Lời tựa nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín của sách Khuyến Thế Bạch Thoại Văn

(năm Dân Quốc 19 – 1930)

Thế đạo nhân tâm ngày nay đã suy hãm đến cùng cực lắm thay! Những người mang tâm lo lắng cho đời bày đủ mọi cách để duy trì. Nếu không, đạo làm người gần như diệt mất, thật đáng sợ thay! Tuy nhiên, muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm hãy nên giải quyết từ căn bản thì dùng sức ít mà được hiệu quả lớn lao. Người có tri kiến chân chánh đích xác ắt sẽ ùa nhau vâng theo như gió lùa cỏ rạp. Thầy thuốc trị bệnh có bệnh đằng gốc, có bệnh đằng ngọn, xét coi bệnh tình gấp rút hay hòa hoãn để trị liệu, chẳng thể chấp vào một phía để luận định. Nay chứng bệnh nơi thế đạo nhân tâm đã sâu lắm rồi; nếu chỉ dựa trên mặt Sự để khuyên dụ, tuy cũng đạt được hiệu quả biến đổi phong tục, nhưng cố nhiên chẳng thể đạt hiệu quả bằng cách dốc sức nơi căn bản được! Nói đến chuyện dốc sức nơi căn bản chính là đề xướng giáo dục trong gia đình, đề xướng nhân quả báo ứng, sao cho hết thảy mọi người ai nấy biết đạo làm người, ai nấy trọn hết bổn phận của chính mình, cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành. Nếu ai nấy đều được như vậy thì cửa nhà hưng thịnh, con cháu hiền thiện. Lại phải biết thường nghiêm giữ những lời về “phước thiện, họa dâm, thiện ác, tai ương, may mắn” để tự tu, lại còn [dùng những điều ấy] dạy người trong nhà thì người nhà sẽ dự vào địa vị thánh hiền tốt đẹp mà chẳng tự biết.

Vì thế, Khổng Tử nói: “Thiên hạ chi bổn tại quốc, quốc chi bổn tại gia, gia chi bổn tại thân” (Gốc của thiên hạ là đất nước, gốc của đất nước là nhà, gốc của nhà là thân). Lời này đâu phải nói riêng với người mang tước vị, mà thất phu thất phụ đều cùng mang trách nhiệm này! Cổ nhân đã nói: “Thiên hạ bất trị, thất phu hữu trách” (Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm). Bởi lẽ, nhân tài trong thiên hạ đều từ gia đình mà ra. Gia đình khéo dạy, con cái tự nhiên đều hiền thiện. Gia đình không khéo dạy, đứa con nào có thiên tư sẽ quen thói cuồng vọng, đứa không có thiên tư sẽ quen nết bướng bỉnh, hung ác. Hai loại ấy đều là sâu mọt cho quốc gia, xã hội! Do vậy, biết giáo dục gia đình chính là căn bản để trị quốc, bình thiên hạ, còn nhân quả báo ứng là đạo trọng yếu để phụ trợ cho giáo dục gia đình. Từ đứa bé con cho đến kẻ bạc đầu, từ chính bản thân cho đến xã hội, từ làm người cho đến thành thánh hiền, từ tu thân cho đến bình thiên hạ đều phải nương theo những điều ấy để được thành tựu, thật đúng là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh, thành thủy thành chung vậy, là đại pháp để cùng trị cả gốc lẫn ngọn, phàm lẫn thánh đều phải tuân theo.

Những nhà Nho đời sau chẳng biết đến ý nghĩa này, xằng bậy bài bác, đến nỗi thành ra thái độ xấu xa không kiêng dè ngày nay. Nguyện những ai có chí giác thế yên dân vãn hồi kiếp vận hãy dốc sức nơi đây thì chẳng mấy chốc [sẽ được thỏa nguyện] vậy! Cư sĩ Hoàng Hàm Chi lòng tha thiết vì người khác, dùng thể văn Bạch Thoại viết ra hơn hai mươi loại, không loại nào chẳng phanh gan phơi mật, đi vào từng chi tiết sát sao. Người có thiên lương xem đến ắt sẽ rửa lòng gột ý, sửa lỗi hướng lành, hòng khôi phục chân tâm vốn có thì thật là hạnh phúc lớn lao không chi hơn được nữa!