LUẬN A TỲ ĐÀM BÁT KIỀN ĐỘ
Tác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Hán dịch: Đời Phù Tần, Sa môn Tăng Già Đề Ba và Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 12

Kiền độ thứ 3: TRÍ Phẩm 4: BÀN VỀ TU TRÍ, phần 2

Hỏi: Nếu khi tu tha tâm trí thì cũng tu Tập trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu tha tâm trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu tha tâm trí không phải là tu tập trí? Là tha tâm trí nơi người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được tha tâm trí hiện ở trước. Hoặc đã không được thế tục trí hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí, vào lúc nầy được tu tha tâm trí. Hoặc A-la-hán học kiến tích đã được tha tâm trí hiện ở trước. Đây là tu tha tâm trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu tập trí không phải là tu tha tâm trí? Là khi tập pháp trí, tập vị tri trí đã nhập hiện quán, không có tha tâm trí, đạo vị tri trí cũng nhập hiện quán. Nếu A-la-hán học kiến tích đã được tập trí hiện ở trước, hoặc nếu không được trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc ấy không tu tha tâm trí. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, lúc nầy được tu tập trí, không phải là tha tâm trí. Đây là tu tập trí không phải là tu tha tâm trí.

Thế nào là tu tha tâm trí cũng là tu tập trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán có tha tâm trí, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu đã hiện ở trước, vào lúc nầy được tu tha tâm trí cùng tập trí. Đây là tu tha tâm trí cũng là tu tập trí.

Thế nào là không phải tu tha tâm trí cũng không phải tu tập trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí, tận pháp trí, tận vị tri trí, đạo pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy không tu tha tâm trí cùng tập trí. Tất cả không có tha tâm trí, là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu tha tâm trí, tập trí. Đây là không phải tu tha tâm trí cũng không phải tu tập trí.

Hỏi: Nếu khi tu tha tâm trí thì cũng tu Tận trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu tha tâm trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tha tâm trí không phải là tu tận trí? Là tha tâm trí nơi người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được tha tâm trí hiện ở trước. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí, lúc nầy được tu tha tâm trí. Hoặc A-la-hán học kiến tích đã được tha tâm trí hiện ở trước. Đây là tu tha tâm trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tận trí không phải là tu tha tâm trí? Là khi tận pháp trí, tận vị tri trí đã nhập hiện quán không có tha tâm trí, đạo vị tri trí cũng nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tận trí hiện ở trước. Hoặc không được trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy không tu tha tâm trí. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy được tu tận trí, không phải là tha tâm trí. Đây là tu tận trí không phải là tu tha tâm trí.

Thế nào là tu tha tâm trí cũng là tu tận trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán có tha tâm trí, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu tha tâm trí và tận trí. Đây là tu tha tâm trí cũng là tu tận trí.

Thế nào là không phải tu tha tâm trí cũng không phải tu tận trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí, tận pháp trí, tận vị tri trí, đạo pháp trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải tha tâm trí, tận trí. Hoặc nếu được thế tục trí hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy đều không tu tha tâm trí, tận trí. Tất cả không có tha tâm trí, là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu tha tâm trí, tận trí. Đây là không phải tu tha tâm trí cũng không phải tu tận trí.

Hỏi: Nếu khi tu tha tâm trí thì cũng tu Đạo trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu tha tâm trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu tha tâm trí không phải là tu đạo trí? Là tha tâm trí nơi người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được tha tâm trí hiện ở trước. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí, vào lúc nầy được tu tha tâm trí. Nếu A-la-hán học kiến tích đã được tha tâm trí hiện ở trước, đó không phải là đạo trí. Đây là tu tha tâm trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu đạo trí không phải là tu tha tâm trí? Là khi đạo pháp trí, đạo vị tri trí nhập hiện quán không có tha tâm trí, nếu A-lahán học kiến tích đã được đạo trí hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí. Hoặc nếu không được trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy không tu tha tâm trí. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy được tu đạo trí, không phải là tha tâm trí. Đây là tu đạo trí không phải là tu tha tâm trí.

