LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 04

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

Pháp môn Tịnh độ đa phần được thấy ở kinh A-di-đà Đại bản cùng kinh Thập Lục Quán. Pháp môn này có cạn và sâu. Cạn tức là công tu niệm ít, thuộc loại thấp trong chín phẩm. Sâu tức là công hành trì nhiều. Thuộc loại cao trong chín phẩm. Dẫu cạn hay sâu gì cũng đều được thoát vòng sinh tử và sống mãi không già nua. Trước tiên, tôi xin lược qua phần cạn. Tiếp theo, tôi sẽ bàn đến phần sâu. Bởi lẽ tùy chỗ tu tập của hành giả có sâu và cạn khác nhau.

PHÁP MÔN TU TRÌ 1

Trong số bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A-di-đà, có lời nguyện “Lúc tôi thành Phật, nếu chúng sinh khắp mười phương chí thành tin tưởng, yêu thích, muốn sinh về nước tôi, niệm danh hiệu của tôi mười tiếng mà không được sinh, thì tôi sẽ không thành Phật”. Như thế nghĩa là Đức Phật có lời thệ nguyện cứu độ chúng sinh và Ngài chỉ mượn mười niệm của chúng sinh để biểu lộ cho tấm lòng quy hướng thiết tha đối với Ngài mà thôi. Mỗi buổi sáng, hành giả chấp hai tay, mặt hướng về phía Tây đảnh lễ kế niệm lớn mười tiếng Nam-mô A-di- đà Phật rồi đảnh lễ mà niệm một biến bài kệ phát nguyện của Bồ-tát Đại Từ rằng: “Nguyện cùng người niệm Phật, sinh về nước Cực lạc, thấy Phật thoát sinh tử, như Phật độ tất cả.” Lại đảnh lễ mà lui ra. Nếu hành giả chí thành như thế thì sẽ được vãng sinh; nhưng e rằng không ở phẩm vị cao trong chín phẩm. Nếu ta dạy người không biết chữ tụng niệm bài kệ này thì sẽ có phước đức rất lớn.

PHÁP MÔN TU TRÌ 2

Mỗi buổi sáng, hành giả chấp hai tay, mặt quay về hướng Tây mà đảnh lễ và niệm “Nam-mô A-di-đà Phật, Nam-mô Quán Thế Âm Bồ- tát, Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát, Nam-mô Nhất Thiết Bồ-tát, Thanh văn, Chư thượng thiện nhân”; mỗi danh hiệu mười tiếng. Lại đảnh lễ mà tụng niệm toàn bộ bài kệ tán Phật, sám tội, hồi hướng và phát nguyện của Bồ-tát Đại Từ một biến rằng: “Mười phương ba đời Phật, đệ nhất A-di-đà, chín phẩm độ chúng sinh, uy đức không cùng tận. Con nay quyết quy y, sám hối tội ba nghiệp, những việc thiện làm được, một lòng đem hồi hướng. Nguyện cùng người niệm Phật, cảm ứng hiện tùy thời, lâm chung cảnh Tây phương, hiện rõ ràng trước mặt. Thấy nghe đều tinh tiến, cùng sinh nước Cực lạc, thấy Phật thoát sống chết, như Phật độ tất cả”. Lại đảnh lễ mà lui ra. Bài kệ này có uy lực rất lớn, nó có thể tiêu diệt tất cả tội lỗi và làm lớn tất cả phước đức cho hành giả. Lúc đảnh lễ, nếu đốt hương, vái lạy được thì càng tốt. Ngày nào, hành giả cũng tu niệm như thế thì sẽ sinh vào Trung phẩm. Nếu ta đem bài kệ này để dạy người khác phước đức của mình rất lớn.

PHÁP MÔN TU TRÌ 3

Hành giả luôn luôn tụng niệm như phần hai. Lúc niệm Phật, hành giả nên tưởng tượng thân mình đang ở cõi Tịnh độ, đang chấp tay trước Phật và cung kính niệm Phật. Lúc niệm danh hiệu Bồ-tát, hành giả cũng tưởng như trên. Lúc nghĩ nhớ đến tất cả Bồ-tát, Thanh văn, và chư thượng thiện nhân, hành giả cũng tưởng thân mình ở tại Tịnh độ; tiếng tụng niệm của mình vang dội trước mặt tất cả Bồ-tát, Thanh văn và chư thượng thiện nhân. Lúc lễ lạy, hành giả cũng tưởng tượng thân mình đang lễ lạy tại Tịnh độ. Lúc niệm bài kệ, hành giả cũng tưởng tượng thân mình ở tại Tịnh độ mà chắp tay cung kính trước Phật để niệm tụng. Duy những lúc có tượng Phật và Bồ-tát thì không cần thực hiện như thế, nhưng hành giả nên tưởng tượng những tượng ấy như Phật và Bồ-tát đang hiện thân ở đây để nhận sự lễ lạy và nghe tiếng tụng niệm của mình. Nếu chuyên tâm như thế thì chắc chắn hành giả sẽ đạt được phẩm vị cao.

