LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 11

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

THIÊN THAI TRÍ GIẢ KHUYÊN HÀNH GIẢ CHUYÊN TU TỊNH ĐỘ

Nếu có người hỏi rằng: “Chư Phật và Bồ-tát lấy đại bi làm sự nghiệp. Nếu người tu muốn độ sinh thì chỉ nên nguyện sinh vào ba cõi, ở trong ngũ trược và tam đồ để cứu chúng sinh đau khổ. Tại sao chư vị lại cầu sinh Tịnh độ, lại chỉ an ổn bản thân bỏ rơi chúng sinh vậy? Nếu như thế hóa ra chư vị chỉ chuyên tâm vào việc tự lợi, đồng thời cũng làm cản trở con đường Bồ-đề?”

Đại sư Trí Giả đáp:

– Có hai hạng Bồ-tát: Thứ nhất, là hạng đã tu tập con đường Bồ- tát từ lâu và đã chứng đắc Vô sinh nhẫn. Nếu những vị này không sinh vào ba cõi v.v… thì lời trách cứ đó quả là xứng đáng! Thứ hai, là hạng chưa chứng đắc Vô sinh nhẫn trở lui, cho đến hạng phàm phu mới phát tâm. Hạng phàm phu Bồ-tát cần phải thường xuyên gặp Phật. Một khi họ thành tựu sức nhẫn thì mới có thể ở trong ba cõi, mới có thể cứu khổ cho chúng sinh trong đời bẩn ác.

Vì vậy luận Đại Trí Độ nói: Không bao giờ có chuyện hàng cụ phược phàm phu mà có tâm nguyện đại bi để sinh vào đời ác mà cứu những chúng sinh khổ. Vì sao? Vì mức độ phiền não ở thế giới ác rất dữ dội. Nếu là hạng tự mình chưa có nhẫn lực thì tâm sẽ bị chuyển theo hoàn cảnh, bị sắc và thanh trói ngay. Tự mình bị đọa lạc trong tam đồ thì làm sao có thể cứu vớt chúng sinh được? Ngay cả hạng cụ phược phàm phu được sinh vào cõi người đi nữa thì cũng khó mà chứng đắc con đường Thánh. Có thể do trì giới, tu phước nên họ được sinh trong cõi người, được làm quốc vương, đại Thần rất giàu có và tự tại; nhưng nếu gặp bậc Thiện tri thức thì họ sẽ không tin tưởng. Họ chỉ đắm vào vũng tham lam, mê tối và phóng dật để rồi tạo nên bao nhiêu thứ tội nghiệp.

Một khi rơi vào tam đồ, họ phải trải qua vô lượng kiếp. Lúc thoát khỏi địa ngục, họ lại phải nhận cái thân bần tiện, và nếu không gặp được Thiện tri thức thì họ vẫn bị sa vào địa ngục lại. Do vậy, họ bị luân hồi cho đến ngày hôm nay. Sự luân hồi của tất cả mọi người là như sự luân hồi ở trên. Vì vậy, tôi gọi con đường này là Nan, hành, đạo (con đường khó tu tập).

Cũng vì lý do trên mà kinh Duy-ma nói: “Bệnh mình mình không thể cứu được mà lại đòi cứu những người bệnh khác!”

Lại nữa, Trí Độ luận nói: “Ví như có hai người, mỗi người đều có thân nhân bị nước nhận chìm. Một người hốt hoảng nhảy ngay vào nước để cứu họ, nhưng vì thiếu sự hỗ trợ của phương tiện nên cả hai đều chìm ngỉm. Một người tức tốc chạy đi tìm thuyền bè để tiếp cứu, và nhờ có sự hỗ trợ của phương tiện, nên cả hai đều thoát nạn bị dòng nước nhận chìm. Cũng vậy, hạng Bồ-tát mới phát tâm chưa có nhẫn lực thì không thể cứu vớt chúng sinh được. Vì lý do đó nên họ cần phải gần Phật thường xuyên. Sau khi chứng đắc Vô sinh nhẫn rồi, họ mới có năng lực để cứu độ chúng sinh cũng như người có được thuyền bè vậy.”

Lại nữa, luận nói: Ví như trẻ thơ không được rời xa mẹ. Nếu rời xa mẹ thì hoặc là nó sẽ chết vì bị rơi xuống hầm hố hoặc vì khát sữa. Lại nữa, như chim non vì chưa đủ cánh lông nên nó chỉ được bám vào cành nhánh chứ không được đi xa. Đến lúc lông cánh đã đủ đầy nó mới có thể bay lượn giữa bầu Trời một cách tự tại và không bị gì ngăn ngại.

