LUẬN A TỲ ĐÀM BÁT KIỀN ĐỘ
Tác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Hán dịch: Đời Phù Tần, Sa môn Tăng Già Đề Ba và Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Tụng về 8 Kiền Độ:

Tạp, Kiết sử, Trí, Hành

Bốn đại, Căn, Định, Kiến.

***

Kiền độ thứ 1: TẠP

Pháp thứ nhất thế gian

Trí, nhân, ái, cung kính

Vô tàm, sắc, vô nghĩa

Phẩm tư nói sau cùng.

***

Phẩm 1: PHÁP THỨ NHẤT THẾ GIAN

Thế nào là Pháp thứ nhất thế gian? Do những gì nên nói là pháp thứ nhất thế gian? Pháp thứ nhất thế gian hệ thuộc nơi những cõi nào? Nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục, hệ thuộc nơi cõi Sắc, hệ

thuộc nơi cõi Vô sắc chăng? Pháp thứ nhất thế gian nên nói là có giác có quán (có tầm có tứ), không giác có quán, không giác không quán chăng? Pháp thứ nhất thế gian nên nói là tương ưng với lạc căn, tương ưng với hỷ căn, tương ưng với hộ căn (Xả căn) chăng? Pháp thứ nhất thế gian nên nói là một tâm hay là nhiều tâm chăng? Pháp thứ nhất thế gian nên nói là thoái chuyển hay là không thoái chuyển?

Thế nào là Đảnh? Thế nào là Đảnh đọa? Thế nào là Noãn?

Hai mươi Thân kiến nầy, có bao nhiêu thứ là ngã kiến? Bao nhiêu thứ là ngã sở kiến? Bao nhiêu thứ là kiến?

Hoặc kiến vô thường, kiến hữu thường: Nơi năm kiến ấy là những kiến nào, do những đế nào đoạn? Kiến hữu thường – vô thường, kiến khổ – lạc, kiến lạc – khổ, kiến bất tịnh – tịnh, kiến tịnh – bất tịnh, kiến vô ngã – hữu ngã, kiến vô nhân – hữu nhân, kiến hữu nhân – vô nhân, kiến hữu – vô, kiến vô – hữu: Nơi năm kiến ấy là những kiến nào, do những đế nào đoạn?

Về các nghĩa trên, chương nầy xin diễn nói đầy đủ 1.

*

Hỏi: Thế nào là Pháp thứ nhất thế gian?

Đáp: Là các tâm tâm pháp theo thứ lớp, vượt thứ lớp (Đẳng vô gián), thủ chứng (Nhập chánh tánh ly sinh). Đó gọi là Pháp thứ nhất thế gian.

Lại có thuyết nói: Đối với năm căn theo thứ lớp, vượt thứ lớp, thủ chứng. Đó gọi là pháp thứ nhất thế gian.

Như nghĩa đã nói, các tâm tâm pháp theo thứ lớp, vượt thứ lớp, thủ chứng. Đó gọi là pháp thứ nhất thế gian.

Hỏi: Do những gì nên nói là pháp thứ nhất thế gian?

Đáp: Do tâm tâm pháp như thế, đối với tâm tâm pháp thế gian khác là trên, là hơn hết, không gì có thể sánh kịp, nên gọi là pháp thứ nhất thế gian.

Lại nữa, tâm tâm pháp nầy đã từ bỏ các sự việc của phàm phu được Thánh pháp, đã lìa bỏ sự việc tà, được chánh pháp, ở trong chánh pháp vượt thứ lớp (đẳng vô gián) thủ chứng (nhập chánh tánh ly sinh). Do đấy nên nói là pháp thứ nhất thế gian.

Hỏi: Pháp thứ nhất thế gian hệ thuộc nơi những cõi nào? Nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục, hệ thuộc nơi cõi Sắc, hệ thuộc nơi cõi Vô sắc chăng?

Đáp: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là hệ thuộc nơi cõi Sắc, không phải hệ thuộc nơi cõi Dục, không phải hệ thuộc nơi cõi Vô sắc.

Do những gì, pháp thứ nhất thế gian không nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục? Do đạo của cõi Dục không đoạn dứt được triền cái, cũng không thể trừ bỏ các kiết của cõi Dục. Chính là do đạo của cõi Sắc mới đoạn dứt được triền cái, cũng có thể trừ bỏ các kiết của cõi Dục. Nếu đạo của cõi Dục đoạn dứt được triền cái, cũng có thể trừ bỏ các kiết của cõi Dục, như thế pháp thứ nhất thế gian nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục. Chỉ vì đạo của cõi Dục không đoạn dứt được triền cái, cũng không thể trừ bỏ các kiết của cõi Dục, mà là do đạo của cõi Sắc đoạn dứt được triền cái, cũng có thể trừ bỏ các kiết nơi cõi Dục. Do đấy pháp thứ nhất thế gian không nên nói hệ thuộc nơi cõi Dục.

Do những gì, pháp thứ nhất thế gian không nên nói hệ thuộc nơi cõi Vô sắc? Ở trong pháp như nhau, vượt thứ lớp, thủ chứng, trước hết phải từ cõi Dục, đối với khổ tư duy là khổ, về sau nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Nếu Thánh đạo khởi, trước hết phải biện biệt các sự việc ở cõi Dục, về sau nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Giả như ở trong pháp như nhau, vượt thứ lớp, thủ chứng, trước hết nơi cõi Vô sắc, đối với khổ tư duy là khổ, về sau nơi cõi Dục, cõi Sắc là đồng. Nếu Thánh đạo khởi, trước tiên nên biện biệt sự việc của cõi Vô sắc, về sau nơi cõi Dục, cõi Sắc là đồng. Như thế, pháp thứ nhất thế gian nên nói là hệ thuộc nơi cõi Vô sắc. Nhưng vì trong pháp như nhau, đã vượt thứ lớp, thủ chứng, trước hết từ cõi Dục, đối với khổ tư duy là khổ, về sau nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Nếu Thánh đạo khởi, trước hết là biện biệt các việc ở cõi Dục, về sau nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Do đấy pháp thứ nhất thế gian không nên nói hệ thuộc nơi cõi Vô sắc.

