Lời tựa cho nghi thức niệm tụng của đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ Linh Nham Sơn Tự

(năm Dân Quốc 27 – 1938)

Nghe Di Đà thệ nguyện, dạy chúng sanh phương hướng “tâm làm, tâm là” thích hợp khắp chín giới. Pháp môn Tịnh Độ là đạo thành thủy thành chung của Như Lai, thỏa thích lớn lao bản hoài của Phật. Phật, Tổ xuất thế đều lập pháp thuận theo cơ nghi. Kẻ độn căn đời Mạt nên chọn lấy pháp vừa khế lý lại vừa khế cơ để chuyên ròng dốc sức, ngõ hầu nương theo Phật từ lực, vượt ngang ra khỏi tam giới, ngay trong một đời này giải quyết xong xuôi đại sự sanh tử chẳng thể dễ dàng giải quyết trong trăm ngàn vạn kiếp. Linh Nham là ngôi chùa cổ được khai sáng từ thời Đông Tấn, trải các đời Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, bao lượt được sắc tu[1]. Những vị Trụ Trì xưa kia phần nhiều chẳng thể tra cứu được; còn những vị Trụ Trì đời Tống phần lớn là bậc đại lão nhà Thiền, vì thế đạo phong đứng đầu miền Giang – Chiết. Sau đấy mãi đến tận đầu đời Thanh vẫn cứ như vậy, [lịch sử truyền thừa của nhà chùa] đã được ghi chép trong sách vở, ở đây không cần phải ghi cặn kẽ.

Gặp loạn Hồng Dương, chùa cháy tan hoang, vị Tăng tên Niệm Thành ở trong tháp báu, gặp đúng lúc ông Bành Cương Trực lên chơi núi, chuyện trò hợp ý, bèn tra xét rõ ràng ruộng đất. Nhân đấy, dựng hơn mười gian điện đường, nhưng vẫn chưa sắp xếp Tăng sĩ tu hành [nơi đây]. Đến đời Tuyên Thống, vị Tăng sống ở đấy do bị mất y, đánh lầm người lui tới. Người dưới núi bèn kéo nhau đến [hỏi tội], ông Tăng liền bỏ trốn. Tất cả đồ đạc trong chùa đều bị những kẻ kéo đến dọn sạch. Vị hương thân là Nghiêm Lương Xán do thấy danh sơn vô chủ, bèn bảo vị Tăng chùa Bảo Tạng là Minh Hú thỉnh thầy vị Tăng ấy là Hòa Thượng Chân Đạt đến tiếp nhận. Hòa Thượng Chân Đạt phát nguyện sau này tìm được người thích hợp sẽ giao cho người ấy chuyên tu pháp môn Tịnh Độ. Lập ra cách thức chẳng giống với những nơi khác, chuyên nhất niệm Phật, nhất loạt chẳng thực hiện hết thảy Phật sự mang tính cách thù tiếp. Bắt đầu từ năm Dân Quốc 15 (1926), hơn mười năm qua, nghiễm nhiên trở thành một đạo tràng lớn mà chẳng cầm sổ hóa duyên.

Mỗi ngày tu trì chẳng khác gì đả Phật thất. Khi mở Phật thất chỉ thêm lễ cúng dường Phật, hồi hướng trước bàn linh mà thôi. Bất luận [thí chủ] thỉnh bao nhiêu vị [Tăng tham dự niệm Phật] đều là cả chùa cùng niệm, đem số tiền cúng dường của thí chủ [với ý định] mời bao nhiêu vị [tham dự niệm Phật] chia đều cho cả chùa. Vì thế chẳng lập danh sách [những vị Tăng được mời tham dự Phật thất], do không lập danh sách nên không bị tỵ nạnh “ghi tên người ta mà chẳng ghi tên tôi!” Nếu làm Phật sự thù tiếp các nơi thì chánh khóa (khóa tụng chánh yếu) của chùa ắt bị gián đoạn. Khi Linh Nham đả Phật thất, công khóa chỉ có tăng thêm chứ không giảm. Vì thế, tuy công khóa nghiêm ngặt, nhưng mỗi kỳ Phật thất số người đến ghi danh thường là ba bốn chục, chỉ có mấy người bỏ đi mà thôi. Ăn uống giống hệt nhau, không phân biệt chủ, khách, hay người làm công. Chùa này đúng là chùa thập phương:

1. Trụ Trì bất luận là Thiên Thai, Hiền Thủ, Lâm Tế, Tào Động, chỉ lấy “giới hạnh tinh nghiêm, tin sâu pháp môn Tịnh Độ” làm chuẩn. Chỉ truyền hiền, chẳng truyền pháp[2] để dứt thói tệ pháp quyến riêng tư.

2. Truyền thừa Trụ Trì luận theo thứ tự, chẳng luận theo thế hệ, để tránh thói tệ bậc cao đức phải ở dưới kẻ đức hạnh tầm thường.

3. Không truyền giới, không giảng kinh, để khỏi bị chèo kéo, dao động, nhiễu loạn chánh niệm. Trong chùa tuy hằng ngày thường giảng, nhưng chẳng thăng tòa và níu kéo người ngoài đến nghe.

5. Chuyên nhất niệm Phật, trừ đả Phật thất ra, nhất loạt không làm hết thảy Phật sự thù tiếp.

6. Bất luận là ai chẳng được thâu nhận, thế độ đồ đệ trong chùa.

Trong năm điều hễ trái một điều nào, lập tức ra khỏi chùa. Khóa tụng sớm tối phần lớn giống như công khóa thông thường, nhưng cũng có chỗ khác biệt. Người mới đến nếu không có kinh sách để xem, chắc là sẽ hiểu lầm. Vì thế, Giám Viện là Diệu Chân đại sư tính sắp xếp, ấn hành, cậy tôi viết lời tựa. Do vậy, tôi lược thuật duyên khởi như vậy đó.

***

[1] Chùa được triều đình xuống chiếu cấp tiền trùng tu hay cử người đứng trông nom trùng tu thì gọi là “sắc tu”.

[2] Ý nói: Chỉ truyền ngôi Trụ Trì theo đức hạnh của người đáng làm Trụ Trì, chứ không vì người ấy thuộc cùng sơn môn hay là pháp quyến mà truyền ngôi Trụ Trì.