LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 06

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

Hành giả Tịnh độ nên tùy theo vị thế của mình để làm việc thiện, nhằm hỗ trợ cho việc tu tập. Vì vậy, cuốn này có tên là “Đặc Vị Khuyến Dụ” (đặc biệt vì sự khuyến tu). Với những người không biết chữ thì mong các bậc từ nhân quân tử phát tâm Bồ-đề mà giảng nói cho họ; vì đó là công việc lớn nhất trong hạnh Bố thí.

Thứ tự trước sau là từ gần đến xa, hoặc từ gấp gáp đến thư thả chứ không câu nệ là người cao kẻ thấp.

Khuyên kẻ sĩ.

Ở đời, có kẻ sĩ chưa đọc nhiều sách nhưng vẫn đỗ đạt cao, có người tuy đọc nhiều nhưng suốt đời vẫn thi hỏng, đó là do kiếp trước gieo trồng khác nhau, nên kiếp này có quả báo không giống nhau. Tuy nhiên, dẫu tuổi nhỏ mà đã đỗ cao, được thăng quan tiến chức, công nghiệp cứu đời được một thời đi nữa thì phước báo ấy cũng có lúc suy tàn. Tôi phụng khuyến các bậc hậu sinh nên cần mẫn đối với việc học hỏi, thành tâm với bằng hữu. Tôi lại nhớ đến những vị cao Tăng của tôi; vị nào cũng lưu tâm đến con đường khoa cử, nhờ năm tháng dài rộng và công sức tích lũy nhiều nên tự có niềm vui; đến lúc tuổi già, nhớ lại những sự việc đã qua chẳng khác gì giấc mộng! Than ôi! Ngày lại ngày nào có vị nào thoát được vòng mộng huyễn đó đâu! Vì vậy, nên chúng ta hãy sớm lưu tâm đến việc tu tập Tịnh độ.

Không luận là già hay trẻ, nếu các bạn chuyên đem Tịnh độ để giáo hóa cho mọi người, lại khiến cho mọi người cùng khuyến hóa, thì hiện đời các bạn sẽ gặt hái được phước đức và thân sau sẽ được sinh lên Thượng phẩm.

Khuyên quân tử ra làm quan.

Ở đời, người làm quan là do kiếp trước đã gieo trồng phước đức. Như gieo hạt vào mùa Xuân thì mùa Thu gặt hái. Cũng vậy, nếu người không gieo trồng phước đức thì không thể có địa vị như ngày hôm nay. Song, quả báo ấy vẫn có khi hết. Trái lại nếu quý vị tiếp tục tạo phước,

thực hành đủ loại phương tiện và những việc thương người, lợi vật rồi đem những công đức ấy mà hồi hướng Tây phương thì sẽ khỏi luân hồi, tuổi thọ và niềm vui sẽ vô cùng tận, mà phước báo thế gian không thể nào sánh được. Nếu các vị quá thương dân chúng không đành từ bỏ thì nên phát nguyện vãng sinh; sau khi được liễu thoát sinh tử lập tức trở lại cõi này, hiện thân Tể quan để làm lợi ích rộng lớn cho mọi người thì tấm lòng kia sẽ được thỏa mãn.

Nếu có thể đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến cho mọi người khuyến hóa nhau, thì ai cũng cho rằng lời nói của mình có trọng lượng mà hoan hỷ phụng trì. Căn cứ vào bài kệ của Bồ-tát Đại Từ thì hiện đời, chư vị có thể đem công đức ấy để tiêu trừ tai nạn, tăng trưởng phước đức và thân sau sẽ sinh lên Thượng phẩm.

Khuyên những người ở Công môn.

Người ở Công môn nên tự suy nghĩ thế này: “Những vị kia là quan, còn ta là tôi tớ. Những quan chức ấy là người tôn quý, còn ta là hạng thấp hèn. Những vị ấy là người nhàn nhã, còn ta là kẻ lao nhọc. Ta luôn luôn vui vẻ thờ phụng họ. Lúc được thương cũng không vui; trái lại, lúc gặp điều nghịch cùng những lời trách mắng ta cũng không buồn, bởi vì đó là do sự tu tập hời hợt của ta ở đời trước nên mới ra nông nổi thế này. Ta nên cẩn thận ở lời ăn, tiếng nói, cử chỉ để bảo toàn tính mạng.”

Không luận là việc lớn hay nhỏ, quý vị nên tùy nghi để ứng xử. Nếu trước mắt nhìn mọi người với niềm hoan hỷ thì không có hoạn nạn về sau; và nếu quý vị luôn tích lũy điều thiện thì phước đức ấy để truyền đến con cháu. Nên nhớ rằng, những người phục dịch ở công đường nhưng con cháu họ vẫn vinh hiển là do tiên tổ của họ đã chứa dồn phước đức. Đạo Trời luôn chiếu sáng, nên chúng ta không thể hoài nghi quy luật ấy được. Nếu quý vị thường xuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện sinh thế giới Cực lạc; lại đem giáo pháp Tịnh độ giáo hóa mọi người, khiến mọi người giáo hóa lẫn nhau thì hiện đời quý vị sẽ gặt được phước đức và thân sau sẽ sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên những người làm thầy thuốc.

Những người làm thầy thuốc nên tự nghĩ thế này: “Những người khác khổ đau vì bệnh tật cũng như bản thân ta bị đau khổ nên có ai mời gấp, ta đi ngay không trì hoãn. Hoặc có ai đến xin thuốc, ta liền trao ngay và không quan tâm đến địa vị của họ là sang hay hèn, là giàu hay nghèo, chỉ nên lấy việc cứu người làm tâm niệm để kết duyên cùng họ, để dồn chứa phước đức cho mình. Và tất nhiên, trong chốn mịt mờ tự có người phù hộ cho mình. Nếu thừa lúc người ta cần kíp để chuyên tâm

tìm cầu tiền bạc, dụng tâm đã bất nhân thì cố nhiên trong chỗ mịt mờ sẽ có họa hoạn cho mình.”

Làng tôi có vị thầy thuốc trên Trương Ngạn Minh, ông ta trị bệnh rất giỏi. Dẫu người tìm đến chữa trị là Tăng sĩ, đạo sĩ, bần sĩ, quân lính, quan chức hay nghèo khó ông đều không nhận tiền. Trái lại, ông còn giúp đỡ họ về tiền và gạo nữa. Những người đến mời dẫu nghèo hèn ông vẫn sốt sắng đi ngay; người giàu có đem tiền đến bốc thuốc thì ông không hỏi tiền nhiều hay ít mà chỉ trao nhiều thuốc cho và mong sao bệnh nhân được lành lặn chứ chưa từng có ý nghĩ là họ sẽ mang tiền đến bốc thuốc lại. Gặp nhiều bệnh nguy kịch và biết sẽ không cứu sống được, ông cũng bốc thuốc tốt cho để an ủi bệnh nhân mà không chịu nhận tiền.

Tôi ở đây đã lâu nên biết rõ ông là người thầy thuốc mà suốt đời không nói đến tiền bạc nên có thể nói ông là con người tuyệt vời nhất.

Một hôm trong thành có hỏa hoạn, lửa đốt cháy khắp nơi chỉ có nhà ông là nguyên vẹn. Đó là bằng chứng rõ ràng của vấn đề Thần minh phù trợ. Con ông đọc sách và sau này được dự vào khôi tiến. Ông có hai, ba đứa cháu thông minh đức độ, điều ấy cũng chứng tỏ cho niềm tin đối với vấn đề phước thiện của đạo Trời. Giả sử như ông ta chỉ chăm chú vào tiền bạc mà đánh mất cái số ấy đi thì cái được không đủ bù cho điều mất. Những người đồng môn nên lấy ông làm tấm gương cho mình.