Lại nữa, nhập định vô sắc, trừ bỏ tưởng sắc, không dùng tưởng vô sắc để phân biệt cõi Dục, như duyên nơi khổ pháp nhẫn, cũng duyên nơi pháp thứ nhất thế gian.

Hỏi: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là có giác có quán (có tầm có tứ), không giác có quán, không giác không quán chăng?

Đáp: Pháp thứ nhất thế gian hoặc là có giác có quán, hoặc là không giác có quán, hoặc là không giác không quán.

Thế nào là có giác có quán? Là dựa vào Tam muội có giác có quán, đạt được pháp thứ nhất thế gian, nên gọi là có giác có quán.

Thế nào là không giác có quán? Là dựa vào Tam muội không giác có quán, đạt được pháp thứ nhất thế gian, nên gọi là không giác có quán.

Thế nào là không giác không quán? Là dựa vào Tam muội không giác không quán, đạt được pháp thứ nhất thế gian, nên gọi là không giác không quán.

Hỏi: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là tương ưng với lạc căn, tương ưng với hỷ căn, tương ưng với hộ căn (Xả căn) chăng?

Đáp: Pháp thứ nhất thế gian hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc tương ưng với hỷ căn, hoặc tương ưng với hộ căn.

Thế nào là tương ưng với lạc căn? Là nương vào thiền thứ ba đạt được pháp thứ nhất thế gian, đó gọi là tương ưng với lạc căn.

Thế nào là tương ưng với hỷ căn? Là nương vào thiền thứ nhất, thiền thứ hai đạt được pháp thứ nhất thế gian, đó gọi là tương ưng với hỷ căn.

Thế nào là tương ưng với hộ căn? Là nương vào thiền vị lai, nương vào thiền trung gian, nương vào thiền thứ tư đạt được pháp thứ nhất thế gian, đó gọi là tương ưng với hộ căn.

Hỏi: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là một tâm hay là nhiều tâm?

Đáp: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là một tâm, không phải là nhiều tâm.

Do đâu pháp thứ nhất thế gian nói là một tâm, không phải là nhiều tâm? Nếu trung gian của pháp thứ nhất thế gian không khởi pháp thế gian khác, chỉ có vô lậu. Nếu sẽ khởi thì hoặc nhỏ, hoặc bằng, hoặc diệu. Giả sử nhỏ sẽ không vượt thứ lớp để thủ chứng (Nhập chánh tánh ly sinh). Vì sao? Vì không do thoái chuyển đạo ở trong pháp bình đẳng vượt thứ lớp để thủ chứng. Nếu sẽ khởi là bằng, cũng không vượt thứ lớp để thủ chứng. Vì sao? Vì vốn không do đạo nầy vượt thứ lớp để thủ chứng. Nếu sẽ khởi là diệu, tức pháp niệm của tâm, tâm sở gốc kia, đấy không phải là pháp thứ nhất thế gian. Nếu pháp niệm của tâm, tâm sở là sau, thì đấy là pháp thứ nhất thế gian.

Hỏi: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là thoái chuyển hay là không thoái chuyển?

Đáp: Pháp thứ nhất thế gian nên nói là không thoái chuyển.

Vì sao pháp thứ nhất thế gian nói là không thoái chuyển? Vì pháp thứ nhất thế gian có thuận đế, mãn đế, biện đế, hoàn toàn không có chỗ trống thiếu, không có sở hữu, không khởi từng ấy tâm, không được tư duy. Ví như một tráng sĩ phải vượt qua sông, núi, hang động, hoặc những chốn hiểm nạn, thân đang hành tác, không thể quay trở lại, nếu chưa đến nơi, tâm ý quyết đến. Pháp thứ nhất thế gian cũng lại như vậy. Tùy thuận đế, mãn đế, biện đế hoàn toàn không có chỗ trống thiếu, không có sở hữu, không khởi từng ấy tâm, không tư duy được. Ví như năm dòng sông lớn: 1. Hằng-ca. 2. Đảm-phù-na. 3. Tátlao. 4. Y-la-bạt-đề. 5. Ma-hê. Hết thảy đều chảy vào biển cả, không ai có thể đoạn dứt dòng chảy ấy, không gì có thể ngăn chận, hoàn toàn đổ vào biển cả, biển ở đây là viên mãn, là hoàn thành. Pháp thứ nhất thế gian cũng lại như vậy. Tùy thuận đế, mãn đế, biện đế, không có chỗ trống thiếu, không có sở hữu, không khởi từng ấy tâm, không được tư duy. Lại nữa, pháp thứ nhất thế gian cùng với khổ pháp nhẫn là trung gian, không có một pháp nào nhanh chóng hơn tâm, nên vào bấy giờ, không ai có thể chế ngự khiến không tư duy được. Do đấy pháp thứ nhất thế gian nên nói là không thoái chuyển.

Hỏi: Thế nào là pháp Đảnh?

Đáp: Ví như trong một khoảnh khắc, hoan hỷ hướng về Phật, Pháp, Tăng. Như Đức Thế Tôn nói: “Cùng với mười sáu Bà-la-môn nói về các Ma-na, như nơi một khoảnh khắc, hoan hỷ hướng về Phật, Pháp, Tăng”. Đó gọi là pháp Đảnh.

