tỳ-kheo mắt nếm vị nơi sắc. Sắc là ma dẫn dắt. Mắt không phải là vị, vị thật sự là ái.

Dục đầy đủ nên nói là dục. Như nói: Sự tốt đẹp của năm dục có thể khiến cho tâm ái tăng trưởng, vướng mắc. Sắc v.v… không phải là dục, thật sự dục là ái.

Thoái chuyển đầy đủ nên nói là thoái chuyển. Như nói: A-lahán thời giải thoát có năm nhân duyên nên thoái chuyển: (1) Siêng năng khổ nhọc với nhiều sự việc. (2) Tụng kinh nhiều. (3) Tranh tụng. (4) Đi xa. (5) Bệnh kéo dài. Chẳng phải nhiều sự việc v.v… là thoái chuyển. Sự thật thoái chuyển là pháp bất thiện, vô ký ẩn mất (vô ký vô phú).

Nghiệp đầy đủ nên nói là nghiệp. Như nói: Tỳ-kheo có ba thứ nghiệp của ý bất thiện, sinh quả báo khổ, đó gọi là tham, giận dữ, tà kiến. Tham, giận dữ, tà kiến, thể của chúng không phải là nghiệp. Nghiệp thật sự có ba là thân, miệng, ý.

Báo đầy đủ nên nói là báo. Như Tôn giả A-nê-lô-đầu nói: Ta do báo của việc bố thí một bữa ăn, nên bảy lần sinh lên cõi trời Ba mươi ba, bảy lần sinh vào nước Ba-la-nại. Thức ăn không phải sinh báo, sự việc sinh báo là pháp thiện, bất thiện hữu lậu.

Xứ xứ trong kinh đã nêu bày như thế. Nhân nơi vô số thứ đầy đủ nên nói vô số tên gọi. Ở đây cũng như thế. A-tỳ-đàm đầy đủ nên nói là A-tỳ-đàm.

Hỏi: Do nghĩa nào nên gọi là A-tỳ-đàm?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Có thể quyết định phân biệt về mười hai bộ kinh, gọi là A-tỳ-đàm. Lại nói: Có thể hiểu rõ về mười hai nhân duyên, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, đối với bốn Thánh đế, có thể theo thứ lớp đạt được quyết định đúng đắn, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Có thể giải thích nêu bày việc tu tập pháp tám Thánh đạo, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Có thể chứng đắc Niết-bàn, gọi là A-tỳ-đàm.

Tôn giả Bà-đàn-đà nói: Các pháp như phiền não xuất yếu, trói buộc, giải thoát, sinh tử, Niết-bàn v.v… dùng danh, vị, cú, thân, theo thứ lớp soạn tập, phân biệt, giải nói, gọi là A-tỳ-đàm.

Tôn giả Cù-sa nói: Người cầu giải thoát là các hành đã nêu bày. Người chưa phân biệt đều phân biệt. Đó gọi là khổ, là nhân của khổ; là đạo, là quả của đạo; là đạo phương tiện, là đạo vô ngại, là đạo giải thoát, là đạo thắng tấn; là đạo hướng quả, là đắc quả, gọi là A-tỳ-đàm.

Tôn giả Ba-xa nói: Trí này là trí cứu cánh. Trí này là trí đệ nhất. Trí này là trí không nhầm lẫn. Đó gọi là A-tỳ-đàm.

Người A-tỳ-đàm nói: Có thể từ nơi vô số các thứ được lựa chọn để hiểu rõ, chứng biết tất cả các pháp, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Pháp tánh rất sâu xa, có thể đạt đến tận cội nguồn của chúng, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Có thể làm thanh tịnh pháp nhãn, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Hiển phát trí tuệ thâm diệu, sâu kín, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Nếu người dùng tuệ của A-tỳ-đàm để phân biệt về tướng chung, tướng riêng, thì không ai có thể đúng như pháp nói về lỗi của họ. Đó gọi là A-tỳ-đàm.

Bộ Di-sa-tắc nói: Như đèn có thể chiếu sáng, gọi là A-tỳ-đàm. Như nói: Trong tất cả sự chiếu sáng, thì chiếu sáng của tuệ là tối thượng.

Bộ Đàm-ma-quật nói: Pháp này tăng thượng, gọi là A-tỳ-đàm. Như nói: Nơi tất cả các pháp, tuệ là trên hết.

Phái Thí dụ nói: Nơi vô số các pháp, Niết-bàn là trên, vì pháp này tiếp theo, nên gọi là A-tỳ-đàm.

Phái Thanh Luận nói: A-tỳ gọi là trừ bỏ, cũng nói là lựa chọn. Trừ bỏ tức là trừ bỏ các phiền não kiết sử trói buộc. Lựa chọn là lựa chọn các pháp như ấm, nhập, giới phẩm đạo duyên khởi.

Lại nữa, A-tỳ nói là tăng thượng mạn. Như nói: Danh tăng thượng mạn. Như nói: Người trên gọi là người tăng thượng. Như nói: Dật trên gọi là dật tăng thượng. Kinh (Luận) này tăng thượng nên gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, A-tỳ nói là hiện tiền. Tất cả các pháp như phẩm thiện đạo v.v… đều hiện tiền, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, A-tỳ nói là cung kính. Pháp này tôn trọng đáng kính nên gọi là A-tỳ-đàm.

Kinh (Luận) này được gọi là cơ bản của trí tuệ.

Hỏi: Vì sao gọi là cơ bản của trí tuệ?

Đáp: Vì các trí cứu cánh đều xuất phát từ Kinh (Luận) này, nên gọi là cơ bản.

Lại nữa: Kinh (Luận) này còn gọi là xứ an trụ đầy đủ của trí. Các trí cứu cánh đều nhân nơi Kinh (Luận) này mà được thành lập, thế nên gọi là xứ an trụ đầy đủ của trí.

Hỏi: Kinh (Luận) này có lợi ích gì?

Đáp: Tùy thuận giải thoát, tùy thuận vô ngã, đoạn trừ chấp ngã nhân, hiển bày về vô ngã, phát khởi giác ý cho con người, xuất sinh trí tuệ, loại bỏ ngu si, cắt đứt lưới nghi, đạt được quyết định, dứt hết mọi sự bùng cháy, hướng đến nẻo xuất yếu, được sự an lạc tịch tĩnh nối tiếp, chấm dứt sinh tử luân hồi. Tùy thuận pháp không, đến bờ Niết-bàn. Có thể đoạn tất cả dị kiến của ngoại đạo, ở trong pháp Phật có thể sinh khởi tất cả tâm vui thích. Kinh (Luận) này có những lợi ích như thế, nên gọi là A-tỳ-đàm.

 

Chương 1: KIỀN ĐỘ TẠP Phẩm thứ 1: PHÁP THẾ ĐỆ NHẤT, phần 1

* Thế nào là Pháp thế đệ nhất?

Hỏi: Vì sao Kinh (Luận) này, trước hết nói Pháp thế đệ nhất? Vì thuận theo thứ lớp để nói hay là nghịch với thứ lớp để nói?

Nếu thuận theo thứ lớp để nói, tức trước hết nên nói về quán Bất tịnh, tiếp đến nói An ban (Quán Sổ tức), tiếp theo nói niệm xứ, tiếp nữa nói bảy xứ thiện. Noãn, Đảnh, Nhẫn là nghĩa của ba thứ quán, sau đấy mới nói Pháp thế đệ nhất.

Còn nếu nghịch với thứ lớp để nói, thì trước hết nên nói về quả A-la-hán, tiếp theo nói quả A-na-hàm, tiếp đến nói quả Tư-đà-hàm, tiếp theo nói quả Tu-đà-hoàn, tiếp nữa là nói kiến đạo, sau đấy mới nên nói Pháp thế đệ nhất.

Lại hỏi: Là do mới nhập pháp nên nói? Hay là do đã đạt phần căn thiện nên nói? Hay là do công đức tối thắng nên nói?