Nếu chư vị luôn giữ tâm đó để hồi hướng Tịnh độ thì chắc chắn sinh lên Thượng phẩm. Nếu nhân người bị bệnh khổ mà đem Tịnh độ để giáo hóa thì họ rất dễ sinh tín tâm. Lại khiến bệnh nhân phát đại nguyện để rộng truyền giáo pháp, để chuộc tội đời trước, để cầu cho bệnh được thuyên giảm tất sẽ như ý nguyện; còn nếu tuổi Trời đã hết thì cũng có thể nương nguyện lực ấy mà sinh về Tịnh độ.

Nếu chư vị luôn giáo hóa mọi người như thế thì không những thân sau của chư vị được vãng sinh Thượng phẩm, mà hiện đời còn được mọi người tôn kính và phước báo vô cùng tận, cho đến con cháu đời sau còn được hưởng.

Khuyên Tăng sĩ.

Là một Tăng sĩ thì tự mình phải suy nghĩ thế này: “Ta là người xuất gia. Vậy, bổn phận chính của ta là phải liễu đạt sinh tử! Nếu không làm được điều ấy thì ta lại bị trôi nổi cùng trần tục và khi cái chết ập đến thì biết dựa dẫm vào đâu! Dẫu ngày thường ta có tạo được thiện nghiệp chăng nữa cũng không thể thoát khỏi luân hồi, nghĩa là lúc quả

báo của thiện nghiệp hết thì ta vẫn bị đọa lạc lại. Chi bằng sớm tu tập Tịnh độ để thoát luân hồi, để được diện kiến Đức Phật A-di-đà mới gọi là đã hoàn thành trách nhiệm của một kẻ xuất gia.”

Như các Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư, Trường Lô Trách thiền sư, Vạn Niên Nhất thiền sư v.v…, đều tu Tịnh độ và lại đem giáo pháp đó để giáo hóa mọi người, khiến cho họ giáo hóa nhau. Lẽ nào chúng ta không làm theo các bậc ấy?

Thông thường, nếu ta nhận sự cúng thí của người khác dầu chỉ một đồng tiền, một bát cơm thì nên giảng nói Tịnh độ để báo đền ân đức cho họ. Dẫu không tin ta cũng giảng giải cho họ biết, nhờ sự chín muồi của nhĩ căn nên lâu ngày họ cũng tin tưởng. Còn nếu lúc vừa nghe mà họ tin ngay thì đó quả là điều ân ích lớn lao.

Nếu giáo hóa mọi người như vậy thì hiện đời ta được mọi người kính mến và thiện duyên ngày một thuần thục. Giả sử, ta thường chuyên tâm quán tưởng thì không bao lâu mình sẽ thấy được chân thân của Đức Phật; sau khi xả bỏ báo thân này ta sẽ sinh lên Thượng phẩm và là vị Bồ-tát thuộc Bất thoái chuyển địa.

Cổ đức nói: “Thân này không chịu đời này độ. Thì hỏi đời nào mới độ thân.”

Ngưỡng mong chư Tăng nên thường xuyên nuôi dưỡng và tưới tắm cho những ý tưởng ấy, không nên biếng nhác, chây lười!

Khuyên kẻ tham thiền.

Nếu người tham thiền được đại ngộ thì liền thoát được luân hồi sinh tử, bởi lẽ đó là pháp siêu việt nhất. Song, để đạt được kết quả ấy thì dẫu có cả trăm người tu cũng chưa có được dăm ba người. Nhưng nếu tu Tây phương, dẫu đến vạn người cũng đều trót lọt cả. Bởi vậy, tôi muốn khuyên những bậc thượng căn thượng trí trong hàng ngũ Tăng sĩ điều này: Ngoài thời giam tham thiền, chư vị nên dành chút thời gian nhàn rỗi để tu Tây phương. Cho dù chư vị tham thiền được đại ngộ, được thoát luân hồi, tuy vẫn còn cách Phật địa rất xa nhưng lại có thể diện kiến Đức Phật A-di-đà để lễ lạy chí kính thì có gì là khó. Nếu chư vị chưa được đại ngộ mà mạng sống chấm dứt đột ngột thì vẫn được vãng sinh, được thấy Phật và nghe pháp, như vậy lo gì không được đại ngộ.

Nếu chư vị không tu Tịnh độ thì không thể thoát được cái nạn luân hồi tùy theo nghiệp duyên, tuy được như các vị Thanh Thảo Đường, Giới Thiền Sư, Chân Như Triết đi nữa cũng đắm chìm trong luân hồi cả. Thật vô cùng đáng sợ! Muốn biết rõ vấn đề này xin chư vị đọc ở quyển bảy.

Nếu chư vị không xem nhẹ Pháp môn này và chuyên tâm tu tập, lại đem giáo pháp này giáo hóa mọi người, làm cho họ khuyến hóa lẫn nhau; thì mọi người đều cho chư vị là danh Tăng nên họ hoan hỷ nghe theo lời quý vị. Như vậy sự ích lợi quả thật vô cùng mà chư vị cũng chắc chắn được sinh lên Thượng phẩm thượng sinh.

Khuyên người giàu.

Người giàu có nên tự nghĩ thế này: “ Ta nay sinh vào nhà giàu có là do đời trước ta có gieo trồng phước đức, như lúa gạo hôm nay là do ta trồng năm trước. Những tài lộc, quần áo, thức ăn của đời này đều có định số ở âm ty. Nếu ta làm lụng từ từ và hợp với số có thì tự nhiên của cải sẽ đến, của cải đến chậm thì mạng sống có thể kéo dài, như dòng nước cạn thì nước được tồn tại lâu; nếu ta tham tiền tài và làm ăn vội vã thì cũng ngang với số ấy, có được tài sản ngoài số thì tai họa sẽ sinh, làm cho chúng mất mát, như nước quá đầy thì bị tràn. Vì vậy, chúng ta nên tùy phận mà sống sao cho không bị đầy tràn. Lại nữa, chúng ta nên bỏ ra chút ít tài sản mà cứu tế cho mọi người, được thế thì không những hiện đời chúng ta được an lạc mà còn gieo trồng được phước đức cho đời sau.”

Nhưng chúng ta nên nhớ rằng phước thế gian có lúc cũng hết, nếu chúng ta đem phước ấy để hồi hướng Tây phương thì nó sẽ nhiều lên vô cùng. Huống gì sự giàu đủ của thế gian không thể vừa ý mình được, chúng ta nên lưu tâm đến Cực lạc thì tự mình sẽ được niềm vui. Chúng ta nên ấn thí những văn bản nói về Tịnh độ Tây phương để khuyến hóa mọi người, khiến mọi người cùng khuyến hóa nhau, làm thế tức là chúng ta đang gieo trồng phước đức vô lượng. Hiện đời chúng ta có thể dùng phước đức ấy để tiêu trừ tai nạn, được quỷ Thần tôn kính và phù hộ. Thân sau chắc chắn chúng ta sẽ sinh lên Thượng phẩm.

Khuyên người tham lam keo kiệt.

Kẻ nhận của người khác ba ngàn đồng nhưng vẫn cho rằng ít gọi là tham. Tự phí mất của mình chỉ hai ngàn đồng mà đã cho là quá nhiều gọi là keo kiệt.