Thế nào là tu tha tâm trí cũng là tu đạo trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán có tha tâm trí, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tha tâm trí, đó là đạo trí. Hoặc nếu không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu tha tâm trí, đạo trí. Đây là tu tha tâm trí cũng là tu đạo trí.

Thế nào là không phải tu tha tâm trí cũng không phải tu đạo trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí, tận pháp trí, tập vị tri trí, tận pháp trí, tận vị tri trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí, đạo trí. Hoặc nếu được thế tục trí hiện ở trước, đó không phải là tha tâm trí. Hoặc nếu không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy đều không tu tha tâm trí, đạo trí. Tất cả không có tha tâm trí, là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận. hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu tha tâm trí, đạo trí. Đây là không phải tu tha tâm trí cũng không phải tu đạo trí.

Hỏi: Nếu khi tu Đẳng trí thì cũng tu Khổ trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu đẳng trí không phải là tu khổ trí.

Thế nào là tu đẳng trí không phải là tu khổ trí? Là người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, biên tập, tận vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy không tu khổ trí. Đây là tu đẳng trí không phải là tu khổ trí.

Thế nào là tu khổ trí không phải là tu đẳng trí? Là khi khổ pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được khổ trí hiện ở trước, hoặc nếu không được trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy không tu đẳng trí. Đây là tu khổ trí không phải là tu đẳng trí.

Thế nào là tu đẳng trí cũng là tu khổ trí? Là khi biên khổ vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu đẳng trí, khổ trí. Đây là tu đẳng trí cũng là tu khổ trí.

Thế nào là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu khổ trí? Là khi tập pháp trí, tận pháp trí, đạo pháp trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải là khổ trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu đẳng trí, khổ trí. Đây là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu khổ trí.

Hỏi: Nếu khi tu đẳng trí thì cũng tu Tập trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu đẳng trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu đẳng trí không phải là tu tập trí? Là người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước. Biên khổ vị tri trí, biên tận vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, vào lúc nầy không tu tập trí. Đây là tu đẳng trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu tập trí không phải là tu đẳng trí? Là khi tập pháp trí, đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tập trí hiện ở trước, hoặc nếu không được trí vô lậu hiện ở trước, lúc ấy không tu đẳng trí. Đây là tu tập trí không phải là tu đẳng trí.

Thế nào là tu đẳng trí cũng là tu tập trí? Là khi biên tập vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, lúc nầy được tu đẳng trí cùng tập trí. Đây là tu đẳng trí cũng là tu tập trí.

Thế nào là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu tập trí? Là khi khổ pháp trí, tận pháp trí, đạo pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải là tập trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu đẳng trí, tập trí. Đây là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu tập trí.

Hỏi: Nếu khi tu đẳng trí thì cũng tu Tận trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu đẳng trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu đẳng trí không phải là tu tận trí? Là người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước. Biên khổ vị tri trí, biên tập vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích được đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, vào lúc nầy không tu tận trí. Đây là tu đẳng trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tận trí không phải là tu đẳng trí? Là khi tận pháp trí, đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tận trí hiện ở trước, hoặc nếu không được trí vô lậu hiện ở trước, lúc ấy không tu đẳng trí. Đây là tu tận trí không phải là tu đẳng trí.

Thế nào là tu đẳng trí cũng là tu tận trí? Là khi biên tận vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc ấy được tu đẳng trí cùng tận trí. Đây là tu đẳng trí cũng là tu tận trí.

Thế nào là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu tận trí? Là khi khổ pháp trí, tập pháp trí, đạo pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải là tận trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu đẳng trí, tận trí. Đây là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu tận trí.

