Lời tựa in lại sách Giáo Quán Cương Tông Thích Nghĩa Kỷ

Biển Giáo mênh mông, rộng sâu chẳng thể lường; nếu chẳng có gì để chỉ quy sẽ mịt mờ không biết hướng về đâu. Do vậy, đại sư Trí Giả vào đời Trần – Tùy dùng Ngũ Thời Bát Giáo để phán định những pháp đã nói trong suốt cả một đời của đức Như Lai, hiển lộ bản hoài xuất thế của Như Lai. Phật chỉ muốn cho hết thảy chúng sanh cùng thành giác đạo, nhưng do căn cơ, khí lượng bất nhất, nên lại tùy thuận cơ nghi, dần dần khuyến dụ khéo léo, vì Thật lập ra Quyền để tiếp dẫn. Đợi đến khi họ đã được lợi ích nơi Quyền, bèn khai Quyền hiển Thật cùng quy vào bí tạng, mới biết nguyên do “tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai biệt; Phật như, chúng sanh như, nhất như, vô nhị như”. Có thể nói là giương Phật nhật trong không trung chiếu khắp cõi đất, trao Quả Giác cho đứa con nghèo cùng, sai nó nối ngôi đấng Pháp Vương.

Nhưng do văn từ quá nhiều chẳng thuận tiện cho kẻ sơ cơ, nên Ngẫu Ích đại sư mới thâu tóm những nghĩa trọng yếu, soạn ra sách Cương Tông. Những chỗ nào ý nghĩa bị ẩn kín bèn giải thích đại lược để người học biết hết ý nghĩa Như Lai thuyết giáo và pháp nương theo Giáo để tu Quán. Có chỗ giống như chỉ dẫn đi về núi báu, trao thẳng Ma Ni bảo châu cho. Từ đấy, hiểu rõ: Không chỉ Đệ Nhất Nghĩa Đế “viên diệu bất sanh bất diệt, chẳng phải có, chẳng phải không” là tâm ấn của Như Lai, mà ngay cả những pháp thiên – nhân – Quyền – Tiểu v.v… và những lời lẽ xử sự trong đời, những nghề nghiệp để kiếm sống v.v… không gì chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa Đế, đều là tâm ấn của Như Lai. Ví như vẽ rồng điểm mắt, rồng lập tức bay lên. Do pháp không có tự tánh, chuyển biến do tâm, người căn cơ viên mãn thọ pháp, không pháp nào chẳng viên.

Mặc Am Pháp Sư dùng cách thích nghĩa (giải thích ý nghĩa) để chú thích dưới mỗi phần. Lại còn soạn phần Kỷ[1] để mong người đọc vừa đọc đến liền hiểu rõ. Người học có được bộ sách này đỡ tốn tâm lực, lại dễ lãnh hội, may mắn chi bằng? Trưởng lão Pháp Dụ chùa Bảo Luân tại Duy Dương muốn in lại để truyền bá rộng rãi, sai Quang giảo chánh những chỗ sai lầm và trần thuật duyên khởi vậy.

***

[1] Tức phần tóm tắt những ý chính trong một chương.