Hỏi: Thế nào là pháp Đảnh thoái chuyển (Đảnh đọa)?

Đáp: Do được pháp Đảnh, nếu mạng chung là đã thoái chuyển, không còn hiện tiền. Như có một người tương đắc với bậc thiện tri thức, theo thiện tri thức ấy nghe pháp, tư duy, nội tâm suy xét, tin có Phật đạo, ưa Pháp, thuận Tăng, biết sắc là vô thường, thống (thọ), tưởng, hành, thức là vô thường, tin tư duy về khổ, tập, tận (diệt), đạo. Người kia hoặc ở vào những thời gian khác, không gặp được thiện tri thức, không nghe pháp, không tư duy, nội tâm không suy xét, đối chiếu, ở nơi thế tục tin vào sự thoái chuyển. Đó gọi là pháp Đảnh thoái chuyển.

Hỏi: Thế nào là pháp Noãn?

Đáp: Là ở trong chánh pháp khởi tâm từ, hoan hỷ. Như Đức Thế Tôn nói: “Tỳ-kheo Mã Sư, Tỳ-kheo Mãn Túc, hai người ngu si nầy ở trong pháp của Ta không có mảy may pháp Noãn”.

Hỏi: Trong hai mươi Thân kiến nầy, có bao nhiêu thứ là ngã kiến? Bao nhiêu thứ là ngã sở kiến?

Đáp: Có năm thứ là ngã kiến, mười lăm thứ là ngã sở kiến.

Thế nào là năm ngã kiến? Sắc là ngã kiến, thống (thọ), tưởng, hành, thức là ngã kiến. Đó là năm ngã kiến.

Thế nào là mười lăm ngã sở kiến? Sắc là ngã có kiến, sắc trong ngã, ngã trong sắc. Thống (thọ), tưởng, hành, thức là ngã có kiến, thức trong ngã, ngã trong thức. Đó là mười lăm ngã sở kiến.

Kiến vô thường, thường là biên kiến, do khổ đế đoạn.

Kiến thường, vô thường là tà kiến, do tận đế (diệt đế) đoạn.

Kiến khổ, lạc tức cho pháp xấu ác là hơn, là tốt, đây là trộm kiến (kiến thủ), do khổ đế đoạn.

Kiến lạc, khổ là tà kiến do tận đế (diệt đế) đoạn.

Kiến bất tịnh, tịnh tức cho pháp xấu ác là hơn, là tốt, đây là trộm kiến, do khổ đế đoạn.

Kiến tịnh, bất tịnh là tà kiến, hoặc do tận đế đoạn, hoặc do đạo đế đoạn. Nếu tận cho là bất tịnh thì tà kiến nầy do tận đế đoạn. Nếu đạo cho là bất tịnh thì tà kiến nầy do đạo đế đoạn.

Kiến vô ngã, hữu ngã là thân kiến, do khổ đế đoạn.

Kiến vô nhân, hữu nhân là tà kiến, do tập đế đoạn.

Kiến hữu nhân, vô nhân tức không phải nhân cho là nhân, là trộm giới (giới cấm thủ), do khổ đế đoạn.

Kiến hữu, vô là tà kiến. Tà kiến nầy hoặc do khổ đế đoạn, hoặc do tập đế đoạn, hoặc do tận đế đoạn, hoặc do đạo đế đoạn. Nếu nói không có khổ thì tà kiến nầy là do khổ đế đoạn. Nếu nói không có tập, tận, đạo thì các tà kiến ấy do tập đế, tận đế, đạo đế đoạn.

Kiến vô, hữu thì đấy không phải là tà kiến mà là tà trí.

***

Phẩm 2: BÀN VỀ TRÍ

Từng có một trí nhận biết tất cả pháp chăng? Từng có một thức nhận biết tất cả pháp chăng?

Từng có hai tâm lần lượt cùng làm nhân cho nhau chăng? Từng có hai tâm lần lượt cùng làm duyên cho nhau chăng?

Do những gì nơi một người hai tâm trước sau không cùng sinh? Nếu con người không thể đạt được, cũng không có tâm trước đi đến tâm sau, do những gì nên nhớ lại được việc mình đã làm trước kia?

Do đâu nhớ nghĩ thì thức ghi nhớ mạnh mẽ? Vì sao nhớ nghĩ mà không ghi nhớ?

Vì duyên cớ gì cúng tế, ngạ quỷ ở chỗ nầy thì được, ở chỗ khác lại không được?

Nên nói là một mắt trông thấy sắc hay là hai mắt trông thấy sắc? Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi v.v… cũng lại như vậy.

Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là không hiện chăng? Nếu như không hiện, tất cả quá khứ ấy đều là quá khứ chăng? Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là tận chăng? Nếu như tận, tất cả quá khứ ấy đều là quá khứ chăng? Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là diệt mất chăng?

Nếu như diệt mất, tất cả quá khứ ấy là quá khứ chăng?

Nếu đối với khổ sinh nghi: Là khổ, là không phải khổ? Nên nói đó là một ý (tâm) hay là nhiều ý? Nếu đối với tập, tận, đạo sinh nghi: Là đạo, là không phải đạo? Nên nói đó là một ý hay là nhiều ý? Từng có một ý là có nghi, không nghi chăng?

Thế nào là Danh thân? Thế nào là Cú thân? Thế nào là Vị thân (Văn thân)?

Như Đức Phật, Thế Tôn quở trách các đệ tử: “Các ông là những người ngu si”. Nghĩa ấy là thế nào? Do những gì Đức Phật, Thế Tôn bảo các đệ tử: “Các ông là những người ngu si?”.