PHÁP MÔN TU HÀNH VÀ TU TỊNH ĐỘ CỦA ĐẠI BỒ-TÁT 4

Vào sáng sớm, trước tiên, hành giả hướng mặt về phía Tây, đốt hương và chú niệm rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh tận hư không giới, đốt hương kính lễ tất cả chư Phật, tất cả chánh pháp, tất cả Thánh chúng là chư đại Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn trong tận hư không giới. Đệ tử kính lạy Phật quá khứ Nhiên Đăng, Bổn sư Thích- ca Mâu-ni Phật, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Phổ Hiền; tất cả Thánh chúng gồm Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn trong pháp hội của Phật Thích-ca. Đệ tử kính lạy Như Lai Thế Tự Tại Vương ở quá khứ, ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn chín ngàn năm trăm Đức Phật cùng danh hiệu là A-di-đà đang hiện hữu ở thế giới Cực lạc, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, cùng tất cả chư vị Thánh chúng Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác trong cõi nước của Đức Phật A-di-đà (có thể tăng thêm danh hiệu Phật tùy ý của mình, nếu không tăng cũng được). Và kính lễ cùng khắp: Trên từ chư Thiên, thiên đế, Thiên nhân, Nhật Nguyệt Tinh tú, Nam đẩu, Bắc đẩu, ty trung, ty mạng, phong sư, vũ sư, là tất cả tạo hóa chủ linh Thần; dưới đến địa tỳ, đại nhạc, minh hải, quần sơn, chúng thủy, là tất cả chủ tạo hóa linh Thần; ở giữa là tất cả linh Thần cầm giữ họa phước ở nhân gian v.v… xin chư vị thành tựu tất cả nguyện lành để tế độ vô lượng vô biên chúng sinh. Trước tiên, nguyện cho tôi hiện đời không bị tật bệnh, tai nạn (khấn theo ý mình). Lúc lâm chung, trong khoảng một tháng tôi biết được ngày giờ mình ra đi, có hóa Phật đến đón. Nguyện cho cảnh giới Tây phương hiện rõ giữa bầu Trời và lâu mất để mọi người đều được thấy. Nguyện tôi như người vào thiền định, ra đi thanh thản, liền được thấy Phật A-di-đà, chứng Vô sinh pháp nhẫn và có đủ sáu thứ Thần thông; tuy không ra khỏi nơi đây trong một năm mà tôi đã lập tức quay trở lại nơi này để giáo hóa chúng sinh. Tôi dần dần biến đổi Nam Diêm-phù-đề này, tất cả cõi Ta-bà này, cho đến vô lượng thế giới khắp mười phương thành cõi Cực lạc thanh tịnh. Lễ bái.

Lại khấn nguyện rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh trong tận hư không giới. Đệ tử kính lễ tam thế chư Phật trong tận hư không giới. Ngưỡng nguyện Như Lai đại Từ, đại Bi thương xót, nghĩ đến chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ mà không có lúc thoát ra; nếu Như Lai đang ở Niết-bàn thì xin Ngài ra khỏi Niết-bàn để cứu độ chúng sinh không cùng tận và không dứt; nếu Như Lai đang ở thế gian thì xin Ngài chuyển Pháp luân để khai đạo cho quần mê vô cùng và không dứt; nếu Như Lai đang ở vị lai thì xin Ngài nhập trong muôn loài để gieo trồng

hạt giống thiện căn không cùng không dứt. Ngưỡng nguyện Như Lai hóa độ hết chúng sinh sau đó mới dừng. Ngưỡng nguyện chư vị Duyên giác, Thanh văn cũng thực hiện những điều như vậy. Lễ bái.

Lại khấn nguyện rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả thiện nhân trong tận hư không giới mà tụng bảy biến bài kệ Trường thọ. Nguyện cho số tuổi thọ của chư vị thiện nhân ấy được tăng thêm để hóa độ tất cả chúng sinh, làm cho chúng sinh đều được ra khỏi biển khổ. Ngưỡng nguyện chư Long vương trên Trời và ở thế gian hãy lấy từ tâm của tôi để diệt trừ chất độc sân hận, tôi nguyện đem khối trí tuệ này để tiêu chất độc ấy. Dù là độc có vị hay không có vị, tôi nguyện phá hủy và cho chúng vào trong đất. Lễ bái!

Đức Phật nói: “Vào sáng sớm, hành giả niệm bài kệ này bảy biến thì sẽ được trường thọ”. Nay hành giả vì tất cả thiện nhân trong tận hư không giới mà tụng niệm thì công đức vô cùng to lớn.

Lại khấn nguyện rằng: “Đệ tử là… chí tâm kính lễ Thế Tôn Nhật Nguyệt Quang Minh, Như Lai Hỏa Quang, Bồ-tát Quán Thế Âm; xin chư vị hộ niệm sự tụng trì mỗi lần một trăm lẻ tám Thánh hiệu Như Lai, Bồ-tát trong mỗi ngày của con. Ngưỡng nguyện Đại từ đại bi, mỗi vị đem nguyện lực gia bị cho đệ tử sớm ngộ được chân tánh, tăng trưởng phước lực và không có tất cả tật bệnh, tai nạn. Nguyện chư vị đem ba điều trên để cứu vớt chúng sinh”. Lễ bái.