Hỏi: Nếu khi tu đẳng trí thì cũng tu Đạo trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu đẳng trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu đẳng trí không phải là tu đạo trí? Là người phàm phu hoặc đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước. Biên khổ vị tri trí, biên tập vị tri trí, biên tận vị tri trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, vào lúc nầy không tu đạo trí. Đây là tu đẳng trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu đạo trí không phải là tu đẳng trí? Là khi đạo pháp trí, đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được đạo trí hiện ở trước, hoặc nếu không được trí vô lậu hiện ở trước, lúc ấy không tu đẳng trí. Đây là tu đạo trí không phải là tu đẳng trí.

Thế nào là tu đẳng trí cũng là tu đạo trí? Là nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu đẳng trí cùng đạo trí. Đây là tu đẳng trí cũng là tu đạo trí.

Thế nào là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu đạo trí? Là khi khổ pháp trí, tập pháp trí, tận pháp trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, đó không phải là đạo trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu đẳng trí, đạo trí. Đây là không phải tu đẳng trí cũng không phải tu đạo trí.

Hỏi: Nếu khi tu Khổ trí thì cũng tu Tập trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu khổ trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu khổ trí không phải là tu tập trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được khổ trí hiện ở trước. Đây là tu khổ trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu tập trí không phải là tu khổ trí? Là khi tập pháp trí, tập vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tập trí hiện ở trước. Đây là tu tập trí không phải là tu khổ trí.

Thế nào là tu khổ trí cũng là tu tập trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu khổ trí cùng tập trí. Đây là tu khổ trí cũng là tu tập trí.

Thế nào là không phải tu khổ trí cũng không phải tu tập trí? Là khi tận pháp trí, tận vị tri trí, đạo pháp trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, trí nầy không phải là khổ trí, tập trí. Hoặc đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, vào lúc nầy không tu khổ trí, tập trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu khổ trí, tập trí. Đây là không phải tu khổ trí cũng không phải tu tập trí.

Hỏi: Nếu khi tu khổ trí thì cũng tu Tận trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu khổ trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu khổ trí không phải là tu tận trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được khổ trí hiện ở trước. Đây là tu khổ trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tận trí không phải là tu khổ trí? Là khi tận pháp trí, tận vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tận trí hiện ở trước. Đây là tu tận trí không phải là tu khổ trí.

Thế nào là tu khổ trí cũng là tu tận trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu khổ trí cùng tận trí. Đây là tu khổ trí cũng là tu tận trí.

Thế nào là không phải tu khổ trí cũng không phải tu tận trí? Là khi tập pháp trí, tập vị tri trí, đạo pháp trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, trí nầy không phải là khổ trí, tận trí. Hoặc nếu được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy không tu khổ trí, tận trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu khổ trí, tận trí. Đây là không phải tu khổ trí cũng không phải tu tận trí.

Hỏi: Nếu khi tu khổ trí thì cũng tu Đạo trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu khổ trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu khổ trí không phải là tu đạo trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được khổ trí hiện ở trước. Đây là tu khổ trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu đạo trí không phải là tu khổ trí? Là khi đạo pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được đạo trí hiện ở trước. Đây là tu đạo trí không phải là tu khổ trí.

Thế nào là tu khổ trí cũng là tu đạo trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được trí vô lậu, hoặc thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy được tu khổ trí cùng đạo trí. Đây là tu khổ trí cũng là tu đạo trí.

Thế nào là không phải tu khổ trí cũng không phải tu đạo trí? Là khi tập pháp trí, tập vị tri trí, tận pháp trí, tận vị tri trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, trí nầy không phải là khổ trí, đạo trí. Hoặc nếu được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy không tu khổ trí, đạo trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu khổ trí, đạo trí. Đây là không phải tu khổ trí cũng không phải tu đạo trí.

Hỏi: Nếu khi tu Tập trí thì cũng tu Tận trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu tập trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tập trí không phải là tu tận trí? Là khi tập pháp trí, tập vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tập trí hiện ở trước. Đây là tu tập trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tận trí không phải là tu tập trí? Là khi tận pháp trí, tận vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tận trí hiện ở trước. Đây là tu tận trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu tập trí cũng là tu tận trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu tập trí cùng tận trí. Đây là tu tập trí cũng là tu tận trí.

