LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 10

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

Kẻ đạt đến độ tuyên áo của chân lý thì dẫu ở cõi đời dơ bẩn nhưng cũng như đang sống tại Tịnh độ. Vì vậy, cuốn sách này mới nói về phạm vi cực sâu của chân lý, và gọi là “Tịnh trược nhất như”. Dầu vậy, người đọc không nên ỷ lại vào lý sâu này mà phế bỏ sự tu tập Tịnh độ. Nếu ỷ lại thì tôi e rằng hành giả sẽ rất dễ sa chân lún bước đầm lầy “Không đàm”, hoặc dính bết vào tệ nạn của những người tham thiền!

Nói về tình.

Giận, vui, yêu, ghét, ham, muốn; tất cả trạng thái đó gọi là tình. Nuôi dưỡng tình là ác, phóng túng tình là giặc, và bẻ gãy tình là thiện, diệt trừ tình là Thánh.

Ăn uống món béo bở, mặc áo quần sang trọng, ở chỗ cao rộng; những lối sinh hoạt ấy được gọi là dưỡng tình. Ăn uống bừa bãi, áo quần diêm dúa, cư xử không biết chán; những lối sống ấy được gọi là phóng túng tình. Người ta có lỗi nhưng mình không trả thù, người ta xúc phạm mà mình không oán trách, những đức tính đó gọi là bẻ gãy tình. Dẫu người khác có lỗi hay xúc phạm, hay làm mình bị thương tổn nhưng mình vẫn xem như không có, và lại sinh lòng xót thương những hành vi ngu si ấy; những đức tính ấy gọi là diệt tình.

Nếu hành giả ngộ được chân lý diệt tình đó thì tâm địa của mình luôn luôn thanh tịnh như đang ở tại Tịnh độ.

Nói về vấn đề “Tức thị không”.

Đức Phật nói: Thọ chính là không. Thọ nghĩa là sự thọ nhận trạng thái khổ và lạc, cho đến những sự thọ dụng khác. Như khi ta đang ăn có đủ món, nhưng lúc buông đũa là không cả; lúc đi ra thì có nhiều người đi theo, nhưng lúc đến nơi thì không còn ai cả; suốt ngày đi tham quan nhưng lúc trở về thì không còn ai cả. Lại như lúc làm việc thiện đã xong thì sự lao nhọc không còn, nhưng thiện nghiệp vẫn hiện hữu; việc làm ác đã xong và tâm trạng thỏa mãn không còn, nhưng ác nghiệp thì vẫn tồn tại.

Nếu ai hiểu sâu lý ấy thì ăn uống đạm bạc để không tạo sự oán trách vì dùng quá nhiều và giết hại chúng sinh; lúc ra khỏi nhà có thể tùy phận để không tạo ra sự phiền toái, lao tâm và làm khổ người khác; bỏ đi sự ngoạn cảnh để không gây nên những lỗi lầm trầm trọng vì phóng đãng và bỏ bê công việc; có thể làm được điều thiện để không phạm phải sai lầm khác vì biếng nhác và bảo thủ; có thể tự ngăn cấm đối với việc ác để không bị mắc tội vì sự buông tuồng và kẻ khác thù oán.

Tôi sung sướng vì tự thân đạt được những điều đó, nên rất muốn được xẻ chia cùng với mọi người… cho đến tất cả những thọ dụng khác… nghĩa là thọ nhận trạng thái không khổ không lạc).

Nói về lục căn.

Trang điểm cho mình cả ngàn món cũng chỉ vì con mắt chừng nửa thốn của người khác; nghe cả trăm bản nhạc cũng vì lổ tai nhỏ bằng hạt đậu; xông ướp mình bằng trầm hương, chiên đàn hương, mã não, xạ hương cũng chỉ vì cái mũi có hai lỗ; ngồi ăn ở trước phương trượng cũng chỉ vì cái lưỡi dài ba thốn; giữ gìn cho được đẹp đẽ, tốt tươi cũng chỉ vì cái thân hôi hám và thối nát; đón đưa tùy thuận cũng chỉ vì cái ý tưởng buông tuồng.

