Lời tựa cho sách Danh Sơn Du Phỏng Ký

Trí thức của con người không nhờ vào học vấn, lịch duyệt sẽ không thể nào khai thông được! Nhưng những cuộc đất thánh đạo tràng nơi danh sơn trong thiên hạ sẽ dễ gây xúc động, phát khởi chí hướng “mong thành thánh thành hiền” nơi con người nhất, có quan hệ đối với chuyện lập thân, tu nghiệp, thành đức, đạt tài cũng lớn lắm. Vì thế, xưa nay những người nhiệt tâm sẵn chí “tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha” thường chẳng ngại nhọc nhằn bươn bả tới thăm để mong những cảnh mình được trông thấy, những gì mình ngộ nhập sẽ bồi bổ thân tâm, mở mang, phát khởi trí thức của chính mình.

Trong số những vị đi khắp nơi thời cổ thì có hòa thượng Thiên Tuế Bảo Chưởng[1] vốn là người Trung Thiên Trúc, sống tại Thiên Trúc khoảng năm trăm năm, vào cuối đời Hán mới đến phương này. Trải qua các thời Tam Quốc, hai triều Tấn (Tây Tấn và Đông Tấn), Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy cho đến năm Hiển Khánh thứ hai (657) đời Đường Cao Tông, Ngài đã một ngàn lẻ bảy mươi hai tuổi mới nhập diệt. Vì thế, phàm là những danh sơn, thánh đạo tràng khắp Nam – Bắc [Trung Hoa], không đâu Ngài chẳng đích thân đến thăm viếng và ở lại nơi ấy. Đến cuối đời Minh, Tử Bách tôn giả cũng đi thăm khắp các danh sơn. Do Sư một ngày đi được hơn ba trăm dặm nên tuy không thọ bằng ngài Bảo Chưởng nhưng những nơi Sư đến thăm cũng gần bằng ngài Bảo Chưởng.

Trong giới Tăng – tục gần đây chỉ có cư sĩ Cao Hạc Niên là đi du lịch rộng xa nhất. Phàm tứ đại danh sơn, Ngũ Nhạc, Chung Nam, Thiên Thai, Nhạn Đãng, La Phù, Kê Túc, Võ Đang, Vân Cư, Lô Nhạc, Hoàng Sơn đều đã từng tới một lần hoặc tới đôi ba lần. Phàm địa thế, tình hình nhân sự cùng những di tích cổ xưa, thắng cảnh, và đạo tràng, chùa miếu, cũng như tất cả những sự tích của các bậc cao tăng, danh sĩ ở những nơi ông ta đã đi qua đều chép lại đầy đủ dựa trên những điều thưa hỏi được. Một là nhằm để an ủi những kẻ do chẳng thể hành cước nên không cách nào biết được những dấu tích thù thắng tại các thánh đạo tràng, hai là có thể dùng làm một tài liệu hướng dẫn lớn lao cho hàng sơ cơ học Phật biết lối tìm thầy hỏi bạn.

Vì thế, trong Dân Quốc nguyên niên (1912), Phật Học Tùng Báo từng sao lục [và đăng tải những bài ghi chép này] để dâng tặng những người có cùng chí hướng. Đến nay, các vị cư sĩ Vương Nhất Đình, Hứa Chỉ Tịnh, Nhiếp Vân Đài, Địch Sở Thanh, Giản Ngọc Giai lại muốn tập hợp những bài viết ấy thành một cuốn sách để độc giả được đọc toàn bộ. Điều này cũng chưa bao giờ chẳng phải là sự hướng dẫn ban đầu để dẫn người khác vào được biển Phật vậy!

***

[1] Ngài Bảo Chưởng (?-657) là người Trung Ấn Độ, được cõi đời xưng tụng là Bảo Chưởng Thiên Tuế Hòa Thượng (vị Hòa Thượng tay báu ngàn tuổi). Theo truyền thuyết, lúc ngài sanh ra tay trái nắm chặt mãi đến bảy tuổi mới mở ra, nên có tên là Bảo Chưởng. Ngài đến Trung Hoa vào đầu thời Tam Quốc (khi Tào Tháo còn chưa phế vua Hán), vào đất Thục (Tứ Xuyên) tham lễ Phổ Hiền Bồ Tát. Sư thường nhịn ăn, hằng ngày tụng kinh Bát Nhã đến hơn một ngàn quyển. Một bữa, đột nhiên bảo đại chúng: “Ta nguyện trụ thế một ngàn năm, nay đã sáu trăm hai mươi sáu năm rồi!” Vì thế, có danh xưng là Thiên Tuế. Sư từng tham phỏng Ngũ Đài, Lô Sơn v.v… Không lâu sau, Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa, Sư bèn đến hỏi đạo, được khai ngộ. Từ năm Trinh Quán 15 (641), Sư ở lại chùa Bảo Nghiêm tại Bồ Giang, chơi thân với Lãng Thiền Sư, thường sai một con chó trắng đưa thư, Lãng sư sai con vượn xanh đưa thư đáp lời.