Lời tựa tái bản bộ Tây Phương Công Cứ[1]

Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt để phổ độ chúng sanh của Như Lai. Đức Như Lai nghĩ thương chúng sanh nên thị hiện thành Chánh Giác, thuận theo mọi căn cơ, khéo léo khuyên dụ dần dần. Với hàng đại căn bèn dạy ngộ “nhất tâm tạo trọn mọi thứ”, đoạn Hoặc chứng Chân, dùng đó để tiến thẳng vào Bồ Đề. Với hàng tiểu khí thì dạy hiểu rõ nhân quả ba đời, hướng lành, tránh dữ để làm phương tiện nhập đạo. Tuy Đại – Tiểu bất đồng, Quyền – Thật khác biệt, nhưng đều phải đoạn được hai thứ Kiến Hoặc và Tư Hoặc mới có thể thoát khỏi phần đoạn sanh tử. Nếu Hoặc nghiệp chưa hết, đạo quả chưa thành, dẫu có tu trì vẫn chẳng thể tự làm chủ được! Ở trong sanh tử đã lâu, người tấn đạo thì ít, kẻ lui sụt thì nhiều là vì đạo chẳng thắng nổi tập khí, nghiệp ràng buộc tâm. Ví như chén bát chưa nung, gặp mưa liền rã. Tuy có công từ trước vẫn hoàn toàn chẳng được lợi ích gì. Do lẽ đó, Phật bèn đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khiến cho dù phàm hay thánh, dù trí hay ngu đều dùng lòng tin sâu, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây chính là dùng tín nguyện của chính mình để cảm Phật từ bi, cảm ứng đạo giao ắt được nhiếp thọ. Đến khi lâm chung được theo Phật vãng sanh. Đã vãng sanh là đã đoạn Hoặc, mau chứng Vô Sanh. Người có đủ nghiệp chướng buộc ràng cũng dự vào địa vị Bất Thoái. Từ đấy thân cận Di Đà, dự vào hải chúng, được un đúc, dưỡng dục, giáo hóa, nhiễm mùi hương mầu nhiệm của Như Lai, chướng hết, trí trọn, khôi phục Phật tánh sẵn có. Nâng đỡ căn cơ kém cỏi, khéo dụ sơ tâm, chỉ có mình pháp môn này thật là bậc nhất. Ân Như Lai rộng lớn châu đáo, dẫu thiên địa, cha mẹ cũng không thể sánh ví được muôn một!

Người xưa muốn cho đồng nhân ai nấy đều tu Tịnh nghiệp; do vậy bèn tập hợp kinh, chú, những bài văn, lời nói và những sự ứng nghiệm tạo thành một cuốn sách, đặt tên là Tây Phương Công Cứ. Công Cứ có nghĩa là cái chuôi (cốt lõi) và bằng khoán vậy. Nếu có thể thọ trì A Di Đà Kinh sẽ biết thế giới Cực Lạc chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui, y báo, chánh báo trang nghiêm, đủ mọi công đức; A Di Đà Phật hiện đang thuyết pháp, thọ mạng, quang minh vô lượng, thệ nguyện rộng sâu; các thượng thiện nhân cùng ở chung một chỗ, đều do tu diệu hạnh “nhiều phước đức nhân duyên” tín nguyện niệm Phật mà được sanh. [Biết vậy rồi] ai mà không thật sự vì sanh tử, phát tâm Bồ Đề, dùng lòng tín nguyện sâu xa, thiết tha để mong gần là được đạt lên địa vị Bất Thoái, xa là viên thành Phật đạo? Huống chi chư Phật sáu phương lợi ích khắp các chúng sanh, Bổn Sư Thích Ca đắc vô thượng đạo, không vị nào chẳng khởi đầu từ pháp này mà rốt cuộc cũng quy về pháp này đó ư?

Ấy là vì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, do lấy Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân bao trùm biển quả, quả tột nguồn nhân. Pháp môn mầu nhiệm, không còn gì mầu nhiệm hơn được nữa, là chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Quả thật pháp này đã diễn giảng trọn vẹn thông suốt bổn hoài của Như Lai. Có duyên gặp được thì chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên. Nhằm ngăn ngừa nghi ngờ, lui sụt, nên còn gộp cả vào sách những đồ thuyết[2] ứng nghiệm. Ông Từ Triệu Hành xưa có linh căn, đau xót song thân mất sớm, mong họ cùng lên chín phẩm sen; do vậy, phát tâm tái bản để rộng lưu truyền. Ngõ hầu cha mẹ trong đời này cũng như kẻ oán người thân nhiều kiếp, khắp cả pháp giới chúng sanh cùng vào biển nguyện của Phật Di Đà. Tôi mến lòng hiếu thuận của ông ta, bèn thuật những nét chánh. Nếu người đọc không cho lời tôi là sai, ắt sẽ có ngày tự chứng đại sự nhân duyên rất sâu vô thượng này vậy, còn mong mỏi gì hơn!

***

[1] Tây Phương Công Cứ do Bành Tế Thanh biên tập, nay được xếp vào quyển 109 của Tục Tạng Kinh. Thật ra, đây là một tác phẩm cổ không biết do ai biên soạn, nội dung tuy hay nhưng trình tự khá lộn xộn, không rõ ràng, Bành Tế Thanh chỉ có công biên tập, sắp xếp lại cho hợp lý hơn, về sau Dật Nhân pháp sư lại biên tập lần nữa và được tổ Ấn Quang giám định, mới thành diện mạo như ngày nay.

[2] Đồ thuyết: Hiểu theo nghĩa hẹp có nghĩa là truyện bằng tranh. Hiểu theo nghĩa rộng, đồ thuyết là những bài viết có hình vẽ để dẫn giải hoặc những đồ biểu (chart) giúp hệ thống hóa vấn đề đang trình bày.