Lời tựa sách Sức Chung Tân Lương

(năm Dân Quốc 19 – 1930)

Con người cùng một cái tâm này, tâm cùng một lý này, chúng sanh và Phật chẳng hai, phàm – thánh như một. Do Phật rốt ráo ngộ được tâm này nên triệt chứng Niết Bàn, chúng sanh do rốt ráo mê cái tâm này nên luân hồi sanh tử dài lâu. Nghĩ lại từ vô thủy đến nay, bọn chúng sanh ta và đức Thích Ca Thế Tôn cùng là phàm phu, cùng chịu nỗi khổ sanh tử dữ dội. Đức Thế Tôn do tự phát khởi hùng tâm, trọn đủ sức đại hùng mãnh, tu ròng Giới – Định – Huệ, nên đoạn trọn vẹn Tam Hoặc, hai thứ Tử (Biến Dịch và Phần Đoạn) vĩnh viễn mất, an trụ trong Tam Đức bí tạng, phổ độ quần manh thuộc chín giới. Luận về thời kiếp, dù có dùng hết số vi trần trong một cõi nước cũng chẳng thể tính toán được! Luận về pháp môn thì cạn hết biển mực vẫn khó chép được!

Trong thời kiếp ấy, ban sự pháp hóa này, bọn chúng sanh ta há chẳng nghe pháp tu hành, muốn chứng được tâm này trong một đời hay sao? Chỉ vì Phiền Hoặc sâu dầy, không sức nào đoạn trừ được, hễ thọ sanh lần nữa lại bị mê mất. Cũng như do chưa gặp được pháp cậy vào Phật từ lực để vãng sanh ngay trong đời này, hoặc do tu pháp này, nhưng tự lực mỏng yếu, không người giúp đỡ, hoặc tuy tự lực sung túc nhưng lâm chung bị quyến thuộc lắm cách phá hoại! Do đấy, trải cả kiếp dài lâu, luân hồi sanh tử. Dẫu được Phật giáo hóa, vẫn y như cũ uổng mang cái tâm chẳng khác gì tâm Phật, nhưng chẳng thể chứng được quả chân thường giống như đức Phật! Trên đã cô phụ sự giáo hóa của Phật, dưới phụ bạc tánh linh của chính mình. Mỗi phen nghĩ đến, ngũ tạng[1] như lửa đốt.

Nay may được nghe đức Như Lai vì thương xót chúng sanh thuở mạt kiếp không có sức đoạn Hoặc, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ để hết thảy dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này vãng sanh Tây Phương: Kẻ đã đoạn Hoặc sẽ cao đăng Bổ Xứ, kẻ vẫn còn đầy dẫy phiền não cũng dự vào dòng thánh. Thật là một pháp môn đặc biệt trong suốt cả một đời giáo hóa của đức Như Lai; thích hợp khắp ba căn, lợi căn lẫn độn căn đều thâu tóm. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát còn chẳng thể vượt ra ngoài [pháp môn] này được; dưới là phàm phu Ngũ Nghịch Thập Ác cũng có thể dự vào trong số ấy. Vì thế, [pháp môn này] được mười phương cùng khen ngợi, chín giới cùng tuân hành. Huống hồ bọn phàm phu chúng ta bỏ đi pháp này thì lấy đâu để nhờ cậy?

Gần đây, đời đã loạn đến cùng cực, thiên tai, nhân họa liên tiếp giáng xuống, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống! Người có chánh tri kiến đều biết thế giới này là nơi không yên ổn, Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là quê nhà ta sẵn có. Do vậy, tính kế trở về nhà, cùng tu Tịnh nghiệp. Lại sợ khi lâm chung tự lực mỏng yếu, không ai phụ trợ, và bị quyến thuộc vô tri phá hoại chánh niệm đến nỗi vẫn lưu lại trong thế giới này, chẳng được vãng sanh. Do vậy, mọi người đề xướng chuyện trợ niệm hòng phụ trợ kẻ lâm chung. Như các hội Phật Học ở Thiệu Hưng, Dư Diêu, Vân Nam, Thượng Hải hoặc soạn định chương trình, hoặc xiển dương sự lợi – hại, đều nhằm mong sao người mạng chung chắc chắn được sanh về Tây Phương mới thôi! Tâm ấy, chuyện ấy thật đáng khâm phục!

Cư sĩ Lý Viên Tịnh vẫn sợ [những chương trình ấy] quá giản lược, rất có thể người ta chẳng lưu ý, bèn tuyển chọn những điểm hay nhất của chương trình các nơi và các ngôn luận, lại còn chọn lọc những bài văn nêu rõ lẽ lợi – hại lúc lâm chung của xưa nay và những câu chuyện vãng sanh do được trợ niệm gần đây, biên soạn thành bốn thiên. Thiên đầu tiên là Sức Chung Chương Trình (chương trình trợ niệm cho kẻ lâm chung), thiên thứ hai là Sức Chung Ngôn Luận (những bàn luận về việc trợ niệm cho kẻ lâm chung), thiên thứ ba là Dự Tri Lợi Hại (biết sẵn những điều lợi – hại), thiên thứ tư là Sức Chung Thật Hiệu (hiệu quả thật sự do trợ niệm lúc lâm chung), đặt tên [cho cả tập sách] là Sức Chung Tân Lương (những hướng dẫn về việc trợ niệm khi lâm chung), xin Quang viết lời tựa.

Quang đã ở vào tuổi bảy mươi, học chẳng thành được gì, trộm sợ một hơi thở ra không hít vào được sẽ lại bị luân hồi trong sáu nẻo thì khổ chẳng thể nào tưởng tượng được! Do vậy bèn giấu tung tích, ẩn dật lâu dài, chuyên tu Tịnh nghiệp, ngõ hầu chẳng đến nỗi thường luôn khuyên người khác mà ngược lại chính mình chẳng có phần, khiến cho kẻ vô tri do đấy sẽ báng pháp rồi đọa ác đạo. Trước lúc bế quan, nhận được thư của ông ta, lòng khôn ngăn cảm động, bèn nêu đại lược đại ý của pháp môn Tịnh Độ và lợi ích của sự trợ niệm, mong sao những người học Phật trong cõi đời ai nấy đều chú ý, ngõ hầu thỏa thích lớn lao bản hoài phổ độ chúng sanh của đức Như Lai cũng như nhằm để làm chín muồi cái nhân thù thắng đã được vun bồi từ nhiều kiếp!

***

[1] Nguyên văn “ngũ nội”, tức là một danh xưng khác của Ngũ Tạng, tức tim, gan, lá lách, phổi, thận.