Có sáu nhân, đó là: Nhân tương ưng, nhân cộng hữu (Nhân câu hữu), nhân tự nhiên (Nhân đồng loại), nhân nhất thiết biến (Nhân biến hành), nhân báo (Nhân dị thục), nhân sở tác (Nhân năng tác). Thế nào là nhân tương ưng? Thế nào là nhân cộng hữu? Thế nào là nhân tự nhiên? Thế nào là nhân nhất thiết biến? Thế nào là nhân báo? Thế nào là nhân sở tác?

Nếu tâm, sử (tùy miên) cùng có, các sử và tâm cùng có, vậy sử kia đã sai khiến tâm nầy chăng? Giả như sử đã sai khiến tâm, tâm nầy cùng có sử, vậy sử kia và tâm nầy là cùng có sử chăng? Nếu tâm, sử cùng có, các sử và tâm cùng có, vậy sử kia và tâm nầy sẽ đoạn chăng? Giả như sử, tâm sẽ đoạn, tâm nầy cùng có sử, vậy sử kia và tâm nầy cùng đoạn chăng?

Diệt nhân thức: Thế nào là diệt nhân thức? Diệt nhân thức có bao nhiêu sử đã sai khiến?

Về các nghĩa trên, chương nầy xin diễn nói đầy đủ.

*

Hỏi: Từng có một trí nhận biết tất cả pháp chăng?

Đáp: Không có.

Nếu trí nầy sinh tất cả các pháp vô ngã, thì trí nầy không nhận biết những gì?

Đáp: Không nhận biết về tự nhiên (Tự tánh), không nhận biết pháp cộng hữu, không nhận biết pháp tương ưng.

Hỏi: Từng có một thức nhận biết tất cả pháp chăng?

Đáp: Không có.

Nếu thức nầy sinh tất cả các pháp vô ngã, thì thức nầy không thấu đạt về những gì?

Đáp: Không nhận biết về tự nhiên, không nhận biết về pháp cộng hữu, không nhận biết về pháp tương ưng.

Hỏi: Từng có hai tâm lần lượt cùng làm nhân cho nhau chăng?

Đáp: Không có. Ở đây không phải là một người, hoặc trước vị lai cùng sinh hai tâm, không phải tâm vị lai làm nhân cho tâm trước. Hỏi: Từng có hai tâm lần lượt cùng làm duyên cho nhau chăng?

Đáp: Có. Nếu có một người tư duy không có tâm vị lai sinh, người kia lúc đang nhớ nghĩ tức sinh hai tâm. Nếu tư duy có tâm vị lai sinh, người kia lúc đang nhớ nghĩ tức sinh hai tâm.

Nếu nhớ nghĩ không sinh tâm đạo vị lai, người kia lúc đang nhớ nghĩ liền sinh hai tâm. Nếu nhớ nghĩ có sinh tâm đạo vị lai, người kia lúc đang nhớ nghĩ liền sinh hai tâm.

Nếu hai người có nhận biết tâm người khác thì tâm lần lượt cùng làm duyên cho nhau.

Hỏi: Do những gì nơi một người hai tâm trước sau không cùng sinh?

Đáp: Do không có Thứ đệ duyên (Đẳng vô gián duyên) thứ hai và vì mỗi mỗi tâm của chúng sinh chuyển biến nối tiếp, như con người không thể đạt được khoảng không.

Hỏi: Tâm trước không dừng trụ, tâm sau làm sao nhớ lại được những gì đã làm từ trước?

Đáp: Trong pháp của chúng sinh có được trí như thế để ghi nhớ những việc mình đã làm từ trước. Ví như khắc in, tạo chữ, phải có chỗ để in, phải biết chữ, tức hiện cũng nhận biết người khác đã tạo tác, mình tạo tác cũng tự nhận biết. Người kia cũng không từ đâu đến hỏi, mình cũng không đi đến chỗ người kia hỏi: “Ông tạo chữ nào?”. Người kia cũng không đáp: “Tôi tạo chữ ấy”. Như in ấn đã tạo ra chữ, tự mình nhận biết tạo chữ, tự mình đã tạo cũng nhận biết, người khác đã tạo cũng nhận biết.

Pháp của chúng sinh như thế, tùy chỗ tạo tác tức nhận biết, pháp đã tạo tác cũng nhận biết. Ví như có hai người nhận biết ý người khác, mỗi mỗi đều cùng nhân đấy để nhận biết tâm. Một người kia không theo hai để hỏi: Vì sao ông cũng nhân theo đấy? Người kia cũng không làm như thế để đáp: Tôi đã tạo ra nhân duyên như thế, cũng nhận biết ý pháp của người khác, được ý như thế, mỗi mỗi đều cùng làm nhân cho nhau. Pháp của chúng sinh như thế, được nhận biết như thế, tùy theo pháp trước tức nhận biết.

Lại nữa, tất cả tâm tâm sở pháp nhất định có nhân duyên và tu theo đối tượng tạo tác của ý, ý có lực nên thường không quên mất.

Hỏi: Do những gì nên nhớ nghĩ mà lại ghi nhớ?

Đáp: Do pháp của chúng sinh, tâm tự nhiên hồi chuyển nơi sự việc kia, theo thứ lớp trí sinh, tu lực của ý mạnh mẽ nên chuyên ý không quên.

Hỏi: Do những gì ghi nhớ mà không nhớ nghĩ?

Đáp: Do pháp của chúng sinh, ý không tự hồi chuyển nơi sự việc kia, trí không theo thứ lớp sinh, ý dần dần yếu kém, cũng thường quên nhiều.

Hỏi: Vì duyên cớ gì cúng tế thì ngạ quỷ đến không phải là xứ khác?

