Lời tựa khắc lại bộ Giản Ma Biện Dị Lục

Người học đạo suy nghĩ lập hạnh đều phải chất trực, trung chánh, chẳng được có mảy may có tướng thiên vị, riêng tư, lươn lẹo. Nếu có chút thiên lệch, cong quẹo gì thì sẽ như bàn cân không chuẩn, cân các vật nặng – nhẹ đều sai. Như thể chất gương chẳng sạch, chiếu các hình tượng khó thể phân biệt tốt – xấu. Sai chỉ hào ly, mất đi ngàn dặm! Xoay vần sai lầm, không thể ngăn dứt được! Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mười phương Như Lai đồng một đạo, nên thoát lìa sanh tử đều dùng trực tâm”. Do bảo tâm là trực (ngay thẳng) nên từ địa vị đầu đến địa vị cuối, trong những địa vị trung gian, vĩnh viễn chẳng có tướng cong quẹo. Kinh Thư nói: “Tâm con người khi gặp hoàn cảnh quyến rũ thì tâm đạo bị nhỏ đi, hãy tập trung tư tưởng, chuyên nhất [gìn giữ đạo tâm], giữ cho thiên tánh không đổi dời[1]”. Pháp Tạng[2] đời trước, vốn có linh căn cho nên đời này giải ngộ và kiến địa đều chẳng nông cạn. Nhưng do cái gốc ngã mạn sâu xa, muốn làm bậc cao nhân thiên cổ đệ nhất, tự mình lập bừa ra những tông chỉ, danh tướng, viết bộ Ngũ Tông Nguyên những mong hậu học suy tôn ông ta, rốt cuộc trở thành tri kiến của tà ma, ngoại đạo. Nếu như khi ấy cứ một bề vâng giữ trực tâm trực hạnh, ắt sẽ thấy trong hội của ngài Mật Vân[3] không ai bằng được, đạo phong lừng lẫy khó gì chẳng vượt trội các phương! Tiếc là ông ta chẳng chú trọng thực ngộ, thực chứng, lại mưu tính, lập cách để mình được vượt trội hết thảy, khiến cho ngài Mật Vân ba lần, bảy lượt quở trách để uốn nắn ông ta!

Con người chẳng phải là thánh hiền, ai không vướng lỗi? Nếu thật sự là người anh hùng, quả cảm sẽ tự hổ thẹn, sám hối, biết lỗi sửa lỗi, cầu thật ngộ, thật chứng, thì pháp mạch Lâm Tế, Như Lai huệ mạng sao không trực tiếp truyền thừa cho được? Lẽ đâu dựng cao tràng kiêu mạn, giữ dở, che lỗi, khiến cho những gã học trò như Hoằng Nhẫn v.v… càng thêm cuồng vọng, phô phang ý kiến ức đoán của chính mình, viết sách Ngũ Tông Cứu, biến chánh thành tà, biến tà thành chánh, báng pháp, báng tăng, tự lầm, lầm người. So với Pháp Tạng, lại càng sâu nặng gấp mười. Kẻ đui dẫn lũ mù, kéo nhau vào lửa. Ôi! Đáng buồn thay! Đương thời, Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn mặc tình tô vẽ, khiến cho môn đình rất thạnh, hàng sĩ đại phu đa phần thành ngoại hộ. Do vậy, những tà thuyết lầm lạc trong các bộ ngữ lục Ngũ Tông Nguyên, Ngũ Tông Cứu của cha con họ đều được đưa vào Đại Tạng.

Đến năm Ung Chánh thứ mười một (1733), Thanh Thế Tông muốn tuyển chọn ngữ lục, đọc khắp các trước tác của họ, biết họ mang ý kiến lầm lạc, đến nỗi làm mù chánh nhãn của người khác, bèn truyền hủy sạch những bản ấy. Lại sắc truyền các tùng lâm trong thiên hạ, phàm có sách hay ván in sách ấy, phải hủy trừ cho hết. Nếu giấu diếm, bị phát giác sẽ kết tội phạm luật. Lại sợ có người bị trúng độc sâu xa, không thể ói ra hết được, do sách Ngũ Tông Cứu cuồng vọng, trái nghịch quá mức, vua bèn trích lục hơn tám mươi điều [từ sách ấy], vạch trần, phê phán từng điều, truyền đưa vào Đại Tạng hòng mở con mắt chánh cho người, báo ân Phật, ân Tổ. Nhưng do muôn vàn điều không rảnh rỗi, đến mùa Xuân năm Ung Chánh 13 (1735) mới hoàn thành bản cảo, chưa sửa chữa hoàn chỉnh, xe rồng đã lên làm khách cõi trời. Cao Tông (Càn Long) kế vị, mới cho khắc ván. Chỉ vì chẳng giao phó cho người thông hiểu, nên với những chữ viết giả tá theo lối chữ Thảo đa phần sửa thành lối chữ Chân Phương, chẳng hạn như chữ Vị 謂 (nói) sửa thành chữ Vị 為 (vì), nhiều đến hơn cả trăm chỗ[4]. Những kinh sách được Thế Tông khắc in đều giảo chánh, đối chiếu tinh xác, nghiêm cẩn, chỉ có mình sách này sai ngoa quá nhiều. Do vậy, biết sách ấy được khắc sau khi nhà vua đã lên làm khách cõi trời.

