Lời tựa nêu duyên khởi in cuốn Khuê Phạm theo lối thạch bản

(năm Dân Quốc 17 – 1928)

Hai khí Âm – Dương trong trời đất hóa sanh vạn vật. Thánh nhân lấy nam nữ “chánh vị” (“chánh vị” là hành xử đúng theo địa vị, tức là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận) để lập ra giềng mối. Trời đất rộng lớn, con người chẳng thể nào diễn tả được! Nhưng con người sống giữa trời đất, bảy thước bé tẹo, đứng cùng trời đất thành ba ngôi xưng là Tam Tài bởi có thể giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, kế thừa người trước, mở mang cho người sau, tham dự giúp đỡ quyền sanh thành, trưởng dưỡng, chẳng đến nỗi uổng công trời đất sanh ra muôn vật. Đấy là duyên do con người là “vạn vật chi linh”, chỉ riêng con người được danh xưng cực tôn quý nhất. Nếu chẳng lấy đạo nghĩa làm gốc, chỉ mải miết ham muốn ăn uống, trai gái, há có khác gì cầm thú đâu? Gần đây, thế đạo nhân tâm suy hãm đã đến mức cùng cực, những người dân vô tri bị tà thuyết bên ngoài mê hoặc, đua nhau đề xướng phế kinh điển, phế luân thường, cứ muốn cho con người trong cả cõi đời đều trọn chẳng khác gì cầm thú mới thôi! Mối họa ấy khốc liệt có thể nói là đến mức cùng cực.

Xét đến căn nguyên, đều do gia đình thiếu dạy dỗ và chẳng biết nhân quả báo ứng mà ra. Nếu con người từ lúc được sanh ra, hằng ngày được cha mẹ hiền khéo dạy và biết họa – phước, tốt – xấu khác gì bóng theo hình, tiếng vọng theo âm thanh, chẳng khác gì trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu, dẫu dùng oai thế bức hiếp bắt theo tà thuyết ấy, nếu không, ắt phải chết, họ vẫn cứ nghĩ “do trọn hết luân thường mà chết cũng là may mắn”, quyết chẳng đến nỗi sợ chết mà cẩu thả đi theo. Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm! Cái gốc để thiên hạ yên ổn hay loạn lạc chính là ở chỗ thất phu thất phụ có trọn được hết luân thường, trọn hết bổn phận hay không! Vì thế, nói: “Cái gốc của thiên hạ là đất nước, cái gốc của đất nước là gia đình. Cái gốc của gia đình là cái thân”. Cố nhiên, đây là thiên chức của hết thảy thất phu, thất phụ, chứ không phải chỉ nói đến người có tước vị!

Trong sự dạy dỗ nơi gia đình thì sự dạy dỗ của mẹ là quan trọng nhất, bởi tánh tình của con người phần nhiều tiếp nhận từ mẹ: Lúc còn trong thai thì bẩm thụ khí phận của mẹ, lúc nhỏ quen theo oai nghi của mẹ. Nếu mẹ hiền, chắc chắn chẳng đến nỗi sanh ra con cái không ra gì! Ví như vàng lỏng đúc thành món đồ, nhìn vào khuôn liền biết món đồ ấy sẽ tốt hay hư, nào đợi phải đổ khuôn rồi mới biết hay sao? Nhân tài nước nhà đều từ gia đình. Nếu ai nấy chú trọng vào giáo dục gia đình thì chẳng đầy mấy chục năm hiền nhân sẽ xuất hiện đông đảo. Lòng người đã chuyển, lòng trời sẽ tự thuận, thời tiết hòa thuận, mùa màng sung túc, dân giàu, vật mạnh, phong thái đại đồng thuở Đường Ngu ắt sẽ được thấy trong ngày nay! Do vậy, những bậc lo cho đời không ai chẳng đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục gia đình để làm căn cứ vãn hồi thế đạo, nhân tâm.

Nhưng muốn đề xướng cần phải có trợ giúp. Bốn quyển Khuê Phạm do tiên sinh Lã Thúc Giản[1] đời Minh biên tập vào năm Canh Dần tức năm Vạn Lịch 18 (1590) đời Minh. Do vậy, được lưu truyền rộng rãi khắp nước, mọi nơi đều khắc bản, ấn hành. Gần đây, sách bị thất truyền, con người không biết đến. Ông Châu Nghiệp Cần tìm được trong tiệm sách cũ, cầm đưa cho ông Ngụy Mai Tôn coi. Mai Tôn thấy quyển một trích lục những lời hay ý đẹp dạy dỗ nữ giới trích từ Tứ Thư, Ngũ Kinh và các truyện ký. Quyển hai, quyển ba, quyển bốn chép cặn kẽ ngôn hạnh của các hiền nữ, vợ hiền và mẹ hiền. Trước mỗi chuyện có hình vẽ, sau mỗi chuyện có lời bình để mắt người vừa chạm vào liền dấy lòng cảm kích, đua nhau bắt chước làm theo; thật đáng để giữ yên phương Khôn[2] hòng giúp cho đạo bình trị, phụ trợ sự dạy dỗ trong gia đình, bồi đắp thêm cho oai nghi người mẹ, nên khôn ngăn vui thích, tán thưởng! Lý Kỳ Khanh nghe vậy, do bà vợ ông ta lúc còn sống đã tính lưu truyền những thiện thư hầu giữ yên chốn khuê các, nhưng chưa được toại nguyện, bèn tự đảm nhiệm in năm trăm bộ để hoàn thành chí nguyện ấy, xin tôi đề tựa. Tôi nghĩ cuốn sách này vừa được in ra, ắt sẽ có đông đảo bậc thục nữ anh liệt hưng khởi tấm lòng mong sao trọn hết phận mình, hoàn thành thiên chức. Trên là noi bước hai bà Phi, ba bà Thái, trong xử sự, luân thường hằng ngày, lo liệu, giúp đỡ, un đúc, giáo hóa, dạy dỗ, ngõ hầu chồng lẫn con đều thành hiền thiện hòng [cõi đời] đạt đến yên ổn tột bậc. Công đức ấy há thể diễn tả được ư? Do xét đến cội nguồn như thế liền viết thành lời tựa.

***

[1] Lã Khôn (1536-1618), tự Thúc Giản, biệt hiệu Tân Ngô và Tâm Ngô, quê ở Ninh Lăng (nay là huyện Ninh Lăng, tỉnh Hà Nam), đỗ tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ hai (1574), làm quan đến chức Tả Hữu Thị Lang bộ Hình. Năm Vạn Lịch 14 (1586), do dâng sớ bày tỏ nỗi lo về sự an nguy trong thiên hạ, bị gian thần sàm tấu, phải cáo bệnh xin về hưu, chuyên lo dạy học. Ông là người cương trực, làm quan rất thanh liêm, không bận tâm đến lẽ vinh nhục. Thường nói: “Thân ta vốn không có nghèo – giàu, quý – hèn, được – mất, vinh – nhục. Ta chỉ là ta, nên giàu sang, nghèo hèn, được – mất, vinh – nhục như gió mùa Xuân, trăng mùa Thu, tự đến tự đi, chẳng hề bận lòng!” (trích từ thiên Tu Thân trong sách Thân Ngâm Ngữ do ông viết).

[2] Trong Dịch học, phương Khôn tượng trưng cho Đất, là quẻ thuần Âm nên thường dùng để ví cho nữ giới và đạo làm vợ.