Thế nào là không phải tu tập trí cũng không phải tu tận trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí, đạo pháp trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, trí nầy không phải là tập trí, tận trí. Nếu đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, lúc nầy không tu tập trí, tận trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu tập trí, tận trí. Đây là không phải tu tập trí cũng không phải tu tận trí.

Hỏi: Nếu khi tu tập trí thì cũng tu Đạo trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu tập trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu tập trí không phải là tu đạo trí? Là khi tập pháp trí, tập vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tập trí hiện ở trước. Đây là tu tập trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu đạo trí không phải là tu tập trí? Là khi đạo pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được đạo trí hiện ở trước. Đây là tu đạo trí không phải là tu tập trí.

Thế nào là tu tập trí cũng là tu đạo trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được trí vô lậu, hoặc thế tục trí hiện ở trước, vào lúc ấy được tu tập trí cùng đạo trí. Đây là tu tập trí cũng là tu đạo trí.

Thế nào là không phải tu tập trí cũng không phải tu đạo trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí, tận pháp trí, tận vị tri trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, trí ấy không phải là tập trí, đạo trí. Nếu đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, lúc ấy không tu tập trí, đạo trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu tập trí, đạo trí. Đây là không phải tu tập trí cũng không phải tu đạo trí.

Hỏi: Nếu khi tu Tận trí thì cũng tu Đạo trí chăng?

Đáp: Hoặc có tu tận trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu tận trí không phải là tu đạo trí? Là khi tận pháp trí, tận vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được tận trí hiện ở trước. Đây là tu tận trí không phải là tu đạo trí.

Thế nào là tu đạo trí không phải là tu tận trí? Là khi đạo pháp trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được đạo trí hiện ở trước. Đây là tu đạo trí không phải là tu tận trí.

Thế nào là tu tận trí cũng là tu đạo trí? Là khi đạo vị tri trí đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã không được thế tục trí, hoặc trí vô lậu hiện ở trước, vào lúc nầy được tu tận trí cùng đạo trí. Đây là tu tận trí cũng là tu đạo trí.

Thế nào là không phải tu tận trí cũng không phải tu đạo trí? Là khi khổ pháp trí, khổ vị tri trí, tập pháp trí, tập vị tri trí đều đã nhập hiện quán, nếu A-la-hán học kiến tích đã được trí vô lậu hiện ở trước, trí nầy không phải là tận trí, đạo trí. Nếu đã được, hoặc không được thế tục trí hiện ở trước, vào lúc ấy không tu tận trí, đạo trí. Tất cả là tâm nhiễm ô, tâm vô ký của người phàm phu, nhập Tam muội vô tưởng, Tam muội diệt tận, hết thảy nhẫn của cõi trời Vô tưởng hiện ở trước đều không tu tận trí, đạo trí. Đây là không phải tu tận trí cũng không phải tu đạo trí.

Hỏi: Từng có pháp trí duyên nơi pháp trí chăng?

Đáp: Có. Vị tri trí không duyên, số còn lại là có duyên.

Hỏi: Từng có vị tri trí duyên nơi vị tri trí chăng?

Đáp: Có. Pháp trí không duyên, số còn lại là có duyên.

Hỏi: Từng có tha tâm trí duyên nơi tha tâm trí chăng?

Đáp: Có. Số còn lại là có duyên.

Hỏi: Từng có đẳng trí duyên nơi đẳng trí chăng?

Đáp: Có. Số còn lại là có duyên.

Hỏi: Từng có khổ trí duyên nơi khổ trí chăng?

Đáp: Không có. Tha tâm trí, đẳng trí có duyên, số còn lại là không duyên.

Như khổ trí, tập trí cũng như vậy.

Hỏi: Từng có tận trí duyên nơi tận trí chăng?

Đáp: Không có. Số còn lại cũng không duyên

Hỏi: Từng có đạo trí duyên nơi đạo trí chăng?