Nếu người có khả năng nhận thức và phá vỡ những điều trên tức là người không có phiền não và được an lạc. Đức Phật nói: “Từ vô thỉ đến nay chúng sinh luôn nhận giặc làm con để chúng cướp lấy gia bảo của mình.” Ý Đức Phật nói đến tên giặc làm cho lục căn bị mê tối và chân tánh bị chôn vùi. Mạnh Tử nói: “Chỉ có Thánh nhân mới đi trên hình thể.” Bởi vì Thánh nhân thì không bị mê hoặc bởi hình thể.

Có một dâm nữ được đắc đạo, Văn-thù hỏi: “Làm thế nào để không sân?” Dâm nữ ấy đáp: “Thấy tất cả chúng sinh không sinh ra.” Văn-thù lại hỏi: “Làm thế nào để thấy Thập bát giới?” Dâm nữ đáp: “Thấy như thấy kiếp hỏa đang thiêu cháy các thế giới!” Kỳ diệu thay là câu trả lời ấy! Bởi vì ý dâm nữ đó muốn nói rằng, tất cả chúng sinh vốn dĩ không có mà chỉ sinh ra từ vọng tưởng. Đã là vọng tưởng thì làm gì có sân! “Thập bát giới” là lục căn, lục trần và lục thức. Vì hội đủ những pháp ấy nên mới sinh ra vô số sự việc, mới gây nên vô lượng điều ác, nên dâm nữ nói là “Như kiếp hỏa đang thiêu cháy các thế giới.”

Nếu ai ngộ được chân lý này thì dẫu chưa sinh về Tịnh độ mà cũng như đã sinh về rồi.

Nói về chân tánh.

Kinh Kim Cang có hai mươi bảy đoạn, nhưng yếu chỉ của nó không

nằm ngoài câu: “Chân tánh đều vô sở hữu, như hư không.” Hư không ở câu này là Ngoan không, mà ngoan không thì sự thật là không có. Chân tánh dẫu giống như hư không nhưng trong chân tánh thì lại có. Vì vậy, nên kinh nói rằng: “Chân không không phải là không.”

Ngoan không thì có thể làm ra, có thể bị hủy hoại. Như đất này là vật có thật; nếu ta đào một thước đất thì có một thước không, nếu ta đào một trượng đất thì có một trượng không. Đó gọi là ngoan không được làm ra. Như cái bát này vốn trống không; nếu ta lấy đồ vật bỏ vào đó thì cái bát đầy; cái phòng này vốn trống không, nếu ta đem đồ vật đặt vào đó thì căn phòng sẽ đầy. Đó là ngoan không thể bị hủy hoại. Riêng cái không của chân tánh thì không thể làm ra được và cũng không thể bị hủy hoại. Bởi nó ngậm chứa cả hư không thế giới thì sao có thể bị làm ra được? Từ vô thỉ đến nay nó chưa từng biến động thì làm sao nó lại bị hủy hoại được?

Trong chân tánh là hoàn toàn không có. Sự không có này không có gì so sánh được nên bất đắc dĩ mới lấy ngoan không để so sánh. Vì vậy Bát-nhã Tâm kinh nói: “Đó là tướng không của các pháp.” Nghĩa là tướng của các pháp đều là không. Tức là chân tánh. Tiếp theo kinh đó lại nói: “Trong không có sắc” cho đến “không có trí, cũng không có đắc”. Nghĩa là trong chân tánh đều vô sở hữu. Như trong Ngoan không đều không có một vật gì cả. Dẫu “Tất cả đều là vô sở hữu nhưng lại có tất cả chúng sinh”, nghĩa là vọng duyên hiện ra từ chân tánh.

