Lời tựa cho từ đường của Thông Trí pháp sư

(viết thay cho đại sư Ngộ Khai)

 

Kể từ khi Thế Tôn nhập diệt, tứ y hoằng pháp[1], hiện thân Phổ Môn, hiện hình trong sáu nẻo, nghịch – thuận, ẩn – hiển, đủ mọi phương tiện tùy thuận cơ nghi đều làm cho độ thoát. Diệu hạnh thần thông chẳng thể nghĩ bàn ấy chỉ bậc thánh mới làm được, chứ phàm chẳng thể sánh bằng. Nếu hiện làm thân sa-môn thì ly trần thoát tục, dựng cao pháp tràng, chấn hưng tông phong, lưu thông pháp hóa, nối huệ mạng của Phật. Đấy chính là diệu hạnh thông thường hoằng truyền xiển dương Phật giáo của bậc Pháp Thân đại sĩ và phàm phu đại tâm. Do hai hạnh này nên theo chiều ngang thì trọn khắp mười phương, theo chiều dọc thì tột cùng ba đời, không một nơi nào chẳng nhận được Phật quang, không một ai chẳng được gội ân Phật.

Đến khi pháp truyền sang Chấn Đán (Trung Hoa), hai ngàn năm qua, bậc hoằng pháp đại sĩ rộng truyền pháp hóa, Tông thuyết đều thông, Định – Huệ đều bình đẳng, hiện thân thuyết pháp dùng đức khuất phục người, quạt gió Chân trong nhà lửa, tuôn mưa Pháp nơi ruộng tình, độ khắp ba căn, thống nhiếp các cơ, ai nấy khôi phục thiên chân sẵn có, cùng chứng giác đạo nơi tâm. Vì thế, vua quan quy mạng, dân chúng dốc lòng thành kính, rộng nêu lẽ huyền, giúp đỡ chánh trị. Công lao, dấu tích lớn lao ấy khó thể thuật trọn. Dù những bộ như Cao Tăng Truyện, Truyền Đăng Lục ghi chép hơn trăm quyển, vẫn chỉ là một hai phần trong ngàn vạn phần mà thôi! Trong đời gần đây, có vị xưa đã gieo cội đức, thị hiện sanh trong gia tộc lớn, mắt nhìn xuyên thế giới nổi trôi, một vai gánh vác bến bờ lớn lao; ngồi yên nơi đạo tràng viên thông, thâm nhập Bảo Vương tam-muội, cùng tu cả Thiền lẫn Tịnh, gồm thâu Tông – Giáo, hiện tướng lưỡi rộng dài diễn dương rộng lớn Viên Tông, duỗi cánh tay bình đẳng tiếp độ khắp ba căn, ngay nơi phàm tâm chỉ ra Phật tâm, gồm thâu vạn hạnh về một hạnh. Người như vậy chỉ có vị thầy quá vãng của tôi là Thông Công pháp sư vậy.

Sư húy là Tầm Nguyên, tự Thông Trí, biệt hiệu Ức Liên Sa Môn. Họ ngoài đời là Nguyễn, người huyện Nghi Trưng, Dương Châu, là con thơ của Trung Đường Nguyên Công, sanh nhằm giờ Mùi, ngày mồng Tám tháng Ba năm Quý Mão, tức năm Đạo Quang 22 (1842)[2]. Bà mẹ Sư là X… người kinh đô. Đến khi Nguyên Công qua đời, do xung khắc với con cái dòng đích quá mức, mẹ Ngài bèn đem con trở về kinh đô, ở nhờ nhà ông cậu. Đến lớn, Sư tướng mạo khôi vĩ, tiếng nói sang sảng, tánh ưa Đạo thuật (thích tu tiên), chẳng mong làm quan, chỉ muốn làm vị thần tiên trường sanh, tấm lòng phóng khoáng, dạo chơi Bồng Đảo[3], thường tiếc nuối vì chẳng gặp được bậc chân nhân[4].