“Hạng phàm phu không có nhẫn lực thì chỉ được phép chuyên niệm A-di-đà Phật để cho Tam-muội thành tựu. Nhờ thành tựu được Tam-muội nên lúc sắp mất hành giả thâu niệm để vãng sinh. Đây là điều không đáng để nghi ngờ. Sau khi thấy được Đức Phật A-di-đà, được chứng Vô sinh pháp nhẫn rồi, hành giả sẽ sinh lại trong ba cõi, ngồi thuyền Vô sinh nhẫn để cứu độ chúng sinh, để làm Phật sự theo tâm nguyện của mình một cách tự do, tự tại.” Vì lý do đó luận nói rằng: “Du hý nơi địa ngục.” Nghĩa là hành giả sinh về cõi Cực lạc, đắc vô sinh nhẫn rồi, lập tức sinh vào lại cõi, miền, sống, chết để giáo hóa chúng sinh trong địa ngục và cứu vớt những chúng sinh khổ?

“Vì những lý do đó mà hành giả cầu sinh Tịnh độ. Ngưỡng nguyện người tu hành nên chuyên tâm với Tịnh độ. Cho nên, luận Tỳ-bà-sa gọi đó là Dị hành đạo (Con đường dễ tu tập).”

Thiền sư Trường Lô Trách, người Chân châu, khuyên người tham Thiền tu Tịnh độ.

Kẻ chấp trước “Niệm là niệm; sinh là sinh” tức là phạm vào lỗi

thường kiến. Kẻ bám chặt vào “Vô niệm là vô niệm; vô sinh là vô sinh” tức là bị mê hoặc bởi tà kiến. “Niệm mà vô niệm; sinh mà vô sinh”, đó là Đệ nhất nghĩa đế. Do vậy, ở phạm vi thật tế lý địa không dung một mảy bụi, thì trên không có chư Phật để có thể niệm và dưới không có Tịnh độ để có thể sinh; nhưng ở ngưỡng cửa Phật sự không bỏ một pháp nào thì lại thâu nhiếp tất cả căn tánh.

Pháp niệm Phật Tam-muội là phương thuật cốt tủy để trở lại nguồn và mở bày cửa ngõ vãng sinh, nên dẫu hành giả niệm Phật suốt ngày nhưng chẳng trái với lý vô niệm; hăm hở vãng sinh nhưng chẳng nghịch với lý vô sinh. Vì vậy mà có sự kiện “cảm ứng đạo giao”, dẫu Thánh và phàm đều an trụ nơi vị trí của mình, Đông Tây không qua lại với nhau nhưng Thần thức đã dời sinh Tịnh độ. Không một ai có thể suy tư đến chỗ cùng tận của hiện tượng ấy được cả!

Bởi thế kinh nói rằng:

“Nếu ai nghe nói đến Phật Di-đà chấp trì danh hiệu”… cho đến… “Lúc họ sắp mất tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực lạc của Phật Di-đà”.

Tuy Thế Tôn phân ra hai cửa là chiết và nhiếp, hiện ở hai vùng đất là tịnh và uế, nhưng không phải Thế Tôn cho rằng hầm hố, gò đồi, năm nẻo chung lộn nhau, đất đá, núi non và đầy rẫy bẩn ác của cõi Ta-bà là hoàn toàn đáng chán; cũng không phải Thế Tôn cho rằng đất bằng vàng, hàng cây đụng Trời, lầu bằng bảy loại trân bảo, hoa phô bốn màu của Cực lạc là hoàn toàn đáng hâm mộ. Nhưng vì nhẫn lực của hàng Bồ-tát đang vào đạo chưa được thuần thục nên cần phải nương vào Tịnh độ để làm Tăng thượng duyên. Vì sao? Vì ở cõi Ta-bà thì Đức Phật Thích-ca đã nhập diệt mà Ngài Di-lặc lại chưa sinh; trong lúc đó ở cõi Cực lạc thì Đức Phật A-di-đà đang thuyết pháp. Ở Ta-bà, hành giả chỉ hân ngưỡng tên lành của Bồ-tát Quán Âm và Thế Chí, trong lúc đó ở thế giới Cực lạc thì hai vị thượng nhân ấy lại trực tiếp làm bạn tốt của hành giả. Ở cõi Ta-bà thì các loại ma tranh nhau làm hành giả bị não loạn, trong lúc ở Cực lạc thì trong ánh sáng vĩ đại quyết không có ma sự. Ở cõi Ta-bà thì những âm thanh tà ngụy làm tâm tưởng hành giả bị tạp loạn, có nữ sắc và yêu dâm; trong lúc đó ở thế giới Cực lạc thì tất cả chim, nước, cây, rừng đều tuyên giảng diệu pháp, chánh báo thì thanh tịnh và thật sự không có nữ nhân.

