Lời tựa cho tác phẩm Quảng Trường Thiệt

Pháp không có tướng nhất định, hễ hợp căn cơ thì là tốt đẹp. Cùng là một pháp nhất vị, nhưng đức Như Lai giảng nói bằng nhiều phương cách. Giống như cỗ ngon quý báu của bậc Đại Sĩ, nếu gặp được người trưởng thành liền dọn hết cả ra để họ được ăn no. Nếu gặp trẻ thơ, do chúng chẳng thể tự cắn nuốt được, ắt phải thay chúng cắn xé nhỏ ra, mớm cho chúng, ngõ hầu làm lợi cho thân tâm của chúng để chúng mau được trưởng thành.

Cư sĩ Khổ Hạnh đã dùng những lời rõ ràng gần gũi để diễn tả đại lược về pháp môn Tịnh Độ phổ độ chúng sanh của Như Lai với ước mong làm cho những kẻ chưa phát tâm sẽ nhanh chóng sanh lòng tin, để sau đó họ nghiên cứu các kinh, luận, trước thuật của Tịnh Độ sẽ được hưởng lợi ích thật sự. Hơn nữa, những lời đơn giản, rõ ràng như thế thật ra đã được tuyên dương bởi tướng lưỡi rộng dài của Như Lai, là đại pháp môn vô thượng viên đốn thành thủy thành chung để mười phương chư Phật phổ độ chúng sanh và chúng sanh trong chín giới viên thành Phật đạo. Vì thế, lấy từ ngữ Quảng Trường Thiệt (lưỡi rộng dài) làm tựa đề nhằm mong những ai chưa phát tâm hễ đọc đến sẽ liền phát tâm. Cố nhiên người đã nhập môn sẽ chẳng cần đến; nhưng cách thức cắn ăn hay mớm cho trẻ thơ thì người nuôi nấng trẻ thơ vẫn cần phải tìm hiểu, suy xét. Tuy chính mình chẳng cần đến, nhưng cũng không thể chẳng chuẩn bị cho người sơ cơ! (Tháng Mười năm Quý Hợi, tức năm Dân Quốc 12 – 1923)