Như hình ảnh thì có đến và đi, nhưng tấm gương thì vẫn như cũ; tuy chúng sinh có sinh và diệt, nhưng chân tánh thì vẫn không thay đổi. Lúc trừ được sinh và diệt thì chân tánh liền hiển lộ, bởi lẽ sinh và diệt là vọng mà chân tánh là chân. Vì vậy, kinh Lăng Nghiêm nói:

“Các vọng đã tiêu trừ

Bất chân đợi làm gì.”

Chân tánh này trên từ chư Phật dưới đến loài xuẩn động, hàm linh đều giống nhau. Nếu chân tánh mà khác nhau thì đó là Vọng.

Nói về vấn đề “Tâm là vọng tưởng”.

Quyển một của kinh Lăng Nghiêm tường thuật về việc Đức Phật và A-nan bảy lần đàm luận về tâm. Tóm lại là Đức Phật xếp tâm mà thế gian quan niệm là vọng tưởng, là không phải chân tâm. Vì chân tâm tức thể tánh.

Kinh Viên Giác nói: “Chúng sinh nhận lầm cảnh tượng duyên với lục trần là tự tâm tướng.” Theo quan niệm thế gian thì tâm là ảnh tượng của sáu loại trần, tâm như thế là hoàn toàn không có thật, nhưng vì bên ngoài có sáu trần nên bên trong mới hiện ra ảnh tượng của tâm. Nghĩa là, nếu bên ngoài có sắc thì bên trong sẽ khởi lên loại tâm yêu mến sắc; nếu bên ngoài có âm thanh thì bên trong sẽ sinh ra loại tâm yêu thích âm thanh; nếu bên ngoài có hương vị xúc và pháp thì bên trong xuất hiện loại tâm yêu mến những pháp ấy. Bởi lẽ chân tánh như tấm gương, sáu trần như hình và tâm được sinh ra như ảnh. Nếu bên ngoài không có sáu loài trần đó thì bên trong cũng không có tâm đó. Như vậy, tâm đó chính là ảnh tuợng của sáu loại trần duyên. Nghĩa là, lúc hình đến thì ảnh hiện, lúc hình đi thì ảnh mất, nhưng chân tánh của tấm kính thì vẫn thường trụ.

Bởi thế, kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không có. Tâm hiện tại không có. Tâm vị lai không có.” Ba loại tâm ấy đều được gọi là vọng tưởng tâm và cũng do vọng tưởng tâm mà có quá khứ, hiện tại và vị lai. Còn chân tâm thì từ vô thỉ đến nay chưa từng biến động thì làm gì có quá khứ, hiện tại và vị lai. “Bất khả đắc”: tức là không có.

Lúc đói thì ta nghĩ đến việc ăn, và chính lúc ta đang ăn thì tâm nghĩ đến ăn ấy đã là quá khứ; lúc ta đang ăn và đang tri nhận mùi vị của thức ăn thì tâm đang tri nhận ấy là hiện tại; lúc ta chưa nghĩ gì đến việc ăn uống tức là tâm nghĩ về đó chưa có nên gọi tâm đó là vị lai. Vì ba loại tâm ấy luôn bị hoại diệt tùy theo thời gian nên gọi chúng là Bất khả đắc.

Nói về vấn đề “Năm uẩn đều là không”.

Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Bồ-tát Quán Tự Tại soi chiếu và thấy năm uẩn đều là không, nên Ngài vượt qua được tất cả khổ ách.” Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc tức sắc thân. Thọ tức là sự thọ dụng. Tưởng tức là tư tưởng. Hành là những việc được làm. Thức là sự tri nhận. Vì năm loại ấy luôn kết tụ và che lấp chân tánh nên gọi là uẩn. Nó còn được gọi là năm ấm. Ấm nghĩa là làm mờ chân tánh. Sắc thân rốt cuộc quy về hoại diệt. Thọ dụng thì tùy thời gian mà diệt mất. Vì vậy sắc và thọ chính là không.