Lại khấn rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh không phân biệt lớn nhỏ của Nam Diêm-phù-đề này mà kính lễ chư Thiên, Thiên đế, Thiên nhân, Nhật Nguyệt, Tinh tú, Nam đẩu, Bắc đẩu, ty trung, ty mạng, phong sư, vũ sư, tất cả chủ tạo hóa linh Thần; các linh kỳ của đất đai, đại nhạc, minh hải, quần sơn, chúng thủy, tất cả tạo hóa linh Thần; tất cả linh Thần nắm phước họa ở nhân gian. Đệ tử kính lễ cùng khắp, vì tất cả chúng sinh mà tạ ân mang chở chiếu soi, sinh thành, dưỡng dục và hộ vệ. Đệ tử kính vì các chúng sinh ấy mà niệm một trăm lẻ tám biến Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật để gieo trồng thiện căn vô thượng, niệm một trăm lẻ tám biến Nam-mô A-di-đà Phật để kết thiện duyên vô thượng. Ngưỡng nguyện những chúng sinh được thấm gội hồng ân, đều hoan hỷ hướng về nhau mà không tương tàn tương sát, không ăn nuốt và lăng nhục nhau. Ngưỡng nguyện những chúng sinh ấy tu tập Phật pháp để thoát ly biển khổ và biến Nam Diêm-phù-đề thành thế giới Cực lạc. Lễ bái.

Lại khấn nguyện rằng: “Đệ tử là… xin cảm tạ sự mang chở của Trời đất; sự chiếu soi của mặt trăng, mặt Trời và tinh tú; sự sinh thành

của tạo hóa, sự hộ vệ của linh Thần, công dưỡng dục của mẹ cha, sự cứu giữ của vua quan, sự răn dạy của thầy bạn, sự giúp đỡ của ân đức và nguồn gốc của áo mặc thức ăn cùng chỗ thọ dụng, nơi ban lệnh và chỗ đi, đứng, nằm, ngồi cùng tất cả ân lực đối với bản thân, đệ tử xin cảm tạ. Đệ tử kính vì những phước đức ấy mà niệm một trăm lẻ tám biến Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật để trồng thiện căn vô thượng, niệm một trăm lẻ tám biến Nam-mô A-di-đà Phật để kết duyên lành vô thượng. Ngưỡng nguyện tất cả hữu tình ở bên trên sớm chứng đắc Chánh giác; ở dưới đều được sinh Cực lạc. Lễ bái!

Hành giả thực hành xong sáu nghi thức trên, sau đó mới quay về hướng Tây mà tu tập Tịnh độ.

PHÁP MÔN TU TRÌ TỊNH ĐỘ CỦA ĐẠI BỒ-TÁT 5

Vào sáng sớm, hành giả quay mặt về hướng Tây, đốt hương rồi lễ bái mà khấn rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh trong tận hư không giới mà kính lễ Thánh chúng Tây phương và xưng niệm mười lần Thánh hiệu. Ngưỡng nguyện Thánh chúng đại Từ đại Bi khai mở uy Thần để tế độ chúng sinh trong số những chúng sinh đang niệm Phật, khiến họ đều được sinh về cõi Cực lạc. Hành giả niệm bốn Thánh hiệu, mỗi Thánh hiệu mười tiếng. Lễ bái!

Lại khấn rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh trong tận hư không giới mà khen ngợi Đức Phật A-di-đà, sám hối tội lỗi, hồi hướng, phát nguyện và kính lễ. Ngưỡng nguyện Như Lai đại từ đại bi khai mở uy Thần để gia hộ cho mỗi chúng sinh trong số những chúng sinh đang khen ngợi Phật, đang sám hối tội lỗi, đang hồi hướng, đang phát nguyện và đang kính lễ. Ngưỡng nguyện Như Lai cứu vớt tất cả để họ được sinh về thế giới Cực lạc. Hành giả niệm một biến Đại Từ Bồ-tát toàn kệ ở đoạn thứ hai đầu quyển. Lễ bái!

Lại khấn rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh trong tận hư không giới mà kính lễ Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí và tất cả Bồ-tát, Thanh văn cùng chư vị Thượng thiện nhân…; ngưỡng nguyện đấng đại Từ, đại Bi xót thương và nghĩ nhớ đến chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ nhưng không có lúc thoát khỏi mà khai mở uy Thần để cùng nhau lần lượt giáo hóa họ. Ngưỡng nguyện chư vị phân thân vào nước Trung Hoa này để giúp đỡ cho khanh tướng, quần Thần, và

phù trợ vua của tôi để dạy dỗ và cai trị muôn dân, khiến họ không tranh chấp lẫn nhau, giết hại lẫn nhau, không dày xéo, ăn nuốt nhau; sao cho cuộc đời được thuần hòa để cùng nhau bước lên vùng đất nhân và thọ. Ngưỡng nguyện chư vị làm quốc vương, đại Thần, bách quan thứ doãn đến các vị quan có chức quyền tại Nam Diêm-phù-đề này, đến tận cõi Ta-bà, cho đến những thế giới bẩn ác khắp mười phương mà giáo hóa chúng sinh, khiến họ cùng nhau tu tập Phật đạo để ra khỏi biển khổ. Nguyện chư vị biến đất nước tôi cho đến các thế giới bẩn ác khắp mười phương thành cõi Cực lạc thanh tịnh. Lễ bái!