Lỗi của tham lam, keo kiệt thì ai cũng như nhau nhưng ai tự biết! Người bỏ được hai bệnh ấy mới gọi là hiền, như vậy thì việc thiện nào cũng làm được, điều ác nào cũng ngăn cấm được. Vì sao? Vì ta không tiếc tiền lúc làm việc thiện, ta không tham tài sản mà làm điều ác. Nếu chúng ta làm thế để tu tập Tịnh độ thì chắc chắn không sinh vào Hạ phẩm. Chúng ta thường đem Tịnh độ để hoằng hóa mọi người, lại khiến cho những người được giáo hóa ấy giáo hóa kẻ khác; vì mọi người cho

rằng ta không có lòng tham lam, keo kiệt nên càng tôn kính và hoan hỷ nghe theo lời giáo huấn của ta và như thế thì số người được giáo hóa sẽ đông lên. Và dĩ nhiên, chúng ta không cần nghi ngờ việc mình được sinh lên Thượng phẩm hay không? Đồng thời, chúng ta có thể đứng nhìn phước báo hiện đời! Vấn đề này quả thật tôi không thể diễn đạt trọn vẹn bằng lời lẽ được, mong hành giả tự cảm nhận vậy!

Khuyên người con hiếu thảo.

Thiền sư Trường Lô Trách viết: “Hiếu hữu văn” gồm một trăm hai mươi thiên. Một trăm thiên đầu nói về việc phụng dưỡng cha mẹ bằng của ngon vật lạ, đó là hiếu dưỡng thuộc thế gian; hai mươi thiên sau là nói về khuyên mẹ cha tu tập Tịnh độ, đó là hiếu sự thuộc xuất thế gian. Bởi lẽ, hiếu sự thuộc thế gian chỉ hạn cuộc ở một đời, nên vẫn là hiếu sự nhỏ; trong lúc hiếu sự thuộc xuất thế gian là không cùng tận, vì nếu cha mẹ chúng ta được sinh Tịnh độ thì phước đức và thọ mạng nhiều hơn hằng hà sa kiếp. Tóm lại, đó là hiếu sự vĩ đại nhất.

Lúc cha mẹ còn sống mà ta không thể khuyến song thân tu tập Tịnh độ thì sự đau lòng ở ngày khác, sự bày vẽ nghi lễ thật đầy đủ của chúng ta nào có ích lợi gì đâu?

Còn nếu chúng ta lại có thể đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, khiến cho người được giáo hóa ấy giáo hóa người khác, rồi đem công đức ấy mà hỗ trợ cho phước và thọ của cha mẹ, làm thiện quả của cha mẹ được dày dặn thêm. Do bởi Đức Phật không bao giờ ngăn trở ước nguyện của chúng sinh, nên ý tưởng ấy sẽ được toại nguyện.

Trong Thượng phẩm thượng sinh, vấn đề được nói trước tiên là việc hiếu dưỡng đối với song thân. Nếu chúng ta đem tâm nguyện Tịnh độ mà làm việc hiếu sự, thì thứ đệ vãng sinh của mình ta có thể nhận biết ngay.

Khuyên cốt nhục ân ái.

Những người yêu thương nhau trong vòng cốt nhục nên suy nghĩ thế này: Bồ-tát Đại Từ có bài kệ rằng: “Cốt nhục ân tình thương mến nhau, khó được bên nhau đến bạc đầu, cường tráng ít nhiều chết chóc cả, tuổi thơ bỏ mạng phải ít đâu. Khuyên người người niệm tụng A-di- đà, được hóa sinh trong ao thất bảo, vĩnh viễn sum vầy không ly biệt, sống lâu muôn kiếp và khoái lạc.”

Nếu không được như thế thì chỉ là việc đem áo đẹp để tô điểm xác thân, đem món ngon để lấp cửa miệng, một sớm cùng nhau ly biệt, thì không có nơi nào để bám víu, tựa nương! Vì vậy, lúc còn sống, chúng ta nên đem pháp môn niệm Phật mà khuyên dạy nhau. Nếu chúng ta có

thể đem pháp môn ấy để giáo hóa người khác, khiến cho những người đó lại khuyến hóa người khác nữa, thì không những ta làm cho tình cốt nhục của ta được lâu bền, mà tình cốt nhục của những người khác cũng được vô tận thì phước báu cũng không cùng tận. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ được sinh lên Trung phẩm thượng sinh.

Khuyên phụ nhân.

Phụ nhân nên nghĩ thế này: Căn cứ vào lời của Phật thì những kẻ có tâm ái dục quá nặng sẽ thọ nhận cái thân phụ nữ. Đó vốn đã không phải là thiện nghiệp, nhưng nếu các vị không tự xét mà còn tăng thêm lòng ganh ghét, tham dục, làm cho nghiệp duyên càng sâu nặng thêm thì quả báo thật vô cùng đáng sợ!

Nếu các vị luôn hồi tâm để sám hối, nguyện trừ bỏ những tâm niệm sai lầm đó, nguyện lấy nhân từ để đãi ngộ với tỳ thiếp, nguyện đem lòng ôn hòa để tiếp người trên kẻ dưới; thường niệm A-di-đà Phật và phát nguyện rằng: “Nguyện cho ác nghiệp của tôi được tiêu trừ, thiện nghiệp ngày càng sinh trưởng. Hiện thân được thanh tịnh và cả trong ngoài đều được khinh an. Sau đời này tôi không thọ thân nữ nữa”. Các vị nên làm cho những niệm tưởng ấy được liên tục thì chúng sẽ tự thuần thục, lẽ tất nhiên, quý vị sẽ được sinh về cõi Cực lạc. Nếu quý vị đem Tịnh độ giáo hóa gia đình cho đến những tỳ thiếp và họ hàng thân thích, thì phước đức của mình sẽ không cùng tận, chắc chắn sinh lên Thượng phẩm. Các vị đọc chuyện của kinh Vương Phu Nhân thì sẽ rõ những điều tôi nói.

Khuyên hầu thiếp.

Người làm tỳ thiếp nên tự nghĩ thế này: Do đời trước ta không tu tập phước thiện nên hôm nay mới nhận thân phần bần tiện này. Người ta thì nhàn nhã, còn mình thì lao nhọc; người ta hưởng của ngon vật lạ, còn mình thì cơm thừa cá cặn; người ta thì lụa là mềm mịn, còn mình thì quần áo xấu thô. Tất cả sự việc đó đều do nghiệp duyên đời trước. Cố nhiên, chuyện đã qua thì không thể hối hận được. Nhưng, từ đây trở về sau, quý vị nên nghĩ nhớ đến điều thiện và luôn thành tâm sám hối; luôn trung thực cần mẫn, phụng sự kẻ trên mình một cách chu đáo để bảo trọng tấm thân, để gieo trồng phước đức về sau. Các vị nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật và làm sao cho từng niệm từng niệm nối nhau mãi, lúc niệm tự thuần thục thì chắc chắn được sinh về Cực lạc. Các vị lại nên đem Tịnh độ để giáo hóa cho đồng loại của mình, khiến những người đó giáo hóa những người khác, thì phước báo của mình sẽ vô lượng và tất nhiên là sẽ được sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên nông dân.

Người làm nông nên nghĩ thế này: Tuy nông nghiệp là công việc căn bản, song công việc xới đất cày ruộng làm chết rất nhiều côn trùng nhỏ bé. Tuy việc chẳng biết làm sao hơn, nhưng nếu các vị khéo léo để bảo toàn, sám hối những sai lầm trước đây, thường niệm A-di-đà Phật và phát nguyện rằng: “Nguyện sau khi được thấy Phật, được đắc đạo; trước tiên tôi sẽ độ tất cả chúng sinh nhỏ nhiệm bị giết hại từ khi tôi cày cấy đến nay; kế đến, tôi sẽ độ tất cả chúng sinh cả oán và thân.” Các vị nên thường xuyên nghĩ nhớ như vậy, và khiến cho niệm tưởng ấy được liên tục thì nó sẽ thuần thục và tất nhiên là các vị sẽ được vãng sinh thế giới Cực lạc. Nếu các vị đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, khuyến mọi người cùng khuyến hóa nhau, thì hiện đời mình sẽ gặt được phước báo, thân sau sẽ chắc chắn sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên người nuôi tằm.