Đến năm Đồng Trị thứ 12 (1873), tuổi tròn 21, ngẫu nhiên đến chùa Long Tuyền, gặp hòa thượng thủ tòa là ngài Bổn Nhiên, thông suốt giáo lý, thấu triệt Thiền Tông. Sư cho rằng đây là bậc đắc đạo cao nhân, bèn nêu điều mình thường ấp ủ. Ngài Bổn Nhiên cười: “Ông vô cớ vứt bỏ thiên chân Phật tánh mình sẵn có để cầu làm thần tiên chưa chắc đã được và chẳng thể ra ngoài bảy đường được! Bỏ vàng gánh gai, nhận tớ làm chủ. Ông có tướng mạo như thế, sao lại có chí kém hèn đến thế?” Sư bèn bỏ ngay lòng mong mỏi ấy, cầu được nhiếp thọ. Ngài Bổn Nhiên nhân đó cho xuống tóc tại chùa Thất Tháp ở kinh đô, [chùa ấy] là chi phái của chùa Thạch Phật. Từ đó, thường thân cận vị thầy thọ nghiệp của mình, nghiên cứu giáo điển, quyết chí tu trì. Đến năm Quang Tự thứ 4 (1878), thọ Cụ Túc Giới ở chùa Vân Cư tại Kinh Tây. Do nghĩ mình mới hiểu biết giáo lý thô lược, chưa tròn bổn phận, kể chuyện ăn, đếm của báu nào được lợi ích gì, Sư bèn cất bước du phương, tham học khắp các bậc Tông tượng. Đến năm Quang Tự thứ 14 (1888), dự vào hội chúng của Tín Chân lão nhân ở chùa Phật Đảnh Sơn tại Phổ Đà, thầy trò đạo hợp, được trao tâm ấn, được nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai.

Năm ấy, Sư diễn giảng kinh Lăng Nghiêm ở chùa Pháp Vũ. Từ đấy, suốt hơn mười năm thường được mời giảng, mỗi kỳ thính chúng cả mấy trăm người. Sư riêng tâm đắc nơi kinh Lăng Nghiêm, do vậy bèn soạn sách chú thích, muốn cho lý Đại Phật Đảnh, tánh thường viên thông được hiển hiện toàn thể, không còn bị ẩn giấu chút nào. Soạn thành sách Khai Mông (chỉ điểm cho những người còn mờ mịt, chưa hiểu biết) gồm mười quyển, nay đã được Tịch Công[5] chùa Vạn Thọ ở Duy Dương cho khắc ván lưu thông. Tiếc là Sư bẩm tánh thật thà, chỉ chú trọng đến cội gốc, chẳng quan tâm đến nhánh ngọn. Chỉ muốn phát huy sao cho lý tánh được triệt để hiển lộ, giãi bày trọn vẹn; còn chuyện chọn chữ dùng từ, chưa xét kỹ càng, đến nỗi tác phẩm bị mắc khuyết điểm rối ren, thiếu sót. May là còn được bậc tác gia[6] có đủ con mắt gọt dũa sửa đổi trở thành vườn pháp hoàn bích, thành gương báu cho Lăng Nghiêm.

