Lời tựa sách Cảm Ứng Thiên Trực Giảng

(năm Dân Quốc 17 – 1928)

Con người tánh vốn lành, do đối cảnh chạm duyên nhưng chẳng ra sức kiểm điểm, xem xét, cho nên khởi lên các chấp trước tốt – xấu, đủ mọi thứ tình kiến khiến bản tánh bị mai một, đều luôn là như thế. Do vậy, những vị thánh nhân thời cổ vị nào cũng để lại ngôn giáo, mong cho con người hành theo để trở lại [thuần thiện như] thuở ban đầu. Những lời dạy ấy tuy nhiều, nhưng chẳng ngoài “cách vật trí tri, làm sáng tỏ Minh Đức, ở yên nơi sự tốt lành tột cùng” mà thôi.

Trong chữ “cách vật” vừa nói đó, “cách” (格) giống như “cách đấu” (格鬬: trừ khử, chiến đấu), giống như một người chống lại muôn người; “vật” (物) là phiền não, vọng tưởng, mà cũng là cái được gọi là “nhân dục” (lòng ham muốn của con người) trong cõi đời. Chiến đấu với lòng nhân dục vọng tưởng phiền não, ắt một phen phải đầy đủ ý chí chẳng khiếp nhược thì mới có hiệu quả thật sự. Nếu không, tâm bị chuyển theo vật, làm sao trừ khử vật cho được? “Trí” (致) có nghĩa có là thúc đẩy, mở rộng đến cùng cực. “Tri” (知) chính là lương tri “yêu thương cha mẹ, kính trọng anh” sẵn có của chúng ta, chứ không phải do dạy dỗ, do học hành rồi mới có. Nhưng thường nhân trong xử sự thường ngày, nếu chẳng phản tỉnh, soi xét, kiểm điểm, thì từ đấy sẽ bị vật chuyển, chắc là lương tri “yêu thương cha mẹ, kính trọng anh” ấy cũng bị mất đi, còn mong chi thúc đẩy lương tri ấy đến cùng cực để đối phó khắp vạn sự, hàm dưỡng tự tâm nữa ư? Do vậy, thánh nhân muốn con người làm sáng tỏ Minh Đức, ở yên nơi chỗ tốt lành tột cùng, bèn dạy con người chỗ thực hiện đầu tiên chính là trước hết phải khởi sự từ cách vật trí tri. Công phu vừa nói ấy mầu nhiệm không chi hơn được!

Nhưng muốn cho thường nhân y theo đó tu trì, phải có khuôn phép đã hoàn chỉnh thì mới dễ được lợi ích. Ngũ Kinh, Tứ Thư đều là những khuôn phép đã hoàn chỉnh, nhưng do lời lẽ mênh mông, lại còn rải rác trong các sách, chẳng được tập hợp lại chia theo từng loại, hơi khó để bắt chước theo. Kẻ chưa đọc nhiều sách càng chẳng thể nhờ vào đâu để vâng theo những khuôn mẫu ấy. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thâu tóm những lý lẽ tột cùng “thuận theo [chánh đạo] thì tốt lành, trái nghịch thì xấu, phước thiện, họa dâm”, thốt ra lời nghị luận rung trời rúng đất, mắt nhìn vào, tâm kinh hãi: “Thế nào là thiện? Thế nào là ác? Kẻ làm lành sẽ đắc thiện báo nào? Kẻ làm ác sẽ mắc ác báo nào?” đều thấy rõ cội nguồn sáng tỏ như xem ngọn lửa, nhưng kẻ ngu chẳng chịu làm lành, cứ mặc tình làm ác! Ấy là vì cái tâm tự tư tự lợi xui khiến như thế. Nay biết: Kẻ tự tư tự lợi đâm ra sẽ đánh mất lợi ích lớn lao, mắc họa ương lớn lao, há dám chẳng gắng sức lương thiện để mong họa diệt, phước nhóm ư? Do vậy, bèn nói rằng: Sách này tạo lợi ích cho con người cũng sâu xa lắm. Vì thế, bậc Đại Nho thời cổ phần nhiều đều ngầm tu tập theo sách này.