Người nuôi tằm nên tự nghĩ thế này: Tằm cho tơ để dệt vải may áo. Đó tuy là lẽ thường nhưng cũng là sự giết hại mạng sống loài vật. Người đời nói rằng, Bồ-tát Mã Minh nghiên cứu Tạng kinh thấy không có giáo thuyết ấy, chỉ nói rằng Đức Phật dạy đệ tử không được mặc gấm vóc, cho đến không được dùng da để làm giày dép. Vì muốn có những thứ ấy thì phải giết loài vật. Lẽ nào người sống bằng nghề nuôi tằm lại không hỗ thẹn! Các vị nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật và phát đại nguyện rằng: “Sau khi được thấy Phật, được thành đạo, tôi sẽ độ tất cả tằm mà tôi đã giết hại từ khi nuôi tằm đến nay.” Các vị cố giữ cho những niệm tưởng ấy được liên tục, thì chúng sẽ chín muồi và như thế, quý vị cũng được sinh về Cực lạc. Nếu quý vị đem giáo pháp Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến cho mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau, thì hiện đời quý vị sẽ gặt được phước báo, thân sau cũng được sinh lên Trung phẩm.

Khuyên người buôn bán.

Những người buôn bán nên tự nghĩ thế này: Bình sinh, việc trao đổi hàng hóa của ta tất có điều giả dối. Chúng ta không thể nói rằng mình vô tội khi mà ngay một đoạn gấm cũng từ mạng của tằm mới có. Một mai, khi mạng sống chấm dứt, chắc chắn chúng ta sẽ bị nghiệp duyên kéo đi. Cho nên, không gì hơn là hôm nay chúng ta nên sám hối, làm việc thiện và làm lụng kiếm sống tùy theo vị trí của mình. Nếu số của ta là có nhiều tiền của thì tự nhiên tiền của sẽ đến dần; nếu số của ta thiếu thốn về đường tiền của thì dẫu có nó rồi lại cũng bị mất mát. Huống gì cái số tiền bạc của đời người vốn dĩ có hạn; kẻ vội vã tìm cầu, tiền của đầy tràn thì lại mất sớm; kẻ tìm cầu thư thả mà tiền của đến chậm thì có thể bền lâu. Quý vị nên nuôi dưỡng những tư tưởng ấy trong tâm, thường niệm A-di-đà Phật và phát nguyện rằng: “Nguyện sau khi được thấy Phật, được thành đạo; trước tiên tôi sẽ độ tất cả chúng sinh từng buôn bán với tôi; kế đến, tôi sẽ độ tất cả kẻ oán người thân; sau hết, tôi sẽ độ tất cả chúng sinh có duyên hay vô duyên với tôi”. Quý vị nên giữ cho những niệm tưởng ấy được liên tục, thì tự chúng sẽ được chín muồi và chắc chắn quý vị sẽ được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quý vị lại đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, khiến cho mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau, thì hiện đời quý vị sẽ gặt hái được phước báo, thân sau sẽ sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên thợ mộc.

Những người thợ mộc nên tự nghĩ thế này: Ta là thợ mộc, có khi làm nhà cho người khác, có lúc làm vật dụng cho người khác. Tuy nghề này là thiện, nhưng vì đời trước ta không tu tập và gieo trồng phước thiện, nên hôm nay mới nghèo nàn. Nhà ta làm thì người khác ở, vật dụng ta tạo thì kẻ khác dùng, nhưng nếu không vậy thì áo quần thức ăn của ta sẽ thiếu hụt. Chung quy, quý vị nên tùy phận mà làm điều thiện. Nghĩa là, lúc làm cho người thì không nên quá tham vật liệu, phải tận tâm đối với công việc, vì những việc ấy cũng là cách gieo trồng phước đức. Quý vị nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật, lúc làm lụng cũng một lòng niệm A-di-đà Phật, sao cho từng niệm từng niệm được liên tục thì chắc chắn quý vị sẽ được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quý vị đem giáo pháp Tịnh độ để giáo hóa cho mọi người, sao cho mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau, thì hiện đời quý vị sẽ gặt hái được phước báo, thân sau chắc chắn sẽ sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên người đa truân.

Những người đa truân không nên oán Trời trách người, bởi lẽ tất cả đều do nghiệp duyên của ta. Nếu lúc gặp người khác mà ta hoan hỷ thì sẽ có quả hoan hỷ, nếu ta não hại họ thì sẽ gặt quả báo bị não hại. Nếu ta thực hành phương tiện thì được quả báo vừa lòng, nếu ta ngăn trở người khác thì ta bị quả báo là răng cỏ không đều đặn. Nói chung, tất cả đều do những việc làm ở đời trước, nó như ảnh theo hình, âm vang theo tiếng. Sở dĩ đời này các vị có quá nhiều nổi truân chuyên là bởi đời trước không làm điều thiện, không tạo phước nghiệp. Cố nhiên, chuyện đã qua thì không thể níu kéo được. Nhưng, từ nay mong quý vị nên tinh cần sám hối, luôn niệm A-di-đà Phật; không những có thể tiêu trừ được chướng nạn đời trước, mà còn làm cho duyên lành được tăng trưởng, đời sau quý vị sẽ sinh về thế giới Cực lạc, không còn bao nỗi truân chuyên như vậy nữa.

Mong rằng, các vị đừng cho rằng đời sau là chuyện xa vời, viễn vông. Chỉ cần ta nhắm mắt xuôi tay là thấy rõ mọi điều. Nếu các vị đem Tịnh độ để khuyên dạy mọi người, khiến cho mọi người cùng giáo hóa nhau, thì hiện đời quý vị sẽ gặt hái được phước báo, thân sau sẽ được sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên những người cốt nhục mà thù oán nhau.

Những kẻ cốt nhục mà thù oán nhau nên tự nghĩ thế này: Do ác nghiệp đời trước nên đời này ta mới chiêu cảm quả báo này. Nghĩa là, hoặc ta giết hại họ, hoặc là ta cướp nợ của họ, hoặc ta não hại họ. Bởi lẽ, nếu ta tạo duyên lành thì làm gì có tình trạng như thế này! Nếu quý vị luôn sám hối nghiệp của đời trước, tự trách cứ bản thân và không làm những việc ác nữa, hoặc thường xuyên niệm A-di-đà Phật, thì giải trừ được tâm phẫn nộ, tiêu diệt được ác duyên; và nếu quý vị nguyện sinh thế giới Cực lạc thì những người đoàn tụ với mình đều là thượng thiện nhân v.v… Tất nhiên, sẽ không còn những hoạn nạn như đã nói. Nếu quý vị đem giáo pháp Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại làm cho mọi người cùng khuyến hóa nhau, thì hiện đời sẽ gặt hái phước báo và sau khi mất, quý vị sẽ sinh lên Trung, Thượng phẩm.

Khuyên người đánh cá.

