Lời tựa cho [ấn bản] Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh được viết theo lối chữ Khải để tặng đại chúng đọc tụng

Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh chúng sanh và Phật cùng sẵn đủ, trọn chẳng hề tăng – giảm. Phật do rốt ráo chứng nên an trụ Tịch Quang, thụ hưởng pháp lạc Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Chúng sanh do triệt để mê nên khởi Hoặc tạo nghiệp, chịu nỗi khổ sanh tử luân hồi huyễn vọng. Tuy là tịnh – nhiễm bất đồng, khổ – vui sai khác, nhưng tánh Chân Như mầu nhiệm sẵn có vẫn tự chẳng tăng, chẳng giảm! Chúng sanh chỉ có Tánh Đức, trọn chẳng có Tu Đức, nên chẳng thể thụ dụng được, ngược ngạo nương theo sức công đức của diệu tánh ấy để tạo ra cái nhân sanh tử, chịu quả luân hồi. Do nhân duyên ấy cảm Phật dấy lòng từ bi, thị hiện sanh trong thế gian, tùy cơ thuyết pháp, khiến cho ai nấy đều theo đường về nhà, biết lấy hạt châu trong chéo áo, ngõ hầu chẳng đến nỗi cô quạnh, lênh đênh, không nơi nương tựa.

Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh chính là nhân bí mật để viên mãn Bồ Đề của tam thế chư Phật, là diệu hạnh để tiến về giác đạo của hết thảy Bồ Tát, cho nên gọi là Thủ Lăng Nghiêm (Śūrangama). Tiếng Phạn Thủ Lăng Nghiêm, tiếng Hán là Nhất Thiết Sự Cứu Cánh Kiên Cố (hết thảy sự rốt ráo cứng chắc). Nhất Thiết Sự là gì? Chính là hai pháp tâm và cảnh; nói rộng ra là Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại. Nhất Thiết Sự (hết thảy mọi sự) này đều là toàn thể đại dụng của Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, vốn tự cứng chắc, trọn chẳng có các tướng sanh, diệt, sạch, nhơ, tăng, giảm, nhưng chúng sanh mê chân đuổi theo vọng, trái giác hợp trần, dù tâm hay cảnh đều thành huyễn vọng, đều là sanh diệt, đều chẳng cứng chắc!

Vì thế, do ngài A Nan thưa hỏi phương tiện ban đầu để mười phương Như Lai thành tựu Bồ Đề, Xa Ma Tha, Tam Ma[1], Thiền Na mầu nhiệm, Như Lai liền gạn hỏi cái tâm, chỉ rõ cái Thấy, lần lượt [giảng về] Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại để hiển thị “mỗi mỗi đều là Như Lai Tạng, thuận theo tâm chúng sanh, thuận theo nghiệp mà tỏ lộ” khiến cho họ khai ngộ. Kế đó, hai mươi lăm vị thánh nhân, mỗi vị chứng [một pháp] Viên Thông [riêng biệt] trong hai mươi lăm pháp, [mỗi vị tường thuật pháp Viên Thông do chính mình đã chứng] nhằm chứng thực lời giảng ấy. Kinh này nhằm thích ứng với [năng lực] đa văn của A Nan và căn cơ “tánh nghe nhạy bén nhất” của cõi Sa Bà. Do vậy, đức Văn Thù chọn lựa [pháp Viên Thông] bèn chỉ chọn [phápViên Thông của] Quán Âm.

Pháp môn Tịnh Độ Niệm Phật thích hợp trọn khắp căn cơ của hết thảy chúng sanh trong mười phương ba đời; do vậy, được kể sau pháp [Viên Thông] của ngài Di Lặc, trước [pháp Viên Thông của đức] Quán Âm, nhằm ngầm nêu ý nghĩa thích hợp khắp mọi căn cơ! Nếu không, sẽ kể pháp này sau pháp của ngài Hư Không Tạng[2], trước pháp của ngài Di Lặc. Luận sát sao về những pháp môn thông thường thì phải đoạn sạch Phiền Hoặc mới có thể liễu sanh thoát tử, chỉ có bậc thượng thượng lợi căn nhất mới có thể giải quyết xong ngay trong đời này! Nếu chẳng phải là loại căn tánh ấy thì hoặc hai, ba, bốn, năm đời, hoặc hai, ba, bốn, năm kiếp, hoặc thậm chí từ trần sa kiếp này sang trần sa kiếp khác vẫn luân hồi trong lục đạo, [kẻ như vậy] nhiều lắm! Bởi cậy vào sức Giới – Định – Huệ của chính mình để đoạn sạch Hoặc nghiệp phiền não tham – sân – si cho nên khó khăn. Huống chi đang nhằm thời Mạt Pháp, căn cơ con người hèn kém, thọ mạng ngắn chủn, tri thức hiếm hoi, tà ma, ngoại đạo tung hoành, hễ chánh kiến hơi thiếu liền bị đọa vào lưới ma ư? Chỉ có pháp môn Tịnh Độ đặc biệt “cậy vào thệ nguyện từ bi của đức Di Đà và sức tín nguyện ức niệm của chính mình”, đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương [là thỏa đáng]! Nếu là hạng Thượng Thượng Căn sẽ mau chứng Vô Sanh, dẫu là kẻ Hạ Hạ Căn vẫn được dự vào dòng thánh! Lợi ích ấy làm sao diễn tả được? Nghĩa này là nghĩa quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm; đừng vì Quang là kẻ kém cỏi mà cho là sai lầm, bịa đặt!