Đáp: Đạo nầy tự như thế, pháp sinh nhập, xứ, thọ thân phần như vậy, nên được đến. Ví như các loài chim uyên ương, nhạn, hạc, khổng tước, anh vũ, thiên thu, cộng mạng, đều có thể bay lượn nơi hư không. Tuy nhiên, chim không tinh thông, không lớn, thần lực không thể vượt hơn con người, đức không thể lớn hơn con người, pháp tự thích ứng với sự sinh như thế, nên thọ thân là loài bay đi. Ví như một loại Nê-lê (địa ngục), một đạo súc sinh, một cõi ngạ quỷ, đều biết thọ mạng của đời trước, cũng nhận biết ý người khác, cũng có thể tạo ra sấm chớp, nổi mây, gió mưa, tuy tạo ra những thứ ấy nhưng không thể hơn con người. Thần đức của chúng không thể lớn hơn con người, uy lực của chúng cũng vậy. Nhưng pháp kia tự như thế, sinh, nhập, thọ thân đã tạo tác nên quả.

Lại nữa, có người suốt trong đêm dài sinh tử, khởi dục tham như thế, suy niệm như thế, tư duy như thế. Người ấy cưới vợ, sinh con, rồi lại vì con cưới vợ, vì cháu cưới vợ, cũng nói lời như vầy: “Ta sẽ có con, con ta sẽ có con. Sau khi ta chết, nếu đọa vào ngạ quỷ, các con cháu lại sẽ nhớ nghĩ đến ta, cho ta đoàn thực”. Người kia suốt trong đêm dài sinh tử, đã tạo ra dục như thế, tạo ra suy niệm như thế, tạo ra tham như thế, tạo ra tư duy như thế, nên đối tượng nhớ nghĩ ấy là quả.

Hỏi: Nên nói là một mắt trông thấy sắc, hay là hai mắt trông thấy sắc?

Đáp: Nên nói là hai mắt trông thấy sắc.

Do đâu hai mắt trông thấy sắc? Như nhắm một mắt nhìn kỹ sắc bất tịnh, nên khởi thức bất tịnh. Như mở hai mắt nhìn kỹ sắc liền khởi thức tịnh. Như nhắm một mắt nhìn kỹ sắc, khởi thức tịnh. Như mở hai mắt nhìn kỹ sắc, là khởi thức bất tịnh, tức không được nói là hai mắt trông thấy sắc. Song nhắm một mắt nhìn thấy sắc, khởi thức bất tịnh, mở hai mắt nhìn thấy sắc, là khởi thức tịnh, thế nên hai mắt trông thấy sắc. Như nhắm mắt, thì sự hoại, diệt, ẩn mất cũng như vậy.

Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi v.v… cũng lại như thế.

Hỏi: Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là không hiện chăng?

Đáp: Hoặc có quá khứ không phải là không hiện.

Thế nào là có quá khứ không phải là không hiện? Như Ưu Đà Da nói:

Tất cả kiết quá khứ

Nơi vườn lìa bỏ vườn

Nơi dục không nhiễm dục

Như tinh luyện vàng ròng.

Đấy gọi là có quá khứ không phải là không hiện.

Thế nào là không hiện không phải là quá khứ? Như có một người nhân nơi thần túc nên không hiện, hoặc dùng chú thuật, hoặc dùng cỏ thuốc khiến không hiện. Đấy gọi là không hiện không phải là quá khứ.

Thế nào là quá khứ cũng là không hiện? Là các hành khởi, bắt đầu khởi, sinh, bắt đầu sinh, thành, bắt đầu thành, đã tận, dứt hết, không hiện, là biến đổi quá khứ, đời quá khứ, thuộc về đời quá khứ. Đấy gọi là quá khứ cũng là không hiện.

Thế nào là không phải quá khứ cũng không phải không hiện? Là trừ các sự việc đã nêu trên.

Hỏi: Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là tận chăng?

Đáp: Hoặc có quá khứ không phải là tận.

Thế nào là có quá khứ không phải là tận? Như Ưu Đà Da nói:

Tất cả kiết quá khứ

Nơi vườn lìa bỏ vườn

Nơi dục không nhiễm dục

Như tinh luyện vàng ròng.

Đấy gọi là có quá khứ không phải là tận.

Thế nào là tận không phải là quá khứ? Như Đức Thế Tôn nói: Đệ tử của bậc Thánh tức đã dứt hết đạo ác của các nẻo địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Đấy gọi là tận không phải là quá khứ.

Thế nào là quá khứ cũng là tận? Là các hành khởi, bắt đầu khởi, sinh, bắt đầu sinh, thành, bắt đầu thành, đã tận, dứt hết, không hiện, là biến đổi quá khứ, đời quá khứ, thuộc đời quá khứ. Đấy gọi là quá khứ cũng là tận.

Thế nào là không phải quá khứ cũng không phải là tận? Là trừ các sự việc đã nêu trên.

Lại nữa, nay sẽ nói về kiết: Kiết hoặc là quá khứ không phải là tận. Hoặc là tận không phải là quá khứ. Hoặc là quá khứ cũng là tận. Hoặc không phải là quá khứ cũng không phải là tận.

Thế nào là quá khứ không phải là tận? Là các kiết quá khứ không dứt hết, có các kiết khác không diệt, không loại trừ hẳn. Đấy gọi là quá khứ không phải là tận.

Thế nào là tận không phải là quá khứ? Là các kiết vị lai đã dứt hết hoàn toàn, đã diệt, đã loại trừ hẳn. Đấy gọi là tận không phải là quá khứ.

