Lời tựa khắc lại mộc bản sách Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng

Tâm chúng sanh và tâm Phật không hai, tuy mê chân đuổi theo vọng, trái giác hợp trần, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, luân hồi lục đạo trọn chẳng lúc ra, nhưng bản thể tịch chiếu chân thường vẫn y như cũ, chẳng tổn thất mảy may. Vì thế, Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, thương họ nghiệp chướng sâu nặng, chẳng thể khôi phục ngay được bản thể; do vậy, dùng đủ mọi phương tiện khiến cho họ trồng thiện căn, trước hết dùng Dục để lôi kéo, rồi sau mới làm cho nhập Phật trí. Do vậy, đức Chánh Pháp Minh Như Lai thành Phật đã lâu, tuy vẫn chẳng lìa Tịch Quang, nhưng hiện hình trong chín giới, hiện hình theo từng loài, tầm thanh cứu khổ, nên dùng thân nào để độ bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Những thân hiện trong các pháp giới khác đều thuộc về bí mật, thân Quán Thế Âm hiện trong Bồ Tát pháp giới thì lại hiển lộ. Vì thế, mười phương chư Phật đều khen ngợi Quán Thế Âm Bồ Tát là bậc đại từ đại bi thí vô úy (ban cho sự không sợ hãi) ngõ hầu hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới đều sanh lòng tin tưởng, cùng được nhiếp thọ.

Do Bồ Tát chứng tột cùng pháp giới, tỏ bày trọn vẹn tự tánh, triệt ngộ duy tâm, nên có thể vận dụng lòng Bi Đồng Thể, khởi lòng Từ Vô Duyên, hễ khắp pháp giới cảm bèn ứng khắp pháp giới. Tùy theo lòng thành cơ cảm lớn hay nhỏ sẽ được lợi ích tương xứng. Như phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa, chương Quán Âm Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm đã nói và những sự tích cảm ứng phương này như đã được ca tụng trong sách đây há thể nghĩ bàn được ư? Ấy là vì tâm Bồ Tát giống như hư không, không đâu chẳng trọn khắp. Chỉ do chúng sanh đang mê, chẳng sanh tin tưởng, ví như hư không bị vật ngăn chướng nên biến thành cách trở, ngăn ngại, nếu xoi một lỗ nhỏ thì được một khoảng không bằng cái lỗ nhỏ. Nếu xoi một cái lỗ to sẽ được khoảng trống bằng cái lỗ to. Nếu bỏ được hoàn toàn vật chướng ngại thì sẽ xen lẫn khít khao cùng hư không bao hàm khắp muôn hình tượng. Do vì chúng sanh tiểu cảm sẽ được tiểu ứng, đại cảm bèn được đại ứng, nên kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ (cầu vợ là cầu vợ hiền thục, trí huệ, trinh lương, nếu không cần gì phải hướng về Bồ Tát mà cầu!), cầu con được con, cầu tam-muội được tam-muội, cầu trường thọ được trường thọ, như thế cho đến cầu đại Niết Bàn được đại Niết Bàn”. Nói “cầu vợ được vợ” v.v… chính là xoi lỗ nhỏ được khoảng trống bằng cái lỗ nhỏ, xoi lỗ to được khoảng trống bằng cái lỗ to. Cầu đại Niết Bàn đắc đại Niết Bàn chính là hoàn toàn trừ bỏ được vật ngăn lấp, bèn hòa lẫn không xen hở cùng với hư không bao hàm vạn tượng.

Kinh Kim Cang nói: “Ta nên diệt độ hết thảy chúng sanh, diệt độ hết thảy chúng sanh xong nhưng thật ra không có một chúng sanh nào được diệt độ” vì tâm thể của chúng sanh chính là Vô Dư Niết Bàn, vốn chẳng hề mất đi, làm sao có lại? Bồ Tát riêng dùng các thứ phương tiện khiến cho chúng sanh tiêu trừ huyễn nghiệp, hồi phục bản thể mà thôi. Lại do chúng sanh mê hoặc sâu nặng, chẳng thể nhanh chóng phát khởi tâm Đại Bồ Đề, vì để tiếp dẫn kẻ sơ cơ vào chỗ thù thắng nên thuận theo phàm tình của họ, thỏa mãn điều họ mong mỏi, đợi đến khi thiện căn thành thục sẽ có thể rốt ráo đạt ngay được lợi ích chân thật. Đấy chính là ý chỉ căn bản của việc Bồ Tát tùy loại hiện thân tùy tâm mãn nguyện vậy.

Sách này đã được in bản kẽm, tính in ra mấy chục vạn bộ, ngõ hầu người khắp trong nước, ngoài nước đều được thọ trì. Hiện đã in được hơn bảy vạn bộ, như vậy chuyện sách sẽ được lưu thông khắp pháp giới trong tương lai khiến cho con người được thấm đượm sự giáo hóa từ bi là điều ắt sẽ thực hiện được! Nhưng vì chữ nhỏ, chẳng thuận tiện cho người già, quả là đáng tiếc. Cư sĩ Hoa Huệ Khả ở Vô Tích xưa đã gieo cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, trông thấy sách này hoan hỷ tán thán như đạt được của quý báu nhất, mừng rỡ khôn cùng. Khẳng khái bỏ ra năm trăm đồng để khắc mộc bản, ngõ hầu hết thảy mọi người đều đọc được, hết thảy lúc đều có thể in, có thể thỉnh. Đúng là đời trước từng được Bồ Tát phó chúc vây bủa lòng từ giáo hóa hòng lợi ích hữu tình vậy! Ôi! Cao quý thay!