Lời tựa sách Nho Thích Nhất Quán

Nho – Thích đạo không hai, chúng sanh và Phật tâm không hai. Do con người có cùng một tâm này, tâm cùng một lý này, nên hết thảy hữu tình đều nhờ vào Chân Như Phật Tánh mà được kiến lập. Nhưng chúng sanh và Phật thật khác biệt, phàm – thánh khác hẳn nhau là vì nhân địa mê – ngộ bất đồng, Tu Đức thuận – nghịch sai khác. Do vậy, thánh nhân Nho – Thích đều xuất hiện trong đời làm bậc hướng dẫn, ngõ hầu hết thảy chúng sanh bỏ mê theo ngộ, thấu dòng tột nguồn, khôi phục lại bản tánh sẵn có mà thôi! Sự phát huy tuy có Quyền – Thật, sâu – cạn, phương tiện – cứu cánh bất đồng, nhưng xét về đại thể thì lý thể được đề cao và công phu tu tập không hai.

Phật lấy Giác làm Thể, Giác có Bổn Giác, Thỉ Giác, Bất Giác. Bổn Giác chính là thiên chân Phật Tánh chúng sanh và Phật đều sẵn có, tức là Tánh Đức vậy. Còn Thỉ Giác là diệu trí do dựa theo lý Bổn Giác, phát khởi tu tập chân thật, đối trị phiền não tập khí khiến cho chúng bị tiêu diệt không còn sót. Đó chính là Tu Đức. Bất Giác là mê trái Bổn Giác, sanh khởi chấp trước vào cảnh, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, coi khổ là vui, lấy mê làm đức, dùng sức Phật tánh để tạo nghiệp sanh tử. Hết thảy chúng sanh đang mê không nương theo Chánh Giác, lầm lạc tu tập đều là Bất Giác vậy. Bổn Giác thì phàm – thánh bình đẳng, không có cao – thấp. Thỉ Giác thì do công phu sâu hay cạn khác biệt mà địa vị ngộ chứng sai khác, từ Danh Tự cho đến Phần Chứng, từ địa vị Ngoại Phàm[1] cho đến Đẳng Giác đều thuộc trong phạm vi Thỉ Giác. Từ Đẳng Giác lại phá một phần vô minh thì công Tu Đức đã đến cùng cực, Tánh Đức hiển lộ trọn vẹn, phước huệ trọn đủ, phiền hoặc hết sạch, viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không thể đắc, mới thành bậc Đại Giác Thế Tôn, mới chứng Thỉ – Bổn hợp nhất tối thượng thừa tối cực, mới hoàn thành sự nghiệp tu nhân chứng quả của bậc đại trượng phu. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh đều có đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng chứng đắc. Nếu lìa hết thảy vọng tưởng, chấp trước thì Nhất Thiết Trí, Vô Ngại Trí đều được hiện tiền”. Nói “hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ của Như Lai” là nói về lý tánh Bổn Giác vậy. “Do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng chứng đắc” chính là trái nghịch Bổn Giác, khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi trong sáu đường. “Lìa vọng tưởng thì trí huệ bèn hiện tiền” chính là thuận theo Bổn Giác để tu dần dần cho đến khi viên thành Phật quả. Hiểu rõ chỗ đạt đến của lý “Tánh – Tu” này ắt chẳng cam chịu phận phàm ngu, cũng chẳng dám đem phàm lạm thánh, ắt sẽ thật tu, thật ngộ, mong sao thật chứng mới thôi!

Nho thì lấy Thành – Minh làm gốc, Thành là Minh Đức, Minh nghĩa là “minh” (làm sáng tỏ) trong “minh Minh Đức”. Thật ra là Thành – Minh, tức “minh Minh Đức”. Minh Đức chính là chân tri (sự hiểu biết chân thật) sẵn có trong tâm chúng ta. Do có “vật” là nhân dục (lòng ham muốn của con người), nên [Minh Đức] bị ngăn lấp chẳng thể hiển hiện được; như mây che mặt trời, trọn chẳng thấy được tướng sáng. Muốn làm sáng tỏ Minh Đức ấy thì phải trọng lòng kính, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ thì cái vật “nhân dục” tự chẳng có đất dung thân, chân tri sẵn có sẽ hiển lộ toàn thể, như phù vân (mây nổi) trôi đi, vầng mặt trời sáng rỡ. Chân tri đã hiển lộ thì đạt được quyền làm chủ, kẻ hầu hạ phải nghe theo. Vì thế những gì ý nghĩ đến, tâm suy nghĩ đến đều quy về chân thành, không vọng, trung chánh, chẳng thiên lệch vậy. Đấy chính là đại pháp “tu thân, trị người” của Khổng Tử thừa kế từ nhị đế tam vương[2] được trình bày tóm lược như vậy, để làm khuôn phép lớn lao cho thiên hạ hậu thế mong thành thánh thành hiền vậy.