Những người làm nghề chài lưới nên nghĩ thế này: Cá sống trong nước và không làm hại ai cả, nhưng ta lại tìm đủ cách để đánh bắt chúng đem bán với mục đích nuôi sống thân mạng và gia đình. Cá trong nước cũng có quyến thuộc, trong bụng chúng có rất nhiều trứng; nếu ta giết hại chúng thì tội lỗi quả là vô lượng. Nếu đổi được nghề thì vô cùng quý, nhưng nếu quý vị vẫn làm thì không nên giết quá nhiều cá nhỏ và những con vật khó chết như ốc, sò, hến, trai v.v… (thông thường, những loài không vảy là rất khó chết). Nếu quý vị luôn niệm A-di-đà Phật, sám hối và phát nguyện rằng: “Nguyện sau khi được thấy Phật, được đắc đạo, tôi sẽ độ hết những loài mà tôi đã giết từ xưa đến nay, khiến tất cả chúng đều sinh về Tịnh độ” và nếu các vị nuôi dưỡng những niệm tưởng ấy mãi khiến cho chúng tự thuần thục, thì quý vị cũng được sinh về Cực lạc. Nếu quý vị đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại làm cho mọi người cùng khuyến hóa lẫn nhau, thì hiện đời quý vị sẽ tiêu trừ tai nạn, gặt hái phước báo và thân sau quý vị sẽ không bị sinh vào Hạ phẩm hạ sinh.

Khuyên người bẫy chim.

Người bẫy chim nên tự nghĩ thế này: Những con chim bay ở rừng, ở đồng nội và giữa bầu Trời vốn không làm hại con người. Vì thèm thịt nên chúng ta tìm đủ cách để bắt chúng. Ta yêu tánh mạng mình thì chúng cũng quý mạng sống của chúng; ta thương cốt nhục mình thì chúng cũng có con cái. Nếu ta đổi được nghề thì vô cùng quý, nhưng nếu quý vị vẫn làm nghề ấy thì cũng không nên giết nhiều loài nhỏ, loài sinh sản và bồng bế. Quý vị nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật, sám hối và phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi thấy được Phật, được giác ngộ, tôi sẽ độ tất cả vật mạng mà tôi đã giết từ xưa đến nay, khiến cho tất cả chúng đều sinh về Tịnh độ.” Quý vị nên nuôi dưỡng những ý tưởng ấy sao cho chúng được thuần thục thì sẽ được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quý vị đem giáo lý Tịnh độ để giáo hóa mọi người, và lại khiến cho mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau, thì hiện đời, quý vị có thể tiêu trừ tai nạn, diệt được tội lỗi, và thân sau sẽ không sinh vào Hạ phẩm hạ sinh.

Khuyên đầu bếp.

Người đầu bếp nên tự nghĩ thế này: Vì đời trước ta không tu phước tạo nghiệp thiện, nên đời này bị bần cùng khốn khó lại chiên xào, cắt xẻo chúng sinh. Tuy ta không trực tiếp giết nhưng tội vẫn nặng. Nếu các bạn đổi được nghề thì vô cùng quý báu, còn nếu không đổi được thì nên cẩn thận, tức là không nên tự tay mình giết loài vật. Quý vị nên thường xuyên niệm Phật, sám hối, làm việc thiện và phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi đắc đạo, tôi sẽ độ tất cả vật mạng bị mình giết hại, tất cả chúng sinh bị tôi cắt xẻo từ trước đến nay, khiến cho chúng sinh ấy đều sinh về Tịnh độ.” Nếu quý vị làm cho các niệm tưởng ấy liên tục và thuần thục thì mình sẽ được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quý vị luôn đem giáo pháp Tịnh độ để khuyến tiến mọi người, và lại khiến họ khuyến hóa lẫn nhau, thì hiện đời quý vị sẽ tiêu trừ được tai nạn, tội lỗi; và lúc mất cũng không bị sinh vào Hạ phẩm hạ sinh.

Khuyên người làm phước.

Người làm đủ điều phước tất nhiên là tốt lành, nhưng quả báo của phước thế gian vốn có hạn, bởi vì nó không ra khỏi vòng luân hồi. Nếu quý vị đem phước ấy để hồi hướng Tây phương, thì sẽ được ra khỏi luân hồi và phước báo ấy sẽ vô cùng tận. Nhưng có hơn một nửa số người ở đời không biết được cái lý này, tôi mong rằng những người toàn nương vào việc phước, lấy tâm Bồ-tát làm tâm mình để giải nói cho những người ấy biết rõ; như chỗ tối tăm mà có được cây đèn, như người mê mà thấy được con đường. Quý vị nên đem pháp môn này để bố thí cho

tất cả, khiến ai cũng biết, ai ai cũng được thoát khỏi luân hồi. Được thế thì phước báo của quý vị sẽ vô cùng tận, đồng thời quý vị sẽ được sinh lên Thượng phẩm ở thế giới Cực lạc. Và tất nhiên, phước báo thế gian không thể nào sánh được.

Khuyên người tụng kinh.

Người tụng kinh hoặc người trì trai giới cố nhiên là nghiệp lành và đời sau được thọ nhận phước báo, vấn đề ấy chẳng có gì để nghi ngờ cả. Song quả báo của chúng ta rồi sẽ hết và chẳng đưa ta thoát khỏi vòng luân hồi. Nếu chư vị tu tập Tây phương tức được thoát vòng luân hồi. Người ác tu tập pháp môn này còn được vãng sinh, huống gì những người trì trai, tụng kinh. Đương nhiên, họ chắc chắn được sinh lên Thượng phẩm.

Tuy thế, nếu quý vị chỉ tu tập một mình công đức của quý vị sẽ rất nhỏ, còn nếu quý vị khuyên người khác tu hành thì công đức lớn vô cùng. Nếu quý vị đem giáo pháp này để khuyến hóa mọi người, và khiến những người ấy khuyến hóa những người khác; vì mọi người thấy quý vị trì trai, tụng kinh nên rất tin tưởng và xem trọng lời nói của mình. Do vậy, công đức của quý vị lại lớn hơn nữa. Hiện đời quý vị sẽ thọ được quả báo cung kính, quy y và phước đức của thân sau là vô cùng tận.

Khuyên người sang.

Người sang trọng nên tự nghĩ thế này: Tuy rằng ta có đủ điều vừa ý, đủ món khoái lạc, nhưng thời gian qua mau khó bảo toàn được tấm thân giả huyễn này. Những người vô cùng sang trọng xưa nay giờ còn được mấy kẻ! Chi bằng quý vị dành chút thời giờ rỗi trong mỗi buổi sáng để tu tập pháp môn Tây phương. Hiện đời quý vị sẽ được tiêu trừ được tai nạn và giảm bớt nghiệp, thân sau sẽ được thác sinh trong hoa sen; mãi mãi không có nẻo khổ và luôn luôn thọ nhận khoái lạc. Những kết quả ấy thật vô cùng siêu việt!

Như ông Văn Lộ ở đời Tống cùng thiền sư Tịnh Nghiêm kết duyên Tịnh độ với mười vạn người. Các ông Dương Thứ, Vương Mẫn Trọng, Cát Trọng Trầm, Mã Đông Ngọc, Bằng Tế Xuyên v.v…, đều là những người sang trọng nhưng vẫn tu tập Tịnh độ. Lẽ nào quý vị không nghĩ đến những trường hợp đó? Nếu quý vị phát tâm đại Bồ-đề chuyên đem Tịnh độ để dạy mọi người, lại khiến mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau. Mọi người cho quý vị là hạng sang trọng nên đều tin tưởng và tôn trọng lời nói của mình, do vậy mà giáo lý Tịnh độ có thể lưu hành rộng khắp. Được thế thì phước báo của quý vị là không thể suy lường và thân sau

chắc chắn sinh lên Thượng phẩm. Nếu quý vị chỉ chìm trôi trong biển đời cho qua ngày đoạn tháng mà không biết gì đến việc tu tập đối với pháp môn này thì một ngày nào đó có hối hận cũng không còn kịp nữa!