Cho dẫu sự tu hành ở Ta-bà có hội đủ điều kiện chăng nữa cũng không bằng ở Tây phương. Vậy mà những kẻ có niềm tin cạn mỏng lại sinh tâm hoài nghi và phỉ báng một cách ngạo ngược.

Tôi xin đem chuyện đời để luận bàn cùng quý vị. Ở cõi này, có ai là không chán cảnh ồn náo của tục gia, và có ai lại không thích cảnh vắng lặng của chùa chiền? Vì thế, lúc có kẻ bỏ nhà xuất gia thì ai cũng ân cần khen ngợi. Nhưng nỗi khổ của cõi Ta-bà đâu chỉ ở nơi cảnh ồn náo của tục gia và cảnh thanh nhàn của Cực lạc nào chỉ dừng ở vẻ vắng lặng của Lan nhã. Những kẻ nhận thức được việc xuất gia là tốt đẹp nhưng lại không nguyện vãng sinh là kẻ mang trong lòng căn bệnh ngu thứ nhất!

Những người vượt ngàn dặm đường, trải qua vô vàn nỗi lao khổ để tìm cầu Thiện tri thức, mong được phát minh đại sự, để quyết trạch chuyện sống chết. Trong lúc Báo thân của Đức Phật A-di-đà đều siêu việt, nguyện lực của Ngài vô cùng rộng lớn; Ngài chỉ một lần khai diễn viên âm thì mọi người đều được khai ngộ. Những kẻ nguyện tham vấn Thiện tri thức nhưng lại không mong diện kiến Phật A-di-đà là những kẻ mang trong lòng căn bệnh ngu thứ hai!

Nơi tùng lâm có chúng đông đảo nên ai cũng muốn nương nhờ tấm thân, còn chỗ đạo tràng ít chúng thì ai cũng không thèm gửi bóng! Thế mà số lượng những vị Nhất sinh bổ xứ ở cõi Cực lạc nhiều vô cùng và chư thượng thiện nhân cùng hội tụ một chốn. Những kẻ muốn nương thân ở chốn tùng lâm, nhưng lại chối từ hải chúng thanh tịnh là những kẻ mang trong lòng căn bệnh ngu thứ ba!

Tuổi thọ của con người ở cõi này không quá một trăm, nhưng trẻ nít thì ngu, người già thì lẫn, đủ thứ bệnh tật; nói chung là hôn trầm, thụy miên hơn một nữa đời người. Ngay cả hàng Bồ-tát còn mịt mờ lúc cách ấm; Thanh văn vẫn còn tăm tối lúc xuất thai, thì hạng “Xích bích thốn âm” đã mười phần mất hết chín. Người chưa bước chân vào Bất thoái địa không thấy là đáng sợ làm sao? Trái lại, thọ mạng của chúng sinh ở Tây phương là vô cùng tận. Một khi đã thác sinh vào bào thai của hoa sen là vĩnh viễn chấm dứt nỗi khổ vì sống chết. Thọ mạng của họ cứ tiếp nối mãi cho đến lúc thành đạo; nhờ vậy mà được quả vị A-duy-việt chí và nắm tay trong niềm hy vọng thành Phật. Những kẻ lưu chuyển trong cảnh ngắn ngủi của Ta-bà mà không hay biết gì về sự kiện năm dài tháng rộng ở Tịnh độ là những kẻ mang trong lòng căn bệnh ngu thứ tư!

Nếu hành giả đã ở địa vị Bất thoái, đã chứng đắc Vô sinh; ở nơi cõi dục mà không ham muốn, sống giữa đời mà không bị nhiễm bụi, mới có thể khởi lòng từ không điều kiện, vận động lòng bi cùng thể tánh mà quay vào nơi trần lao, hòa mình trong ánh sáng và bụi mù của

ngũ trược. Có những kẻ kiến văn thì cạn nông, trí tuệ đơn bạc, hoặc có những kẻ gom góp được vài ba mớ công hạnh phù hợp với những điều thiện nhỏ nhít mà vội cho là mình đã mãi mãi ra khỏi bốn giòng chảy, đã vượt qua Thập địa. Đồng thời, họ luôn trách mắng và chê bai Tịnh độ, tham đắm Ta-bà, tự bịt mắt mà về không và trôi nỗi rập rềnh như rác rớm, làm thân trâu ngựa và chịu bao khổ đau nơi địa ngục. Họ không biết mình là loại người nào và tự nghĩ mình là ngang hàng với Bồ-tát quyền thừa. Đó là những kẻ mang trong mình bệnh ngu thứ năm!