Đáp: Có. Đẳng trí không duyên, số còn lại là có duyên

Pháp trí đối với pháp trí làm bốn duyên: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Cùng với vị tri trí làm ba duyên: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Tăng thượng duyên, không có Duyên duyên. Cùng với tha tâm trí làm bốn duyên. Cùng với đẳng trí làm ba duyên, không có Nhân duyên. Cùng với khổ trí, tập trí, tận trí làm ba duyên, không có Duyên duyên. Cùng với đạo trí làm bốn duyên.

Vị tri trí đối với vị tri trí làm bốn duyên : Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Cùng với tha tâm trí làm bốn duyên. Cùng với đẳng trí làm ba duyên, không có Nhân duyên. Cùng với khổ trí, tập trí, tận trí làm ba duyên, không có Duyên duyên. Cùng với đạo trí làm bốn duyên. Cùng với pháp trí làm ba duyên, không có Duyên duyên.

Tha tâm trí đối với tha tâm trí làm bốn duyên: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Cùng với đẳng trí làm bốn duyên. Cùng với khổ trí, tập trí làm bốn duyên, hoặc có Nhân duyên không có Duyên duyên, hoặc có duyên duyên không có Nhân duyên. Cùng với tận trí làm ba duyên, không có Duyên duyên. Cùng với đạo trí, pháp trí, vị tri trí làm bốn duyên.

Đẳng trí đối với đẳng trí làm bốn duyên: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Cùng với khổ trí, tập trí làm ba duyên, không có Nhân duyên. Cùng với tận trí, đạo trí làm hai duyên, không có Nhân duyên, Duyên duyên. Cùng với pháp trí, vị tri trí làm ba duyên, không có Nhân duyên. Cùng với tha tâm trí làm bốn duyên.

Khổ trí đối với khổ trí làm ba duyên, không có Duyên duyên. Cùng với tập trí, tận trí làm ba duyên, không có Duyên duyên. Cùng với đạo trí, pháp trí, vị tri trí, tha tâm trí làm bốn duyên. Cùng với đẳng trí làm ba duyên, không có Nhân duyên.

Như khổ trí, tập trí, tận trí cũng như thế.

Đạo trí đối với đạo trí làm bốn duyên: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Cùng với pháp trí, vị tri trí, tha tâm trí làm bốn duyên. Cùng với đẳng trí làm ba duyên, không có Nhân duyên. Cùng với khổ trí, tập trí, tận trí làm ba duyên, không có Duyên duyên.

Hỏi: Các kiết hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó do pháp trí diệt chăng?

Đáp: Hoặc có kiết hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó không phải do pháp trí diệt.

Thế nào là kiết hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó không phải do pháp trí diệt? Là các kiết hệ thuộc nơi cõi Dục do nhẫn diệt, cũng do trí khác diệt hoặc không diệt. Đây là kiết hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó không phải do pháp trí diệt.

Thế nào là kiết do pháp trí diệt, kiết đó không phải hệ thuộc nơi cõi Dục? Là các kiết hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc do pháp trí diệt. Đây là kiết do pháp trí diệt, kiết đó không hệ thuộc nơi cõi Dục.

Thế nào là kiết hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó do pháp trí diệt? Là các kiết hệ thuộc nơi cõi Dục do pháp trí diệt. Đây là kiết hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó do pháp trí diệt.

Thế nào là kiết không hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó cũng không phải do pháp trí diệt? Là các kiết hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc do nhẫn diệt, cũng do trí khác diệt hoặc không diệt. Đây gọi là kiết không hệ thuộc nơi cõi Dục, kiết đó cũng không phải do pháp trí diệt.

Hỏi: Các kiết hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc, kiết đó do vị tri trí diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy. Các kiết do vị tri trí diệt, kiết đó hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Hỏi: Từng có kiết hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc, kiết đó không phải do vị tri trí diệt chăng?

Đáp: Có. Là các kiết hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc do nhẫn diệt, cũng do trí khác diệt hoặc không diệt.

Hỏi: Các kiết do kiến khổ đoạn, kiết đó do khổ trí diệt chăng?