Nếu đem so với Phật pháp để giải thích thì Thành và Minh Đức chính là Tánh Đức của Bổn Giác, còn Minh và Minh Minh Đức (làm sáng tỏ Minh Đức) chính là Tu Đức của Thỉ Giác vậy. “Vật” là vọng tưởng, chấp trước. “Cách vật” là lìa vọng tưởng, chấp trước. Lìa vọng tưởng, chấp trước liền đắc trí huệ của Như Lai. Trừ khử vật dục của con người thì lương tri và Chân Tri cố hữu trong tâm chúng ta sẽ tự hiển hiện triệt để. Do vậy, nói: “Phát huy sâu – cạn tuy khác nhau, nhưng công phu nơi lý thể cố nhiên chẳng hai”. Vì thế, những bậc thông minh duệ trí xưa nay đa số đều học Phật. Do đạt được tâm pháp của Phật nên mới hiểu thấu đáo tâm pháp của thánh nhân tiên hiền bên Nho; bởi lẽ nhà Nho đa phần coi trọng sự tướng, chẳng dốc sức ngộ hiểu tâm tánh. Nếu chẳng được Phật pháp hướng dẫn thì chính tâm mình còn chưa thể hiểu biết được, huống gì tâm pháp của thánh nhân ư? Do vậy, các nhà Nho câu nệ vào hình tích, đa số chê trách Phật giáo là do chẳng biết Phật pháp tuy là pháp xuất thế nhưng vẫn đầy đủ hết thảy những thiện pháp thế gian. Phàm là đạo luân thường, tu thân, tề gia cố nhiên cực lực hoằng dương, chẳng sót mảy may điều thiện nào, gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, tùy theo chức phận ai nấy đều tận nghĩa, chẳng khác với những gì thánh nhân thế gian đã nói. Nhưng thánh nhân thế gian chỉ dạy con người tận nghĩa, tận phận, chứ đức Phật còn chỉ dạy cặn kẽ quả báo thiện ác của việc tận và không tận. Tận nghĩa, tận phận chỉ có thể dạy bậc thượng trí, chứ chẳng thể thâu nhiếp hết kẻ hạ ngu. Nếu biết quả báo thiện ác của việc tận và chẳng tận thì dù là phàm ngu cũng vẫn hâm mộ thiện báo, sợ ác quả; tuy chẳng muốn tận nghĩa, tận phận cũng phải gắng sức tận nghĩa, tận phận! Đấy là pháp để Như Lai phổ độ thượng trung hạ căn.

Đời thường có kẻ cậy vào sự hiểu biết, chẳng chuộng thật tu, bảo xằng nhân quả là pháp Tiểu Thừa, chẳng biết: Như Lai viên thành Phật đạo, chúng sanh thường đắm chìm trong sanh tử đều chẳng ra ngoài nhân quả! Chỉ có mỗi một niệm tâm tánh của đương nhân tuy chẳng thuộc nhân quả, nhưng vẫn chẳng lìa nhân quả. Muốn vượt ra ngoài nhân quả nhưng chưa viên thành Phật đạo sẽ trọn chẳng thể được. Chưa thành Phật mà đã vội vàng bác bỏ nhân quả sẽ vĩnh viễn đánh mất thiện nhân thiện quả, thường tạo nhân ác, thường bị quả ác đến tột cùng vị lai chẳng thể ngưng dứt. Chẳng đáng buồn ư? Đời thường có kẻ chẳng biết Phật pháp, cứ xằng bậy chê bai Phật giáo, cũng có kẻ hơi biết Phật pháp tuy ngấm ngầm tuân theo, nhưng bề ngoài chê trách. Những thứ hành vi ấy đều do tri kiến môn đình quá nặng, chẳng thể thực sự cách vật trí tri, đến nỗi ý có chỗ chẳng thành, tâm có chỗ chẳng chánh vậy. Những lời lẽ ấy đều đủ sức làm mù lòa con mắt trí của chúng sanh, đoạn huệ mạng của Như Lai. Bậc đại nhân thời cổ thường lo cho điều ấy nên thuận theo căn cơ đả phá, khiến cho những kẻ thốt ra lời ấy và những kẻ lậm chất độc đó đều hiểu sâu xa duyên do “đức Phật ta giáo hóa chúng sanh chẳng những không trái nghịch với Nho Giáo mà trái lại còn phát minh lớn lao Nho giáo, phụ trợ Nho Giáo đến tột lý, tột bậc!”