Nếu do mới nhập pháp nên nói, thì phải nói quán Bất tịnh, hoặc nói An ban (Quán Sổ tức).

Nếu do đạt phần căn thiện nên nói, thì trước phải nói pháp Noãn, vì pháp Noãn là ở vị trí đầu tiên. Như trong Luận của Tôn giả Cù-sa trước nói về pháp Noãn.

Nếu do công đức tối thắng nên nói, thì trước hết nên nói về quả A-la-hán.

Có những sự việc như vậy v.v… Như thời Phật còn tại thế, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên có trí tuệ chánh quán, đã thành tựu vô lượng công đức, tinh tấn vô ngại, nhập biển A-tỳ-đàm, tâm không tăng giảm, giác ý vô biên, ngôn luận khó có ai hơn. Tất cả luận nghĩa, không ai có thể sánh bằng. Ca Chiên Diên Tử thứ hai cũng có công đức trí tuệ như thế, vì sao tạo ra Kinh (Luận) này, trước hết lại nói về Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Các Luận sư khi nói về Pháp thế đệ nhất có vô số sự bất đồng:

Hoặc có thuyết nói: Không do thuận theo thứ lớp nên nói, cũng không vì nghịch với thứ lớp nên nói, chỉ vì ý của người tạo Kinh (Luận) kia đã quyết định như vậy. Vì tùy ý của tác giả tạo Kinh (Luận) này, không trái với pháp tướng, thế nên, trước hết nói về Pháp thế đệ nhất.

Hoặc có thuyết nói: A-tỳ-đàm nên dùng tướng để tìm xét, không tìm xét theo thứ lớp. Tu-đa-la mới tìm xét theo thứ lớp. Tỳni nên tìm xét theo nhân duyên. Luận – A-tỳ-đàm nếu tìm xét theo thứ lớp, thì về văn sẽ thêm phiền toái, rối loạn, vì thế không nên tìm xét theo thứ lớp.

Hoặc có thuyết cho: Trong Kinh, Đức Thế Tôn nói: Nếu người không thể quán sát đúng đắn tánh tướng của các hành nhưng có thể khởi Pháp thế đệ nhất thì không có điều này. Nếu có thể quán sát đúng về tánh tướng của các hành tức mới có thể khởi Pháp thế đệ nhất, điều này thì hợp lý. Như trong Kinh, Đức Thế Tôn trước tiên nói Pháp thế đệ nhất. Người tạo Kinh (Luận) này, vì nhân nơi Kinh để tạo Luận, nên cũng trước hết nói Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Xin gác lại việc người tạo Luận. Xin hỏi Đức Thế Tôn do đâu trước tiên nói Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Đức Thế Tôn vì hóa độ chúng sinh nên đã thuyết pháp theo thứ lớp. Các người thọ nhận sự hóa độ của Phật đã được Nhẫn phẩm hạ, Nhẫn phẩm trung, chưa được Nhẫn phẩm thượng và Pháp thế đệ nhất. Vì muốn khiến cho họ đều được, nên Đức Thế Tôn nói chánh quán, tư duy về tánh tướng của các hành, nên biết đó tức là Nhẫn phẩm thượng. Tiếp theo là đạt được Pháp thế đệ nhất ấy, vì thế nói nó trước.

Hoặc có thuyết cho: Vì để ngăn chận các thứ hủy báng. Pháp thế đệ nhất có nhiều các thứ hủy báng. Đó là danh nhận lấy sự hủy báng. Thể nhận lấy sự hủy báng. Giới nhận lấy sự hủy báng. Hiện tiền nhận lấy sự hủy báng. Thoái chuyển nhận lấy sự hủy báng.

Danh nhận lấy sự hủy báng: Hoặc nói là pháp của tánh địa không phải là Pháp thế đệ nhất.

Thể nhận lấy sự hủy báng: Hoặc nói là tánh của năm căn.

Giới nhận lấy sự hủy báng: Hoặc nói là hệ thuộc cõi dục, hoặc hệ thuộc cõi sắc, vô sắc. Hoặc hệ thuộc ba cõi, hoặc không hệ thuộc.

Hiện tiền nhận lấy sự hủy báng: Hoặc nói là do nhiều tâm nối tiếp, không phải là một tâm.

Thoái chuyển nhận lấy sự hủy báng: Hoặc nói Pháp thế đệ nhất có thoái chuyển.

Vì nhằm ngăn chận các thứ hủy báng như thế v.v…, nên trước hết nói Pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, tất cả sinh tử không phải là pháp bền chắc, chúng như vải xấu, bùn lầy cấu uế. Ở đây, cái gì là hơn hết? Cái gì là bền chắc? Cái gì như đề hồ? Đó là Pháp thế đệ nhất. Thế nên trước tiên nói pháp ấy.

Lại nữa, do tùy thuận vô ngã, nên Kinh (Luận) này thường nói vô ngã, không như sách ngoài nói về ngã, nói pháp dục, nói pháp có, nói của cải. Kinh (Luận) này chỉ nói vô ngã, giải thoát, Niết-bàn. Pháp thế đệ nhất ấy cũng quán vô ngã, tùy thuận Kinh (Luận) này, thế nên trước tiên nói về pháp ấy.

Lại nữa, Kinh (Luận) này ở trong tất cả Luận là tối thắng. Pháp thế đệ nhất ở trong tất cả pháp thiện của thế tục là tối thắng. Vì do Kinh (Luận) này là hơn hẳn, nên trước hết nói pháp thù thắng.

Lại nữa, nếu khi trụ ở pháp thế đệ nhất, gọi là Phật đích thực xuất thế có thể được tự tại thọ dụng Thánh pháp. Đức Phật xuất hiện nơi thế gian, chúng sinh nhập pháp gồm có hai hạng: (1) Giả danh. (2) Chân thật.

Hạng giả danh: Là cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, chánh tín xuất gia.

Hạng chân thật: Là phát khởi pháp thế đệ nhất, theo thứ lớp có thể nhập khổ pháp nhẫn.

Sa-môn giả danh này có hai lỗi lầm tai hại: (1) Phá giới. (2) Xả giới. Người nhập chánh pháp không có lỗi như thế.

Sa-môn chân thật thọ dụng Thánh pháp có thể đạt được tự tại, tùy thuận phần tánh của mình, trọn không có thoái mất.

Lại nữa, lúc trụ nơi pháp thế đệ nhất, từ sinh tử vô thỉ đến nay, cửa Thánh đạo đóng kín, nay bắt đầu có thể mở. Chưa từng có thể xả bỏ tánh phàm phu, nay mới có thể xả bỏ. Chưa từng có thể đạt được Thánh đạo vô lậu, nay mới có thể đạt được. Vì thế, nên trước hết nói pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, lúc trụ nơi Pháp thế đệ nhất, bỏ danh được danh, bỏ số được số, bỏ giới được giới, bỏ tánh được tánh. Bỏ danh được danh: Nghĩa là bỏ danh phàm phu, được danh Thánh nhân. Số, giới, tánh cũng như vậy.

Lại nữa, lúc trụ nơi Pháp thế đệ nhất, được tâm nhưng không được nhân của tâm, được ánh sáng nhưng không được nhân của ánh sáng, được thọ nhưng không được nhân của thọ.

Lại nữa, lúc trụ nơi Pháp thế đệ nhất kia, là đã bỏ duyên cũ được duyên mới, bỏ chung được không chung, bỏ thế gian được xuất thế gian.

Lại nữa, vì đoạn trừ nghi, nên chúng sinh gọi là tánh phàm phu, vô thủy cũng cho là vô chung. Nay nói Pháp thế đệ nhất, tức chỉ rõ cái chung cuộc của phàm phu kia.

Lại nữa, lúc trụ nơi Pháp thế đệ nhất, sự tai hại nơi thoái chuyển của phàm phu, sự biến đổi khác của phàm phu, sự cứng bướng của phàm phu, đều không khởi lại. Pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn đôi khi có khởi.