Vì vậy kinh nói:

“Hãy nên phát nguyện, nguyện sinh nước ấy.”

Bởi thế, những kẻ không tin lời thành thật của chư Phật, không nguyện sinh Tịnh độ, không phải là những người mê tối hay sao?

Nếu người tin lời Phật mà sinh về Tịnh độ thì không bị cột bởi sợi dây thế giới hệ, không bị hại bởi sóng kiếp số. Họ sẽ xa lìa tám loại khổ của nhân gian và năm tướng suy tàn của cõi Trời: “Cái tên đường ác còn không có. Huống gì thật có nẻo đường ấy?” Họ chỉ làm sáng rỡ pháp nhất thừa, quyết không có ba thừa. Họ chỉ quy y nhất thể Tam bảo và phụng sự Như Lai khắp mười phương. Ánh sáng của Phật chiếu vào thân thể họ nên muôn ngàn mê hoặc âm thầm tiêu trừ. Mùi vị pháp bồi bổ Thần thức nên họ có đủ sáu loại Thần thông, ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp ứng với ý niệm của họ mà viên thành. Tùy chủng loại chúng sinh mà họ ứng hiện ba mươi hai thân đầy ắp không gian và thời gian. Họ đi quanh năm nẻo để hóa độ tất cả các căn tánh. Họ du hý khắp các loại Tam-muội mà không động nhất tâm. Họ rảy nước thiền định vào ba ngàn thế giới để đưa chúng sinh ra khỏi căn nhà lửa. Tự lợi và lợi tha họ đều thực hành viên mãn.

Được như vậy mới gọi là “Tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ”. Bởi lẽ nó là ngưỡng cửa quan yếu của giải thoát, là con đường tắt và nhanh của việc tu hành. Vì vậy, tất cả các kinh liễu nghĩa Đại thừa đều quy chiếu vào Tịnh độ; tiên Hiền hậu Thánh thuộc tự lực hoặc tha lực đều cầu nguyện vãng sinh. Bởi vì… muốn độ người, trước tiên mình phải tự độ đã!…

Than ôi!

“Làm người mà không biết lo xa thì chắc chắn nỗi buồn khổ sẽ ở cận kề.” Một phen đánh mất tấm thân này thì ta sẽ ân hận đến cả ngàn kiếp. Vì vậy, Lô Trách tôi đốc suất mỗi vị trong đại hải chúng niệm một trăm, một ngàn cho đến mười ngàn tiếng A-di-đà Phật, rồi đem công đức ấy để hồi hướng cho những người cùng duyên để nguyện sinh về cõi Cực lạc. Một khi hành giả đã gửi thân nơi Liên trì thắng hội, thì pháp kim địa được sáng tỏ. Nhờ thắng duyên hỗ trợ nên nguyện ước của hành giả được viên mãn. Nói theo cách thi vị, thì hành giả đã chèo thuyền thuận với con nước mà lại thêm công sức của mái chèo; như vậy, dẫu đường xa vạn dặm hành giả vẫn tới đích dù không nhọc sức hao hơi!

Mùa đông năm thứ tư niên hiệu Nguyên Hựu, Tông Trách tôi mộng thấy một người con trai tuổi chừng ba mươi, mặc áo trắng, quấn khăn đen, phong mạo rạng rỡ và cử chỉ rất thanh nhã. Người ấy chào tôi rồi nói: “Tôi muốn gia nhập hội Di-đà của sư, nên báo để Sư ghi tên cho”. Tôi liền lấy cuốn Liên Hoa thắng hội, cầm bút và hỏi: “Ông tên gì?” Đáp: “Phổ Tuệ”. Tôi vừa viết xong thì người áo trắng lại nói: “Anh tôi cũng báo tên.” Tôi hỏi: “Anh của ông tên gì?” Đáp: “Phổ Hiền”. Nói xong, người ấy liền ẩn mất. Sau khi tỉnh giấc, tôi tham vấn với các vị trưởng lão về tên của hai vị trong giấc mơ. Các trưởng lão nói: “Trong phẩm Ly thế gian của kinh Hoa Nghiêm có tên của hai vị Bồ-tát ấy.” Tông Trách tôi nghĩ rằng đó là những Phật tử đang thi hành Phật sự để trợ giúp cho công cuộc hoằng hóa của Đức Phật. Như vậy, tất nhiên là Tịnh độ đã có sự khen ngợi thầm kín của Hiền thánh và dĩ nhiên, cái duyên của những người tham dự vào hội này không phải là nhỏ. Vì vậy mà hôm nay tôi đặt tên của hai vị Bồ-tát ấy trước trong hội Di-đà này!