Gần đây, thế đạo nhân tâm suy hãm, yếu kém đến cùng cực, vứt bỏ pháp của tiên thánh gần như hết thuốc chữa. Phàm là những bậc lo cho đời không ai chẳng lấy việc đề xướng Phật học làm nhiệm vụ cấp bách, bởi lẽ Phật học chú trọng minh tâm và nhân quả báo ứng. Nếu có thể hiểu được bổn tâm của chính mình, chắc chắn chẳng đến nỗi hiểu lầm nhân quả. Nếu thật sự không hiểu lầm nhân quả, chắc chắn sẽ hiểu rõ bản tâm của chính mình. Đã hiểu rõ được bản tâm của chính mình thì cũng sẽ nhờ đó thấu hiểu được tâm của bậc thánh nhân Nho gia thời trước lẫn tâm của Như Lai. Đấy chính là ý chỉ lớn lao Nho – Thích nhất quán vậy.

Cư sĩ Hoằng Đạo xưa đã trồng cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật thừa, xót thương những kẻ câu nệ, hẹp hòi, thấy biết lầm lạc, bèn thâu thập những lời cổ nhân đả phá, quở trách những kiến giải lầm lạc, kết hợp mọi ngôn luận của Nho – Thích, soạn thành một cuốn sách, đặt tên là Nho Thích Nhất Quán, muốn đem ấn loát lưu thông. Do Quang lúc ban đầu từng lậm chất độc của họ Hàn, họ Âu, làm một gã Nhất Xiển Đề, nên bảo Quang viết lời tựa, một là để thương mình, thương người, tự xót mình, xót người, hai là nhờ vào nhân duyên này tiêu diệt tội lỗi báng pháp để mong thỏa chí nguyện vãng sanh. Do vậy, chẳng nề hà kém cỏi, gắng gượng nêu ra những gì mình biết; tuy văn từ chẳng đáng để xem, nhưng xét về ý nghĩa lại có căn cứ. Nguyện người thấy nghe đều cách vật trí tri hòng tự sáng tỏ Minh Đức, bỏ lìa vọng tưởng, chấp trước, cùng chứng trí huệ của Như Lai thì ý thiết tha lưu lại giáo huấn của cổ nhân, tâm ông Hoằng Đạo soạn sách sâu xa nhằm diễn bày được bản hoài rộng lớn chẳng đến nỗi uổng công. Và nhờ vào đây, thế đạo nhân tâm được chuyển hồi cũng là điều đoán trước được, còn may mắn gì hơn!

***

[1] Ngoại Phàm là địa vị phàm phu, do đối ứng với Nội Phàm nên gọi là Ngoại Phàm. Đây chính là địa vị trước khi đạt đến địa vị Kiến Đạo. Thanh Văn Thừa coi Ngũ Đình Tâm, Biệt Tướng Niệm Trụ, Tổng Tướng Niệm Trụ đều là Ngoại Phàm, nhưng Bồ Tát Thừa lại coi Thập Tín Phục Nhẫn là Ngoại Phàm. Cuối quyển 17, sách Đại Thừa Nghĩa Chương có ghi: “Nói Ngoại phàm chính là chỉ những người hướng đến điều lành nhưng hướng ra ngoài cầu lý, chưa thể dứt được tướng để duyên theo Chân Tánh bên trong, nên gọi là Ngoại. Do thân phàm phu Phần Đoạn trong sáu đường chưa thể bỏ được nên gọi là Phàm”. Theo Thiên Thai Tông thì có nhiều cách giải thích:

  1. Trong Tạng Giáo, Hiền Vị thuộc về Ngũ Đình Tâm Quán là Ngoại Phàm.
  2. Thông Giáo coi Càn Huệ Địa trong mười Địa là Ngoại Phàm.
  3. Biệt Giáo coi mười địa vị thuộc Thập Tín là Ngoại Phàm.
  4. Viên Giáo coi địa vị Ngũ Phẩm trong Quán Hạnh của Lục Tức Thành Phật là Ngoại Phàm.

[2] Nhị đế tam vương: Nhị Đế là Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Tam Vương là vua Đại Vũ nhà Hạ, vua Thành Thang nhà Thương và Văn Vương nhà Châu, những vị này đều được coi là Thánh Quân của cổ Trung Hoa.