Lại nữa, lúc trụ nơi pháp ấy, không có trường hợp không được pháp bậc Thánh mà mạng chung. Noãn, Đảnh, Nhẫn thì không như vậy. Lúc trụ nơi Pháp thế đệ nhất, không có trường hợp không được Thánh đạo mà mạng chung, không được chánh quyết định thì được chánh quyết định, không được quả thì đắc quả, ra khỏi tụ bất định, nhập tụ chánh định, không có Thánh đạo thì có Thánh đạo, không có tịnh bất hoại thì có tịnh bất hoại, đều cũng như thế.

Lại nữa, trụ nơi căn thiện này, không có sự dừng lại, đình trệ. Pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn thì có dừng lại, đình trệ.

Lại nữa, lúc trụ nơi Pháp thế đệ nhất, người phàm phu đã tu niệm xứ thì đầy đủ rốt ráo. Những pháp khác thì không như thế.

Lại nữa, lúc trụ nơi pháp kia, tâm hữu lậu, vô lậu có đoạn trừ, có nối tiếp. Đoạn trừ là tâm hữu lậu. Nối tiếp là tâm vô lậu. Các pháp khác thì không như vậy.

Lại nữa, như núi chúa Tu-di an định trên kim luân, sức gió dữ dội từ bốn phương ập đến vẫn không thể làm lay động. Lúc an trụ nơi pháp này, gió tà của bốn thứ điên đảo đều không thể làm lay động.

Lại nữa, lúc trụ nơi pháp ấy, vì chỉ rõ về đầu cuối nên cũng như minh tướng chỉ rõ về đêm tàn, bắt đầu ban ngày. Pháp kia cũng như vậy, sau cuối của thế tục là bắt đầu của Thánh đạo. Như chỉ rõ về đầu cuối, độ xong, phương tiện cứu cánh ra vào của độ cũng như thế.

Lại nữa, vì muốn chỉ bày pháp tương tợ có tướng khác biệt, nên Pháp thế đệ nhất thuộc về khổ đế, có thể sinh ra đạo diệt khổ. Do thuộc về khổ, thuộc về thế tục, thuộc về sinh tử, thuộc về các hữu, thuộc về thân kiến sai khiến, nên có thể sinh ra đạo diệt khổ. Pháp khác thì không như vậy.

Lại nữa, thể của Pháp thế đệ nhất là duyên của thế tục, có thể sinh ra duyên của xuất thế. Vì thế nên nói trước.

Như thế, có cấu uế – không cấu uế, có lỗi – không lỗi, có độc – không độc, có vẩn đục – không vẩn đục, có tụ thân kiến – không tụ thân kiến, có tụ điên đảo – không tụ điên đảo, có tụ ái – không tụ ái, có tụ sử – không tụ sử, đều cũng như thế.

Lại nữa, do Pháp thế đệ nhất có thế, có lực, nên có thể tạo tác, cũng như người tráng kiện, vì trụ trong pháp này nên được quyết định đúng đắn.

Lại nữa, do ba sự việc: (1) Do nghĩa của kinh. (2) Do đình chỉ sự hủy báng. (3) Do tức sát-na này được quả. Về nghĩa của kinh và đình chỉ sự hủy báng: Như trên đã nói. Tức sát-na này được quả: Nghĩa là Pháp thế đệ nhất theo thứ lớp có thể sinh khởi khổ pháp nhẫn, gọi là quả công dụng.

Vì do các thứ nhân duyên như thế v.v…, nên trước hết nói Pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, vì muốn nghịch với thứ lớp, nói pháp phàm phu đạt được, như nói Pháp thế đệ nhất cho đến pháp Noãn, đó gọi là pháp xuất yếu do phàm phu đã đạt được. Như nói hai mươi thân kiến v.v… đó gọi là pháp phiền não của phàm phu. Hai thứ pháp này, ai có thể nhận biết? Chỉ là trí vô ngã. Thế nên trong phẩm thứ hai nói như thế này: Từng có một trí nhận biết tất cả pháp, cho đến nói rộng. Trí vô ngã này do đâu mà sinh? Do giác ngộ về duyên khởi. Thế nên trong phẩm thứ ba đã nói như vầy: Nơi đời này của một người có mười hai thứ duyên, cho đến nói rộng. Sở dĩ có thể giác ngộ về duyên khởi là do ở ái, kính. Thế nên trong phẩm thứ tư nói: Thế nào gọi là ái? Thế nào gọi là kính? Cho đến nói rộng. Ái, kính này nhân nơi gì để khởi? Do có hổ thẹn. Vì thế trong phẩm thứ năm đã nói: Thế nào là hổ? Thế nào là thẹn? Cho đến nói rộng. Ai có thể hổ thẹn? Vì hiểu rõ về pháp tướng. Do đó trong phẩm thứ sáu đã nói: Sinh, trụ, lão, vô thường trong sắc, nên nói là sắc, phi sắc, cho đến nói rộng. Do đâu có thể hiểu rõ về pháp tướng? Tức do đoạn không nghĩa, tu tập có nghĩa. Thế nên trong phẩm thứ bảy đã nói: Các lối tu khổ hạnh của người khác nên biết đều là vô nghĩa, cho đến nói rộng. Do đâu đoạn dứt không nghĩa, tu có nghĩa? Do nhớ nghĩ chân chánh, thế nên trong phẩm thứ tám đã nói: Thế nào là nghĩ? Thế nào là nhớ? Cho đến nói rộng.

Vì các sự nhân duyên ấy, muốn nghịch với thứ lớp, nói pháp phàm phu đã đạt được. Thế nên, trước hết nói Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Thế nào là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Đối với các tâm tâm số pháp, theo thứ lớp đạt được chánh quyết định (Nhập chánh tánh ly sinh: Đạt được chánh quyết định). Đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Đã có thể đạt được chánh quyết định thì sẽ có thể đạt được chánh quyết định, cũng là Pháp thế đệ nhất chăng?

Đáp: Cũng là. Nếu đã nói hiện tại nên biết tức đã nói quá khứ, vị lai.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất đạt được chánh quyết định, là lúc trụ đạt được hay là diệt rồi đạt được? Nếu lúc trụ đạt được, thì cũng là phàm phu, cũng là Thánh nhân. Nếu diệt rồi đạt được, thì vì sao không nói đã đạt được chánh quyết định mà nói là nay đạt được?

Đáp: Nên nói là đã đạt được. Sở dĩ văn kinh không nói đã đạt được, vì tự có đã đạt được nói là nay đạt được. Ví như nói: Đại vương từ nơi nào đến? Đây gọi là đã đến nhưng nói là nay đến. Đã hiểu các thọ, đã đoạn lậu, đã được giải thoát, cũng như thế.

Hoặc có thuyết cho: Nên nói thế này: Không gián đoạn đạt được chánh quyết định, đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Lời bình: Không gián đoạn đạt được chánh quyết định có khác biệt gì với thứ lớp đạt được chánh quyết định?

Lại có thuyết nói: Tuy khổ pháp nhẫn chưa sinh, nhưng Pháp thế đệ nhất này quyết định là duyên thứ đệ, thế nên nói là nay đạt được chánh quyết định.

Hoặc có thuyết cho: Đối với năm căn theo thứ lớp đạt được chánh quyết định. Đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Ai tạo ra thuyết này?

Đáp: Thuyết của người A-tỳ-đàm cũ.

Hỏi: Vì sao người A-tỳ-đàm kia nói năm căn là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Vì người kia không hẳn đã muốn cho năm căn là Pháp thế đệ nhất, nhưng vì nhằm đoạn trừ luận khác. Luận khác đó là thuyết của Tỳ-bà Xà-bà-đề, cho năm căn như tín v.v… là hoàn toàn vô lậu, tất cả phàm phu đều không thành tựu.

Hỏi: Vì sao người của Luận kia nói như thế?