Lại nữa, như lúc ta nhớ tưởng đến một vật gì đó, và lúc có nó rồi thì ta không tưởng đến nữa; vì thế, tưởng tức là không. Những việc đã làm, lúc ta quay đầu nhìn lại thì chúng đã như cơn huyễn mộng; vì vậy, hành tức là không. Dẫu biết ngàn muôn sự việc nhưng lúc tái sinh thì ta liền bị quên sạch; vì thế thức chính là không.

Tất cả khổ ách đều sinh ra do năm loại ấy. Nếu ta có khả năng soi chiếu và thấy sắc thân là không thì ta không bị lún vào sắc thân để lo sợ về cái chết, như vậy là ta đã vượt qua được một loại khổ. Nếu chiếu soi và thấy sự thọ dụng là không, thì ta không bị sa vào thọ dụng để tham đắm sự phụng dưỡng, đó là ta lại vượt qua được một loại khổ nữa. Chiếu soi và nhìn thấy tư tưởng là không thì không bị chìm vào tư tưởng mà ý lại không có chỗ đắm trước, đó là ta lại vượt qua được một loại khổ ách. Chiếu soi và nhìn thấy những việc làm là không, thì ta không dính mắc vào những việc làm nên có thể đình chỉ được dấu vết của tâm, đó là ta lại vượt qua được một loại khổ ách nữa. Nếu chiếu soi và nhìn thấy sự tri nhận là không, thì ta không mắc vào sự nhận thức, nên có thể “Ngồi mà quên”, đó là ta lại vượt qua được một loại khổ ách nữa.

Bởi vậy, nếu chiếu soi và nhìn thấy năm uẩn đều là không thì ta vượt qua được tất cả khổ ách. Năm uẩn ấy đều là không, chúng là Vọng duyên hiện lên trong Chân tánh. Những pháp như lục căn, lục trần, lục thức, Thập nhị duyên và Tứ đế cũng đều là không như ngũ uẩn.

Nói về sự “Phế tâm dụng hình”.

Liệt Tử nói: “Khổng Tử phế tâm mà dụng hình”. Nghĩa là tâm đã không vướng mắc vào sự vật nên phế bỏ nó và chỉ dụng hình thể để ứng với vật. Quả thật, tôi thích câu nói của Liệt tử vô cùng.

Bởi vậy, dẫu lao khổ, tiều tụy nhưng tôi vẫn thấy vừa lòng; tuy được vinh hoa phụng dưỡng nhưng tôi không cho đó là đắc chí. Bởi vì tâm tôi không dính mắc vào sự vật. Nhân đây tôi mới hiểu sở dĩ “Vị Bồ-tát đã thoát sống chết liền thác sinh vào trong tất cả chúng sinh để thi thiết việc giáo hóa” là vì tâm của Ngài không dính mắc vào sự vật. Ngài chỉ dùng hình thể để ứng với vật mà thôi. Như vậy, ở cõi này, đức Khổng Tử cũng là hàng Bồ-tát.

Nói về việc sử dụng hình hài.

Bài kệ nói về vị Trời lạy xương khô viết rằng:

“Người là ta đời trước,

Ta nay thiên nhãn mở,

Áo quý tùy tâm đến,

Thức ngon tự ý nay.”

“Tạ ân xưa người khổ,

Khiến nay ta sướng vui,

Vừa rải hoa vừa múa,

Người đời chớ khinh nghi.”

Lại nữa, bài kệ nói về quỷ đói quất cái thây chết viết rằng:

“Vì túi da hôi này,

Bôn ba ngàn ức kiếp,

Chỉ biết tham dục lạc,

Mà chẳng tạm tu hành.

Nghiệp mình quá ít ỏi,

Suối vàng năm tháng dài,

Dẫu đánh cho đau đớn,

Nhưng hận này khó quên.”