Đáp: Kiết đó không phải do khổ trí diệt mà do nhẫn diệt.

Hỏi: Nếu như các kiết do khổ trí diệt, kiết đó do kiến khổ đoạn chăng?

Đáp: Kiết đó không phải do kiến khổ đoạn mà do tư duy đoạn.

Hỏi: Các kiết do kiến tập, kiến tận, kiến đạo đoạn, kiết đó do tập trí, tận trí, đạo trí diệt chăng?

Đáp: Kiết đó không phải do tập trí, tận trí, đạo trí diệt mà do nhẫn diệt.

Hỏi: Nếu như các kiết do tập trí, tận trí, đạo trí diệt, kiết đó do kiến tập, kiến tận, kiến đạo đoạn chăng?

Đáp: Kiết đó không do kiến đạo đoạn mà do tư duy diệt.

Hỏi: Các kiết do pháp trí diệt, kiết đó do pháp trí tận (diệt ) tác chứng chăng?

Đáp: Đúng vậy. Các kiết do pháp trí diệt, kiết đó do pháp trí tận tác chứng.

Hỏi: Từng có kiết do pháp trí tận tác chứng, kiết đó không do pháp trí diệt chăng?

Đáp: Có. Là các kiết do nhẫn diệt, cũng do trí khác diệt, kiết đó cũng do pháp trí tận tác chứng.

Hỏi: Các kiết do vị tri trí diệt, kiết đó do vị tri trí tận tác chứng chăng?

Đáp: Đúng vậy. Các kiết do vị tri trí diệt, kiết đó do vị tri trí tận tác chứng.

Hỏi: Từng có kiết do vị tri trí tận tác chứng, kiết đó không phải do vị tri trí diệt chăng?

Đáp: Có. Là các kiết do nhẫn diệt, cũng do trí khác diệt, kiết đó cũng do vị tri trí tận tác chứng.

Hỏi: Các kiết do khổ trí, tập trí, tận trí, đạo diệt trí, kiết đó cũng do khổ, tập, tận, đạo trí tận tác chứng chăng?

Đáp: Đúng vậy. Các kiết do khổ trí, tập trí, tận trí, đạo trí diệt, kiết đó cũng do khổ, tập, tận, đạo trí tận tác chứng.

Hỏi: Từng có kiết do đạo trí tận tác chứng, kiết đó không phải do đạo trí diệt chăng?

Đáp: Có. Là các kiết do nhẫn diệt, cũng do trí khác diệt, kiết đó cũng do đạo trí tận tác chứng.

Nhãn căn do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn cũng như vậy. Ý căn do chín trí nhận biết biết, trừ tận trí. Lạc căn, hỷ căn, hộ căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn cũng như vậy. Nam căn, nữ căn do sáu trí nhận biết, trừ vị tri trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Mạng căn do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Khổ căn, ưu căn do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Vị tri căn, dĩ tri căn, vô tri căn do bảy trí nhận biết, trừ khổ trí, tập trí, tận trí.

Nhãn trì (giới), nhĩ, tỷ, thiệt, thân trì, sắc, thanh, tế hoạt (xúc) trì do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Nhãn thức, nhĩ thức, thân thức trì do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí. Hương trì, vị trì do sáu trí nhận biết, trừ vị tri trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Tỷ thức, thiệt thức trì do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Ý trì, ý thức trì do chín trí nhận biết, trừ tận trí. Pháp trì do mười trí nhận biết.

Nhãn nhập (xứ), nhĩ, tỷ, thiệt, thân nhập, sắc, thanh, tế hoạt (xúc) nhập do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Hương nhập, vị nhập do sáu trí nhận biết, trừ vị tri trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Ý nhập do chín trí nhận biết, trừ tận trí. Pháp nhập do mười trí nhận biết.

Sắc ấm (uẩn) do tám trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí. Thống (thọ), tưởng, hành, thức ấm do chín trí nhận biết, trừ tận trí.