Đáp: Vì người kia dựa vào kinh Phật. Kinh Phật đã nói: Năm căn mãnh liệt, nhạy bén, thông đạt đầy đủ, hướng đến A-la-hán. Nếu không có năm căn thì rơi vào số phàm phu. Người của Luận kia do kinh đã nói như thế, nên nói năm căn như tín v.v… đều là vô lậu. Vì để đoạn trừ lối biện luận như thế của người kia, nên người A-tỳ-đàm cũ đã nói năm căn như tín v.v… là Pháp thế đệ nhất. Nếu năm căn như tín v.v… là vô lậu, thì từ vô thủy đến nay, phàm phu chưa từng có thể khởi một niệm vô lậu mà được Pháp thế đệ nhất. Vậy nên biết năm căn không phải thuần là vô lậu.

Lại nữa, nếu năm căn là vô lậu, thì sẽ trái với chánh kinh của Phật. Như nói: Nếu đối với năm căn như tín v.v… Ta không có khả năng quán như thật là tập, là diệt, là vị, là tai hại, là xả, tức không thể đạt được Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, cho đến nói rộng. Không nên dùng tướng như thế để quán pháp vô lậu.

Tỳ-bà Xà-bà-đề nói: Nên dùng tướng như thế để quán pháp vô lậu. Vì sao nên quán? Như kinh nói: Vì không thể quán như thật về năm căn như tín v.v… là quán tướng riêng của tín v.v… trong năm căn do đâu mà được? Do gần gũi thiện tri thức chứa nhóm mà được. Đó gọi là quán tập.

Thế nào là quán diệt? Chưa biết, muốn biết, căn diệt rồi biết là sinh. Đó gọi là quán diệt.

Thế nào là quán vị? Vì pháp vô lậu này cũng là đối tượng duyên của ái. Đó gọi là quán vị.

Hỏi: Pháp vô lậu cũng bị ái trói buộc chăng?

Đáp: Không. Như trong pháp của ông có duyên vô lậu, sử duyên nhưng không bị trói buộc. Tôi cũng như thế.

Thế nào là quán tai hại? Vì các pháp vô lậu là không có ái. Đó gọi là quán tai hại.

Thế nào là quán xả? Vì tất cả hữu vi lúc đắc Niết-bàn đều xả bỏ hết. Đó gọi là quán xả.

Vì dứt trừ những thứ biện luận như vậy, nên nói thế này: Đối với thứ lớp của năm căn đạt được chánh quyết định. Đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, nếu chính năm căn hoàn toàn là vô lậu, thì lại trái với kinh Phật. Như nói: Ta dùng Phật nhãn quán căn của chúng sinh có thượng, trung, hạ.

Tỳ-bà Xà-bà-đề nói: Kinh Phật nói, người căn bậc thượng là A-la-hán. Người căn bậc trung là A-na-hàm. Người căn bậc hạ là Tuđà-hoàn, Tư-đà-hàm.

Dục-đa-bà-đề nói: Nếu như vậy thì Đức Thế Tôn không chuyển pháp luân mà gọi là chuyển pháp luân. Tất cả Thánh nhân đã đầy ở thế gian. Đức Phật cũng không cần phải chuyển pháp luân nữa.

Tỳ-bà Xà-bà-đề nói: Sở dĩ Đức Thế Tôn nói các căn thượng trung hạ của các chúng sinh là nói chỗ nương dựa của các căn, chứ không nói thể của căn.

Dục-đa-bà-đề nói: Nếu như vậy thì lại trái với Kinh (Luận) này.

Như nói Bà-la-môn Xà-đề Du-na đi đến chỗ Đức Phật, bạch: Sa-môn Cù-đàm nói có bao nhiêu căn? Phật đáp: Có hai mươi hai căn.

Đây cũng là nói chỗ nương dựa của căn, nhưng cùng đồng nói là căn. Một là đối tượng nương dựa của căn, một là thể của căn, thì không có điều ấy. Thế nên, năm căn như tín v.v… nên là hữu lậu, vô lậu.

Hỏi: Tỳ-bà Xà-bà-đề đã dẫn kinh Phật, phải làm sao thông suốt?

Đáp: Năm căn như tín v.v… có hai thứ: Hữu lậu, vô lậu. Kinh kia chỉ nói về vô lậu. Vì sao? Vì nhân nơi các căn để nói về sự khác biệt của Thánh nhân. Lại nữa, năm căn là hữu lậu, vô lậu, nhưng kinh kia chỉ nói về vô lậu. Vì sao? Vì Thánh là pháp đối trị, nên Thánh nhân có khác biệt.

Hỏi: Ở trên nói: Nếu không có năm căn thì sẽ rơi vào số phàm phu. Câu nói này làm sao thông suốt?

Đáp: Nói rơi vào số phàm phu, có nghĩa là phàm phu dứt bỏ căn thiện.

Hoặc có thuyết cho: Thuyết của Độc Tử Bộ nói: Năm căn là Pháp thế đệ nhất. Vì sao? Vì năm căn là tánh thiện, do năm căn là thiện, nên pháp số khác cũng thiện, cũng do căn nên Thánh nhân có khác biệt. Như nói: Năm căn mãnh liệt, nhạy bén, thông đạt đầy đủ, được A-la-hán, nói rộng như trên.

Hỏi: Do sự việc nào Tôn giả Ca Chiên Diên Tử dẫn chỗ lập nghĩa của Độc Tử Bộ?

Đáp: Vì Độc Tử Bộ kia đã nói, so với Kinh này có đôi chút mâu thuẫn. Đó là cho năm căn là Pháp thế đệ nhất và tánh của phàm phu hoàn toàn là nhiễm ô. Thuyết kia cho khổ đế đoạn trừ mười sử của cõi dục, là tánh của phàm phu. Niết-bàn có ba loại là học, vô học, phi học phi vô học. A-tu-la là đạo thứ sáu. Nói có ngã, nhân. Vì các sự việc như thế v.v…, nên nếu nói năm, hoặc sáu, đều trái với Kinh này. Đừng cho thuyết của Bộ kia đã nói đều đồng với Kinh này. Người tạo Kinh (Luận) kia vì muốn đoạn ý như thế, nên tiếp theo nói như vầy: Như nghĩa của tôi đối với các tâm tâm số pháp, theo thứ lớp đạt được chánh quyết định, đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Như ông vừa nói: Tánh của năm căn là thiện, tánh của tâm tâm số pháp khác không phải là thiện, nên là bất thiện, vô ký chăng? Nếu do tánh của năm căn là thiện, thì bất thiện, vô ký gần gũi với năm căn cũng gọi là thiện. Nay năm căn cũng gần gũi với bất thiện, vô ký, nên là bất thiện, vô ký chăng?

Đáp: Điều này là không đúng. Vì sao? Vì căn cùng với tâm tâm số pháp đều đồng một đối tượng nương dựa, đồng một hành, đồng một đối tượng duyên, đồng một quả, đồng một nương dựa, đồng một báo, cùng thành một việc, mà cho tánh của năm căn là thiện, là gần gũi với thiện, thì chỉ là vọng tưởng chấp giữ.

Hoặc có thuyết nói: Người trì tụng Tu-đa-la nói năm căn là Pháp thế đệ nhất.

Tôn giả Đạt-ma-đa-la nói: Thể tánh của Pháp thế đệ nhất là tư, gọi là khác biệt.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Thể tánh của Pháp thế đệ nhất là tâm, gọi là khác biệt. Vì sao? Vì tâm tín khác, cho đến tâm tuệ khác. Nếu có chúng sinh có thể ở trong một lúc dùng năm thứ tâm theo thứ lớp đạt được chánh quyết định, thì không có điều ấy. Nếu mỗi một tâm theo thứ lớp đạt được chánh quyết định, thì điều này là có.

Hỏi: Nếu như vậy thì do pháp bất tương ưng đạt được chánh quyết định chăng?