Tỉnh Hàng châu, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ ngăn cấm những kẻ không chứng ngộ không được khinh rẻ Tịnh độ.

Nếu có người hỏi: “Chỉ cần hành giả thấy tánh, ngộ đạo là đã thoát được sinh tử, cần gì phải niệm Phật và cầu sinh về phương khác?”

Đáp: Người tu chân thật thì nên tự quán sát thân tâm mình. Như người uống nước thì tự biết nóng lạnh. Nay tôi xin trích dẫn những lời dạy của Thánh hiền để phá kẻ có nhiều mê hoặc.

Chư vị nhân giả nên tự xét hạnh giải của mình xem! Nói đến sự thấy tánh ngộ đạo, nhận lời thọ ký của Như Lai, và làm rạng rỡ vị trí của Tổ sư, thì chư vị được như Ngài Mã Minh, Long Thọ chăng? Nói đến việc chứng đắc vô ngại biện tài, chứng Pháp Hoa Tam-muội, thì chư vị có thể sánh với Thiên Thai Trí Giả chăng? Nói đến việc thông suốt cả Tông và giáo, kiêm tu cả hạnh và giải, thì chư vị có bằng Trung Quốc sư chăng?

Vậy mà chư vị ấy đều để lại lời dạy là một mực khuyên người tu cầu vãng sinh. Bởi lẽ, bậc đã thực thi công cuộc tự lợi và lợi tha thì không bao giờ dối người và tự gạt mình cả. Huống gì pháp môn Tịnh độ này được đấng Đại hùng khen ngợi, được kim khẩu dặn dò. Nếu những người tu theo gót tiên hiền và tuân theo lời dạy của Đức Phật thì chắc chắn không bị lầm mê. Những sự hiển trước của các bậc cao sĩ xưa nay được ghi lại trong Vãng sinh truyện là rất nhiều, người tu nên đọc để tự nhìn lại mình và cũng là để tự độ mình.

Các vị có thể làm chủ mình trong lúc lâm chung chăng? Các vị có bảo đảm rằng những chướng sâu nghiệp nặng của mình không hiển hiện chăng? Các vị có chắc là báo thân này của mình không bị luân hồi chăng? Các vị có chắc rằng mình không bị khổ não, mình sẽ ra vào tự do khi đi trong những loài khác nhau ở tam đồ ác đạo chăng? Liệu qúy vị có thể thác sinh vào cõi Trời, cõi người và các thế giới khắp mười phương theo ý nguyện của mình mà không bị trở ngại chăng?

Nếu quý vị tự tin rằng mình đã đạt đến trình độ ấy thì có gì bằng! Còn nếu chưa được thì các vị không nên ôm giữ căn bệnh cống cao nhất thời để đến nỗi phải trầm luân ngàn triệu kiếp. Một khi đã tự mình chôn mất điều thiện thì còn mong cứu vớt được ai nữa?

Than ôi!

Buồn bã thay!

Lời thở than làm sao đến được!

(Lời của Trách thiền sư xin đọc ở tập “Thiền Sư Khuyến Hóa”. Lời của Trí Giả đại sư và Thọ thiền sư xin đọc ở trong tập “Trực chỉ Tịnh độ quyết nghi” của Thị Lang Vương Mẫn Trọng, người đời Tống). Thị Lang tên là Cổ, khi đang làm quan các Thần tiên biết tiếng. Chung Ly Chân nhân từng làm thơ tặng Ngài rằng:

Đèn bão, bọt sóng buồn lẫn nhau

Ôm mãi hư vinh ích gì đâu?

Dưới cằm chứa ngọc nên nắm lấy

Trong thân có đạo còn cầu ai?

Tài cao, tao nhã gọi tiên cốt

Trí soi linh như rùa báu lớn

Một nửa núi xanh không chỗ bán

Hẹn anh dắt tay nói hi-di.

Từ đây có thể thấy Thị Lang là người phi phàm thì càng biết rằng Tịnh độ Tây phương là chốn rất nên hướng về.

VĂN KHUYẾN TU TỊNH ĐỘ CỦA THỪA TƯỚNG TRỊNH THANH

Mọi người đều cho rằng tu Tịnh độ không bằng Thiền, Giáo và Luật. Riêng tôi, tôi cho rằng pháp môn của Thiền và Giáo không bằng Tịnh độ.

