Lời tựa khắc in lưu thông cuốn Phật Di Giáo Kinh Giải

Phật ân rộng lớn, trọn khắp chẳng cùng tận vậy thay! Vì sao nói thế? Do hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Chỉ vì mê chưa ngộ nên đến nỗi ngược ngạo dùng sức công đức của Phật tánh để lầm lạc khởi tham – sân – si nơi sáu trần cảnh, tạo giết – trộm – dâm. Do Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp thọ báo, trải bao kiếp lâu xa thường bị luân hồi sáu nẻo, trọn chẳng có lúc ra. Phật trong kiếp xưa biết điều này rồi, liền phát đại nguyện, muốn cho hết thảy chúng sanh tận hư không trọn pháp giới đều cùng ngộ Phật tánh vốn sẵn có, cùng thoát sanh tử luân hồi, cùng thành vô thượng giác đạo, cùng nhập Vô Dư Niết Bàn. Do vậy, vì khắp pháp giới chúng sanh trải bao nhiêu kiếp lâu xa hành Bồ Tát đạo, chỉ cần điều gì có lợi ích thì không gì chẳng hưng khởi, đề cao, tu trọn Lục Độ nhưng chẳng chấp vào một pháp nào, làm được hạnh khó làm, nhẫn được điều khó nhẫn. Hành bố thí thì quốc thành, vợ con, đầu, mắt, tủy, não đều chẳng tiếc nuối. Do đó, kinh Pháp Hoa nói: “Ta thấy Thích Ca Như Lai trong vô lượng kiếp, [hành] hạnh khó, hạnh khổ, tích công chứa đức, cầu đạo Bồ Đề chưa từng ngưng nghỉ. Xem khắp tam thiên đại thiên thế giới, thậm chí chẳng có chỗ nào chừng bằng hạt cải chẳng phải là nơi Bồ Tát xả thân mạng vì chúng sanh. Sau đấy, mới thành đạo Bồ Đề”. Chỉ một hạnh bố thí này dẫu thọ một kiếp còn chẳng thể nói trọn được, huống chi những thứ khác như trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ cũng như Tứ Nhiếp[1], vạn hạnh nữa ư? Đến khi Hoặc nghiệp hết sạch, phước huệ viên mãn, chứng thấu suốt tự tâm, thành vô thượng đạo, vì khắp chúng sanh nói ra pháp Phật đã chứng là vì muốn cho họ đều cùng đắc pháp Ngài đã đắc.

Nhưng vì thượng căn ít ỏi, trung – hạ lại nhiều, nên Phật bèn tùy cơ lập giáo, khiến cho ai nấy tùy phận được lợi ích. Đến khi một kỳ sự nghiệp đã xong, liền nhập Niết Bàn, nhưng vẫn chẳng bỏ lòng đại bi, thị hiện thành Chánh Giác trong những thế giới phương khác để tế độ. Thị hiện sanh trong cõi này và thế giới phương khác như vậy cố nhiên chẳng thể dùng toán số, thí dụ để diễn tả được nổi. Ví như mặt trời sáng rỡ, vì chiếu cõi đời, mọc – lặn chẳng đứng yên. Cũng như người lái thuyền vì để chở người nên qua lại không ngừng. Nếu xét theo chuyện xuất thế lần này thì [Phật giáng thế] vào năm 26 đời Châu Chiêu Vương[2], mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo, giảng kinh hơn ba trăm hội. Do vì không căn cơ nào chẳng gồm thâu, không pháp nào chẳng trọn vẹn; lại do hạng trung hạ căn tự lực yếu hèn, chẳng thể thoát sanh tử ngay trong một đời này, dù có tu trì nhưng phiền hoặc chưa đoạn, nếu thọ sanh lần nữa sẽ bị mê mất rất nhiều. Do vậy, riêng mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khiến cho dù thánh hay phàm, dù ngu hay trí đều cùng trong đời này vãng sanh Tây Phương. Kẻ thượng căn mau thành Phật đạo, kẻ trung hạ vĩnh viễn thoát luân hồi. Quả thật là đạo thông đạt để tam thế chư Phật phổ độ chúng sanh, là diệu pháp để chúng sanh trong chín giới mau chứng Phật quả. Nhưng chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết trì danh hiệu Phật để cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận công phu sâu – cạn, Hoặc nghiệp nặng – nhẹ, không ai chẳng được Phật nhiếp thọ đới nghiệp vãng sanh như thuyền cứu người chết đuối không hề chọn lựa. Chỉ những kẻ tín nguyện chẳng thật, tâm hạnh trái nghịch với Phật là không được Phật tiếp dẫn.