Đáp: Không. Vì sao? Vì pháp của ông tâm không cùng với tâm tương ưng, là đối tượng duyên của hữu vi. Vì là đối tượng duyên của hữu vi, nên có thể theo thứ lớp đạt được chánh quyết định. Tín của Tôi cũng thế, không cùng với tín tương ưng, có thể có đối tượng duyên. Vì có đối tượng duyên, nên theo thứ lớp đạt được chánh quyết định. Cho đến tuệ cũng như thế.

Hỏi: Nếu như vậy thì có lỗi lớn. Vì sao? Vì nếu chỉ có tâm tín đạt được chánh quyết định, không do tinh tấn, niệm, định, tuệ đạt được chánh quyết định, thì lười biếng, mất niệm, ý loạn, tuệ ác, cũng nên theo thứ lớp đạt được chánh quyết định chăng? Cho đến tuệ cũng như thế.

Đáp: Vì đoạn trừ các ý như thế của người kia, nên cố ý nói thế này: Như nghĩa của Tôi đối với các tâm tâm số pháp, theo thứ lớp đạt được chánh quyết định, là Pháp thế đệ nhất. Như nghĩa của Tôi, nghĩa là không điên đảo, thuận pháp tánh, văn kinh đồng với ý của Tôi, nên nói thế này: Các tâm tâm số pháp theo thứ lớp đạt được chánh quyết định. Đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Tôn giả Ca Chiên Diên Tử kia vì muốn hiển thị nghĩa chánh, nên nói Pháp thế đệ nhất cũng là căn, cũng không phải là căn.

Hỏi: Như Pháp thế đệ nhất hiện ở trước, tâm tâm số pháp trong đời vị lai cũng tu năm căn kia là Pháp thế đệ nhất chăng?

Đáp: Hoặc có người nói: Dựa như bản Kinh (Luận) thì không phải là Pháp thế đệ nhất. Vì sao? Vì bản Kinh (Luận) nói: Các tâm tâm số pháp theo thứ lớp đạt được chánh quyết định, là Pháp thế đệ nhất. Tâm tâm số pháp nơi vị lai kia không thể tạo ra thứ lớp, thế nên không phải là Pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, nếu cho là vậy thì lại trái với bản kinh. Như nói, Pháp thế đệ nhất nên nói là một tâm, không phải là nói nhiều tâm.

Lời bình: Nên nói thế này: Tâm tâm số pháp nơi vị lai kia cũng là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Tâm tâm số pháp nơi vị lai kia không thể làm duyên thứ đệ làm sao là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Tâm tâm số pháp nơi vị lai kia tuy không thể làm duyên thứ đệ, nhưng có thể tùy thuận tạo ra pháp thứ lớp. Ví như Tỳkheo lúc bố-tát, không ở trong Tăng, nhưng vẫn gởi dục cho Tăng, cũng được gọi là bố-tát, sự việc Tăng cũng thành. Như thế, người kia ở trong đời vị lai, vì hiện tại được như người gởi dục. Nếu trong đời vị lai không có hiện tại, vì không được như người gởi dục, thì người hiện tại hôm nay cũng không thể tạo ra thứ lớp. Nếu tạo ra thứ lớp, nên biết đó đều là sức của người vị lai. Vì sao? Vì người ở vị lai kia không cùng với Thánh đạo tạo ra chướng ngại. Lại nữa, nếu tâm tâm số pháp nơi vị lai kia không phải là Pháp thế đệ nhất, tất sẽ mâu thuẫn với văn kinh của Kiền độ Trí. Vì sao? Vì như chưa từng được đạo, nay hiện ở trước, gieo trồng sự tu tương tợ trong đời vị lai kia. Nếu người nào không tạo ra Pháp thế đệ nhất ở đời vị lai, thì vì sao gọi là gieo trồng sự tu tương tợ ấy. Do sự việc này, nên tâm tâm số pháp nơi vị lai kia cũng là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Nếu vị lai là Pháp thế đệ nhất, thì vì sao văn Kinh (Luận) không nói?

Đáp: Nếu có thể cho duyên thứ đệ thì văn Kinh (Luận) mới nói. Vì pháp kia không thể cho duyên thứ đệ nên Luận không nói. Lại nữa, nếu ba đời lưu chuyển thì Kinh (Luận) nói. Vị lai thì không như vậy.

Hoặc có thuyết nói: Từ nhân mà sinh, thành tựu pháp này, trụ ở trong thân, thế nên nói là Pháp thế đệ nhất. Người vị lai kia tuy từ nhân sinh, thành tựu pháp này, nhưng vì không ở trong thân, thế nên không nói.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao không phải là nhiều tâm?

Đáp: Vì trong đây chỉ nói sát-na hiện tại có thể thành sự, nên không phải là nhiều tâm.

Hoặc có thuyết nói: Nếu có thể khiến cho người tu trong đời vị lai thì nói. Vị lai thì không như vậy.

Hoặc có thuyết cho: Hoặc tâm là nhân của người kia, tâm của người kia là quả của người này, vì thế nên nói. Vị lai thì không như vậy.

Hoặc có thuyết nêu: Có thể cho nhân, có thể nhận lấy quả ở trong thân, có thể có đối tượng duyên, vì thế nên nói. Vị lai thì không như vậy.

Hoặc có thuyết cho: Có hai nghĩa tu, vì thế nên nói. Người vị lai kia chỉ có tu đắc, không có tu hành, thế nên không nói.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất kia đều cùng sinh sắc tâm và bất tương ưng hành thì có được là Pháp thế đệ nhất này không?

Đáp: Hoặc có người nói: Như bản Kinh (Luận) nói: Pháp kia không phải là Pháp thế đệ nhất. Vì sao? Vì pháp kia không thể cho duyên thứ đệ.

Lời bình: Nên nói thế này: Pháp kia cũng là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp kia không thể cho duyên thứ đệ, vì sao gọi là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Pháp kia tuy không thể cho duyên thứ đệ, nhưng có thể tùy thuận nghĩa của duyên thứ đệ. Vì sao? Vì pháp kia với Pháp thế đệ nhất đều cùng sinh, trụ, diệt, đồng một quả, một nương dựa, một báo, vì thế nên nói.

Hỏi: Nếu pháp kia là Pháp thế đệ nhất, thì vì sao bản Kinh (Luận) không nói?

Đáp: Vì pháp kia không thể cho duyên thứ đệ, thế nên không nói.

Hoặc có thuyết cho: Nếu từ nhân sinh, thành tựu pháp này, có thể có đối tượng duyên, vì thế nên nói. Pháp kia tuy từ nhân sinh, thành tựu pháp này, nhưng không thể có đối tượng duyên, thế nên không nói.

Hoặc có thuyết nói: Nếu là tương ưng, có nương dựa, có thế mạnh, có hành có duyên, vì thế nên nói. Pháp kia không phải là tương ưng, không có nương dựa, không có thế mạnh, không có hành, không có duyên, thế nên không nói.

Hỏi: Đắc của Pháp thế đệ nhất kia có phải là Pháp thế đệ nhất chăng?

Đáp: Pháp ấy không phải là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Vì sao sinh, trụ, vô thường là Pháp thế đệ nhất, còn đắc thì không phải?

Đáp: Pháp thế đệ nhất của một sự như sinh v.v… đều đồng một quả, cùng hành, không lìa nhau, thường theo bên nhau, không có trước sau. Còn đắc thì không như thế, không đồng một quả, hành không chung, xa lìa nhau, không theo nhau và có trước sau. Hoặc lìa pháp đã chứng đắc, như vỏ cây lìa khỏi cây. Do nghĩa này nên không phải là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Vì nghĩa gì mà đắc của quả Sa-môn tức là quả Sa-môn, còn đắc của Pháp thế đệ nhất này lại không phải là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Vì đắc thành tựu nên gọi là quả Sa-môn, do đấy đắc tức là quả Sa-môn, có thể cho duyên thứ đệ, cũng có thể tùy thuận nghĩa của duyên thứ đệ, nên được gọi là Pháp thế đệ nhất. Còn Đắc thì không như thế, vì vậy không phải là Pháp thế đệ nhất. Như thế, đạt phần căn thiện còn lại, Đắc không phải đạt phần căn thiện. Vì sao? Nếu Đắc tức là đạt phần căn thiện, là đã được quả Thánh, nên lại khởi đạt phần căn thiện hiện ở trước, vì đắc thành tựu, thật sự thì không như vậy. Thế nên đắc không phải là đạt phần căn thiện.