Sư bình sanh chí tại Lăng Nghiêm, nhưng hạnh tại Tịnh Độ. Nhật khóa niệm Phật ba vạn tiếng, thề cầu vãng sanh. Sáng ra trì chú Đại Bi tàn một cây hương để làm Trợ Hạnh, muốn cho hữu tình trong hiện tại, tương lai đều cùng sanh Tịnh Độ. Do vậy, đối với những bộ Di Đà Sớ Sao và [Di Đà Sớ Sao] Diễn Nghĩa, Yếu Giải, Tiện Mông Sao, Thế Chí Viên Thông Sớ Sao đều cho in khắc, lưu truyền, bảo với những người đến học: “Thiền Tông gọi là giáo ngoại biệt truyền (truyền riêng ngoài giáo), nhưng Tịnh Độ mới thật sự là giáo nội chân truyền. Phải biết chân truyền ở đây chính là biệt truyền ngoài biệt truyền vậy! Các ông phiền hoặc chưa đoạn, đạo nghiệp chưa thành. Chớ có nên phán đoán sai lầm[7], đề cao Thiền Tông, miệt thị Tịnh Độ, đến nỗi lúc lâm chung, nghiệp thức mờ mịt, không có gì để nương tựa. Dù có Phật lực đại từ đại bi chẳng thể nghĩ bàn, nhưng vì không tin nên không cách gì nương cậy được! Vẫn y như cũ nương theo ác nghiệp lực, luân hồi trong đường ác từ kiếp này sang kiếp khác, trọn chẳng có kỳ ra! Chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ sao?”

Sư giảng kinh Lăng Nghiêm, đối với bảy chỗ gạn cái tâm, mười phen chỉ chỗ thấy, đều chỉ rõ khai ngộ trong cõi này khó khăn, chứng đạo trong Tịnh Độ dễ dàng! Đến chương Thế Chí lại ân cần khuyên dạy chẳng tiếc sức thừa, muốn cho pháp hội đại chúng ai nấy đều nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, liền theo ngài Thế Chí tự chứng viên thông. Đối với chỗ “những kẻ do ác nghiệp trầm luân trong bốn đường, do thiếu Định Huệ nên đọa vào Ngũ Ấm Ma”, Sư lại cực lực chỉ bày lẽ được – mất, đau đáu dạy lẽ lợi – hại. Với mỗi điều đều lệ ứa theo từng tiếng, âm thanh nghẹn ngào, thường nói:

“Không biết Tịnh Độ [thì thấy] Lăng Nghiêm là bậc công thần hàng đầu để đả phá Tịnh Độ. Hiểu sâu Tịnh Độ [thì thấy] Lăng Nghiêm quả thật chính là hướng dẫn tốt lành để hoằng dương Tịnh Độ! Xem kinh mà thiếu con mắt chọn lựa pháp (trạch pháp nhãn) ắt cô phụ ơn Phật, phần nhiều là như thế! Các ông chớ nên coi cơ phong chuyển ngữ của Thiền Tông là thật pháp, xem Tịnh Độ chẳng đáng tu trì! Phải biết trong hội Hoa Nghiêm, Hoa Tạng hải chúng cùng phá vô minh, cùng chứng Pháp Thân, vẫn phải dùng mười nguyện vương để hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật quả. Các ông là người như thế nào mà dám chống lại các vị ấy? Trên cô phụ Phật giáo hóa, dưới phụ bạc tánh linh của chính mình. Chư Phật gọi đó là kẻ đáng thương xót”.

Hơn mười năm qua, Sư hoằng kinh các nơi như mây trôi chim bay, không ở nơi nào nhất định, thường hay dừng nghỉ nơi chùa Thiên Đồng ở Tiểu Bạch Lãnh, nơi chùa Vạn Thọ ở Duy Dương và am Phổ Huệ nơi núi này, do chủ nhân hai nơi ấy (tức chùa Thiên Đồng và chùa Vạn Thọ) đều là bậc tôn đức trọng đạo. Hơn nữa, am chủ của am Phổ Huệ là ngài Giác Công, về mặt truyền thừa pháp là đồng môn, giao hảo không trái nghịch. Đến mùa Đông năm Bính Ngọ tức năm Quang Tự 32 (1906), Ngài thị hiện mắc bệnh tại chùa Dục Vương. Mùa Xuân năm Đinh Mùi (1907), Giác Công liền đón về am, tận tình chăm sóc, được hơn hai tháng, mấy hôm trước bữa lâm chung, thần khí tươi tỉnh, dũng mãnh niệm Phật. Đến giờ Mùi ngày mồng Ba tháng Tư, chắp tay niệm Phật, ung dung qua đời, thọ sáu mươi lăm tuổi, Tăng lạp 35 năm. Toàn thân được nhập quan, an táng nơi rặng Tổ Yến phía sau Phật Đảnh Sơn, là chỗ do các vị như Văn Chánh hòa thượng v.v… đã xây dựng sẵn làm chỗ yên nghỉ.