Thế nào là quá khứ cũng là tận? Là các kiết quá khứ đã dứt hết, hoàn toàn, đã diệt, đã loại trừ hẳn. Đấy gọi là quá khứ cũng là tận.

Thế nào là không phải quá khứ cũng không phải là tận? Là các kiết vị lai không dứt hết, chưa hoàn toàn, không diệt, không loại trừ hẳn, cùng với các kiết hiện tại. Đấy gọi là không phải quá khứ cũng không phải là tận.

Hỏi: Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là diệt mất chăng?

Đáp: Hoặc có quá khứ không phải là diệt mất.

Thế nào là quá khứ không phải là diệt mất? Như Ưu Đà Da nói:

Tất cả kiết quá khứ

Nơi vườn lìa bỏ vườn

Nơi dục không nhiễm dục

Như tinh luyện vàng ròng.

Đấy gọi là quá khứ không phải là diệt mất.

Thế nào là diệt mất không phải là quá khứ? Ta nay sẽ nói những việc hẹp nhỏ như nhà nhỏ, nói nhà nhỏ ẩn mất, là vật nhỏ ven đường nhỏ. Mắt nhỏ thấy sắc nói là mắt ẩn mất. Đấy gọi là diệt mất không phải là quá khứ.

Thế nào là quá khứ cũng là diệt mất? Là các hành khởi, bắt đầu khởi, sinh, bắt đầu sinh, thành, bắt đầu thành, đã tận, dứt hết, không hiện, là biến đổi quá khứ, đời quá khứ, thuộc về đời quá khứ. Đấy gọi là quá khứ cũng là diệt mất.

Thế nào là không phải quá khứ cũng không phải là diệt mất? Là trừ các sự việc đã nêu trên.

Lại nữa, nay sẽ nói về kiết: Kiết hoặc là quá khứ không phải là diệt mất. Hoặc là diệt mất không phải là quá khứ. Hoặc là quá khứ cũng là diệt mất. Hoặc không phải là quá khứ cũng không phải là diệt mất.

Thế nào là quá khứ không phải là diệt mất? Là các kiết quá khứ chưa dứt hết, chưa trọn vẹn, không diệt, không loại trừ hẳn. Đấy gọi là quá khứ không phải là diệt mất.

Thế nào là diệt mất không phải là quá khứ? Là các kiết vị lai đã dứt hết, không còn sót, đã diệt, đã loại trừ hẳn. Đấy gọi là diệt mất không phải là quá khứ.

Thế nào là quá khứ cũng là diệt mất? Là các kiết quá khứ đã dứt hết, không còn sót, đã diệt, đã loại trừ hẳn. Đấy gọi là quá khứ cũng là diệt mất.

Thế nào là không phải quá khứ cũng không phải là diệt mất? Là các kiết vị lai không dứt hết, chưa trọn vẹn, không diệt, không loại trừ hẳn và các kiết hiện tại. Đấy gọi là không phải quá khứ cũng không phải là diệt mất.

Hỏi: Nếu đối với khổ sinh nghi: Là khổ, là không phải khổ? Nên nói là một ý (tâm) hay là nhiều ý?

Đáp: Nên nói là nhiều ý. Là khổ, là một ý, là không phải khổ, là hai ý.

Hỏi: Nếu đối với tập, tận, đạo sinh nghi: Là đạo, là không phải đạo? Nên nói là một ý hay là nhiều ý?

Đáp: Nên nói là nhiều ý. Là đạo là một ý, là không phải đạo, là hai ý.

Hỏi: Từng có một ý là có nghi, không nghi chăng?

Đáp: Không có. Vì sao? Vì đối với khổ có nghi, đối với khổ không nghi. Không phải là khổ có nghi, không phải là khổ không nghi. Đối với tập, tận, đạo có nghi, đối với đạo không nghi. Không phải là đạo có nghi, không phải là đạo không nghi.

Hỏi: Thế nào là Danh thân?

Đáp: Danh nghĩa là phân biệt ngữ có tướng của số tăng, thiết lập để nói về danh chuyển biến. Đấy gọi là Danh thân.

Hỏi: Thế nào là Cú thân?

Đáp: Như các câu có được nghĩa đầy đủ để ghi nhận hành tác đây kia. Đức Thế Tôn cũng nói:

Các ác chớ làm

Các thiện vâng làm

Tự tịnh ý mình

Lời chư Phật dạy.

Các ác chớ làm: Đấy là một câu.

Các thiện vâng làm: Đấy là hai câu.

Tự tịnh ý mình: Đấy là ba câu.

Là chư Phật dạy: Đấy là bốn câu.

Câu như thế nghĩa đầy đủ để ghi nhận hành tác đây kia. Đấy gọi là Cú thân.

Hỏi: Thế nào là Vị thân?

Đáp: Nhóm chữ gọi là Vị thân. Đức Thế Tôn cũng nói: Tụng là tướng kệ, chữ là tướng vị, danh là dựa nơi kệ để tạo, thể của kệ với chữ như thế nói là vị thân. Đấy gọi là Vị thân.

Như Đức Phật, Thế Tôn quở trách các đệ tử: “Các ông là những người ngu si”.

Hỏi: Nghĩa ấy là thế nào? Do những gì, Đức Phật Thế Tôn bảo các đệ tử là người ngu si?

Đáp: Trong pháp của Phật, Thế Tôn, người không thuận theo giới hành, phạm các lỗi lầm, vì thật hành không có hiệu quả, nên gọi người ngu si.