Sắc thạnh ấm do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Thống (thọ), tưởng, hành, thức thạnh ấm do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Địa chủng cho đến không chủng do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Thức chủng do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Pháp có sắc do tám trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, pháp vô sắc do mười trí nhận biết. Pháp có thể thấy, pháp có đối do bảy trí nhận biết, trừ tha tâm trí, tận trí, đạo trí, pháp không thể thấy, pháp không đối do mười trí nhận biết. Pháp hữu lậu do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí, pháp vô lậu do tám trí nhận biết, trừ khổ trí, tập trí. Pháp hữu vi do chín trí nhận biết, trừ tận trí, pháp vô vi do sáu trí nhận biết, trừ tha tâm trí, khổ trí, tập trí, đạo trí.

Pháp quá khứ, vị lai, hiện tại do chín trí nhận biết, trừ tận trí. Pháp thiện do mười trí nhận biết, pháp bất thiện do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí, pháp vô ký do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí. Pháp hệ thuộc cõi Dục do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí, pháp hệ thuộc cõi Sắc do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí, pháp hệ thuộc cõi Vô sắc do sáu trí nhận biết, trừ pháp trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Pháp học, pháp vô học do bảy trí nhận biết, trừ khổ trí, tập trí, tận trí, pháp phi học phi vô học do chín trí nhận biết, trừ đạo trí. Pháp do kiến đế đoạn, pháp do tư duy đoạn do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí, pháp không đoạn do tám trí nhận biết, trừ khổ trí, tập trí.

Khổ đế, tập đế do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí. Tận đế do sáu trí nhận biết, trừ tha tâm trí, khổ trí, tập trí, đạo trí. Đạo đế do bảy trí nhận biết, trừ khổ trí, tập trí, tận trí.

Thiền do chín trí nhận biết, trừ tận trí.

Bốn đẳng (bốn vô lượng) do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí.

Trong bốn vô sắc: Không xứ, thức xứ, bất dụng xứ do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tha tâm trí, tận trí. Hữu tưởng vô tưởng xứ do sáu trí nhận biết, trừ pháp trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí.

Giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba, tám trừ nhập, tám nhất thiết nhập do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí. Không xứ giải thoát, thức xứ giải thoát, bất dụng xứ giải thoát do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tha tâm trí, tận trí. Hữu tưởng vô tưởng giải thoát, diệt tận giải thoát do sáu trí nhận biết, trừ pháp trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí. Nhất thiết nhập của không xứ, nhất thiết nhập của thức xứ cũng như vậy.

Pháp trí do sáu trí nhận biết, trừ vị tri trí, khổ trí, tập trí, tận trí. Vị tri trí do sáu trí nhận biết, trừ pháp trí, khổ trí, tập trí, tận trí. Tha tâm trí do chín trí nhận biết, trừ tận trí. Đẳng trí do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí. Khổ trí, tập trí, tận trí, đạo trí, không, vô nguyện, vô tướng do bảy trí nhận biết, trừ khổ trí, tập trí, tận trí.

Ba kiết: Thân kiến, trộm giới, nghi do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Ba căn bất thiện: tham, giận, si và dục lậu do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Hữu lậu do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Trong bốn lưu: Dục lưu do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Hữu lưu do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Như bộc lưu, ách cũng như vậy.

Trong bốn thọ (thủ): Dục thọ do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Ngã thọ do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Trong bốn phược: ái dục trói buộc thân, giận dữ trói buộc thân do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Năm cái và kiết giận dữ, kiết keo kiệt, kiết ganh tị do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Trong năm kiết phần dưới: Kiết tham dục, kiết giận dữ do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại và năm kiến do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Trong sáu ái thân: ái thân do tỷ xúc, thiệt xúc sinh ra do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Trong bảy sử: Sử tham dục, sử giận dữ do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Sử hữu ái do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Trong chín kiết: Kiết giận dữ, kiết keo kiệt, kiết ganh tị do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Số còn lại do tám trí nhận biết, trừ tận trí, đạo trí.