Tánh chân tịnh minh diệu, hư triệt linh thông này đều có đủ nơi người ngu và kẻ trí. Vì huyễn cảnh căn trần cùng nhau chìm đắm, vì sinh tử luân hồi không bao giờ dứt, nên Đức Phật Thích-ca đem Thiền, Giáo, Luật mà giả thi thiết phương tiện, khiến chúng sinh từ cửa mà vào và đều được giải thoát.

Chỉ riêng Đức Phật Vô Lượng Thọ đưa ra một cửa gọi là tu hành Tịnh độ. Pháp môn này có tính chất giản yếu và cắt thẳng như một phương thuốc mà trị được trăm bệnh. Nếu hành giả chuyên tâm, nhất niệm thì liền được vãng sinh. Pháp môn này ai cũng tu tập được không luận là tăng hay tục. Mọi người chỉ biết rằng giáo lý này để giáo hóa hạng ngu phu thiển cận, nhưng thật ra đây là con đường tắt và nhanh để thành Phật.

Những người tu học ngày nay không ngoài Thiền, Giáo và Lu- ật. Xét ở sự rốt ráo và viên đốn thì không pháp nào được như Thiền. Nhưng nếu không phải là bậc lợi căn thượng khí, Thần lãnh ý giải thì chưa thoát khỏi lỗi rơi vào ngoan không! Xét ở sự nghiên cứu về Tam thừa thì không pháp nào như Giáo. Nhưng nếu không phải là bậc đạt đến trình độ “Được cá quên nơm; nhân ngón tay để thấy mặt trăng” thì chưa thoát khỏi bệnh “Cạo giấy cũ”! Xét ở việc bảo vệ điều thiện, ngăn ngừa điều ác, thì không pháp nào bằng Luật. Nhưng nếu không phải là bậc thân tâm thanh tịnh, trong ngoài như một thì chưa thoát được nỗi khổ do mình tự trói buộc mình!

Nhìn chung, luận vào chỗ của người tu thì là Thiền, Giáo và Luật; tìm nơi quay về của hành giả thì là Giới, Định và Tuệ. Nếu hành giả muốn có Giới, Định và Tuệ nhưng không do Thiền, Giáo và Luật thì chỉ một ngưỡng cửa là Tịnh độ mà thôi!

Nghĩa là, lúc hành giả vừa niệm Phật; miệng niệm tụng, tâm suy tư và không làm những điều ác, đó chính là Giới. Lúc hành giả buộc niệm vào tịnh cảnh thì huyễn trần bị diệt; đó là Định. Bản chất của niệm là vô niệm, tâm hoa trong suốt; đó là Tuệ. Nếu hành giả có thể trừ bỏ cả vạn mối nghĩ suy để chuyên tâm vào Tây phương thì chẳng cần bày trò múa gậy, la hét mà vẫn ngộ được viên đốn cơ; không đọc Đại

tạng kinh mà vẫn có được con mắt chánh pháp; Không giữ mình trong bốn oai nghi mà vẫn được tự tại, được vẫn không bẩn dơ và không vẫn trong sạch, không bị trói buộc cũng như không có sự giải thoát… Chính lúc đó cái gì là Giới, Định và Tuệ; cái gì là Thiền, Giáo và Luật; tâm ta và tâm Phật là một không có sự sai khác. Đây là điểm tột cùng của pháp tu Tịnh độ. Đã vậy, tại sao hành giả lại hoài nghi chuyện “Nước có tám công đức và đài sen bằng vàng?”

– Ghi lại giấc mộng của người họ Lý quận Lô lăng.

Năm Quý Tỵ, niên hiệu Càn Đạo, toàn gia đình Ngạn Bật tôi bị nhiễm bệnh. Ngày mồng năm tháng tư bản thân tôi cũng bị bệnh đến nỗi không uống thuốc hay ăn cháo gì được. Sáng ngày mười chín, tôi mộng thấy một người mặc áo đỏ, Thần sắc rạng rỡ, ông ta lấy tay vỗ và xoa thân thể tôi rồi gọi: “Ngạn Bật! Mau ngồi dậy!” Tôi sợ hãi hỏi: “Ông là ai?” Ông ta đáp: “Tôi là Long Thư.” Nhân đó, tôi nói với ông về tình trạng bệnh tật của mình, dẫu muốn vịn vào ông nhưng không được. Phải làm thế nào để lành bệnh. Ông hỏi: “Ngươi có nhớ con đường tắt và nhanh mà Tĩnh Khuyết Trọng đã dạy cho không?” Tôi đáp: “Thưa có! Vì ngày nào tôi cũng tụng niệm danh hiệu A-di-đà Phật.” Ông nói: “Người ngồi dạy rồi dùng cháo trắng thì bệnh sẽ lành ngay!” Lúc tỉnh giấc tôi bảo người nhà mang cháo để ăn và quả thật bệnh được lành. Sau này, tôi được thấy tranh vẽ về Cư sĩ Long Thư mà Thần thái hoàn toàn giống người tôi đã thấy trong giấc mộng!