Nếu chúng ta có thể đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha như con nhớ mẹ, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối để niệm, thì hai tầng công phu “xoay cái niệm để niệm nơi tự tánh” của đức Thế Chí và “xoay cái nghe để nghe nơi tự tánh” của đức Quán Âm sẽ hòa lẫn trong một tâm để niệm hồng danh vạn đức của Như Lai. Lâu ngày chầy tháng, cái tâm nghiệp thức chúng sanh sẽ trở thành Như Lai Bí Mật Tạng, đấy gọi là “dùng Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân”. Người có duyên gặp được, mong chớ coi rẻ. Đấy là đường vào cửa Niết Bàn của vi trần đức Phật, huống gì chúng ta là người đời Mạt Pháp há dám chẳng noi theo? Cuối cùng, [kinh] chỉ bày nghiêm ngặt bốn thứ giới luật để bồi đắp nền tảng ấy, nói cặn kẽ công đức của thần chú [Lăng Nghiêm] ngõ hầu [hành nhân] được nương tựa, bảo vệ.

Kinh giảng cặn kẽ nhân quả của mười pháp giới, mỗi mỗi đều là theo nghiệp hiện ra. Chỉ rõ cảnh Ngũ Ấm Ma hòng [người nghe] biết kẻ công hạnh sâu vẫn còn có chuyện bị ma dựa tạo tội đọa địa ngục, huống hồ kẻ sơ tâm ư? Xem kinh thoạt đầu là bảy chỗ gạn tâm, mười phen tỏ rõ cái Thấy, lần lượt giảng đến Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại, tầng tầng khai thị khiến cho vị căn tánh nhạy bén nhất là A Nan viên ngộ Tạng tánh (tức là cái được nhà Thiền gọi là đích thân thấy được “bản lai diện mục trước khi được cha mẹ sanh ra”), vậy thì đại triệt đại ngộ quả thật chẳng dễ dàng gì! Phần sau kinh [nói về hành giả đã có] sức Thiền Định sâu rồi, đã phá được hai Ấm là Sắc và Thọ, vẫn bị ma mê hoặc, đánh mất chánh kiến, tạo các ác nghiệp, sống vướng phép vua, chết đọa địa ngục. Do vậy biết: Muốn liễu sanh tử chỉ cậy vào Tự Lực thì nguy hiểm, khó khăn chẳng thể nào sánh ví được! Nguyện những người cùng hàng hãy nương theo pháp “nhớ Phật, niệm Phật” của đức Thế Chí và lời dạy mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc của đức Phổ Hiền để cùng với các vị Bồ Tát trong Hoa Tạng Thế Giới Hải nhất trí tiến hành cầu sanh Tây Phương, đấy mới thật là kế sách vẹn toàn vậy!

Cư sĩ Trí Mậu Hứa Văn Thanh chép kinh Lăng Nghiêm theo lối chữ Khải để tặng những liên hữu trong Giác Xã đọc tụng; hai vị cư sĩ Cù Trí Hồng, Diệp Thánh Phương mua giấy. Chép xong, xin Quang viết lời tựa. Do Quang thấy Giác Xã là đạo tràng niệm Phật, theo đúng lý thì phải nêu tỏ ý nghĩa thắng diệu của pháp môn Tịnh Độ, ngõ hầu những kẻ ham cao chuộng xa chẳng đến nỗi chuyên trọng tự lực, vứt bỏ Phật lực, rốt cuộc trở thành kết quả “cầu thăng hóa đọa, biến khéo thành vụng!” Vì vậy, lời lẽ tựa hồ bàn luận tràn lan, viễn vông, hủ bại. Dẫu có ai vì điều này mà quở trách, cũng chỉ thưa A Di Đà Phật, A Di Đà Phật mà thôi!

***

[1] Xa Ma Tha (Śamatha) có nghĩa là Chỉ (ngưng dứt), Tịch Tĩnh, hay Năng Diệt, là một trong bảy tên của Thiền Định. Do chú trọng đến tác dụng lắng đọng tâm không bị ngoại cảnh lay động khiến tâm được tịch tĩnh, nên gọi là Chỉ, hàm nghĩa ngưng dứt mọi tán loạn.

Tam Ma là gọi tắt của Tam Ma Địa (Samādhi), hay còn được phiên âm là Tam Muội hay Tam Ma Đề. Dịch nghĩa là Đẳng Trì, Chánh Định, Định Ý v.v… tức là xa lìa hết thảy lao chao, hôn trầm, chuyên tâm nơi một cảnh.

[2] Hư Không Tạng (Ākāśa-garbha) có nghĩa là phước trí hai tạng đều vô lượng, rộng lớn như hư không, không có ngằn mé. Ngài lưu xuất vô lượng pháp bảo, thí khắp cho người cầu muốn, lợi lạc chúng sanh. Ngài được đặc biệt tôn sùng trong Mật giáo và Thiên Đài Tông Nhật Bản. Đông Mật Chân Ngôn Tông Cao Dã Sơn phái của Nhật Bản còn lưu truyền câu chuyện tổ sư Không Hải nhờ trì chú của Hư Không Tạng Bồ Tát mà trí huệ mở mang, sang Trung Hoa học Mật với ngài Huệ Quả, lãnh hội được tinh nghĩa của Mật giáo chỉ trong vài ba năm, trở thành Sơ Tổ Mật Tông Nhật Bản. Trong kinh Đại Tập có hai pháp hội chuyên giảng về Hư Không Tạng Bồ Tát. Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát dạy về pháp Viên Thông quán Không Đại.