Khuyên những bậc đại thông minh.

Những bậc đại thông minh, học rộng nhớ lâu, lời lẽ phát ra thành văn, hạ bút thành chương, đều là những bậc mà người đời tôn trọng và ngưỡng mộ. Song, những sự tôn trọng và kính ngưỡng ấy chẳng dính dáng gì đến ngã tánh bên trong cả.

Trang Tử nói: “Nói thấy Không có nghĩa là thấy đối tượng mà tự thấy mình. Nói nghe Không có nghĩa là nghe đối tượng mà là tự nghe mình. Không tự thấy mà lại đi thấy đối tượng, không tự nghe mà lại đi nghe đối tượng, thì đó là được cái được của người khác chứ không phải là tự được cái được của mình; là thích cái thích của người khác chứ không phải tự thích cái thích của mình.”

Một sáng vô thường ập đến mới hay những điều mình quan tâm lúc bình sinh là hoàn toàn vô ích. Tất nhiên, quý vị không thể bỏ sự nghiệp thông minh ấy, nhưng mỗi ngày cũng nên bỏ ra ít giây phút nhàn rỗi để tu tập Tịnh độ. Nếu chư vị hiểu suốt về lý của Tịnh độ thì ác duyên sẽ tự giảm và thiện duyên tự tăng trưởng, tất nhiên mình đã tự có niềm an lạc ngay lúc đang còn sống. Nếu quý vị đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến cho mọi người cùng giáo hóa nhau, vì mọi người cho mình là bậc thông minh xuất chúng mà còn tin Tịnh độ nên họ càng tin tưởng pháp môn niệm Phật. Nhờ vậy mà giáo lý Tịnh độ có thể lưu truyền rộng khắp và lâu bền. Như vậy, quý vị cũng là những Bồ- tát phù trì cho giáo lý Tịnh độ, ngày sau chắc chắn sẽ sinh lên Thượng phẩm. Phước báo ấy quả không thể nào đo lường được.

Khuyên người bán rượu.

Người bán rượu nên nghĩ thế này: Ngũ cốc là để nuôi người, nay ta ngâm cho nát để nấu rượu làm cho người uống nó bị loạn động tâm tánh và đa phần đều làm việc ác. Lỗi ấy tại ai? Quý vị nên thường xuyên sám hối, luôn niệm A-di-đà Phật và phát đại nguyện rằng: “Nguyện tất cả tội lỗi vì làm tâm tánh mọi người bị loạn động và ngũ cốc bị hư hoại từ lúc tôi bán rượu đến nay đều được tiêu trừ. Nguyện sau khi được thấy Phật, được thành đạo, tôi sẽ độ thoát hết cây giống của ngũ cốc dùng cấy lại để nấu rượu, tất cả những chúng sinh cực nhỏ cùng sức mạnh tất cả chúng sinh và những người loạn tánh vì uống rượu khiến cho họ đều sinh về Tịnh độ.” Quý vị giữ sao cho những ý tưởng đó được liên tục,

khiến chúng được chín muồi thì sẽ được sinh về Tịnh độ. Nếu quý vị luôn đem giáo lý ấy để giáo hóa mọi người, khiến họ lại giáo hóa những người khác, thì hiện đời mình sẽ diệt được tội và tăng trưởng phước đức, sau khi mất nhất định sinh lên Trung phẩm.

Khuyên những người mở tiệm ăn.

Những người mở tiệm ăn nên tự nghĩ thế này: “Ta cắt xẻo, chưng, nướng thịt chúng sinh vì mục đích kiếm lợi và nuôi sống mình. Ta có cốt nhục và lại muốn cốt nhục của mình được an ổn mà nghề của ta lại do giết hại chúng sinh mới có, thì quả là vô cùng tàn ác.”

Nếu quý vị đổi được nghề thì vô cùng quý, nhưng nếu chưa đổi được thì cũng nên bớt giết những loại khó chết như: Nghêu, ốc, sò, hến v.v… cho đến những loài rất nhỏ có cưu mang nhiều mạng sống. Nếu không bỏ được như vậy nữa, thì cũng nên tùy theo phần mà sử dụng thịt, còn nếu không thể nữa thì nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật, như thế cũng hơn người không niệm rất nhiều. Tiếp theo nữa, quý vị nên sám hối và phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi được thấy Phật, được đắc đạo, tôi sẽ độ tất cả thịt chúng sinh mà tôi đã dùng, khiến cho tất cả đều sinh về Tịnh độ.” Quý vị nên nuôi dưỡng những niệm tưởng ấy sao cho được liên tục, thì chúng sẽ thuần thục và tất nhiên quý vị cũng được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu các vị luôn đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến cho mọi người khuyến hóa người khác, thì hiện đời quý vị có thể tiêu trừ được tội lỗi và thân sau sẽ có được phước báo nhiều vô cùng tận.

Khuyên người làm đồ tể.

Người làm đồ tể nên nghĩ thế này: “Người ta vì tham thịt nên nuôi gia súc, còn ta vì tham lợi nên giết loài vật. Ta giết súc vật để nuôi thân và gia đình mình. Ta có quyến thuộc và muốn quyến thuộc của mình được an lạc, trong khi đó ta lại giết hại súc vật. Tội lỗi đó thật là vô lượng!”

Nếu có thể từ bỏ nghề ấy thì vô cùng quý, nhưng nếu quý vị chưa từ bỏ được thì cũng nên giảm bớt sự giết hại. Nếu chưa có thể bỏ bớt sự giết hại, thì quý vị nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật, như thế vẫn tốt hơn không niệm rất nhiều. Thứ nữa, quý vị nên sám hối và phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi được thấy Phật, được đắc đạo, tôi sẽ độ tất cả chúng sinh bị tôi giết từ trước đến nay, khiến cho chúng sinh được sinh về Tịnh độ.” Quý vị nên dưỡng nuôi niệm tưởng ấy mãi sao cho chúng được thuần thục thì quý vị cũng được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quý vị luôn đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến mọi người giáo hóa lẫn nhau, thì hiện đời có thể tiêu trừ được ác nghiệp và thân sau quý vị cũng được gặt hái được phước báo nhiều vô cùng.

Khuyên người phong trần.

Chị em phong trần nên nghĩ thế này: Sinh làm thân con gái đã là ác nghiệp rồi, huống gì ta lại nổi trôi nơi gió bụi nữa. Nghiệp của ta quả là vô cùng bất thiện!

Nếu chị em luôn luôn tỉnh ngộ để đoạn trừ nghiệp dâm thì phúc đức vô cùng, nhưng nếu chưa bỏ được thì nên cũng thường xuyên niệm A-di-đà Phật và phát đại nguyện rằng: “Nguyện ác nghiệp của tôi ngày một tiêu trừ, thiện nghiệp ngày càng tăng trưởng. Áo quần, thức ăn luôn đơn giản và biết đủ. Nguyện tôi sớm được rời ngưỡng cửa này! Nguyện sau khi được thấy Phật, được thành đạo, tôi sẽ độ tất cả những kẻ vì tôi mà sa vào vòng dâm dục, khiến tất cả họ đều sinh về Tịnh độ”. Nếu chị em giữ gìn những ý tưởng ấy liên tục thì chúng sẽ tự thuần thục và chắc chắn chị em sẽ được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu chị em luôn đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến mọi người khuyến hóa lẫn nhau, thì hiện đời chị em sẽ tiêu trừ được tai nạn, tội lỗi; và thân sau cũng gặt được phước báo nhiều vô số.

