Lữ Thị Thoát Án Oan

 

Tội tù đánh đập khảo tra
Niệm Quan Âm chắc khỏi sa ngục hình

Thuở trước có đôi vợ chồng nghèo, sinh sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn. Tuy gia cảnh khó khăn nhưng luôn giữ đạo thanh bạch. Lữ thị (tên của người vợ) là một người vợ đảm đang, biết lo lắng trong ngoài. Hai vợ chồng đã quy y Tam bảo, phụng thờ đức Quán Thế Âm hết mực chí thành, xem như đó là tài sản quý giá nhất trong căn nhà mục nát.

Thế rồi “Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai”. Năm đó trong làng gặp cảnh hạn hán, mất mùa đói kém. Người chồng bao phen đến nhà Bá hộ nài nỉ, lạy lục van xin mượn ít gạo về để nuôi vợ đang trong cơn bệnh ngặt nghèo. Nhưng Bá hộ không cho còn bảo gia đinh dẫn chó xua đuổi.

Bá hộ là một tên hung ác, keo kiệt có tiếng. Dân trong làng đặt cho hắn cái tên “Bá hộ keo”. Gặp tình cảnh khổ sở này mà hắn cứ vểnh râu, làm ngơ trước nỗi xót xa của dân chúng.

Đêm hôm đó, nhà Bá hộ có trộm nhưng khốn nỗi không tìm được thủ phạm. Hắn một mực vu oan chồng Lữ thị là kẻ chủ mưu nên cho người đến bắt.

Người chồng nghe tin, vừa giận vừa lo. Lo là vợ mình không ai chăm sóc, giận là chuyện oan trái từ đâu đổ xuống. Thấy chồng lo lắng Lữ thị khuyên:

– Ngay lúc này bọn nó chưa tới thôi chàng hãy về quê lánh nạn ít hôm. Khi nào mọi chuyện êm xuôi thì hãy trở về rước thiếp.

Người chồng không đành, nhưng quân lính đã gần tới nơi, không còn cách nào khác để bảo toàn tính mạng nên người chồng đành phải ra đi. Trước khi đi người chồng nói với vợ:

– Ta phen này bị nạn, nàng hãy tự bảo trọng. Hãy chuyên lòng niệm Quán Âm chắc sẽ qua cơn bạo bệnh.

Lữ thị ngậm ngùi khuyên chồng:

– Thôi chàng hãy đi đi, thiếp tự lo cho mình được. Chàng cũng phải thường nhớ niệm đức Quán Thế Âm thì mọi chuyện sẽ chóng qua!

Vừa dứt lời, quân lính đã đến tới ngõ. Người chồng nhanh chân chạy thoát, để lại người vợ bất hạnh đương đầu với lũ đầu trâu mặt ngựa.

Vừa tới cửa nhà, bọn chúng quát:

– Chồng mày đâu mau kêu nó ra đây, nếu không tụi tao sẽ đốt căn nhà này.

– Lữ chồng tôi đi xa chưa về có gì các ông cứ nói với tôi.

– Chồng mày dám trộm lúa của Bá hộ rồi bỏ trốn. Nay Bá hộ thưa lên quan, bọn tao thừa lệnh bắt nó về. Mày mà cố ý che giấu thì bọn tao đành phải tạm giam mày trước đã. Bọn lính nói.

Thế là chẳng cần biết phải trái bọn lính tóm lấy Lữ thị giải lên quan rồi tống vào nhà giam.

Đáng thương thay cho Lữ thị! Một mình nàng phải hứng chịu biết bao nhiêu là nhục hình tra tấn dã man. Gông cùm xiềng xích tra khảo đánh đập, trăm ngàn đau khổ trút lên tấm thân héo gầy vốn đã kiệt sức vì bệnh tật, đói khát.

Một hôm, nhà ngục đột nhiên phát hỏa. Quân lính di chuyển phạm nhân ra đường lộ để tránh hỏa hoạn. vừa may gặp một vị Tăng đi ngang qua, Lữ thị nhìn thấy liền van lạy cầu cứu:

– Thưa cao Tăng, con vốn bị oan tình, nay xin cao Tăng từ bi cứu giúp con thoát khỏi ngục hình, ơn này con khắc cốt ghi tâm.