(Bản cũ viết: “Ngày mười bốn tháng tư năm Ất Mão, niên hiệu Diên Hựu, lệnh cho công nhân khắc bản gỗ. Đến đêm mồng một tháng mười lúc khắc đến bản này thì có một viên xá-lợi. Ngày mồng lúc khắc đến phía trên chữ “Pháp” lại có một viên xá-lợi. Ngày Hạ nguyên, lúc khắc đến phía trên chữ “Thánh” lại có thêm một viên xá-lợi. Ba viên xá lợi ấy hiện vẫn giữ trong bản gỗ để tín hữu cúng dường”. Ngưỡng mong người đọc bản văn này, thấy được sự linh nghiệm mà sinh tâm tin tưởng sâu bền để tu tập, chắc chắn được sinh về Tịnh độ. Đó là điều mà cư sĩ Long Thư đã nói: “Từ xưa đến nay, những người tu trì rất nhiều, lẽ nào lại không có sự chứng nghiệm?” Quả thật là lời đáng tin cậy!).

Nếu hành giả không dùng thịt cá thì rất tốt. Nhưng nếu vì bệnh tật mà phải ăn theo phép “Tam tịnh nhục” thì nên khấn nguyện thế này: “Đệ tử là… vì thân đang ở trong lưới đời, vì túc nghiệp sâu nặng, và vì thân thể đang đau ốm nên không thoát được việc ăn theo phép Tam tịnh nhục… Đệ tử kính vì những chúng sinh mà mình đã ăn ngày hôm qua mà tụng niệm Nam-mô Tây phương Cực lạc thế giới ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn chín ngàn năm trăm vị cùng danh hiệu là A-di- đà Phật ở cõi Cực lạc bốn mươi chin biến; ngưỡng nguyện Như Lai đại từ đại bi khai mở uy Thần để gia hộ cho mỗi chúng sinh bỏ thân mạng cùng những người đang tụng niệm, xin vì họ mà truy tiến và quyết định cứu độ họ sinh về thế giới Cực lạc. Đệ tử nguyện cho những chúng sinh bị ăn nuốt để bồi bổ khí lực cho bản thân, những nghiệp lành mà đệ tử đã làm sẽ chia sẻ cùng với những chúng sinh ấy. Nguyện cho họ được sinh về Cực lạc trước, đợi lúc đệ tử sinh về Cực lạc, được thấy Phật, được nghe pháp và chứng đắc sáu thứ Thần thông, rồi trở lại Nam Diêm-phù-đề mà giáo hóa chúng sinh, thì những chúng sinh ấy đều theo đệ tử trở lại Ta-bà để cùng nhau hóa độ chúng sinh và cùng thành bậc giác ngộ. Lễ bái!

(Nếu hành giả không ăn thịt cá thì nên vì những con tằm dùng làm

tơ lụa may áo quần, đến những con tằm dùng tơ lụa để may áo quần của những người giao du với ta mà tụng niệm như trước).

Lại khấn nguyện rằng: “Đệ tử là… kính vì tất cả chúng sinh bị giết, bị ăn ngày hôm nay ở Nam Diêm-phù-đề mà tụng niệm một trăm hai mươi biến Nam-mô Tây phương Cực lạc thế giới ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn chín ngàn năm trăm vị cùng danh hiệu A-di-đà Phật; ngưỡng nguyện Như Lai đại từ đại bi đem danh hiệu do đệ tử tụng niệm, cứ mỗi tiếng là một Như Lai để độ tất cả chúng sinh và làm như thế cho đến hết số lượng danh hiệu được niệm tụng. (Bản cũ, ở chỗ này lại hiện xá-lợi). Cũng như vậy, ngưỡng nguyện Như Lai độ tất cả họ sinh về Cực lạc.

PHÁP MÔN TU TRÌ 6

(Đức Phật Thích-ca đem Thánh hiệu này dạy hai ông bà lão. Nếu ai chí thành trì niệm nó, cho đến tụng trì chân ngôn Vãng sinh thì giải trừ được oán kết, tuổi thọ tăng trưởng, có phước báo lớn, chứng Vô sinh nhẫn và ở vào vị trí bất thoái. Kết quả thật vô cùng vĩ đại! Lữ Nguyên Ích khuyến tu).

Thuở Đức Phật còn tại thế (bản cũ, xá-lợi xuất hiện ở đây), có hai ông bà lão dùng một đấu hạt để ghi số mà niệm A-di-đà Phật, cầu sinh Tịnh độ. Đức Phật dạy: “Ta có phương pháp đặc biệt khiến các ngươi niệm một danh hiệu mà được số lượng của nhiều đấu. Nói xong, Đức Phật liền dạy họ niệm Nam-mô Tây phương Cực lạc thế giới ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn chín ngàn năm trăm vị Phật cùng danh hiệu A-di-đà Phật. Nên dùng vỏ cây mà tính, mỗi tiếng hợp với một ngàn tám trăm hạt, tính ra con số là hai trăm đấu.” Do Đức Phật tự đem cách này dạy hai ông bà lão nên ta biết chắc rằng công đức của nó quả thật là vô cùng.

