Lời tựa cho sách Trùng Đính Tây Phương Công Cứ

(năm Dân Quốc 19 – 1930)

Sách Tây Phương Công Cứ lưu truyền trong cõi đời đã lâu; tuyển chọn sao lục những ngôn luận hoặc tỉ mỉ hoặc giản lược khác nhau. Có bản xếp kinh Di Đà, chú Vãng Sanh vào đầu sách, cũng có bản chẳng chép. Nhưng bên trong có in hình Tam Thánh, đài sen chín phẩm, trên đài sen có những vòng tròn để người [niệm Phật] chấm vào đấy hòng ghi nhớ số [câu đã niệm] thì [các bản in] đều giống nhau. Đa số các bản in, với mỗi đài sen thuộc chín phẩm đều vẽ một tượng Phật. Tiếp đó, chọn lọc những khai thị thiết yếu xưa nay và những sự tích rõ ràng, ngõ hầu người đọc sanh lòng tín nguyện quyết định, chắc chắn nhờ vào đó để vãng sanh. Dụng ý sâu đậm, chu đáo làm sao, nhưng do niệm xong, hoặc [do người niệm] đã khuất, bèn đốt đi, thật cảm thấy mắc lỗi hủy hoại kinh tượng. Một cuốn sách tốt đẹp lợi người rốt cuộc bị phó cho ngọn lửa, chẳng những uổng phí một món vật quý báu, lại còn chẳng thể lợi lạc rộng khắp. Nếu giữ lại để truyền cho đời sau thì do khuyên chấm đen đúa, lem luốc, khó gợi hứng thú cho người đọc được. Suy đi nghĩ lại, thật khó thể nào thích hợp!

Bạn tôi là Dật Nhân sắp xếp nội dung sách lại theo một thứ tự khác: Đầu tiên là kinh, chú, nghi thức niệm Phật. Kế đến liệt kê các khai thị rõ ràng, rộng rãi, giản dị, gần gũi từ xưa đến nay, rồi lại chú trọng đến cách thức trợ niệm khi lâm chung, ngõ hầu chẳng đến nỗi công lao [niệm Phật] sắp thành công lại bị quyến thuộc vô tri phá hoại. Tiếp đó là những giải thích đại lược về Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, Tứ Đế, Tứ Liệu Giản và một trăm bài ca tụng Phật hiệu để cho người sơ phát tâm biết đại lược ý nghĩa. Tu chỉnh thành một bản hòng giữ lại đọc vĩnh viễn. Cách thức dùng chín phẩm [đài sen] để ghi nhớ số [câu đã niệm] được in riêng thành một quyển, kèm theo cuốn chánh để giúp hành giả nhớ số rồi thiêu đi trong tương lai. Cách này rất hay, bèn cho ấn hành để biếu tặng rộng rãi, mong sao hết thảy những người cùng hàng đều được vãng sanh.

Phải biết lợi ích của [pháp môn] Tịnh Độ nếu chẳng phải là Phật sẽ không thể biết được! Do vậy, trong hội Hoa Nghiêm, những vị [Bồ Tát] sau khi đã chứng Đẳng Giác vẫn dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh. Trong Quán Kinh, [kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác] lúc sắp đọa A Tỳ, niệm chưa đủ mười tiếng liền dự vào chín phẩm, quả thật có thể nói là mười phương tam thế hết thảy Như Lai, trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, không vị nào chẳng bắt đầu bằng pháp này và đến cuối cùng quy kết về pháp này! Nguyện khắp những người cùng hàng ai nấy đều sanh chánh tín.