Nếu đem những lời đó để giáo hóa người phàm tục thì có thể được, nhưng nếu cho những lời ấy là chân lý thì hoàn toàn sai. Vì sao? Vì Thần nhân thác sinh vào hình hài nên việc sử dụng hình hài đều là Thần. Như người thợ mộc dùng rìu búa để làm việc thiện thì sẽ tạo ra khí giới lành; nếu ông ta dùng chúng để làm việc ác thì sẽ tạo nên những khí giới ác. Bởi vậy, sở dĩ hôm nay là Trời là do đời trước khéo sử dụng hình hài; sở dĩ đời này là quỷ đói vì đời trước không khéo sử dụng hình hài. Sự được hay mất và sự thọ báo đều ở hiện đời. Vậy lễ lạy hoặc đánh đập nào có lợi ích gì đâu!

Nói về vấn đề “Giải quyết được sống chết”.

Chúng ta hãy tưởng tượng ngón chân cái của bàn chân phải mình đang ung thối và chảy nước hôi hám. Nó rữa dần đến ống quyển, đến đầu gối, đến bắp vế, đến thắt lưng. Với chân trái chúng ta cũng tưởng tượng như vậy. Nó rữa dần đến thắt lưng, đến bụng, đến ngực, đến trán và đến đỉnh đầu. Tất cả đều rữa nát! Chỉ còn bộ xương Trắng. Tiếp theo, chúng ta lần lượt quan sát rõ ràng về xương trắng đó và nhận rõ từng bộ phận của nó. Tĩnh tâm để quan sát một hồi lâu rồi ta suy nghĩ xem người đang quan sát xương trắng đó là ai và xương trắng là ai? Nhờ vậy mà ta biết rằng thân thể và ngã luôn là hai vật. Lại rời bỏ dần xương trắng để quan sát; trước tiên, ta rời xa một khoảng đến năm trượng, cho đến một trăm, một ngàn trượng. Nhờ vậy, ta biết rằng xương trắng ấy với ngã hoàn toàn không liên quan nhau. Nếu chúng ta luôn thực hành cách quán tưởng đó thì sẽ thấy ngã và hình hài vốn là hai. Ngã chỉ tạm trú ở hình hài, vậy ta có thể nói hình hài còn mãi và không hư hoại để cho ngã thường trú trong đó không? Được như vậy là chúng ta đạt được vấn đề gọi là “Giải quyết được việc sống chết”. Huống gì chúng ta chuyên tu Tịnh độ, lúc xả báo thân ở cõi này ta sẽ thác sinh vào Cực lạc. Nếu chúng ta luôn thực hành phép quán tưởng ấy trong từng ngày, thì tự mình sẽ có sự tự đắc riêng; như người uống nước thì tự mình sẽ biết được nước đó lạnh hay nóng mà không cần phải mượn lời để phô diễn.

Nói về ngã.

Sự hiện hữu của chúng sinh tất phải có ngã. Bởi lẽ, nếu không có

ngã thì chúng sinh sẽ bị rơi vào thảm trạng gọi là “Trục vật”. Sự tồn tại của chân lý thì phải không có ngã. Bởi lẽ nếu có ngã thì chân lý sẽ bị che mất.

Khổng Tử thì “Vô ngã”. Bồ-tát thì “Vô ngã tướng”. Ai đạt đến trình độ này sẽ ngang bằng với hư không. Đã ngang với hư không thì sao lại có chuyện phân ra sạch và bẩn? Tuy nói thế nhưng tôi vẫn sợ rằng người tu khó mà đạt đến cảnh giới ấy!

– Lời bạt của Cư sĩ Duy Tâm, Kinh Khê Chu Kỳ.

Học lực của Long Thư Vương Hư Trung đã đến độ sâu thẳm. Ông giải thích những lời của Lục Kinh, Mạnh Tử và Lão Trang mà không dẫm lại người xưa dầu một chữ, một câu; dụng tâm như thế quả là vô cùng cần mẫn.

Một hôm, ông bỏ hết những sở học ấy để chuyên tu Tịnh độ và trước tác “Tịnh độ văn”. Tác phẩm ấy có đủ thứ lớp của tinh, thô, sâu, cạn. Ông đem khắc in nó để ấn tống cho những ai có duyên. Ông bôn ba khắp các quận thuộc tỉnh Triết Giang và đích thân đến Kiến An để khắc bản ở tiệm Dục Thư. Nói chung, bao giờ ông cũng sốt sắng như chưa có một ngày thư thả.

