Lời tựa khắc kinh Kim Cang lên đá

Kinh Kim Cang là tiêu chuẩn để phát tâm Bồ Đề, hành đạo Bồ Tát, thượng cầu hạ hóa. Kinh dạy: “Tất cả hết thảy các loài chúng sanh ta đều làm cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn để được diệt độ, nhưng vô lượng vô số vô biên chúng sanh được diệt độ như vậy thật ra chẳng có một chúng sanh nào được diệt độ!” Bởi lẽ tâm tánh của chúng sanh xét ngay trên bản thể đã là Vô Dư Niết Bàn, chỉ vì mê nên huyễn vọng tạo thành tướng sanh tử luân hồi. Giống như say thấy nhà xoay, nhà thật ra không xoay; mê cho là phương hướng đổi dời, phương hướng thật ra chẳng chuyển. Chẳng qua vì họ đặc biệt chỉ bày khiến cho họ khôi phục lại cội nguồn sẵn có mà thôi. Nói: “Chỉ hết phàm tình, chứ không có thánh giải; chỉ có trừ đi pháp ngăn lấp, chứ không có pháp làm cho sáng tỏ”, chính là diễn tả ý trên vậy.

Lại dạy chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí. Bố thí đứng đầu lục độ, vạn hạnh. Kinh văn giản lược, chỉ nêu bố thí làm thí dụ. Nếu chẳng trụ vào tướng để thực hành lục độ vạn hạnh thì tam luân thể không, nhất đạo thanh tịnh, lìa trọn vẹn phàm tình thánh kiến “ta, người, chúng sanh, thọ giả”, chứng trọn vẹn Chân Như diệu tâm thường – lạc – ngã – tịnh. Không trụ vào đâu để sanh tâm, không có gì để đạt được mà thành Phật, thật đúng là vô thượng diệu pháp để tam thế chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, tu trọn vạn hạnh nhưng một pháp chẳng lập. Vì thế, người thọ trì phước đức quả báo chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, danh nhân xưa nay đa phần đều thọ trì, biên chép kinh này, ấy là vì muốn cho dân chúng đều lần lượt được hiểu đạo tự giác này. Cư sĩ Hưu Tử Đường Thiên Tước xưa có linh căn dốc lòng tin tưởng Phật pháp, kiến địa cao siêu, thư pháp tinh diệu, riêng viết kinh này, cho khắc đá để lưu truyền, hòng tiếp nối chí hướng, sự nghiệp của các vị Âu Dương Tuân, Triệu Mạnh Phủ, Đổng Kỳ Xương[1]. Công đức ấy chỉ có Phật mới biết được; do vậy, chẳng nề hà hèn kém, lược thuật nghĩa kinh để thưa cùng người đọc, ngõ hầu cùng lên được bờ giác.

***

[1] Âu Dương Tuân (557-641), tự Tín Bản, người xứ Lâm Tương, Đàm Châu (nay thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam), là một nhà thư pháp lỗi lạc sống vào thời Tùy Đường, sở trường về lối viết chữ Khải. Tài thư pháp của ông nổi tiếng đến nỗi vua Cao Ly từng sai sứ sang xin chữ. Tác phẩm thư pháp tiêu biểu của ông là Hóa Độ Tự Bi (bia chùa Hóa Độ), Văn Ngạn Bác Bi. Lối viết chữ Khải của ông được coi là mẫu mực, được người sau sưu tập cho khắc thành sách để các nhà thư pháp phỏng theo luyện tập.

Triệu Mạnh Phủ (còn đọc là Thiếu, hay Triệu) (1254-1322) tự Tử Ngang, hiệu Tùng Tuyết, biệt hiệu là Tùng Tuyết Đạo Nhân, người xứ Âu Ba, Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng vào đời Tống. Ông xuất thân từ hoàng tộc, thông minh dĩnh ngộ từ nhỏ, sách nhìn qua một lượt liền thuộc ngay, thông hiểu văn chương nghệ thuật sâu sắc. Ông cũng lãnh ngộ Phật học rất khá. Do cuối đời Tống, các nhà thư pháp chú trọng viết cho bay bướm, không thể hiện được chí khí qua thư pháp, nên họ Triệu đề nghị khôi phục phong cách cổ, lấy phong cách viết chữ của Vương Hy Chi làm mẫu mực. Về loại chữ Khải, ông đề nghị dùng cách viết trong bài Lạc Thần Phú của Vương Hy Chi, lối chữ Thảo học theo cách viết trong Thập Thất Thiếp cũng của Vương Hy Chi. Triệu Mạnh Phủ nổi tiếng nhất về tài viết chữ theo lối Khải và Hành. Tương truyền, mỗi ngày ông có thể viết được một vạn chữ, chữ nào cũng tài tình, mạnh mẽ

Đổng Kỳ Xương (1555-1636): là một nhà thư họa nổi tiếng thời Minh, tự Huyền Tể, hiệu Tư Bạch, Tư Ông, biệt hiệu là Hương Quang, người xứ Hoa Đình, Tùng Giang (nay thuộc huyện Tùng Giang, Thượng Hải). Ông đậu tiến sĩ thời Vạn Lịch, từng đảm nhậm các chức Biên Tu, Hồ Châu Phó Sứ, Thái Thường Tự Khanh, Lễ Bộ Thị Lang, Nam Kinh Lễ Bộ Thượng Thư v.v… Tài vẽ và viết chữ của ông nổi tiếng suốt cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Ông sở trường vẽ sơn thủy. Người đời sau khen nét bút của ông an nhàn, ôn hòa, trong sáng, mới mẻ, tú lệ. Ông thường vẽ tranh sơn thủy bằng bút mềm, sinh động nhìn mãi không chán. Tác phẩm nổi tiếng nhất là Đồng Quan Phố Tuyết Đồ. Ông cũng để lại một số trước tác như Họa Thiền Thất Tùy Bút, Dung Đài Tập, Họa Chỉ, Họa Nhãn v.v…