Vị Tăng nhìn thấy Lữ thị chính là người đàn bà đã từng quy y với mình trước kia. Ngài nói:

– Ta rất đau lòng trước tình cảnh của con nhưng ta không có cách nào giải cứu cho con được. Nay con nên thâm tín đức Quán Thế Âm, một lòng trì niệm chắc sẽ có cảm ứng.

Lữ thị nghe lời thầy dạy, chuyên lòng trì niệm danh hiệu Bồ-tát suốt ba ngày đêm, gông cùm bỗng nhiên đứt rời. Nhưng Lữ thị vẫn không dám chạy trốn vì lính canh còn quá nhiều.

Lạ thay! Từ trên không có tiếng người kêu:

– Ngươi mau chạy thoát đi!

Lữ thị nghe tức thì mở to đôi mắt thấy cửa ngục trống không. Lữ thị lấy hết sức phóng chạy như bay bán sống bán chết. Chạy đến hai, ba mươi dặm đường vì quá mỏi mệt nên Lữ thị ngất xỉu.
Tỉnh dậy Lữ thị thấy mình đang nằm trong một căn nhà khang trang, bên cạnh là một người đàn ông vóc dáng rất quen thuộc.

Lữ thị vừa mở miệng nói thì bị ngăn lại.

– Nàng hãy an tâm dưỡng bệnh, ta sẽ bồi đắp cho nàng để bù lại những ngày khốn khó. Người chồng nói.

Rồi chàng kể hết mọi việc sau khi chàng bỏ trốn. Vừa kể chàng vừa an ủi vợ:

– Thôi đã qua rồi cơn hoạn nạn! Nàng hãy cùng ta xây dựng lại mái ấm gia đình.

Lữ thị nghẹn ngào ôm chặt người chồng trong tay, cứ ngỡ như mình mới từ cõi chết trở về. Nàng vừa mừng vừa ngạc nhiên không hiểu nguyên do cớ sự. Trong lòng có ý muốn hỏi. Đoán biết ý của Lữ thị người chồng nói:

– Tất cả là nhờ vào sự gia hộ của Bồ-tát Quán Thế Âm!

Lời bàn:

Gông cùm, xiềng xích trói buộc nơi thân thể chỉ là thứ hình phạt bên ngoài của thế gian. Mới có như vậy thôi mà sự đau sự khổ đã không thể kể xiết. Đó là cái hữu hình.

Hiện nay chúng ta có một cuộc sống sung túc, giàu sang rồi lấy đó làm vui, làm thích cho là không bị trói buộc bởi cái nghèo, cái khổ. Chúng ta đâu ngờ rằng trong từng phút, từng giây mình đang bị gông cùm trói buộc, đang bị giam cầm trong cái hư danh, giàu sang giả tạm. Đó là thứ vô hình.

Ngày nay chúng ta sống lương thiện, nhưng lại còn phiền lụy về gia đình, tình con cái ràng buộc, tình nam nữ lôi thôi chẳng rời, giống như chim ở tại lồng, cá ở trong chậu, không có được tự do bơi lội hay bay nhảy trong khoảng không bao la trong mát được.

Gia đình chính là địa ngục vô hình, nơi đó giam hãm cuộc đời, chôn vùi hạnh phúc của chúng ta.

Tình con cái, tình luyến ái nam nữ chính là gông cùm, xiềng xích trói buộc ngăn trở chúng ta trên con đường đến với niềm vui giải thoát.

Cũng trong quyển Giai Thoại Nhà Thiền, Thầy Thích Minh Phát có viết:

“Trong lối hẹp giữa dòng đời luân tục
Cảnh buồn vui thúc giục kiếp nhân sinh
Ôi! Bao la từ một độ kết tinh
Cho cuộc sống giữa tâm tình khắc khoải
Nhìn bóng sắc say mê quên nghĩ lại
Để phiêu linh niềm nỗi mãi vấn vương
Bươm bướm bay, vì tâm cảnh chủ trương
Đắm hình sắc giữa canh trường mang lại
Thôi sực tỉnh, xa lìa lòng tham ái
Lửa dục tình hằng đốt cháy tâm linh
Như bướm kia, đã quên mất thân mình
Đành phải chết giữa bóng hình ảo ảnh”.