Hơn nữa, mùa Xuân năm Ung Chánh thứ 13, khởi công khắc ván Đại Tạng Kinh, vua đã truyền dụ đem sách này nhập Tạng để lưu thông, nhưng rốt cuộc không nhập, là vì Cao Tông lên ngôi chưa lâu, chuyên lo chánh trị, không rảnh rang đề xướng. Còn những hàng Tăng tục khác thì do đồ đảng của Pháp Tạng quá đông, nên đều sợ nếu đề xướng [nhập tạng sách này] ắt phải chuốc họa. Do vậy, gác lại không bàn đến, cho nên không nhập. Bản ván khắc sách của triều đình được giữ trong đại nội, trừ phi hoàng đế hạ chỉ, không cách nào ấn loát được. Vì thế, sách này chẳng được lưu truyền trong đời. Nhưng pháp bảo này ắt có thần, vật thủ hộ, khiến cho sách được giấu kín đã lâu lại xuất hiện, được lưu truyền rộng rãi. Nhân duyên này được ghi đầy đủ trong lần in thạch bản. Nay tính khắc lại bản gỗ, bèn lắng lòng giảo duyệt, hòng khôi phục lại bản lai diện mục cho tác phẩm của Thế Tông. Cư sĩ Ưng Quý Trung nguyện bỏ tiền khắc lại, nên tôi bèn viết lời tựa nêu rõ đầu đuôi để thuật cùng người thông suốt trong mai sau.

Phàm muốn liễu sanh thoát tử, ắt phải thật chứng. Nếu chỉ ngộ chưa chứng thì Phiền Hoặc vẫn còn, phải nỗ lực vô cùng. Nếu có thể khăng khắng dốc sức, trải duyên rèn luyện, tâm luôn giác chiếu, thầm phù hợp thánh trí, phàm tình nhân ngã thị phi sẽ không do đâu khởi được. Nếu chẳng gắng giác chiếu, phàm tình vẫn cứ lừng lẫy như cũ thì công hạnh càng cao, tình kiến càng nặng; từ ngộ nhập mê sẽ khó thể tránh khỏi! Như người tỉnh ngủ không ngồi dậy, hồi lâu sau lại ngủ tiếp. Cổ nhân nói: “Đại sự đã sáng tỏ, như chôn cha mẹ”[5]. Chính là vì Phiền Hoặc chưa đoạn, chỉ sợ lại mê. Phải biết người đoạn Hoặc, không còn phàm tình. Đã không còn phàm tình, nào còn có sanh tử? Người đại ngộ dẫu ngộ bằng chư Phật, nhưng Hoặc chưa đoạn trừ thì phải niệm niệm giác chiếu, hầu tránh khỏi dùng phàm tình xử sự.

Cha con Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn, tuy ngộ xứ cao sâu, nhưng chỉ vì ngã mạn quá đáng đến nỗi hoàn toàn bị vùi lấp trong tình kiến nhân ngã, lại toan muốn làm bậc cao nhân đệ nhất nối tiếp huệ mạng Phật, đến nỗi một phen lầm lẫn vĩnh viễn lầm lạc, không sao quay lại được! Dốc cạn trí lực, chỉ thành thân phận một kẻ tầm thường, chẳng đáng buồn ư? Như Lai biết sâu xa chúng sanh đời mạt Phiền Hoặc khó đoạn nên riêng mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ khiến cho lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh liền siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, hầu cận Di Đà, theo gót hải chúng. Từ đấy phá trọn vô minh, triệt chứng tự tâm, thẳng đến khi thành Phật mới thôi. Nếu như Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn biết được điều này, ắt sẽ thượng phẩm thượng sanh, chứng Vô Sanh Nhẫn, hiện đủ mọi sắc thân, rộng độ quần mê. Đâu đến nỗi bóng bẩy, màu mè, mong được hư danh vượt Phật trội Tổ, muốn lưu danh thơm trăm đời! Lúc bị người sáng mắt thấy thấu suốt, bèn lộ tiếng tà ma ngoại đạo, để tiếng xấu muôn năm! Ô hô, buồn thay!

