Lời tựa cho cuốn Văn Sao Trích Yếu

Thuốc không sang – hèn, thuốc chữa được bệnh là thuốc hay. Pháp không tinh – thô, pháp hợp căn cơ là pháp diệu. Pháp môn tu trì vô lượng vô biên, bọn độn căn đời Mạt thật khó thể thông hiểu trọn khắp. Huống hồ đã không chứng nhập thì làm sao có thể đạt lợi ích cho được? Quang túc nghiệp sâu nặng, hạnh trong hiện đời nhỏ yếu, lạm dự vào Tăng chúng đã năm mươi năm. Một câu Phật hiệu vẫn chưa trì đến mức “tâm và Phật tương ứng”, nói gì các thứ pháp môn khác! Mười mấy năm qua thường có những người lầm nghe lời kẻ khác ngỡ Quang là tri thức đến nỗi gởi thư từ qua lại để cầu khai thị. Cố nhiên Quang nghiêm túc giữ bổn phận, đem những gì chính mình biết được và chính mình tu tập thưa trình. Nếu người hỏi kiến thức cao minh, trí huệ rộng lớn, liền xin người ấy hãy chuyển sang hỏi bậc cao nhân, quyết chẳng dám đem sự hèn tệ của chính mình để ngăn giữ người, đến nỗi họ chẳng thể đạt đến chỗ cao minh, khuất lấp thiên tư, tài đức của họ.

Có kẻ bảo Quang nghiêm cấm người khác đọc tụng, nghiên cứu kinh luận Đại Thừa, chẳng biết phàm ai đến chỗ Quang xin dạy bảo, nếu như [người thưa hỏi ấy] thân vướng vít trong lưới tục, hoặc tuổi tác đã cao; đối với những kẻ bận bịu công việc, tháng ngày chẳng còn mấy, mà vẫn dạy họ xem đọc, nghiên cứu tràn lan, trước hết chẳng dạy họ hiểu rõ rệt thấu triệt nguyên do của pháp môn Tịnh Độ, chắc họ sẽ có phần gieo thiện căn, hiểu giáo lý, đối với chuyện liễu sanh thoát tử, sợ sẽ chẳng có hy vọng gì bởi chỉ chú trọng đọc tụng, nghiên cứu để mong khai ngộ tự chứng, chẳng còn chú trọng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Họ chẳng biết phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp, muốn cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử ngay trong đời này còn khó hơn lên trời. Vì vậy, Quang chẳng nề hà bị chê bai, giãi tấm lòng thành bảo ban.

Có những kẻ chẳng hiềm lời lẽ hủ bại của Quang là ô uế bèn lưu truyền, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao. Lại có người chọn lấy những ý cốt yếu, phân loại, biên tập đặt tên là Gia Ngôn Lục. Cư sĩ Lý Huệ Thực ở huyện Thái lại muốn trích lấy những lời phù hợp kẻ sơ cơ để dẫn dắt những ai từng đọc sách Nho nhưng không hiểu rõ nguyên do vì sao Nho và Thích “đồng nhưng bất đồng, bất đồng nhưng đồng” sẽ học Phật, tổng cộng là bấy nhiêu bài đó, tính in ra để lưu truyền rộng khắp, cậy tôi viết lời tựa. Tôi nói: “Đã có Gia Ngôn Lục, cần gì lại phải in trích yếu?” Ông ta đem những ý trên đây để cố thỉnh, đành thuật những điều chánh yếu vậy!