Phật nghĩ thương chúng sanh từ vô thỉ trước đến tận vị lai sau, trên lên đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến lục đạo phàm phu, không một ai chẳng thuộc vào đại bi thệ nguyện mênh mông. Ví như hư không bao hàm hết thảy, sâm la vạn tượng cho đến trời đất thảy đều chứa đựng hết. Cũng như nhật nguyệt chiếu khắp muôn phương, dẫu kẻ mù từ lúc lọt lòng chẳng thấy được ánh sáng cũng vẫn được ánh mặt trời, mặt trăng chiếu đến mà được làm người. Nếu không có ánh mặt trời chiếu rọi ắt chẳng có duyên sống còn, nào phải chỉ những người tự thấy được ánh sáng mới được nhờ ơn ư? Những kẻ Thế Trí Biện Thông cậy vào kiến giải câu nệ, hẹp hòi, chê bai Phật pháp, cho là có hại cho thánh đạo, bịp đời, dối dân, trọn chẳng khác gì kẻ mù từ lúc lọt lòng chửi mặt trời, cho là mặt trời không có ánh sáng vậy! Hết thảy ngoại đạo đều trộm lấy ý nghĩa trong kinh Phật cho là chính mình có, lại còn trộm lấy những danh từ của Phật pháp để hành tà pháp. Do vậy biết Phật pháp chính là gốc đạo của hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian vậy.

Ví như biển cả chảy ngầm dưới đất, những chỗ nó tưới tắm, chảy lộ ra ngoài chính là vạn con sông; nhưng vạn con sông, không con nào chẳng đổ vào biển cả. Những kẻ báng Phật kia đâu phải là báng Phật mà chính là tự báng mình đấy chứ! Bởi lẽ một niệm tâm tánh của họ toàn thể là Phật nên Phật mới thuyết pháp giáo hóa đủ cách như thế, mong cho họ bỏ mê quy ngộ, tự chứng được Phật tánh sẵn có mới thôi. Do Phật tánh quan trọng nhất, đáng mến tiếc nhất, nên Phật chẳng tiếc công sức như thế. Dù kẻ ấy chẳng tin nhận thì cũng chẳng nỡ buông bỏ. Nếu chúng sanh chẳng sẵn đủ Phật tánh, chẳng kham làm Phật, Phật cứ uổng công lập bày như thế, hóa ra nếu chẳng phải là gã khờ bậc nhất trong thế gian thì cũng là gã đại vọng ngữ bậc nhất trong thế gian ư? Thiên long bát bộ, tam thừa thánh hiền há chịu hộ trì, y chỉ Phật hay sao?