Nếu người không thể niệm được như vậy thì chỉ niệm theo cách giản đơn. Nếu hành giả dạy người khác tụng niệm toàn bộ thì công đức phước báo rất lớn. Hoặc hành giả trì tụng thêm kinh A-di-đà Tiểu bản, hoặc kinh A-di-đà Đại bản, hay các kinh khác… tùy số lần tụng nhiều hay ít mà đem hồi hướng để nguyện sinh Tây phương cũng đều được.

“Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản vãng sinh Tịnh độ chân ngôn:

Nam-mô A di đa bà dạ. Đa tha dà đa dạ. Đa địa dạ tha. A di lị đô bà tỳ. A di lị da tất đam bà tỳ. A dị li da. Tỳ ca lan đế. A di lị da. Tỳ ca lan đa. Dà di nị. Già dà na. chỉ đa ca lệ. Ta-bà ha.”

Chữ của chân ngôn vốn không phải là chữ của Ấn Độ, mà do dịch giả sử dụng. Đa phần mọi người cho rằng chữ đó khó nhận biết. Lúc Đức Phật mới thuyết bài chú thì chỉ có âm thanh, ngày nay người ta giữ lại âm thanh của Phật rồi dùng ngôn ngữ dễ nhận biết để thay thế, nhưng vẫn không đánh mất ý của Phật, vì vậy chúng ta không nên hoài nghi. Lại nữa, do người đời chấm câu bị sai rất nhiều, nên nay tôi dùng tư liệu trong tạng kinh của hai xứ để chấm câu lại cho tương ứng với nhau, mong người trì tụng không nên nghi ngờ. Ai tụng bài chú này thì luôn luôn có Đức Phật A-di-đà đứng trên đỉnh đầu không cho kẻ oán làm hại, hiện đời được an ổn và khi mất sẽ được vãng sinh theo ước nguyện của mình. Nếu hành giả tụng đến hai trăm ngàn biến thì mầm Bồ-đề sẽ sinh, tụng đến ba trăm ngàn biến thì được nhanh chóng diện kiến Đức Phật A-di-đà. Vào đời Tấn, Pháp sư Tuệ Viễn tụng bài chú này nên có vị Thần tay cầm đài bạch ngân từ phương Tây đi đến mà nói rằng: “Thọ mạng của pháp sư đã hết, hãy nương đài Bạch Ngân này mà vãng sinh Cực lạc.” Khi ấy mọi người đều nghe trong không gian có tiếng nhạc trỗi lên và mùi hương lạ trải mấy ngày mới tản.

PHÁP MÔN TU TRÌ 7

Đức Phật hỏi A-nan: “Ông muốn thấy người ở địa ngục không?”. A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Con muốn thấy”. Đức Phật nói: “Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ về điều ác. Đó là người địa ngục”. Bởi lẽ, thiện ác ở đời không ngoài ba nghiệp là thân, miệng và ý. Nay cả ba nghiệp đều ác tức là toàn nghiệp đen, vì thế mà phải vào địa ngục. Nếu ba nghiệp đều thiện tức là toàn nghiệp trắng, nên được sinh lên Trời. Nếu trong ba nghiệp có một nghiệp thiện gọi là tạp nghiệp thì cũng không bị rơi vào địa ngục. Vì vậy, tuy thân và ý ác nhưng nhờ miệng tụng niệm danh hiệu Phật nên cũng có một nghiệp thiện và do vậy mà vẫn hơn cả ba nghiệp đều ác. Huống gì miệng tụng niệm danh hiệu Phật, tâm lại tưởng nhớ đến tượng Phật tức là ý nghiệp thiện. Hành giả luôn thiện hóa ba nghiệp để tu tập Tịnh độ thì chắc chắn được sinh về Thượng phẩm. Tôi có nghe kể chuyện người bán tôm ở Trấn Giang,

và suy gẩm rằng người ấy chỉ kêu một tiếng tôm mà có đủ ba nghiệp ác là:

  1. Ý muốn bán tôm tức là ý nghiệp ác.
  2. Thân gánh tôm tức là thân nghiệp ác.
  3. Miệng rao bán tức là khẩu nghiệp ác. Đó là người mà Đức Phật gọi là người địa ngục. Nếu xét thêm câu chuyện đó thì người địa ngục quả là rất nhiều, chúng không sợ sao? Quả thật, cũng vì ngu si mà chúng ta không biết gì về luật nhân quả, do vậy mà bị hãm vào vòng tội ác. Thật đáng thương xót thay! Những người biết pháp môn Tịnh độ nên khai thị cho những người khác. Đó là pháp thí. Pháp thí là việc làm lớn nhất trong hạnh bố thí. Vì vậy, phước báo của nó không thể nào đo lường được.