Đời Thanh, ông Bành Ngưng Chỉ ở Trường Châu phụng hành sách này từ bé, đến lúc vinh hiển đậu kỳ thi Đình, đạt đến địa vị Thượng Thư rồi, vẫn hằng ngày đọc sách này, lại còn đem tặng người khác, ghi tựa đề là Nguyên Tể Tất Độc Thư (sách phải đọc của Trạng Nguyên, Tể Tướng). Lại còn giải thích rằng: “Chẳng có nghĩa là đọc sách này liền có thể làm Trạng Nguyên, Tể Tướng, mà nghĩa là Trạng Nguyên, Tể Tướng nhất quyết không thể không đọc sách này!” Sự nêu tỏ ý nghĩa ấy có thể nói là thấu triệt đến tột bậc! Nhưng “người nhân thấy là nhân, kẻ trí thấy là trí”, đều tùy theo tánh chất của từng người. Sách này luận đến tột cùng thì chỉ có thể thành tiên. Nếu dùng đại Bồ Đề tâm để thực hành sẽ có thể siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, đoạn Tam Hoặc, chứng Pháp Thân, viên mãn phước huệ, thành tựu Phật đạo; huống hồ cứ khăng khăng nơi những quả báo nhỏ nhoi trong cõi trời người như thành tiên ư?

Sách này được chú giải rất nhiều, chỉ có bản Tiên Chú của Nguyên Hòa Huệ Đống[1] đời Thanh tinh xác, sâu xa, rộng rãi, thông suốt nhất, tiếc rằng nếu chẳng phải là hạng học rộng sẽ không thể đọc nổi! Kế đến là bộ Vựng Biên quả thật là bản hay nhất để người nhã, kẻ tục đều cùng xem được, nhưng đàn bà, trẻ nít không thông thạo chữ nghĩa lắm thì vẫn khó thể lãnh hội được. Chỉ có mỗi một cuốn Trực Giảng là có thể lợi ích trọn khắp, lời văn tuy nông cạn, dễ hiểu, nhưng từ ngữ thật hay đẹp, giản dị nhưng không thô thiển, dễ cảm động con người nhất. Cư sĩ Hương Đào bỏ ra một ngàn đồng ấn hành để lưu thông rộng khắp. Cũng có những người cùng chí hướng đều giúp sức, nguyện cho cuốn sách này được [phổ biến] trọn khắp vũ trụ, ngõ hầu người người tu Thập Thiện, nhà nhà tôn sùng hiếu đễ. Biết họa – phước chỉ do con người tự chuốc lấy, thiện hay ác đều có báo ứng thì có ai còn chịu làm ác để chuốc họa nữa đây? Phong tục ấy vừa được lưu hành thì điều thiện sẽ có thiện báo: Lễ nghĩa, nhân nhượng sẽ hưng thịnh, can qua vĩnh viễn chấm dứt, nhân dân yên vui, thiên hạ thái bình. Nguyện những ai có tài lực hay trí lực hoặc in rộng rãi sách này để lưu truyền, hoặc thuyết pháp để giảng diễn khiến cho những kẻ chưa đánh mất bản tánh sẽ càng thêm thuần chân, kẻ đã mất bản tánh sẽ mau khôi phục cái tánh ban đầu. Hành vi ấy có công đức há thể diễn tả được ư?

***

[1] Huệ Đống (1697-1758), tự Định Vũ, hiệu Tùng Nhai, là một nhà kinh học gia (chuyên gia nghiên cứu kinh truyện) đời Thanh, người huyện Nguyên Hòa (nay là Ngô Huyện, Tô Châu), tỉnh Giang Tô, nên thường được gọi là Nguyên Hòa Huệ Đống. Ông nội Huệ Đống là một nhà nghiên cứu kinh Dịch rất nổi tiếng thời ấy, cha Huệ Đống cũng là một nhà nghiên cứu cổ thư rất nổi tiếng. Ông chống đối cách giải thích kinh điển theo quan điểm Tống Nho, chủ trương để hiểu cổ thư phải đọc thẳng vào kinh điển, đừng dựa dẫm theo cách giải thích xuyên tạc, thiên kiến của Tống Nho.