Lời tựa sách Kim Cang Công Đức Tụng

Lục Độ là pháp trọng yếu để Bồ Tát trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh. Nhưng năm Độ [đầu tiên] như kẻ mù, Bát Nhã như người hướng dẫn. Năm Độ nếu thiếu Bát Nhã thì chẳng thể rốt ráo đến bờ kia, chẳng thể gọi là Ba La Mật. Bát Nhã như tâm, năm Độ kia như thân. Bát Nhã không có năm Độ thì cũng chẳng thể rốt ráo đến được bờ kia, chẳng được gọi là Ba La Mật! Nếu hai thứ này đều đầy đủ thì mỗi một Độ đều rốt ráo đến được bờ kia, đều được gọi là Ba La Mật. Kinh Kim Cang chính là khuôn phép để phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, tu khắp lục độ vạn hạnh. Do kinh văn giản lược chỉ nêu bố thí làm mẫu, như chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí v.v… nên có thể độ thoát hết thảy chúng sanh, nhưng chẳng thấy ta là người độ và pháp dùng để độ cũng như tướng chúng sanh được độ, thì bốn tướng chẳng sanh, ba tâm[1] há được? Không trụ vào đâu để sanh tâm, vô sở đắc để làm Phật. Do vậy, thọ trì bốn, ba, hai, một câu thì công đức khó thể nói được, còn nói chi là trì toàn bộ kinh. Do vậy, từ cổ đến nay, nhiều người đọc tụng. Người đốn ngộ tự tánh triệt chứng duy tâm, sống dự vào dòng thánh, chết về An Dưỡng kể sao cho xiết? Kế đến là tiêu trừ tội nghiệp, tăng trưởng thiện căn, chuyển họa thành phước, từ ngu trở thành trí lại càng nhiều hơn nữa. Cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh đem những sự tích cảm ứng đã được ghi chép từ xưa đến nay phân loại rồi soạn những bài tụng. Bạn ông ta là Lưu Khế Tịnh lại viết lời chú thích để người đọc đều biết được nghĩa lý uyên thâm, công đức rộng lớn, sanh lòng chánh tín, gắng bắt chước tu theo. Tùy theo công hạnh cạn hay sâu cũng sẽ được các thứ lợi ích. Kinh dạy: “Hết thảy chư Phật và đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều phát xuất từ kinh này. Nếu có thể phát tâm chí thành cung kính thọ trì thì sẽ thuộc vào trong số chư Phật vị lai”, xin hãy gắng sức lên!

***

[1] Tam tâm (theo giáo nghĩa Thiên Thai) là:

1. Giả danh tâm: Tâm chấp trước Ngã thật có, chính là kiến giải của ngoại đạo.

2. Pháp tâm: Tâm chấp trước pháp thật có, chính là tâm của hàng Tiểu Thừa thuộc phái Nhất Thiết Hữu Bộ.

3. Không tâm: Chấp trước Ngã lẫn Pháp, không biết tâm vốn chẳng phải có, chẳng phải không, bất sanh, bất diệt.