Có người nói: “Kẻ cứ một mực xung tụng danh hiệu Phật thì không khác gì cứ gọi mãi tên một người, người bị gọi sẽ vô cùng phẫn nộ. Vì vậy, việc cứ một mực xưng tụng tên một vị Phật chưa hẳn là việc làm tốt!”. Đáp: Không đúng! Chúng sinh tích chứa khẩu nghiệp từ vô thỉ đến nay như núi biển, họ tụng danh hiệu Phật vô cùng nhiều những mong quét sạch nghiệp ấy mà còn sợ chưa đủ! Sao ông lại đem chuyện “Gọi tên người” để so sánh, vặn vẹo? Lại nữa, chính Đức Phật khai thị pháp môn này để dẫn dụ chúng sinh khiến họ thiện hóa khẩu nghiệp, rồi dần dần thiện hóa thân và ý nghiệp. Bởi vậy, nói rằng “Cứ một mực xưng tụng một danh hiệu Phật chưa hẳn đã là việc làm tốt” là câu nói của người phàm tục, không phải là lời nói của bậc luôn yêu thương, nâng đỡ và dẫn dụ chúng sinh. Và cố nhiên, những lời đó không xứng đáng để nghe và suy nghĩ!

PHÁP MÔN TU TRÌ 8

Nếu hành giả trường trai, lễ Phật, niệm Phật, đọc tụng kinh điển Đại thừa, giải đệ nhất nghĩa, rồi đem những công hạnh ấy mà hồi hướng và nguyện sinh Tây phương thì chắc chắn sinh lên Thượng phẩm thượng sinh. Trai là gì? Tức là không ăn thịt, không uống rượu, không dâm dục, không ăn năm loại rau cay. Giới là gì? Tức sát sinh, trộm cắp và tà dâm là ba nghiệp của thân; vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu là bốn nghiệp của miệng; tham dục, sân hận và tà kiến là ba nghiệp của ý. Tất cả là mười giới. Người giữ trọn mười giới thì gọi là thập thiện, nếu phạm

thì gọi là thập ác. Người giữ trọn mười giới thì được sinh lên Trời; giữ bốn giới trước và giới tửu thì không bị mất thân người. Người tu Tịnh độ thì không hạn chế như vậy. Nếu hành giả giữ cả mười giới, cộng thêm công đức tu tập Tịnh độ được nói ở trên thì chắc chắn sinh lên Thượng phẩm thượng sinh. Nếu hành giả chỉ giữ năm giới, nhưng tu Tịnh độ thì cũng được sinh về Trung phẩm thượng sinh hoặc Thượng phẩm hạ sinh. Nếu hành giả không giữ được năm giới thì cũng cố gắng giữ giới Bất sát. Sát sinh là giới đầu tiên trong năm giới, cũng là giới đầu tiên trong mười giới và cũng là giới đầu tiên trong hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo. Như vậy, người không sát sinh là người thiện, người sát sinh là người ác. Bởi thế, tôi nói rằng kẻ nào không muốn sát sinh thì nên suy xét mình. Nghĩa là, mình không thể tự giết mình được, và mạng sống của mình cùng con vật bị giết không có gì khác nhau. Người không sát sinh thì được sống lâu, kẻ sát sinh thì đoản mạng. Mình muốn sống lâu trong lúc loài vật cũng không muốn chết yểu; bởi vậy, ta không có bất cứ lý do gì để giết mạng sống của loài vật chỉ vì muốn tăng trưởng mạng sống của mình. Vì lẽ đó, hành giả nên giữ giới sát sinh một cách cẩn mật!

Kẻ sát sinh để bồi bổ cho miệng và bụng thì sự ham muốn của miệng và bụng không bao giờ dừng. Sau khi người ta đã buông đũa, lúc vị ngon đã hết mà nghiệp sát vẫn còn nguyên. Nếu ngày thường ta không sát sinh nhưng vì phải đãi khách mà sát sinh thì còn tạm được. Huống gì tội sát sinh đó chỉ có một mình mình chịu. Kinh nói: “Đến thì một mình đến, đi lại một mình đi, luân hồi mình tự chịu, quả báo mình tự mang.” Đọc đoạn kinh đó lẽ nào ta lại vẫn cứ sát sinh? Nếu ta sát sinh để cúng tế tổ tiên thì chắc gì tổ tiên không thọ dụng rau cỏ đạm bạc? Khổng Tử nói: “Dẫu cúng tế bằng rau trái đi nữa cũng phải trai giới”. Như vậy, ai dám nói rằng tiên tổ không dùng rau dưa? Nếu chúng ta đốt hương, tụng kinh, nương vào Phật lực để truy tiến thì chắc chắn hương linh sẽ được siêu sinh. Vì vậy, sự siêu sinh của hương linh không nằm ở việc sát sinh. Nếu hành giả chỉ giữ một giới bất sát để tu Tịnh độ thì cũng không bị sinh về hạ phẩm!