Ngạn Bật tôi nghe nói, Cư sĩ tinh thông lục nghệ từ lâu, rất giỏi về kinh Dịch và dạy người không biết mệt mỏi. Chủ nhân của nơi mọi người đến học đem Tĩnh Dật Đường để tạ công cho ông. Ngoài cửa Tĩnh Dật Đường luôn đầy ắp giày dép. Ngày mười một tháng giêng, tôi sai đứa cháu đến thọ giáo với ông. Không bao lâu nó quay về nói rằng: “Lúc đêm xuống, sau khi Cư sĩ giảng bài xong, Ngài trì tụng và lạy Phật như thường lệ. Vào canh ba, bỗng nhiên Ngài niệm rất lớn mấy tiếng A-di-đà Phật và nói: “Đức Phật đã đến đón ta!” Dứt lời Ngài đứng mà đi”.

Ngay đêm đó, có người trong nước nằm mộng thấy hai người mặc áo xanh dẫn Cư sĩ đi về phía Tây. Câu chuyện này thành sự kiện kỳ diệu nhất nên dẫu người biết hay không biết đến ông đều chiêm bái. Tôi hận là mình không được thờ ông làm Thầy nên càng nói lòng càng thêm đau xót.

Trước lúc thị tịch ba ngày, Cư sĩ đi viếng thăm và chúc mọi người cố gắng tu tập rồi nói “Từ đây về sau, chúng ta không còn gặp nhau nữa!”

Ngày mồng mười, Cư sĩ đến thăm Triệu Công Tĩnh Hàn, mượn tịnh thất của Triệu và nói: “Đạo nghiệp đã xong, giờ đi lại rất tốt.” Cư sĩ lại viết số thời khóa tích lũy trong hàng ngày hơn chín trăm hai mươi lăm ngàn năm trăm biến và dán ở bức tường. Ôi! Nếu là người không có căn tánh thông minh, đạt đến chân lý của tử sinh thì chưa dễ gì thấu đến trình độ đó!

Ngạn Bật tôi đau một trận đến nỗi sắp bỏ mạng. Quan quách, áo vải liệm đã bày biện trước mắt. May nhờ cư sĩ từ bi tiếp vớt mới được lành lặn. Quả thật ông là bậc sinh tử cốt nhục .

Có kẻ nói: “Mộng do tưởng tượng mà có!” Nhưng hiệu của việc ăn cháo trắng lẽ nào lại là chuyện hoang đường? Do đó ta biết rằng do bi nguyện của Cư sĩ quá thẳm sâu nên công đức tế độ thấu đến con người. Tuy ở Thường tịch quang nhưng Cư sĩ không quên nguyện lực của mình. Lẽ nào chúng ta không cố gắng tinh tiến đối với sự khuyến tu Tịnh độ để thành Phật của Cư sĩ hay sao?

Tôi kính cẩn tạc tượng của ông, đồng thời viết sự tích cảm ứng để truyền bá được rộng rãi chứ không dám thêu vẽ chữ lời làm tai mắt mê hoặc. Vì vậy, lời bạt này trực tiếp tường thuật và nói đủ những sự việc ấy để hỗ trợ cho lòng kính tín của người thấy và người nghe. Mong sao mọi người đều được thắm nhuần lợi ích.

Ngưỡng nguyện Thần thức của Vương cư sĩ chiếu soi để chứng thực cho những lời ở trên của tôi.

Ông người họ Vương. Tên Nhật Hưu. Tự là Hư Trung. Hiệu là Cư sĩ Long Thư.

Vào cuối năm này, Lô Lăng Lý Ngạn Bật kính cẩn ghi lại.

LỜI BẠT CỦA HU GIANG – NIẾP DUẪN ĐỊCH.