Tôi đọc thấy kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu chúng sinh nghe tên của Đức Phật đó mà tin tưởng, hoan hỷ cho đến một lòng nguyện sinh về thế giới ấy, thì sẽ sinh về ngay và được trụ ở vị trí Bất thoái chuyển”.

Bất thoái chuyển: Phạn ngữ là A-duy-việt-chí. Đó là Báo địa mà Bồ-tát Di-lặc đạt được trong kinh Pháp Hoa. Một niệm vãng sinh liền ngang hàng với Bồ-tát Di-lặc, đó là lời chân thật của Đức Phật mà chúng ta nên tin nhận.

Ngày mồng bảy tháng tư (nhuận), năm Nhâm Ngọ. Niên hiệu Thiệu Hưng. Cư sĩ Duy Tâm, Kinh Khê Chu Kỳ viết lời bạt.

LỜI BẠT CỦA TRẠNG NGUYÊN LƯU ĐÃI CHẾ

Ngày xưa, Lục Tổ nói về tướng trạng của Tây phương cùng sứ quân họ Vi với những lời lẽ giản dị mà ý chỉ lại rất rõ ràng. Bởi lẽ không phân biệt Đông Tây thì lý do nào lại nói đến tướng trạng được?

Đến khi tôi đọc được tác phẩm “Tịnh độ văn” của Cư sĩ Vương Hư Trung thì lại thấy những lời giáo huấn cấm ngăn của ông quá sức chân thành. Bởi vì tự thân của Pháp thì không có đốn hay tiệm, nhưng căn cứ thì lại có người sáng suốt kẻ tối tăm.

Vì Lục tổ thuyết đệ nhất nghĩa cho hàng thượng căn, nên Ngài dời Tây sang Đông chỉ trong sát-na, hành giả trực ngộ ngay dưới lời chứ không dung dưỡng sự nghĩ bàn.

Cư sĩ Hư Trung lại vì muốn khai ngộ cho các loại căn tánh bậc hạ nên trước tác luận thư này và lấy Tây phương làm nơi quy chiếu, nên ông vội vàng khắc in để lưu hành và chỉ sợ tác phẩm này không lưu hành rộng rãi mà thôi. Qua việc làm đó ta thấy được tấm lòng yêu thương mọi người của ông thật vô cùng ân cần và tha thiết!

Nếu có người nhờ tác phẩm “Tịnh độ Văn” của ông mà được ngộ nhập thì đâu khác gì trường hợp “Nơm bẫy và cá thỏ”.

Ngày mồng tháng năm Nhâm Ngọ. Niên hiệu Thiệu Hưng.

Mộc Nạp Ông Lưu Chương viết.

 Lời bạt của Diệu Hỷ lão nhân.

Cư sĩ Long Thư Vương Hư Trung, Nhật Hưu ngoài sự đọc rộng về các loại sách ra còn lưu tâm đến Phật giáo. Ông lấy việc lợi người làm trách nhiệm của mình. Quả thật là hoa sen trong lửa! Đức Phật nói: “Tự mình chưa được giải thoát nhưng độ người trước tiên là tâm của Bồ-tát. Tự giác đã tròn là luôn làm cho kẻ khác được giác ngộ, đó là Như Lai xuất hiện giữa đời?” Tôi hoan hỷ với chí nguyện của Cư sĩ nên viết sau tác phẩm này. Nếu thấy được A-di-đà thuộc tự tánh tức là hiểu được Tịnh độ thuộc duy tâm. Nếu ai chưa đạt đến giai đoạn ấy thì công đức của tác phẩm này quả là không mất.

Ngày hai mươi tháng tám năm Canh Thìn; viết tại Lưu Cảnh Văn lại khoa rằng: Song kính Diệu Hỷ Tông Cảo bạt.

Long Thư Tăng Quảng Tịnh độ Văn, quyển 10 hết.