Phật Di Giáo Kinh chính là di chúc khi sự nghiệp một đời đã xong xuôi, sắp nhập Niết Bàn, Phật thiết tha dặn dò hàng đệ tử và hết thảy chúng sanh. Văn tự tuy giản lược, nhưng nghĩa lý thật châu đáo. Kinh dạy tôn trọng kính quý Ba La Đề Mộc Xoa như tôn trọng kính quý đức Thế Tôn. Nếu tôn trọng giới luật của Phật như vậy thì sẽ như thường ở sát bên Phật, không xa cách chút nào. Do vậy, Phật dạy: “Phải biết đây chính là đại sư của các ông, giống như ta đang ở trong đời chẳng hề khác gì!” Tiếp đó, kinh nói đến Giới Tướng, lợi ích trì giới, những tổn thất do không trì giới, và những pháp chế tâm, ăn uống có chừng mực v.v… dặn dò cặn kẽ nhiều lượt, không điều nhỏ nhặt nào chẳng nhắc tới. Dẫu là mẹ hiền sắp sửa qua đời, vì con cái tính kế cũng chẳng thể châu đáo được như vậy. Thật có thể nói là đổ tim, đổ gan, mỗi một chữ là một bụm máu. Là đệ tử Phật, nên nỗ lực tu trì như thế nào để khỏi phụ lòng Phật mong mỏi, người chưa biết Phật pháp phải nên cảm kích hành theo như thế nào để khỏi cô phụ ơn sâu ấy. Những lời ấy dường như chuyên dạy cho hàng tỳ-kheo, nhưng thật ra ngụ ý dạy trọn khắp hết thảy phàm – thánh trong chín pháp giới, không sót một ai! Bởi lẽ bậc viên đốn thọ pháp, không pháp gì chẳng viên. Phật dùng một âm thanh nói pháp, chúng sanh tùy loại đều hiểu, há lẽ di giáo sáng rỡ này chẳng thích ứng với Tam Hiền Thập Thánh ư? Nhưng Phật xem hết thảy chúng sanh đều như con một; ngay trong lúc sắp nhập diệt ấy, nỡ nào chẳng khuyến khích, khuyên lơn thêm ư? Những kẻ bàn luận trong đời sau, đa phần cho rằng kinh này dành cho hạng căn cơ nhỏ nhoi và chỉ răn dạy riêng cho hàng tỳ-kheo, khiến cho tâm quang chiếu khắp chín pháp giới rốt cuộc trở thành những giáo huấn dành cho hạng xuất gia Tiểu Thừa, chẳng đáng đau tiếc ư?

Cư sĩ Trần Nguyên Tôn túc căn sâu dầy, học vấn uyên bác, thuở đầu chưa thấy được kinh Phật cũng noi dấu bọn Hàn, Âu, Châu, Trình, mấy năm gần đây mở đọc kinh Phật mới biết Phật là thánh nhân của các thánh, là trời đối với các trời, tất cả ngôn giáo không gì chẳng phù hợp Nho giáo, dùng để bình trị cõi đời thì đạo cách vật trí tri, chánh tâm thành ý, tu – tề – trị – bình mới được viên mãn rốt ráo. Bởi lẽ Nho Giáo chỉ nói đến đời này, còn Phật bàn trọn vẹn ba đời. Nếu thật sự biết nhân quả ba đời, dù hằng ngày chẳng muốn cầu lấy cách vật trí tri, thành ý chánh tâm tu thân cũng chẳng được! Trong đời những kẻ miệng nói phải, tâm sai trái, làm ra vẻ hiền lành nhưng ngầm làm ác đều là vì không biết “tâm thông pháp giới” cũng như không biết tam thế nhân quả mà ra. Nếu như biết thì dù là hạng cực hèn kém, cũng chẳng chịu đối trước gương sáng hiện các tướng xấu, để chịu xấu hổ vậy!

Tiếc rằng cõi đời phần nhiều không biết, đến nỗi chính mình an hưởng phú quý, sang cả, lại sai giết người đầy thành, ngập ruộng, chẳng thương xót mảy may. Than ôi! Đau đớn thay lòng người đời Mạt! Tàn nhẫn đến cùng cực! Nếu không có thuyết nhân quả ba đời của Như Lai thì những kẻ được hết tuổi thọ mới chết cũng sẽ hiếm hoi lắm! Nếu có muốn xuất thế cũng chẳng cần phải làm phương cách chi khác, chỉ cần y theo ngôn giáo của Phật đối trị phiền não tập khí cho hết sạch không còn sót thừa gì thì dù thân ở trong cảnh tục, vẫn chẳng ngại đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, hướng đến Phật quả, giống như cư sĩ Duy Ma ở Tây Thiên và Phó Đại Sĩ, Lý Trưởng Giả, Bàng cư sĩ v.v… ở cõi này. Nếu như không đủ sức thì còn có một pháp cậy Phật từ lực vãng sanh Tây Phương để nhờ cậy được. Há phải đâu hết thảy mọi người đều phải bỏ cõi tục xuất gia mới là đệ tử Phật ư? Những kẻ nào nói Phật pháp vứt bỏ luân lý, trái nghịch thánh giáo đều là do chưa đọc kinh Phật, chẳng biết vì sao Phật thành Phật, lầm lạc dùng ý kiến ức đoán của phàm phu để phán đoán hồ đồ!