Lại nữa, không thuận theo lời khuyên dạy của Đức Phật, Thế Tôn, phải giáo huấn khiến thuận với pháp, nên gọi là người ngu si. Đấy là Phật, Thế Tôn thường có lời giáo huấn, răn dạy, giống như lời khuyên dạy các đệ tử ngày nay của Hòa thượng, A-xà-lê, gọi là người ngu si vì đã gây tạo các sự việc bất thiện, phi pháp. Đức Phật, Thế Tôn cũng lại như thế, quở trách các đệ tử của mình là người ngu si.

Có sáu nhân, đó là: Nhân tương ưng, nhân cộng hữu, nhân tự nhiên, nhân nhất thiết biến, nhân báo, nhân sở tác.

Hỏi: Thế nào là Nhân tương ưng (Nhân tương ưng)?

Đáp: Thống (thọ), pháp tương ưng với thống (thọ) là nhân trong nhân tương ưng. Pháp tương ưng với thống (thọ) là nhân trong nhân tương ưng của thống. Tưởng, Tư, Cánh lạc (Xúc), Ức (Tác ý), Dục, Giải thoát (Thắng giải), Niệm, Tam muội (Tam-ma-địa), Tuệ, pháp tương ưng với tuệ là nhân trong nhân tương ưng. Pháp tương ưng với tuệ là nhân trong nhân tương ưng của tuệ. Đấy gọi là nhân tương ưng.

Hỏi: Thế nào là Nhân cộng hữu (Nhân câu hữu)?

Đáp: Tâm cùng tâm sở niệm pháp là nhân trong nhân cộng hữu. Tâm sở niệm pháp cùng tâm là nhân trong nhân cộng hữu. Lại nữa, tâm tâm sở xoay chuyển nơi thân hành khẩu hành là nhân trong nhân cộng hữu. Lại nữa, tâm cùng tâm sở xoay chuyển nơi tâm bất tương ưng hành là nhân trong nhân cộng hữu. Tâm sở cùng tâm xoay chuyển nơi tâm bất tương ưng hành là nhân trong nhân cộng hữu. Lại nữa, bốn đại cùng sinh, lần lượt là nhân trong nhân cộng hữu. Đấy gọi là nhân cộng hữu. (Nhân trong nhân có nghĩa là lần lượt cùng sinh)

Hỏi: Thế nào là Nhân tự nhiên (Nhân đồng loại)?

Đáp: Căn thiện sinh từ xưa và căn thiện sinh sau cùng với pháp tương ưng của căn thiện nơi tự giới là nhân trong nhân tự nhiên. Căn thiện quá khứ, căn thiện vị lai, hiện tại cùng với pháp tương ưng của căn thiện nơi tự giới là nhân trong nhân tự nhiên. Căn thiện quá khứ, hiện tại, căn thiện vị lai cùng với pháp tương ưng của căn thiện nơi tự giới là nhân trong nhân tự nhiên. Căn vô ký cũng lại như vậy. (Bốn thống (thọ): một là ái, hai là năm tà kiến, ba là kiêu mạn, bốn là vô minh). Căn bất thiện sinh từ xưa và căn bất thiện sinh sau cùng với pháp tương ưng của căn bất thiện là nhân trong nhân tự nhiên. Căn bất thiện quá khứ, căn bất thiện vị lai, hiện tại cùng với pháp tương ưng của căn bất thiện là nhân trong nhân tự nhiên. Căn bất thiện quá khứ, hiện tại, căn bất thiện vị lai cùng với pháp tương ưng của căn bất thiện là nhân trong nhân tự nhiên. Đấy gọi là Nhân tự nhiên.

Hỏi: Thế nào là Nhân nhất thiết biến (Nhân biến hành)?

Đáp: Khổ đế sinh từ trước đoạn trừ sử (tùy miên) nhất thiết biến, tập, tận, đạo sinh sau, tư duy dứt trừ sử, cùng với pháp tương ưng của sử nơi tự giới là nhân trong nhân nhất thiết biến. Khổ đế quá khứ đoạn trừ sử nhất thiết biến (Tùy miên biến hành), tập, tận, đạo vị lai, hiện tại, tư duy đoạn trừ sử cùng pháp tương ưng của sử nơi tự giới là nhân trong nhân nhất thiết biến. Khổ đế quá khứ, hiện tại đã đoạn trừ sử nhất thiết biến, tập, tận, đạo vị lai, tư duy đoạn trừ sử, cùng với pháp tương ưng của sử là nhân trong nhân nhất thiết biến. Sử do tập đế đoạn trừ cũng lại như vậy. Đấy gọi là Nhân nhất thiết biến.

Hỏi: Thế nào là Nhân báo (Nhân dị thục)?

Đáp: Các tâm tâm sở niệm pháp thọ báo nơi sắc, tâm tâm pháp, tâm bất tương ưng hành. Tâm tâm pháp kia cùng báo nầy là nhân trong nhân báo. Lại nữa, các hành của thân miệng thọ báo nơi sắc, tâm tâm pháp, tâm bất tương ưng hành. Hành của thân, miệng kia cùng với báo nầy là nhân trong nhân báo. Lại nữa, các tâm bất tương ưng hành thọ nhận báo nơi sắc, tâm tâm pháp, tâm bất tương ưng hành. Tâm bất tương hành kia cùng với báo nầy là nhân trong nhân báo. Đấy gọi là Nhân báo.

Hỏi: Thế nào là Nhân sở tác (Nhân năng tác)?

Đáp: Mắt duyên nơi sắc sinh nhãn thức, nhãn thức kia cùng với mắt là nhân trong nhân sở tác. Nếu sắc và pháp cùng có kia tương ưng với sắc kia, tai nghe tiếng và nhĩ thức, mũi ngửi hương và tỷ thức, lưỡi nếm vị và thiệt thức, thân xúc chạm và thân thức, ý biết pháp và ý thức, cùng với pháp cùng có kia tương ưng. Pháp có sắc, pháp không sắc, pháp có thể thấy, pháp không thể thấy, pháp có đối, pháp không đối, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, các pháp như thế là nhân trong nhân sở tác, trừ tự tánh của chúng.

Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý duyên nơi pháp sinh ý thức, ý thức kia cùng với ý là nhân trong nhân sở tác. Nếu pháp kia và pháp cùng có tương ưng, mắt thấy sắc và nhãn thức, tai nghe tiếng và nhĩ thức, mũi ngửi mùi và tỷ thức, lưỡi nếm vị và thiệt thức, thân xúc chạm và thân thức, chúng tương ưng với pháp cùng có kia. Pháp có sắc, pháp vô sắc, pháp có thể thấy, pháp không thể thấy, pháp có đối, pháp không đối, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, các pháp như thế là nhân trong nhân sở tác, trừ tự tánh của chúng. Đấy gọi là Nhân sở tác.

Hỏi: Nếu tâm, sử (tùy miên) cùng có, các sử và tâm cùng có, vậy sử kia đã sai khiến tâm nầy chăng?

Đáp: Hoặc sai khiến (tùy tăng), hoặc không sai khiến.

Thế nào là sai khiến? Là các sử chưa dứt hết. Đó gọi là sai khiến.

Thế nào là không sai khiến? Là các sử đã dứt hết. Đó gọi là không sai khiến.

Hỏi: Giả như sử đã sai khiến tâm, tâm nầy cùng có sử, vậy sử kia và tâm nầy là cùng có sử chăng?

Đáp: Hoặc do sử kia không phải là pháp khác, hoặc do sử kia là pháp khác.

Thế nào là sử kia không phải là pháp khác? Là khổ trí sinh, tập trí không sinh, nếu tâm do tập đế đoạn, do khổ đế đoạn làm duyên. Đấy gọi là sử kia không phải là pháp khác.

Thế nào là sử kia là pháp khác? Là tâm nhiễm ô của con người, tất cả đều bị trói buộc. Đấy gọi là sử kia là pháp khác.

Hỏi: Nếu tâm, sử cùng có, các sử và tâm cùng có, vậy sử kia và tâm nầy sẽ diệt chăng?

Đáp: Hoặc là diệt, hoặc là không diệt.

Thế nào là diệt? Các sử duyên nơi tâm kia đã dứt hết. Đó gọi là diệt.

Thế nào là không diệt? Các sử duyên nơi tâm kia chưa dứt hết. Đó gọi là không diệt.

Hỏi: Các sử tương ưng, sử ấy ở nơi chốn nào diệt?

Đáp: Các sử duyên nơi diệt.

Hỏi: Như thế, ông đã nói là sử duyên nơi diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu nói lời như thế thì các sử do tận đế, đạo đế đoạn trừ duyên nơi vô lậu, thì sử nầy do đâu diệt? Nếu nói đây diệt kia diệt, sự việc ấy đều không đúng?

Đáp: Như trước đã nói: Các sử do tận đế (diệt đế), đạo đế đoạn duyên nơi hữu lậu, thì diệt nầy, sử kia nên nói là tận.

Hỏi: Giả như các sử và tâm sẽ đoạn, tâm nầy đoạn cùng có sử, vậy sử kia, tâm nầy cùng sai khiến chăng?

Đáp: Hoặc là sử kia không phải là pháp khác, hoặc là sử kia là pháp khác.

Thế nào là sử kia không phải là pháp khác? Là nếu tâm không nhiễm ô, do tư duy đoạn. Đó gọi là sử kia không phải là pháp khác.

Thế nào là sử kia là pháp khác? Là nếu tâm có nhiễm ô. Đó gọi là sử kia là pháp khác.

Hỏi: Thế nào là Tận duyên thức? (Ở trước thì nêu: Thế nào là diệt nhân thức? Đối chiếu bản 1544: Thế nào là nhân nơi cảnh đoạn thức?) Đáp: Là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nếu tâm do tập đế đoạn đã duyên nơi khổ đế đoạn, đó gọi là Tận duyên thức.

Hỏi: Thức kia có bao nhiêu sử (tùy miên) đã sai khiến (tùy tăng)?

Đáp: Là mười chín.

Hỏi: Là một tâm chăng?

Đáp: Không phải thế.

Hỏi: Thế nào là Tận duyên thức?

Đáp: Ái dục chưa hết, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nếu tâm nơi cõi Dục do tập đế đoạn duyên nơi khổ đế đoạn, đó gọi là Tận duyên thức (Nhân nơi cảnh đoạn thức).

Hỏi: Thức kia có bao nhiêu sử (tùy miên) đã sai khiến (tùy tăng)?

Đáp: Nơi cõi Dục do tập đế đoạn là bảy.

Hỏi: Thế nào là Tận duyên thức?

Đáp: Ái cõi Dục đã hết, ái cõi Sắc chưa hết, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nếu tâm nơi cõi Sắc do tập đế đoạn duyên nơi khổ đế đoạn, đó gọi là Tận duyên thức.

Hỏi: Thức kia có bao nhiêu sử đã sai khiến?

Đáp: Nơi cõi Sắc do tập đế đoạn là sáu.

Hỏi: Thế nào là Tận duyên thức?

Đáp: Ái cõi Sắc đã hết, ái cõi Vô sắc chưa hết, như khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nếu tâm nơi cõi Vô sắc do tập đế đoạn duyên nơi khổ đế đoạn, đó gọi là Tận duyên thức.

Hỏi: Thức kia có bao nhiêu sử đã sai khiến?

Đáp: Nơi cõi Vô sắc do tập đế đoạn là sáu.

HẾT – QUYỂN 1