PHÁP MÔN TU TRÌ 9

Hành giả trai giới, tắm gội sạch sẽ, thanh tâm tĩnh lự, hướng về Tây mà an tọa; nhắm mắt và im lặng để quán tưởng thân sắc vàng của Đức Phật A-di-đà đang ngồi trên đài sen trong ao thất bảo tại Tây phương, thân Phật cao một trượng sáu. Khoảng giữa hai lông mày một dải bạch hào, có năm luồng ánh sáng xoay về phía phải trong tám rãnh trống. Ánh sáng chiếu soi khuôn mặt và thân màu vàng. Tiếp theo, hành giả trụ tâm ở bạch hào, không có một niệm nào khác dầu rất vi tế. Hành giả làm thế nào để khi nhắm hoặc mở mắt đều nhìn thấy Bạch hào ấy thì không bao giờ quên được. Tu tập như vậy lâu ngày thì tâm hành giả được thuần thục và tự nhiên sẽ được thấy toàn thân của Phật. Phép tu này siêu việt nhất. Kinh nói: “Lúc tâm đang tưởng đến Phật thì tâm đó chính là Phật.” Nó hơn hẳn cách khẩu niệm; thân sau của hành giả chắc chắn được sinh lên Thượng phẩm thượng sinh.

Đời Đường, có hai vị tăng tên là Khải Phương và Viên Quả chỉ tu tập pháp này trong năm tháng mà thấy thân mình đi đến Tịnh độ, được thấy Phật và được nghe pháp. Ý nói rằng kinh Thập Lục Quán thuyết minh rất tường tận về phép quán tưởng. Truyện này nằm ở cuốn thứ năm.

PHÁP MÔN TU TRÌ 10

Hành giả tưởng thân Phật cao đến Trời, hoa sen Ngài ngồi cũng cao như vậy. Hành giả quán tưởng Bạch hào giữa lông mày như được nói ở trước. Phương pháp này siêu việt nhất, vì lúc tâm tưởng đến Phật thì tâm ấy tức là Phật. Do hành giả tưởng thân Phật cực lớn nên thiện niệm của hành giả cũng vô cùng lớn. Nếu hành giả chưa đạt được như vậy thì nên quán tưởng hình tượng nhỏ, nhưng phải chuyên tinh, không được tán loạn. Quán kinh nói: “Quán tưởng thân tướng, quang minh của Phật A-di-đà như trăm, ngàn, vạn, ức sắc vàng Diêm-phù-đàn. Thân Phật cao sáu mươi vạn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần. Bạch hào giữa hai lông mày như năm ngọn núi Tu-di. Mắt Phật như nước bốn biển, màu trắng, xanh rõ ràng. Phật dùng Vô duyên từ để nhiếp thủ chúng sinh!”

Vàng Diêm-phù-đàn là loại vàng quý và đẹp. Na-do-tha tức là

vạn ức. Do-tuần là mười sáu dặm. Căn cứ vào kinh ta biết rằng thân Phật là vô cùng tận. Độ lớn của một hằng sa do-tuần mà đã không thể nói, huống gì độ lớn của cả sáu mươi vạn ức hằng sa do-tuần.

PHÁP MÔN TU TRÌ 11

Hành giả quán tưởng Bồ-tát Quán Thế Âm; thân Ngài cao tám mươi vạn ức na-do-tha do-tuần, màu tử kim; lòng bàn tay có năm trăm ức hoa sen nhiều màu, có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, ánh sáng của hoa sen mềm mại. Ngài dùng bàn tay báu ấy để tiếp dẫn chúng sinh. Tiếp theo, hành giả quán tưởng Bồ-tát Đại Thế Chí; thân Ngài cao tám mươi vạn ức na-do-tha do-tuần, màu tử kim. Những chúng sinh có duyên đều được thấy. Tiếp theo, hành giả tưởng tự thân sinh trong thế giới Cực lạc, ngồi kết già trong hoa sen. Hành giả tưởng hoa sen mở và đóng, thấy Phật và Bồ-tát đầy khắp hư không.

PHÁP MÔN TU TRÌ 12

Hành giả phát tâm cứu độ chúng sinh, tâm chí thành, tâm kiên cố, tâm sâu dày cộng thêm lễ bái, niệm Phật. Như thế, hiện đời hành giả được gia hộ, thân sau được sinh lên Thượng phẩm thượng sinh. Tâm cứu độ chúng sinh là nguyện sinh về Tịnh độ, sau khi được thấy Phật, được nghe pháp rồi, sẽ cứu độ chúng sinh trong biển khổ chứ không phải độ riêng thân mình. Tâm chí thành là chí thành quy hướng, không có sự cẩu thả. Tâm kiên cố là tu tập kiên cố không thối lui. Tâm sâu dày là dụng tâm đến chỗ cực sâu, hướng thẳng đến Tịnh độ như tìm ngọc dưới đáy biển. Ba đời chư Phật cùng chúng sinh trong pháp giới đều từ tâm tạo ra, tâm ta đã như vậy sao không được Thượng phẩm thượng sinh.