Do Sư bình sinh tánh ưa vắng lặng, không ở nhất định một nơi, nên không thế độ ai. Môn nhân nối pháp nơi núi này chỉ có sư Nguyên Thông và kẻ bất tiếu là Ngộ Khai. Ở bên ngoài dù có, nhưng không biết hết. Chỉ sợ chuốc lấy tiếng dị nghị thân – sơ nên nhất loạt không ghi. Ô hô! Những năm xưa kia, Khai từng nhiều lần dự pháp hội, nhiều phen được nghe viên âm, nhưng chưa thấu hiểu tự tánh. Sư cho rằng đứa con yếu ớt này có thể dạy được nên phó chúc sẵn. Lúc ấy, tuy hết sức thẹn thùng, vẫn mong có ngày giải ngộ. Nào ngờ chưa diệt được các ma, bậc pháp tướng đã mất; độc dược chưa tiêu, từ phụ đã bỏ đi. Buồn thay! Bến bờ của chúng sanh, huệ mạng của Như Lai phó thác cho ai? Biết gởi gắm vào đâu? Thà tự chết đi, chẳng nỡ nhìn thầy mất. Chỉ mong Sư nương Phật lực, sen nở Thượng Phẩm, chứng Vô Sanh Nhẫn, lên địa vị Bất Thoái, mau nương bổn nguyện, rủ lòng từ tế độ. Ngõ hầu có thể nương vào oai thần của Sư, thoát đường hiểm mau lên bảo sở, giải quyết hết phiền hoặc trong tâm thức tôi, triệt chứng chân thường. Dùng tiền tiên sư để lại, dựng lập từ đường, lược thuật những nét chính để lưu lại mãi mãi, ngõ hầu pháp duệ đời sau ngửa trông gương sáng của tiên đức, quyết chí học đòi theo.

***

[1] Tức y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức.

[2] Theo biên niên sử, năm Đạo Quang thứ 22 (1842) là năm Nhâm Dần, còn năm Quý Mão nhằm năm Đạo Quang 23. Tính đến năm Đồng Trị thứ 12 (1873) thì ngài Thông Trí đã 31 tuổi, chứ không phải 21, không rõ ấn bản Ấn Quang Văn Sao này có bị khắc lầm hay không?

[3] Theo truyền thuyết, ngoài Đông Hải có ba hòn đảo tên Bồng Lai, Doanh Châu, Phương Trượng là nơi tiên ở. “Dạo chơi Bồng Đảo” có nghĩa là mong được thành tiên.

[4] Trong Đạo giáo, thường gọi những vị tu tiên đắc đạo là Chân Nhân. Về sau, danh từ này bị lạm xưng; những đạo sĩ phàm tục, chưa tu chứng gì, nhưng có địa vị, quyền thế, hay đứng đầu một đạo quán cũng được xưng tụng là Chân Nhân. Đến cuối đời Minh – Thanh, hầu như đạo sĩ nào cũng được gọi là Chân Nhân.

[5] Tức ngài Tịch Sơn (xin xem lại lá thư 123, Tổ Ấn Quang có nói đến chuyện này).

[6] Vị tác gia ở đây chính là ông Lê Đoan Phủ, xin xem lại lá thư 123 và 124 trong Văn Sao, Quyển 2

[7] Nguyên văn là “thiết bất khả thác nhận định bàn tinh” (chớ nên đọc sai vạch cân), “định bàn tinh” là những vạch khắc trên cán cân. Do vậy, chúng tôi dịch phỏng theo ý là “phán đoán sai lầm”.