Chín mươi tám sử: Thuộc cõi Dục do bảy trí nhận biết, trừ vị tri trí, tận trí, đạo trí. Thuộc cõi Sắc do bảy trí nhận biết, trừ pháp trí, tận trí, đạo trí. Thuộc cõi Vô sắc do sáu trí nhận biết, trừ pháp trí, tha tâm trí, tận trí, đạo trí.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Đối với tưởng về vô thường, tu tập hành tác rộng khắp, ái nơi cõi Dục dứt hết”: Tưởng nầy nên nói tương ưng với pháp trí, tương ưng với khổ trí. Nên nói có giác có quán. Nên nói tương ưng với hộ căn (xả căn). Nên nói tương ưng với vô nguyện. Nên nói hệ thuộc nơi cõi Dục, duyên tận.

“Ái cõi Sắc dứt hết”: Tưởng nầy nên nói tương ưng với vị tri trí, tương ưng với khổ trí. Nên nói hoặc có giác có quán, hoặc không giác có quán, hoặc không giác không quán. Nên nói hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc tương ưng với hỷ căn, hoặc tương ưng với hộ căn. Nên nói tương ưng với vô nguyện. Nên nói hệ thuộc nơi cõi Sắc, duyên tận.

“Ái cõi Vô sắc dứt hết”: Tưởng nầy nên nói tương ưng với vị tri trí, tương ưng với khổ trí. Nên nói hoặc có giác có quán, hoặc không giác có quán, hoặc không giác không quán. Nên nói hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc tương ưng với hỷ căn, hoặc tương ưng với hộ căn. Nên nói tương ưng với vô nguyện. Nên nói hệ thuộc nơi cõi Vô sắc, duyên tận.

“Kiêu mạn, vô minh tận”: Tưởng nầy nên nói hoặc tương ưng với pháp trí, hoặc tương ưng với vị tri trí, tương ưng với khổ trí. Nên nói hoặc có giác có quán, hoặc không giác có quán, hoặc không giác không quán. Nên nói hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc tương ưng với hỷ căn, hộ căn. Nên nói tương ưng với vô nguyện. Nên nói hoặc duyên hệ thuộc nơi cõi Dục, hoặc duyên hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc, duyên tận.

Lại như Đức Thế Tôn nói: Tỳ-kheo khéo quán về ba nghĩa của bảy xứ, đối với pháp nầy có thể nhanh chóng dứt hết hữu lậu. Phân biệt nhận biết như thật về sắc khổ do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, khổ trí, đẳng trí. Phân biệt nhận biết về sắc tập do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, tập trí, đẳng trí. Phân biệt nhận biết về sắc tận do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, tận trí, đẳng trí. Phân biệt nhận biết về sắc tận đạo tích do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, đạo trí, đẳng trí. Phân biệt nhận biết về sắc vị do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, tập trí, đẳng trí. Phân biệt nhận biết về sắc hoạn do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, khổ trí, đẳng trí. Phân biệt nhận biết về sắc xuất ly do bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, tận trí, đẳng trí.

Thống (thọ), tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là sắc tận? Thế nào là sắc xuất ly? Sắc tận, sắc xuất ly có gì sai biệt?

Đáp: Nếu ái sắc có đủ, sắc ấy nếu diệt thì đấy gọi là sắc tận. Các ái khác duyên nơi sắc, nếu sắc đó diệt thì đấy gọi là sắc xuất ly.

Lại nữa, sắc cấu nhiễm có đủ, nếu sắc ấy diệt thì đấy gọi là sắc tận. Các cấu uế khác duyên nơi sắc, sắc ấy nếu diệt thì đấy gọi là sắc xuất ly.

Lại nữa, hoặc cái hoặc cấu nhiễm có đủ nơi sắc, sắc ấy nếu diệt thì đấy gọi là sắc tận. Hoặc ái hoặc cấu nhiễm khác duyên nơi sắc, sắc ấy nếu diệt thì đấy gọi là sắc xuất ly.

Sắc tận, sắc xuất ly, sai biệt là như thế.

Thống (thọ), tưởng, hành, thức tận, xuất ly cũng như vậy.

HẾT – QUYỂN 12