***

[1] Nguyên văn: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung”. Câu này được hiểu nhiều cách khác nhau, chúng tôi dịch theo cách diễn giải của Thân Hà Vĩnh trong bộ Trung Hoa Văn Hóa Tâm Lý Học Tâm Yếu. Theo ông Thân, Nguy ở đây là những nguy hiểm, thử thách, chẳng hạn như danh dự, lợi lộc, của cải v.v… Đạo tâm là cái tâm tự nhiên, tâm thiên phú, thiên lương v.v… “duy tinh duy nhất” là tập trung tư tưởng, gìn giữ đạo tâm. “Doãn quyết kỳ trung” nghĩa là giữ cho thiên tánh chẳng dời. Như vậy câu này có thể hiểu là: “Tâm con người do bị hoàn cảnh quyến rũ, tâm đạo ngày càng nhỏ đi. Phải tập trung tư tưởng, gìn giữ đạo tâm cho không thay đổi”.

[2] Tức Hán Nguyệt Pháp Tạng, người sống vào cuối đời Minh, viết sách Ngũ Tông Nguyên cực lực đề cao tông Lâm Tế, chỉ trích mạt sát các tông phái Thiền khác, nhất là tông Tào Động, lập ra những dị thuyết, gây nên những tranh luận ồn ào cho đến tận thời Ung Chánh hoàng đế nhà Thanh. Học trò ông ta là Hoằng Nhẫn lại còn viết sách Ngũ Tông Cứu cực đoan hơn nữa, coi bốn phái Thiền còn lại đều là tà ngụy. Phái Thiền của Pháp Tạng chủ trương phá chấp triệt để nên ăn mặn, uống rượu, không giữ giới luật cũng không trở ngại gì, khiến cho các tôn đức tông Lâm Tế cũng phải quở trách.

[3] Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) là vị cao tăng tông Lâm Tế đời Minh. Sư người huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, họ Tương, tự Giác Sơ, hiệu Mật Vân, thụy hiệu Huệ Định thiền sư. Ngài là con nhà nông, nhân đọc Lục Tổ Đàn Kinh liền hâm mộ Thiền Tông. Một ngày nọ nhìn đống củi có chỗ ngộ, bèn xuất gia với ngài Huyễn Hữu Chánh Truyền ở viện Long Trì vào năm 29 tuổi. Năm Vạn Lịch (1602), Chánh Truyền lên kinh đô, Sư được cử làm giám viện chùa Vũ Môn. Một ngày nọ đi qua núi Đồng Quan, hốt nhiên đại ngộ, được ngài Chánh Truyền trao y bát vào năm 39 tuổi. Năm 45 tuổi, được kế nhiệm trụ trì tổ đình Long Trì. Về sau lần lượt trụ tại các chùa Thiên Thai, Hoàng Bá, Thiên Đồng… trước sau 30 năm, đại chấn tông phong, được xưng là Tổ trung hưng tông Lâm Tế. Đệ tử hơn 3 vạn người, nổi tiếng nhất là Đạo Mân, Thông Dung, Pháp Tạng v.v… Tổ Huệ Nguyên của tông Hoàng Bá tại Nhật cũng là đệ tử của ngài Mật Vân. Sư tịch năm Sùng Trinh thứ 15 (1642) tại chùa Thông Huyền, thọ 77 tuổi.

[4] Do viết chữ Hán theo lối Thảo thường bỏ bớt nét và dùng hình thức giả tá (tức là dùng chữ đồng âm, ít nét hơn, để viết cho tiện, cho nhanh). Khi đọc, phải căn cứ theo ngữ cảnh để hiểu tác giả thật sự muốn dùng chữ gì. Điều này đòi hỏi người đọc phải thông hiểu nội dung, thâm hiểu Phật pháp mới viết cho đúng chữ chân phương được.

[5] Ý nói đã ngộ rồi, thì càng phải nghiêm túc tu tập, như con làm đám ma cho cha mẹ, chẳng dám khinh thường, đãi bôi chút nào.