Khuyên người tạo tội ác.

Những người tạo tội ác nên tự nghĩ thế này: Bình sinh ta đã tạo nhiều tội ác, một ngày nào đó, sau khi đã nhắm mắt xuôi tay thì biết làm thế nào đây?

Quý vị nên hồi tâm sám hối gấp, nên niệm A-di-đà Phật và phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi được thấy Phật, được đắc đạo, tôi sẽ độ tận tất cả những người bị tôi hãm hại từ trước đến nay, khiến cho họ đều sinh về Tịnh độ.” Quý vị nên giữ cho ý tưởng ấy được liên tục, thì tự nhiên chúng sẽ thuần thục. Được thế, dần dần các vị sẽ tiêu trừ được ác nghiệp, thiện duyên sẽ được tăng trưởng và chắc chắn quý vị sẽ được sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quý vị luôn đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, lại khiến mọi người cùng giáo hóa nhau, thì không những hiện đời quý vị có thể tiêu trừ tội lỗi, mà thân sau cũng có được phước báo nhiều vô cùng.

Khuyên người bệnh khổ.

Kẻ giết hại chúng sinh thì sẽ bị quả báo đoản mạng, người tùy hỷ với kẻ sát hại ấy thì sẽ bị quả báo phiền não. Người bị khổ vì bệnh tật là dư báo của sự sát sinh. Quả báo của việc ăn thịt cũng là quả báo của sự não hại chúng sinh. Vấn đề thiện ác đối với con người như bóng đi theo hình, không thể nào chạy trốn được! Vì vậy, những người khổ

vì bệnh nên tự trách mình thế này: Sở dĩ ta đau khổ như vậy là do ác nghiệp của mình!

Các vị nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật và phát thệ nguyện rằng: “Nguyện tôi không làm điều ác nữa không sát sinh nữa, không não hại chúng sinh nữa. Nguyện sau khi thoát được nỗi khổ vì bệnh tật này, được thấy Phật và được giác ngộ, tôi sẽ độ tận tất cả chúng sinh mà tôi đã giết hại ở đời trước và đời này, cho đến độ thoát tất cả kẻ oán người thân khiến cho họ đều sinh về Tịnh độ.”

Quý vị nên làm cho những niệm tưởng ấy được tồn tại mãi cho đến lúc chúng tự thuần thục thì chắc chắn quý vị được sinh về Cực lạc. Nếu quý vị luôn đem Tịnh độ để giáo hóa mọi người, và khiến cho mọi người giáo hóa lẫn nhau; một khi công lực đã mạnh thì quả báo lành sẽ tự đến. như thế bệnh khổ của quý vị tất sẽ giảm và thân sau sẽ gặt hái được phước đức nhiều vô cùng.

Khuyên người ghét điều ác muốn làm vị Thần.

Ở đời, có người ghét điều ác, họ nói: “Thế gian toàn là kẻ ác, sức ta không trị được, đến lúc chết ta sẽ làm vị Thần để trừng trị họ chứ không muốn sinh về Tây phương! Căn cứ vào lời của Phật thì trong sáu đường, Thần là chúng sinh đọa lạc, còn Tây phương thì vượt ngoài sáu nẻo luân hồi. Vì người tu Tây phương lấy Từ bi chánh trực làm gốc, nên tất cả việc làm đều từ bi; gặp kẻ có tội thì thương xót cho sự ngu tối của họ, gặp kẻ khốn khổ thì tế độ cho họ. Như vậy, đối với mình thì không bị liên lụy, mà đối với tất cả chúng sinh thì lại có duyên lành lớn. Người lấy sân hận chánh trực làm gốc, thì tất cả việc làm đều sân hận; trách phạt lỗi người thì đem bệnh tật mà gia thêm, trị tội người thì dùng vạc lửa. Như vậy, đối với người thì bị hại còn mình thì thọ nhận phước của Thần! Vì luôn lấy sân hận để tạo nghiệp, nên bị đọa vào địa ngục. Từ địa ngục ra lại bị làm thân rắn, rết, bọ cạp v.v… không có lúc siêu thoát.

Thuở xưa, có hai vị Tăng cùng tu hành. Một vị làm việc phước nhưng lại nhiều sân nộ. Vị kia luôn khuyên vị Tăng ấy không nên sân hận, nhưng vị ấy lại không nghe. Sau đó, vị tăng nhiều sân nộ mất. Vị tăng giữ giới theo khách thuyền đến cái đình nằm trên đập của con sông, ở đó có cái miếu Thần rất linh, vị Thần ở đó thường nói chuyện với mọi người. Khách lên bờ tế Thần, vị Thần ấy nói: “Các ngươi gọi vị Tăng đi cùng thuyền đến gặp ta. Lúc vị tăng đến, vị Thần nói: “Tôi là bạn đồng tu với ông, vì sân hận mà đọa làm Thần ở đây.” Vị tăng muốn nhìn thấy hình dáng của Thần nhưng vị Thần ấy không đồng ý. Vì vị

tăng đề nghị mãi nên Thần liền để lộ cái đuôi cụt của loài mãng xà. Vị Thần lại nói: “Có người cho tôi mười đoạn lụa, mong ông làm lễ truy tiến cho tôi. Hôm sau ông sẽ thấy tôi ở phía Tây của núi Hồng châu”. Vị tăng làm theo lời của Thần và thật sự thấy xác rắn nằm ở phía Tây núi; con rắn dài đến hai, ba dặm. Đó là quả báo của sân hận!

Vả lại, con người có tâm hư minh, nó trong lặng như nước; nếu ta vừa khởi sân tâm thì như đem bùn đất mà ném vào nước làm cho nước bị vẩn đục; nếu ta vừa khởi tâm Từ bi thì như đem hương trầm và chiên đàn để làm cho nước càng trong trắng hơn. Tại sao chúng ta không khởi từ tâm để tu tập hạnh Tây phương mà lại sân hận để bị đọa làm Thần? Quả thật là đáng thương xót!

Khuyên người trong quân đội.

Các vị nên nghĩ rằng: Chúng ta nhận sự nuôi dưỡng của quốc gia; lương bổng, lụa là đều do sức lao khổ của dân mà có; cơm ăn, áo mặc của bọn ta và tiền bạc để phụng dưỡng song thân, nuôi dưỡng vợ con đều do quốc gia ban phát, dân chúng góp sức. Vì vậy, lúc vô sự bọn ta luôn tu chỉnh binh khí, luyện tập binh mã và cung tên; chấn chỉnh quân đội nơi đáng sợ, tiêu diệt giặc loạn lúc chúng chưa manh động, sao cho quốc gia được an bình và giàu có, dân lành được yên ổn. Mỗi ngày các bạn nên niệm thầm một ngàn tiếng A-di-đà Phật; nguyện trong cõi mịt mờ giúp thêm khí lực, làm mạnh quân đội, để lúc có nạn thì có sức mà chế ngự, dẫu mất mạng nhưng không hối tiếc. Lúc vô sự thì lấy sự yên tĩnh để trấn an, không phải vì tham công mà giết càn mà chỉ mong cầu cho đất nước được yên ổn, sinh dân luôn được thái bình. Đó chính là tâm của vị Bồ-tát phát làm hạnh tướng quân.

Lại nữa, nếu các bạn đem Tịnh độ để dạy người, và lại khiến mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau, nhờ vậy thiện niệm được chín muồi, phước lộc càng tăng và thân sau chắc chắn bạn sẽ được sinh về Trung thượng phẩm.

Khuyên người ác khẩu.