Ngày thường trước khi chưa vãng sinh, cư sĩ luôn đem giáo lý Tịnh độ để khuyến hóa người khác một cách khẩn thiết và luôn đi khắp thôn làng. Lúc bấy giờ, tôi mới hơn hai mươi tuổi, gặp lúc dự định cùng nhau đi lên phía Đông. Vả lại, thuở ấy tôi chưa biết có Phật pháp, không biết mặt ông. Đến năm ba mươi tuổi, gặp tai nạn liên tục, tôi mới hiểu rằng con người trầm luân trong biển khổ, phiền não không bờ bến. Tôi liền một lòng sưu tập tất cả lời nói của cư sĩ để làm kế siêu thoát. Được ba năm thì cư sĩ vãng sinh ở Lô Lăng. Mọi người ở quận đều thêu tượng cư sĩ để thờ phụng, ấy là tháng giêng năm Quý Tỵ, nhằm niên hiệu Càn Đạo. Sau năm năm vào năm Đinh Dậu, anh tôi là tri phủ Binh bộ đến nhậm chức ở Lô Lăng, được bản khắc mang về nhà. Tôi sợ văn bản này bị mai một, không lưu truyền dài lâu được nên liền khắc vào đá đặt ở điện A-di-đà thuộc chùa Báo Ân ở phía Bắc thành. Nay tôi nguyện ấn tống một vạn tập “Tịnh độ Văn” của Cư sĩ. Lại đem chân dung của Cư sĩ và bài tán thuật của Thừa tướng Chu Ích Công trở xuống mà phụ kèm ở đầu cuốn; tất cả đều tập trung vào bản khắc ở Lô Lăng. Mong sao người thấy, người nghe đều tăng trưởng tín tâm, cố gắng tinh tiến. Được vậy thì Tịnh độ Tây phương thật chẳng khó gì.

Niên hiệu Gia Thái năm Quý Hợi, Văn Lâm lang, Tâm giám Hồ Quảng Tổng lãnh sở, Nhương Dương phủ, Hộ Bộ đại quân thương – Hu Giang Niếp Duẫn Địch kính viết lời bạt.

Duẫn Địch thường thấy kẻ tham thiền sơ cơ chỉ biết quy kính Thiền tông, cho Tịnh độ Tây phương là chấp tướng rồi ra sức chê bai phản bác. Nào biết rằng Đức Thích-ca Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời là vì muốn làm cho chúng sinh liễu ngộ sinh tử mà xa lìa đường khổ luân hồi. Pháp môn tham thiền vốn để liễu ngộ sinh tử. Tham thiền có tỉnh thì hiện đời liễu ngộ sinh tử. Được sinh về Tịnh độ thì được thấy Phật A-di-đà rồi sau sẽ liễu ngộ sinh tử, chứng Vô sinh pháp nhẫn lên địa vị Bất thoái, thẳng đến thành Phật. Người tham học sơ cơ sao lại khăng khăng chọn duy nhất một pháp môn Thiền vậy. Nay lược chọn hai, ba thuyết kèm theo sau Tịnh độ văn của Long Thơ để nói rõ.

– Lời bạt của người đoạn hạt giống Phật ở Tứ minh.

Cư sĩ Long Thơ viết Tịnh độ văn mười một quyển, trong đó phần đầu là khởi niềm tin đối với Tịnh độ, phần cuối nói về cái “Ngã”, có thể nói là sự phân bố có thứ tự. Cả sự và lý đều rõ ràng sáng tỏ, không còn lời gì để nói hơn. Lời văn mười quyển này chính do Cư sĩ khi còn

sống khắc bản, muốn nó lưu hành khắp thiên hạ để mọi người đều đồng niệm Phật mà sinh về An lạc. Dụng tâm của Ngài quả thật khó với tới được. Chỉ có quyển 12 thêm vào sau quyển thứ 11 là bị nghi rằng chẳng phải chí hướng của Cư sĩ. Đây ắt là phần đầu của bản văn quyển bốn. Ban đầu muốn bỏ bản thảo đi, nghĩ lại người đời sau tôn sùng Cư sĩ nên không đành mà gọi quyển 11 là phần thêm vào. Huống chi ý thú của pháp môn tu trì giống với quyển bốn, chỉ có điều văn ý nghiêm túc, văn vẻ hơn. Tôi thưởng thức có bản viết tay của Cư sĩ, hợp với bản trên thì vừa khớp, như vật đã mất nay có lại. Nay tuy khắc bản đã xong, cũng chính là ý chí kiên quyết đã làm ra. Lại muốn đem bản phụ lục của các bậc thầy trước đây, những lời khuyến phát theo thứ tự mà chấn chỉnh đầy đủ để hoàn thành bộ sách không bị thiếu sót. Như người sau thấy có điều sai sót xin hãy thêm vào.

Năm Quý Dậu, niên hiệu Hồng Vũ, trung hạ, kiết nhật.