Hoặc có thuyết nói: Nếu Pháp thế đệ nhất khởi chung đều cùng sinh thì gọi là Pháp thế đệ nhất, sinh sau thì không phải. Đạt phần căn thiện còn lại cũng như thế.

Hoặc có thuyết cho: Đắc tức là Pháp thế đệ nhất. Ngoài ra, đắc của đạt phần căn thiện tức là đạt phần căn thiện.

Hỏi: Nếu như vậy thì đã được quả Thánh nên phải khởi lại đạt phần căn thiện hiện ở trước chăng?

Đáp: Hoặc hiện tiền, hoặc không hiện ở trước.

Thế nào là hiện tiền? Đó gọi là đắc.

Thế nào là không hiện ở trước? Đó gọi là các pháp tương ưng.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết như thế. Như thuyết trước đã nói là tốt.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất có bao nhiêu niệm xứ?

Đáp: Hiện tại có một pháp niệm xứ của duyên hư hoại. Ở vị lai có bốn.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm bốn duyên: Duyên nhân: Là tương ưng với nhân câu hữu. Duyên thứ đệ: Là cùng với khổ pháp nhẫn làm duyên thứ đệ. Duyên cảnh giới: Là làm đối tượng duyên của nhẫn trí. Duyên oai thế: Là trừ tự thể của nó, tất cả các pháp khác là pháp sinh của duyên kia.

Nơi Pháp thế đệ nhất cũng có bốn duyên: Duyên nhân: Là pháp tương ưng cùng có. Duyên thứ đệ: Là khổ nhẫn. Duyên cảnh giới: Là năm ấm của cõi dục. Duyên oai thế: Là trừ tự thể của nó, tất cả các pháp khác lại có nghĩa của người nói. (Đối chiếu: Bốn duyên theo cách dịch của Pháp sư Huyền Tráng – chuẩn: Duyên nhân, Duyên đẳng vô gián, Duyên sở duyên và Duyên tăng thượng – ND.)

Hỏi: Thế nào gọi là Pháp xuất thế đệ nhất?

Đáp: Là khổ pháp nhẫn. Vì sao? Vì là chủng tử của Thánh đạo.

Lại có thuyết nói: Là định kim cang dụ. Vì sao? Vì có thể diệt hết các kiết, được quả rốt ráo.

Lại có thuyết cho: Là tận trí. Vì sao? Vì đầu tiên được tận trí, lúc tịnh tu pháp vô lậu khác.

Lại có thuyết nêu: Là chánh tam muội. Vì sao? Vì trong tất cả pháp hữu vi đạt được, chánh định là hơn hết.

Lại có thuyết nói: Là Niết-bàn. Vì sao? Vì trong tất cả pháp Niết-bàn là thù thắng vi diệu nhất.

Lại có thuyết cho: Là tâm sau cùng của A-la-hán. Vì sao? Vì tâm sau cùng của phàm phu gọi là Pháp thế đệ nhất. Tâm sau cùng của A-la-hán gọi là Pháp xuất thế đệ nhất.

Lời bình: Không nên nói lời ấy, vì tâm sau cùng của A-la-hán không phải là pháp xuất thế. Nói như thuyết trước là tốt.

Hỏi: Từng có Pháp thế đệ nhất không làm duyên thứ đệ cho khổ pháp nhẫn chăng?

Đáp: Có. Là pháp sắc, tâm bất tương ưng của pháp thế gian đệ nhất.

Hỏi: Từng có pháp tương ưng nào không làm duyên thứ đệ cho khổ pháp nhẫn chăng?

Đáp: Có. Là người tu vị lai.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Nếu do tâm tín đạt được chánh quyết định, đó gọi là Pháp thế đệ nhất làm duyên thứ đệ cho khổ pháp nhẫn. Ngoài ra, tâm tinh tấn, niệm, định, tuệ, đó gọi là Pháp thế đệ nhất nhưng không làm duyên thứ đệ cho khổ pháp nhẫn.

Sa-môn của Pháp thuyết tương tợ nói: Thọ làm duyên thứ đệ cho thọ, không cùng với tưởng v.v… Tâm số pháp khác cũng như thế. Lúc tâm pháp sinh gặp duyên liền sinh. Nếu ái duyên trước thì sinh lạc thọ. Dục hữu nơi đối tượng tưởng thì sinh tưởng. Dục hữu nơi đối tượng tạo tác thì sinh tư.

Hỏi: Nếu như vậy thì không có nghĩa thứ lớp tương tợ?

Đáp: Có. Song chẳng phải mỗi mỗi thứ lớp. Như trong pháp của ông, chúng sinh vô tưởng, khi sinh tâm diệt, khi chết tâm sinh, tướng tuy cách xa, nhưng tạo được thứ lớp. Pháp của tôi cũng vậy. Như thọ diệt tưởng cùng sinh, trở lại sinh thọ. Tướng tuy cách xa nhưng tạo được thứ lớp.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết như vậy. Tâm cùng với tâm tạo ra thứ lớp. Thọ cùng với thọ tạo ra thứ lớp. Tâm tâm số pháp sinh mỗi mỗi thứ lớp, tạo ra duyên thứ đệ. Nếu tạo ra thuyết như vậy thì mâu thuẫn với văn kinh (Luận). Như nói: Thế nào là pháp thứ lớp của tâm? Đáp: Chính là tâm tâm số pháp.

Nếu như vậy thì lại có lỗi. Như dựa tam muội có giác có quán (có tầm có tứ), nhập tam muội không giác không quán. Vì tam muội có giác có quán không nên cùng với tam muội không giác không quán tạo ra duyên thứ đệ. Cho nên không có sự tương tợ. Tam muội không giác không quán thì không từ nơi duyên thứ đệ sinh. Nếu dựa vào tam muội không giác không quán nhập tam muội có giác có quán cũng như vậy.

Nếu như thế thì không có giải thoát. Vì sao? Vì muốn tương ưng, tâm chỉ sinh thứ lớp, muốn tương ưng, tâm quán bất tịnh v.v… và các tâm thiện không do đó được sinh. Nếu tâm thiện không sinh tức không có giải thoát. Do có nhiều lỗi như thế, nên nói như thuyết ban đầu là tốt hơn hết.

* Do những gì nên gọi là Pháp thế đệ nhất, cho đến nói rộng?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy đã nói về thể tánh của Pháp thế đệ nhất, chưa nói lý do gọi là Pháp thế đệ nhất, nay sẽ nói. Cũng như có người ở đời được xưng tụng nói là hơn hết, nhưng chưa biết là vì dòng họ, tiền tài, sức lực, quyến thuộc nên nói là hơn hết. Người tạo ra phần Luận này cũng như vậy.

Nay muốn nói về lý do được gọi là Pháp thế đệ nhất.

Gọi là đệ nhất, nghĩa là tâm, tâm pháp đó đối với các pháp khác là cao tột, là hơn hết, là lớn, là tôn quý, là vi diệu. Do những nghĩa như vậy nên gọi là đệ nhất.

Hỏi: Nói đệ nhất, nghĩa là ở trong pháp thế gian, thì toàn bộ là hơn hay từng phần là hơn?