Thân, miệng và ý gọi là ba nghiệp, quả báo mà kinh tạng nói phần nhiều do khẩu nghiệp, bởi vì miệng dễ phát nên lời lẽ. Kinh nói: “Ngày xưa, có kẻ giận mẹ vì bới cơm đến trễ nên nói: Sinh trong bụng mẹ không bằng sinh trong bụng con hưu. Đời sau, kẻ đó thác sinh vào bụng con hươu.” Lại có kẻ đem thức ăn cho người khác, vì người nhận không vừa ý nên kẻ đó liền nói: “Cho người không bằng con chó. Sau đó kẻ đó bị làm thân chó.” Hai trường hợp đó là quả báo của miệng.

Ác khẩu là miệng nói lời độc ác, sân nộ, ngôn ngữ không ôn hòa.

Đời nay, người ta gọi ác khẩu là “lời dơ bẩn”. Quả báo của ác khẩu vốn đã không lành; còn quả báo của lời bẩn dơ lại là địa ngục và súc sinh. Đa phần người đời vì không biết quả báo như thế nên luôn luôn dùng miệng ác và lời bẩn để đối nhân xử thế. Tôi mong rằng ai ai cũng nên cố gắng ngăn giữ căn bệnh miệng ác, lời bẩn ấy, nên thường xuyên niệm A-di-đà Phật để gội rửa sự bẩn ác của khẩu nghiệp. Các vị cũng nên thường xuyên niệm danh hiệu A-di-đà Phật để chùi gội sự bẩn ác của nhĩ căn và nguyện đem thiện nghiệp của việc niệm Phật để kỳ cọ sự bẩn ác từ vô lượng kiếp đến nay. Làm như thế thì thiện nghiệp của quý vị ngày một chín muồi và ác nghiệp ngày càng tiêu giảm. Nếu các vị còn đem Tịnh độ để dạy người và lại khiến mọi người cùng giáo hóa lẫn nhau thì tai nạn có thể tiêu, phước lộc có thể lâu bền và thân sau sẽ được sinh vào Trung, Thượng phẩm.

Khuyên đồng nam.

Người ta lúc sinh con trai, mới bảy tuổi đã cho nhập học là vì muốn con được biết văn nghĩa. Đến lúc con lớn khôn thì lập gia đình. Đó là tấm lòng của các bậc cha mẹ. Họ nào biết rằng, đời người thật khó bảo toàn được; hoặc gặp oan gia đến nỗi chết oan, hoặc là oan nghiệp đời trước nay thác sinh để não hại cha mẹ, để phá nát gia sản.

Tôi phụng khuyến các bậc làm cha mẹ thế này: Lúc bé vừa biết nói, hằng ngày quý vị nên niệm bốn Thánh hiệu của Tây phương, mỗi Thánh hiệu mười tiếng cho nó nghe, và tụng một biến bài kệ của Bồ-tát Đại Từ cùng tụng bài chú Vãng sinh. Nếu một ngày quý vị tụng đủ năm trăm hoặc một ngàn biến, thì trong một đến hai năm, có thể đủ ba mươi vạn biến, vì bài chú này chỉ có năm mươi chín chữ và rất dễ trì tụng. Bắt đầu tụng từ lúc nó được sáu tuổi và đến bảy tuổi thì ngừng và không nên sợ việc học của nó sẽ bị trở ngại. Nếu đời này nó và quý vị không có oán kết gì thì đó cũng là thiện nghiệp lớn lao của nó, nghĩa là tai nạn được tiêu trừ và phước đức được tăng trưởng; nếu đời này quý vị với nó có oán kết thì nhờ sự trì tụng ấy oan kết được cắt lìa. Quả là công việc hết sức tốt lành! Nếu chư vị không tin lời tôi thì đến lúc gặp sự cố có hối hận cũng không kịp.

Khổng Tử nói: “Nếu người ta không nói: Tôi biết làm thế nào, tôi biết làm thế nào? Thì ta cũng không biết nên làm thế nào!”

Khuyên thất nữ.

Tôi thường thấy đa phần phụ nữ bị bệnh tật hoặc mất mạng là do sinh sản. Sở dĩ có nông nỗi đó là do đời trước bà mẹ có oán kết với đứa con.

Trong Tạng kinh có nói: “Nếu ai trì tụng chân ngôn Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản Vãng sinh Tịnh độ, thì Đức Phật A-di-đà luôn đứng trên đỉnh đầu người ấy và không cho oan gia làm hại. Hiện đời, kẻ ấy được an ổn, sau khi mất sẽ được vãng sinh tùy theo ý nguyện của mình. Nếu kẻ ấy trì tụng đủ hai mươi vạn biến, thì mầm Bồ-đề sinh khởi, tụng đủ ba mươi vạn biến thì sẽ được diện kiến Đức Phật A-di- đà.”

Tôi phụng khuyến những thiếu nữ lúc còn ở cạnh song thân, nên giảm bớt công việc, tắm gội sạch sẽ và mỗi ngày nên tụng niệm bốn Thánh hiệu, mỗi thánh hiệu mười tiếng. Ngoài một biến bài kệ của Bồ- tát Đại Từ ra mỗi ngày các cháu nên trì tụng năm trăm hoặc một ngàn biến bài Thần chú này thì không quá một đến hai năm, các cháu có thể tụng đủ ba mươi vạn biến. Thực hành như thế thì sau khi lập gia đình, các cháu sẽ tránh được những sự nguy hiểm do sinh sản.

Nếu các bậc cha mẹ phá rối việc tu tập của con mình, hoặc không tin những lời nói này, thì một mai gặp phải oan trái làm con mình lâm vào tai nạn có hối hận cũng không kịp. Nếu đời này con gái của mình không có oán kết, lúc còn ở với cha mẹ nên tụng chân ngôn này trước đủ ba mươi vạn biến, để gieo đại thiện căn, thực hành đại thiện duyên ấy thì làm gì cũng được. Yêu thương nhau bằng cách ấy thì quả là vô cùng tốt lành và vô cùng lớn lao. Nguyện các cháu cố gắng tu trì!

Miệng con bát bát nhi sinh hoa sen.

Có một người nuôi một con vẹt tên tục là Bát Bát Nhi. Lúc gia chủ thấy nó bắt chước vị tăng để niệm Phật, thì ông ta liền cúng nó cho vị Tăng ấy. Vị Tăng này luôn dạy nó niệm A-di-đà Phật. Sau khi con Bát Bát Nhi chết, vị Tăng làm một áo quan nhỏ để chôn; sau này, trên mộ nó sinh ra một đóa sen. Vị Tăng ấy mở áo quan ra để xem thì thấy rễ của hoa sen mọc từ miệng của nó.

Có người làm bài kệ tặng nó thế này: “Có một con chim tên Bát bát, Theo Tăng luôn miệng niệm A-di, Chết chôn đất bằng hoa sen nở, Bọn ta nhân loại có nên gì?”

Bởi vì Đức Phật A-di-đà có nguyện rằng: “Nếu chúng sinh niệm danh hiệu của tôi thì chắc chắn được sinh về nước tôi”.

Thông thường nói chúng sinh tức là trên từ Trời và người, dưới đến những loài trùng kiến cực nhỏ đều là chúng sinh cả. Như vậy chắc chắn con Bát bát nhi ấy được sinh về thế giới Cực lạc và thành bậc thượng thiện.

Than ôi! Nếu được làm người mà không biết Tịnh độ và không tu tập thì quả thật là đau xót vô cùng!

Chuyện này xảy ra ở bên ngoài thành Đàm châu, nhân đó dân chúng lấy tên của nó mà đặt cho thành.