PHÁP MÔN TU TRÌ 13

Hành giả thực hành việc trai tăng cúng Phật, đốt hương, dâng hoa, treo phan, xây tháp, niệm Phật và lễ sám. Nói tóm là làm tất cả những việc sùng phụng Tam bảo. Đem những công đức ấy mà hồi hướng nguyện vãng sinh Tây phương cũng được. Hoặc hành giả làm đủ loại công việc lợi ích và phương tiện thiện xảo thuộc thế gian. Nghĩa là, làm con thì hiếu dưỡng với cha mẹ, làm anh thì yêu thương em út, làm em thì vâng thuận anh, tất cả việc trong nhà đều tươm tất. Đối với tông tộc thì hòa đồng, lấy lễ mà giao tiếp; với bà con làng nước, với thông gia quyến thuộc thì lấy ân đức mà ban phát. Thờ vua thì hết dạ trung thành; làm bậc trưởng thượng thì đem điều thiện mà an dân; làm kẻ dưới thì đem lòng cần mẫn mà phụng sự người trên. Hoặc dạy dỗ người ngu tối, hoặc nâng đỡ người yếu đuối cô độc, hoặc cứu giúp người bị nạn, hoặc bố thí cho người bần cùng, hoặc sửa cầu đào giếng, hoặc phát thuốc cho cơm, hoặc bớt phụng sự bản thân để làm lợi ích cho người khác, hoặc lúc cầm tài sản để làm lợi ích cho mọi người thì nên tự xét mình, hoặc đem điều thiện để dạy người, hoặc xua điều ác ngợi khen điều thiện. Hành giả làm tất cả điều thiện thuộc thế gian tùy sức mình rồi đem những công đức đó để hồi hướng nguyện sinh Tây phương cũng được. Hoặc hành giả làm tất cả việc lợi ích thuộc thế gian không phân biệt lớn nhỏ. Ví dụ như dầu chỉ đem một đồng tiền mà cho người, hoặc cho người một ly nước, thậm chí một việc thiện rất nhỏ hành giả cũng nên khởi niệm rằng: “Tôi dùng những duyên lành này để hồi hướng nguyện sinh Tây phương.” Hành giả luôn trì tâm niệm ấy, niệm nào cũng nguyện sinh Cực lạc thì chắc chắn được sinh về Thượng phẩm.

PHÁP MÔN TU TRÌ 14

Đức Phật nói: “Muốn sinh Tịnh độ thì nên tu tập ba loại phước:

  1. Hiếu dưỡng với cha mẹ, phụng sự sư trưởng, có lòng nhân từ không giết hại, tu mười nghiệp lành.
  2. Thọ trì Tam quy, có đủ các giới và không phạm uy nghi.
  3. Phát tâm Bồ-đề, tin tưởng nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa và khuyên dạy người khác tu tập.”

Đó là nhân tịnh nghiệp chân chính của chư Phật trong cả ba đời.

Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng.

PHÁP MÔN TU TRÌ 15

Tôi đọc tất cả kinh tạng nhưng không thấy nói đến việc “gửi vào kho âm phủ”, nên mong mọi người hãy đem những vật phẩm gửi vào kho mà thỉnh tăng làm lễ cúng dường Tây phương. Nếu quý vị một lòng nghĩ nhớ đến Tây phương thì sẽ được vãng sinh. Còn nếu quý vị không làm như trên mà lại đem của gửi vào kho âm phủ thì hoàn toàn sai lạc. Bởi vì, một khi tâm chí của ta đã quanh quẩn tại âm phủ thì mất tất phải vào âm phủ. Như nếu có người không tu sửa mình theo đức hạnh của bậc quân tử để kết giao với hiền nhân mà lại đem tiền gửi vào viện tư lý, nơi người coi ngục đợi lúc mình vào tù thì lấy số tiền ấy mà chuộc tội! Đó là một việc làm quá sức lầm lạc!

Thuyết ăn thịt.

Kinh Lăng-già nói: Có vô số lý do để không nên ăn thịt. Thịt chúng sinh vốn chẳng phải là vật để ăn, do tai nghe mắt thấy đã quen nên không biết đó là sai. Nếu có thể dứt bỏ thì nên bỏ ngay. Nếu không thể bỏ thì chỉ ăn ba thứ tịnh nhục để giảm thiểu việc ăn thịt. Đó là không thấy giết, không nghe giết, không nghi vì mình mà giết. Nếu thức ăn nhiều mon thì nên bỏ bớt món thịt. Nếu hai bữa ăn đều là thịt thì nên ăn chay một bữa. Được vậy thì lộc của một người là vô số có thể giải oan, diệt tội. Như lời vua Diêm-la nói với Trịnh Lân thì nếu chí thành niệm Đức Phật A-di-đà ắt sẽ được vãng sinh.

Thuyết về tướng ngồi của Quán Âm.

Theo Tạng kinh, tay chân và sáu căn của chư Phật, Bồ-tát thường đoan chánh nên gọi là tám thứ đoan chánh. Bồ-tát Quán Âm vốn ngồi kiết già, Thần thông của Ngài biến hóa tự tại nên gọi là Quán Tự Tại. Người đời nay vẽ, đắp tượng giơ chân, gác tay ngồi rồi gọi là Quán Âm Tự Tại đó là sai bậy vậy.