Nếu toàn bộ là hơn thì nó không hơn Đẳng trí kiến đế biên. Vì sao? Vì Đẳng trí kia là quyến thuộc của kiến đạo không lìa nhau. Tuệ lực là hơn hết, vì hết thảy tuệ lực của kiến đạo phần nhiều đều nghiêng về đấy. Lại nữa, đệ nhất kia cũng không hơn sự huân tu thiền thanh tịnh. Vì sao? Vì sự huân tu thiền không cùng với phàm phu đồng sinh một xứ. Lại nữa, đệ nhất kia cũng không hơn được tất cả căn thiện lúc đạt được tận trí. Vì sao? Vì lúc đạt được tận trí, căn thiện đã tu vĩnh viễn lìa hết thảy chướng ngại cấu uế. Lại nữa, đệ nhất kia cũng không hơn không nơi tam muội không, vô nguyện nơi tam muội vô nguyện, vô tướng nơi tam muội vô tướng. Vì sao? Vì không nơi tam muội không v.v… cho đến vô lậu xấu kém cũng không có huống chi là có hữu lậu.

Còn nếu là từng phần hơn thì pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn kia cũng nên nói là đệ nhất.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nên nói là từng phần hơn. Vì sao? Vì chỉ hơn đối với các pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn.

Lại có thuyết nói: Đệ nhất, nghĩa là pháp kia tất phải hơn hết thảy thiền có được của phàm phu, đến vô lượng giải thoát, trừ nhập, nhất thiết nhập cho đến tư trong đệ nhất hữu. (Trừ nhập, Nhất thiết nhập: Thắng xứ, Biến xứ – ND)

Hoặc có thuyết cho: Pháp đó thì toàn bộ là hơn hết. Nói toàn bộ hơn, tức chẳng phải cho là hơn hết trong hết thảy sự nghiệp, chỉ do có khả năng mở cửa Thánh đạo, nên là hơn hết. Biên đẳng trí của kiến đạo kia, tuy là quyến thuộc của kiến đạo không xa lìa nhau, tuệ lực hơn hết, nhưng không có khả năng mở cửa Thánh đạo. Như đẳng trí, huân tu thiền tịnh, tận trí, căn thiện cùng sinh, không nơi tam muội không v.v… không thể mở cửa Thánh đạo cũng lại như vậy.

Hoặc có thuyết nói: Toàn bộ là hơn hết, vì có khả năng mở cửa Thánh đạo. Biên đẳng trí của kiến đạo tuy là quyến thuộc của Thánh đạo, cho đến tánh tuệ phần nhiều đều nghiêng về, nếu đang là Pháp thế đệ nhất thì không mở cửa Thánh đạo, nghĩa là pháp ấy không tu, nếu tu đắc thì đều là sức nơi công dụng của Pháp thế đệ nhất kia.

Ngoài ra, huân tu thiền tịnh, tận trí, căn thiện cùng sinh, không nơi tam muội không v.v… cũng lại như vậy.

Hỏi: Đệ nhất có nghĩa là gì?

Đáp: Nghĩa tối thắng là nghĩa đệ nhất. Nghĩa được quả tốt đẹp là nghĩa đệ nhất. Nghĩa có thể nhập nơi phần thù thắng phá trừ Hữu đảnh là nghĩa đệ nhất. Nghĩa của tâm sau cùng là nghĩa đệ nhất. Như trên đỉnh của lá cờ cao, không có gì trên đó nữa.

Hỏi: Nói trên hết và tối thắng có những sai biệt gì?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không có sai biệt. Vì sao? Vì lời đó đều là những lời nói tán thán về nghĩa thượng diệu.

Hoặc có thuyết cho: Do căn thiện nên có sai biệt. Đối với quán bất tịnh, an ban (quán sổ tức), gọi là cao tột. Đối với văn tuệ gọi là hơn hết. Đối với tư tuệ gọi là lớn. Đối với pháp Noãn gọi là tôn quý. Đối với pháp Đảnh gọi là trên. Đối với pháp Nhẫn gọi là tốt đẹp.

Hoặc có thuyết nói: Do địa nên có sai biệt. Nếu dựa vào định vị chí gọi là cao tột. Nếu dựa vào thiền thứ nhất gọi là hơn hết. Nếu dựa vào trung gian gọi là lớn. Nếu dựa vào thiền thứ hai gọi là tôn quý. Nếu dựa vào thiền thứ ba gọi là trên. Nếu dựa vào thiền thứ tư gọi là tốt đẹp.

Hoặc có thuyết nói: Nghĩa Biên Đảnh gọi là cao tột. Nghĩa trên gọi là hơn. Nghĩa tăng thiện gọi là lớn. Nghĩa thăng tiến gọi là tôn quý. Nghĩa kiên cố gọi là trên. Nghĩa đầy đủ gọi là tốt đẹp.

Lại có thuyết cho: Có khả năng cùng với khổ pháp nhẫn tạo ra thứ lớp nên gọi là cao tột. Hơn các căn thiện của phàm phu nên gọi là hơn. Tạo sự thắng tấn nên gọi là lớn. Hơn căn thiện của thế tục nên gọi là tôn quý. Không hai nên gọi là trên. Cùng tương ưng với vô lậu nên gọi là tốt đẹp.

Lại có thuyết nói: Vì cao tột nên gọi là hơn. Vì hơn nên gọi là lớn. Do lớn nên gọi là tôn quý. Do tôn quý nên gọi là trên. Vì trên nên gọi là tốt đẹp.

Lại có thuyết cho: Là tâm sau cùng của phàm phu nên gọi là cao tột, cũng như cây đứng thẳng. Có thể mở cửa Thánh đạo nên gọi là hơn. Căn mãnh liệt, nhạy bén nên gọi là lớn. Hơn cả trong phần căn thiện đạt được nên gọi là tôn quý. Hàng phục phiền não nên gọi là trên. Được quả tốt nên gọi là diệu.

Lại nữa, tâm, tâm pháp đó là xả bỏ tánh phàm phu.

Hỏi: Xả bỏ tánh phàm phu là Pháp thế đệ nhất hay là khổ pháp nhẫn? Nếu Pháp thế đệ nhất xả bỏ tánh phàm phu thì làm thế nào nơi một sát-na, dùng pháp phàm phu xả bỏ tánh phàm phu? Nếu cho khổ pháp nhẫn xả bỏ tánh phàm phu, là cho lúc sinh xả bỏ hay là lúc diệt xả bỏ? Nếu cho lúc sinh xả bỏ, thì làm thế nào pháp chưa khởi mà có thể có chỗ tạo tác? Nếu cho lúc diệt xả bỏ, thì chủ thể xả bỏ kia đã diệt rồi đâu còn gì để lại xả bỏ?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Tức là khi Pháp thế đệ nhất này xả bỏ.

Hỏi: Nếu như vậy thì làm sao nơi một sát-na dùng pháp phàm phu xả bỏ tánh phàm phu?

Đáp: Tánh phàm phu, tướng của Pháp thế đệ nhất là sự ngăn ngại. Cho nên khi trụ nơi Pháp thế đệ nhất thì xả bỏ. Như người chuyên dạy voi, cỡi voi điều khiển, đốc thúc voi. Người chuyên dạy ngựa, người điều khiển thuyền, người vượt hơn kẻ oán cũng lại như vậy.

Lại có thuyết cho: Khi khổ pháp nhẫn sinh thì xả bỏ, khi tánh phàm phu diệt là đoạn mười sử do kiến khổ đoạn. Như khi đèn sáng thì xua tan bóng tối và sáng cho đến khi tim đèn tàn, dầu cạn hết.

Hỏi: Nếu như vậy thì làm sao pháp chưa khởi mà có thể có sự tạo tác? Lại, một pháp tức không thể làm được hai việc?

Đáp: Nếu như thế thì đâu có lỗi gì. Hết thảy pháp nội đều có hai thứ, ở trong vị lai, có thể có đối tượng tạo tác tương ưng là khổ pháp nhẫn, không tương ưng là tướng sinh. Tất cả pháp ngoại, ở đời vị lai đều có thể có đối tượng tạo tác, chính là đèn.

Hoặc có thuyết nói: Pháp thế đệ nhất và khổ pháp nhẫn đều cùng xả bỏ tánh phàm phu. Pháp thế đệ nhất như đạo vô ngại, khổ pháp nhẫn như đạo giải thoát. Pháp thế đệ nhất cùng với tánh phàm phu thành tựu được cùng diệt, khổ pháp nhẫn cùng với tánh phàm phu không thành tựu được cùng sinh. Pháp thế đệ nhất nương dựa nơi khổ pháp nhẫn, khổ pháp nhẫn hỗ trợ cho uy lực của Pháp thế đệ nhất mới có thể xả bỏ tánh phàm phu. Ví như người yếu kém phải nhờ dựa nơi người mạnh mới có thể chế ngự được những oán thù. Đây cũng như thế.

Được Thánh pháp là khổ pháp nhẫn. Xả bỏ tánh tà là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Tánh tà có ba thứ: Một là tánh tà của nẻo. Hai là tánh tà của nghiệp. Ba là tánh tà của kiến. Tánh tà của nẻo, nghĩa là ba nẻo ác. Tánh tà của nghiệp, đó là năm nghiệp vô gián. Tánh tà của kiến, đó là năm kiến. Đối với ba thứ tánh tà ấy thì xả bỏ những gì? Nếu xả bỏ tánh tà của nghiệp, nẻo, thì bấy giờ không thành tựu. Nếu xả bỏ tánh tà của kiến thì đạo tỷ trí hiện ở trước mặt bấy giờ mới xả.

Đáp: Ba thứ đều cùng xả bỏ.

Hỏi: Thế nào là cùng xả bỏ?

Đáp: Không đi đến, không tạo, không hành, gọi là xả. Không đi đến: Nghĩa là xả bỏ tánh tà của nẻo. Không tạo: Nghĩa là xả bỏ tánh tà của nghiệp. Không hành: Nghĩa là xả bỏ tánh tà của kiến.

Hỏi: Nếu như vậy thì khi trụ nơi thượng nhẫn đã xả bỏ, sao lại nói là trụ nơi Pháp thế đệ nhất mới xả bỏ?

Đáp: Vì phá trừ chỗ nương dựa của nó. Các phiền não dùng tánh phàm phu làm chỗ nương dựa để có thể khởi những lỗi lầm tai họa trong sinh tử. Cũng như sư tử, dựa vào hang sâu, có thể bắt hại các loài thú khác. Việc kia cũng như vậy. Cho nên nói khi trụ nơi Pháp thế đệ nhất mới xả bỏ.

Hoặc có thuyết cho: Khổ pháp nhẫn là sự đối trị của tánh tà.

Hỏi: Tánh tà của nẻo, tánh tà của nghiệp là do tu đạo đoạn. Sao còn nói khổ pháp nhẫn là sự đối trị của chúng?

Đáp: Đối trị có nhiều cách. Có đối trị bằng xả bỏ, có đối trị bằng đoạn trừ, có đối trị bằng nắm giữ, có đối trị bằng không tạo tác, có đối trị bằng không hướng tới. Khổ pháp nhẫn là đối trị bằng xả bỏ của tánh phàm phu. Kiến khổ đoạn mười sử là đối trị bằng đoạn trừ. Các đạo vô lậu là đối trị bằng nắm giữ. Không tạo nghiệp vô gián và nghiệp bất thiện khác là đối trị bằng không tạo tác. Không hướng tới đường ác là đối trị bằng không hướng tới. Tất cả những điều đó gọi là xả bỏ tánh tà.

Đắc tánh chánh là khổ pháp nhẫn. Đắc quyết định chánh là kiến đạo.

Hỏi: Tất cả Thánh đạo là quyết định chánh. Sao lại chỉ nêu xưng một mình kiến đạo?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Các phiền não khiến cho căn thiện của chúng sinh không thành thục, ái nhuần thấm làm tăng trưởng nhiễm chấp không lìa. Đạo kiến đế kia có thể khiến cho căn thiện của chúng sinh thành thục, làm khô cạn nước ái, lìa những nhiễm chấp, không tạo ra chướng ngại che phủ, không bị hư hoại, tâm không xen tạp với các thứ khác, nên kiến đạo gọi là quyết định đúng đắn.

Hoặc có thuyết cho: Chúng sinh căn thành thục, nhập nơi Thánh đạo, cho nên kiến đạo gọi là quyết định chân chánh.

Lại có thuyết nói: Nhổ sạch gốc rễ phiền não, nhập nơi Thánh đạo, thế nên kiến đạo được gọi là quyết định đúng đắn.

Lại có thuyết cho: Xả bỏ chủng loại của năm người, nhập tánh của tám người, cho nên kiến đạo được gọi là quyết định chánh.

Lại có thuyết nói: Trợ giúp, nuôi lớn, gọi là quyết định chánh. Cũng như bò, ngựa nhờ vào nước, cỏ để nuôi lớn tánh mạng. Tất cả Thánh nhân nhờ vào kiến đạo để nuôi lớn tuệ mạng, cho nên kiến đạo được gọi là quyết định chân chánh.

Hoặc có thuyết cho: Pháp đó giải thoát sự trói buộc nên vĩnh viễn không bị hệ thuộc, vì thế kiến đạo gọi là quyết định chân chánh.

Hoặc có thuyết nói: Chánh tất nghĩa định, là nghĩa quyết định. Tự có quyết định nhưng chẳng phải chánh, đó là định tà, cho nên tất định gọi là chánh quyết định.

Hoặc có thuyết cho: Nghĩa tương ưng như pháp, là nghĩa quyết định. Kiến đạo tương ưng như pháp nên gọi là chánh quyết định.

Hỏi: Các chánh là tánh chánh chăng?

Đáp: Các tánh chánh là chánh kia.

Hỏi: Từng có chánh chẳng phải là tánh chánh chăng?

Đáp: Có. Là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Do đâu Pháp thế đệ nhất là chánh nhưng chẳng phải tánh chánh?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, do hành ác phiền não, tà kiến điên đảo, khiến tâm ấy não loạn. Nếu trụ nơi Pháp thế đệ nhất tức có thể chế phục, cho nên gọi là thể của chánh, nhưng đấy là hữu lậu, là sử đã sai khiến (tùy tăng), nên không gọi là tánh chánh.

Lại có thuyết cho: Nghĩa bình đẳng là nghĩa của chánh. Giống như nơi bàn cân, đem một vật treo ở giữa, bên nghiêng lệch tức là thấp. Như vậy, Pháp thế đệ nhất cùng trụ với tánh phàm phu. Kiến đạo trung gian, nếu là khổ pháp nhẫn, phần nhiều phát sinh là nghiêng về Thánh đạo. Cho nên nghĩa bình đẳng là nghĩa của chánh.

Lại có thuyết nói: Nghĩa bình đẳng là nghĩa của chánh. Phật, Phật-bích-chi, A-la-hán cùng trụ nơi pháp tối thượng. Cho nên nghĩa bình đẳng là nghĩa của chánh.

Lại có thuyết cho: Nghĩa cùng hành hiện tiền là nghĩa của chánh, vì tất cả hành nơi con người đều cùng trụ nơi một sát-na.

Lại có thuyết nói: Pháp thế đệ nhất kia cùng với khổ pháp nhẫn, bốn sự là đồng đẳng, đó là Địa, Căn, Hành, Duyên.

Địa: Như khổ pháp nhẫn nương dựa vào địa nào, cùng tương ưng với căn nào, hành thì hành những gì, duyên nơi pháp nào? Pháp kia cũng như vậy, cùng với khổ pháp nhẫn, bốn sự đồng nên gọi là thể của chánh. Vì là hữu lậu, là sử đã sai khiến nên không gọi là tánh chánh.

HẾT – QUYỂN 1