Cho nên muốn thoát khỏi ngục tù vô hình, gông cùm vợ con, xiềng xích nam nữ, thì cũng chỉ có nhất tâm xưng niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ-tát, may ra được mãn nguyện phần nào. Nhưng cũng chẳng cần phải xuất gia, phải ly khai gia đình mới gọi là thoát tục. Mà chỉ cần tâm duyên nơi đạo, sống đúng chánh pháp, thường xuyên niệm Phật là quý lắm rồi.

Trong cuộc sống mấy ai biết được chữ “ngờ”.

Để có được sự đoàn tụ ấy vợ chồng Lữ thị phải trả một cái giá rất đắt. Nỗi oan trái kia không phải là trường hợp hiếm hoi trong xã hội vốn đầy dẫy bất công, đau khổ.

Người chồng bị vu oan nhưng người vợ lại hứng chịu cực hình. Âu, đó cũng chính là giây oan trái mà người vợ đã gây tạo từ trước. Theo tư tưởng Phật giáo thì nhân nào quả đó. Định luật nhân quả hầu như chi phối toàn bộ đời sống của con người. Từ vua, quan cho đến thứ dân bần cùng khốn khổ.

Tuy nhiên chúng ta đừng “lầm” nhân quả. Phạm trù nhân quả bao la rộng lớn chúng ta không thể dùng tri kiến thường tình mà có thể hiểu nổi.

Nhân quả rất đa dạng và phức tạp. Nhân, có nhân tốt nhân xấu. Quả, có quả lành quả dữ. Cùng một nhân nhưng quả lại khác nhau tùy theo sự tạo tác sai biệt của mỗi người.

Cổ đức nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”.

Nghĩa là: muốn biết đời trước mình là người thế nào thì xem cuộc sống của bản thân, gia đình trong hiện tại. Muốn biết sẽ vui hay khổ của thân sau thì trông vào tính nết, đức độ, cách ăn ở của mình đối với mọi người trong hiện tại. Đó là đáp án chung cho bài toán về nhân quả.

Đã là cuộc đời luôn luôn có mâu thuẫn, luôn luôn có mầm đối lập dù trong một cuộc đời, một thể thống nhất. Ngoại cảnh hay tự thân đều cùng chung một quy luật ấy. Có thiện thì có ác, có tốt thì có xấu. Đó là chân lý tất yếu của cuộc đời. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Đề-bà-đạt-đa chúng ta thấy đức Phật thuật lại câu chuyện Đề-bà-đạt-đa xấu với Phật trong quá khứ, ác với Phật trong hiện tại nhằm nhắc cho chúng ta về quy luật tất yếu tất nhiên đó. Đừng nghĩ mình thiện thì luôn luôn có cái thiện, điều tốt nó đáp lại ngay cho mình, và đừng có cái xấu vì việc không may đến với mình.

Vấn đề “nhân quả” trong đạo Phật không phải quá đơn giản như chúng ta tưởng, mà nó vận hành theo nhịp độ thời gian làm cho nhân quả khác thời, khác giống và không khư khư cố định.
Ta đang chăm sóc cánh đồng lúa rất tốt nhưng có khi phải ăn khoai, ăn bắp mà làm công việc đó. Có người hiện tiền hưởng thụ mỹ vị cao sang, lụa là, nhung gấm, ai có ngờ mấy năm sau họ trở thành người bần hàn cơ cực.

Tin nhân quả đã khó, sống đúng nhân quả lại càng khó hơn!

Thân tuy còn tại gia, nhưng đã sùng tín Phật Pháp, quy y Tam bảo, đạm bạc với cuộc sống hằng ngày, giữ gìn nết đạo thanh cao, nuôi dưỡng vun bồi tấm lòng từ bi. Được như thế tức là đã xuất gia rồi vậy.

Đấy là những việc phi thường chứ chẳng phải dễ được đâu. Cứ một đường thẳng tiến, Cực Lạc thế giới ở ngay trước mắt:

“Thân tuy vị đáo Liên hoa trì,
Thử tâm dĩ tống Cực Lạc hương”

Nghĩa là: “Thân tuy chưa đến ao hoa sen, tâm này đã về quê Cực Lạc”.

Trích: Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm