Lời tựa cho sách Niệm Phật Khẩn Từ

Pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, thích hợp khắp ba căn, bình đẳng nhiếp thọ phàm lẫn thánh. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài, dưới là tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cũng có thể dự vào trong số ấy. Dạy dỗ không phân biệt, hễ ai sanh chánh tín đều được lợi ích thật sự, hoàn thành ngay trong đời này. Kẻ trọn đủ Phiền Hoặc vẫn dự vào dòng thánh. Dường như biển cả dung nạp khắp trăm sông, như thái hư chứa khắp muôn hình tượng. Nếu Như Lai chẳng lập ra pháp này thì chúng sanh đời Mạt ai có thể đoạn Phiền Hoặc để liễu sanh tử, thoát Ngũ Trược, vượt khỏi tam giới? Ấy là vì hết thảy pháp môn đều phải nương vào đạo lực Giới – Định – Huệ để đoạn Phiền Hoặc tham – sân – si. Nếu đạt đến mức có sức Định Huệ sâu, đoạn sạch được Phiền Hoặc thì mới có phần liễu sanh tử! Nếu chưa thể đoạn sạch Phiền Hoặc, dẫu cho anh có đại trí huệ, có đại biện tài, có đại thần thông, biết được quá khứ, vị lai, muốn đi liền đi, muốn đến liền đến, vẫn chẳng thể liễu thoát được; huống chi những kẻ kém cỏi hơn ư? Cậy vào tự lực để liễu sanh tử sẽ khó lắm, thật khó như lên trời vậy!

Nếu nương theo pháp môn Niệm Phật, sanh lòng tin phát nguyện niệm thánh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận xuất gia hay tại gia, sĩ, nông, công, thương, già, trẻ, trai, gái, sang, hèn, hiền, ngu, chỉ cần nương theo giáo pháp tu trì, đều có thể nương vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh thì Định – Huệ chẳng mong được mà tự được, Phiền Hoặc chẳng mong đoạn mà tự đoạn. Thân cận Di Đà, thánh chúng, vẫy vùng nơi đất vàng, ao báu. Nương theo duyên thù thắng ấy để trợ thành đạo nghiệp, để những người đới nghiệp vãng sanh sẽ lên thẳng [địa vị] Bất Thoái, những vị đã đoạn được Hoặc vãng sanh sẽ mau chứng Vô Sanh. Đấy toàn là cậy vào đại bi nguyện lực của A Di Đà Phật và sức tín nguyện niệm Phật của chính người ấy, cảm ứng đạo giao mà được lợi ích lớn lao ấy; so với kẻ chuyên cậy vào tự lực thì khó – dễ khác biệt vời vợi như trời với đất.

Nhưng thường có kẻ ngu cam phận kém hèn, chẳng dám gánh vác. Cũng có kẻ học đạo tự xưng là Đại Thừa, nghĩ [pháp này] chẳng xứng để tu tập. Nếu biết kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, được bạn lành dạy Niệm Phật, chưa đủ mười tiếng đã được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương thì kẻ cam phận kém hèn sẽ dấy lòng [tu trì]. Kinh Hoa Nghiêm là vua cả Tam Tạng, trong chỗ quy tông cuối cùng [của bộ kinh ấy], Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương, khuyên Thiện Tài và khắp Hoa Tạng hải chúng nhất trí tiến hành cầu sanh Tây Phương để mong viên mãn Phật Quả. Sao lại dám coi pháp môn này là Tiểu Thừa? Huống chi Thiện Tài đã chứng Đẳng Giác, hải hội [thánh chúng] đều chứng Pháp Thân, các vị ấy còn cầu sanh, ta là hạng người nào mà [nghĩ pháp này] chẳng xứng để tu tập? Chẳng những dựng cao tràng kiêu mạn mà còn là hủy báng kinh Hoa Nghiêm. Muốn phô trương hư danh Đại Thừa, đích thân tạo cái họa báng pháp cùng cực vậy!

Nếu kẻ ấy một hơi thở ra không hít vào được nữa, cảnh giới Hoa Tạng thế giới chẳng thể nghĩ bàn vốn thường mong mỏi đều biến thành cảnh khổ A Tỳ địa ngục, chịu đựng đầy ắp [những hình phạt] để đền cái lỗi thuyết pháp trái nghịch kinh điển, tự lầm, lầm người. Đến khi nghiệp báo sắp mãn, mới tỉnh ngộ, liền phát tâm niệm Phật, liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Khổ thay! May mắn thay! Nguyện những ai học Đại Thừa đều dự ghé vào Hoa Tạng hải hội thì tự lợi, lợi người cũng lớn lắm. Phàm những ai tu pháp môn Niệm Phật thì phải chú trọng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, khuyên khắp những người cùng hàng cầu sanh Cực Lạc. Nếu làm được như thế thì “vạn người tu, vạn người đến”, quyết chẳng sót một ai!

Ông Trịnh Bá Thuần ở huyện Bảo Sơn tỉnh Vân Nam là bậc học rộng ngầm tu, thoạt đầu nghiên cứu kinh Dịch để mong hiểu thấu gốc đạo của Nho giáo, tiếp đó nghiên cứu cặn kẽ nguyên ủy kinh điển luyện đan để mong hiểu được bí quyết chân thật của thuật bảo vệ tánh mạng. Sau đấy, lại bỏ đạo luyện đan để tham Thiền, biết tự lực chẳng bằng Phật lực, cuối cùng chuyên tu pháp môn Niệm Phật, miệt mài lấy việc “mình lẫn người đều cùng sanh Tây Phương” làm chí hướng, sự nghiệp, gởi thư xin quy y, liền được pháp danh là Đức Thuần. Ấy là vì pháp môn Niệm Phật tuy nhiếp khắp các pháp Thiền, Giáo, Luật, Mật, nhưng tu trì nơi địa vị phàm phu cố nhiên phải lấy thuần nhất không tạp làm gốc. Ông ta còn phát khởi đại tâm mạnh mẽ, muốn lợi lạc khắp những người cùng hàng, do vậy bèn soạn cuốn Niệm Phật Khẩn Từ để mong trí hay ngu đều biết rõ. Lời lẽ tuy nông cạn, gần gũi, nhưng lý thật sâu xa, như cái mốc chỉ lối cho người đi đường, như kim chỉ nam cho người đi biển; nương theo đó mà hành sẽ có thể về đến quê cũ, lên được bờ kia. Do vậy, tôi bèn trình bày duyên do Tự Lực và Phật Lực ngõ hầu những ai thấy – nghe đều tu trì vậy.