Do vậy, nói: Muốn rốt ráo vãn hồi thế đạo nhân tâm mà không đề xướng, xương minh Phật pháp sẽ không thể được! [Ông Trần Nguyên Tôn] cảm kích ân Phật thật sâu đậm, thiết tha, lại muốn cho hết thảy đồng nhân cùng biết đến ân Phật, đem kinh Phật Di Giáo, dùng lời lẽ phổ thông để chú thích ý nghĩa ngõ hầu chánh khách, giới học thuật, thương gia, nông gia, nhân sĩ các giới đều được thấm gội từ ân của Phật, chẳng đến nỗi sẵn có Phật tánh mà thường bị mê mất, trầm luân mãi mãi trong biển khổ sanh tử, không thể ra được! Ông ta muốn khắc in để lưu hành, cậy Quang viết lời tựa. Vì ân sâu đức dầy của Phật nhiều người chưa biết nên Quang trình bày đại lược. Còn như tấm lòng đại từ bi vì chúng sanh, người đọc sẽ tự cảm nhận được qua những gì đã nói trong kinh, nên chẳng trình bày cặn kẽ!

Ôi chao! Phật vì chúng sanh dẫu thiên địa, phụ mẫu cũng chẳng thể sánh ví được một phần hằng hà sa số! Tôi trước kia đã lậm chất độc của họ Hàn, họ Âu, làm gã Nhất Xiển Đề, may chưa bị sa lầy trong đời này, may mắn được gặp Phật pháp, chỉ sợ những người giống như tôi chưa chắc đã được may mắn gặp gỡ Phật pháp như tôi. Do vậy, thốt lời mổ tim vẩy máu này, những mong ai nấy trên chẳng cô phụ ân Phật, dưới chẳng phụ tánh linh của chính mình mà thôi!

***

[1] Tứ Nhiếp Pháp (catvāri samgraha vastūni) là bốn phương cách Bồ Tát dùng để lôi kéo chúng sanh, khiến họ sanh tâm thân ái hòng dẫn nhập Phật đạo, gồm:

1. Bố Thí Nhiếp, còn gọi là Bố Thí Tùy Nhiếp Phương Tiện, Huệ Thí, Tùy Nhiếp Phương Tiện v.v… tức là dùng tâm thấy không có sự bố thí và lãnh nhận để bố thí pháp cũng như tài thí. Cách thực hiện là tùy theo chúng sanh ưa thích của cải hay đạo pháp mà tùy hỷ thí cho, không hề sanh chấp trước vào việc bố thí ấy.

2. Ái Ngữ Nhiếp: Còn gọi là Năng Nhiếp Phương Tiện, Ái Ngữ Nhiếp Sự, Ái Ngữ Nhiếp Phương Tiện, Ái Ngôn, Ái Ngữ v.v… nghĩa là tùy theo căn tánh của chúng sanh mà khéo léo khuyên dụ họ hướng về Bồ Tát đạo.

3. Đồng Sự Nhiếp, còn gọi là Tùy Thuận Phương Tiện, Tùy Chuyển Phương Tiện, Đồng Lợi, Đồng Hạnh, Đẳng Lợi, Đẳng Dữ…. nghĩa là thân cận chúng sanh cùng hưởng khổ – vui giống như thế, rồi lại dùng pháp nhãn quán sát họ ưa thích gì bèn thị hiện điều ấy khiến cho họ được lợi ích, cùng nhập đạo.

4. Lợi Hành Nhiếp: Còn gọi là Lợi Ích Nhiếp, Độ Phương Tiện, Lợi Nhân hay Lợi Ích, có nghĩa là dùng thiện hạnh nơi thân khẩu ý lợi lạc chúng sanh, khiến họ yêu thích đạo pháp.

[2] Châu Chiêu Vương (Cơ Hà) làm vua từ năm 979 đến 961 trước Công Nguyên, như vậy ông chỉ làm vua 19 năm. Không rõ chỗ này nguyên bản có bị khắc lầm Mục Vương thành Chiêu Vương hay không?