Lời tựa cho cuốn Thích Môn Pháp Giới Lục

(năm Dân Quốc 26 – 1937)

Đức Như Lai chẳng xuất hiện, cõi đại thiên giống như đêm dài. Phật nhật đã chiếu khắp, các pháp đều rạng rỡ. Chẳng riêng gì tam thừa thánh nhân mau lên được bờ giác, mà còn khiến cho hàm thức[1] trong sáu đường đều dần dần thoát vòng khổ. Phật dùng một âm diễn thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loại đều hiểu. Ví như một trận mưa nhuần thấm trọn khắp, cây cỏ mỗi loài tự sum xuê; một vầng trăng hiện bóng khắp nơi, nơi sông biển tùy mỗi người thấy khác. Chỉ rõ Phật tánh sẵn có, chúng sanh và Phật vốn đồng. Dạy rõ do tu trì thuận hay nghịch [Phật tánh] mà phàm – thánh thật khác biệt. Chia ra nói thành năm thừa, để mong [chúng sanh] theo đường về nhà. Chẳng lập một pháp ngõ hầu hiểu gốc mà biết ngọn. Ngũ tánh[2], tam thừa cùng về một đạo; Tứ Đế, Lục Độ chẳng ngoài một tâm. Hết thảy pháp Thiên, Viên, Đốn, Tiệm, pháp pháp dung nhiếp. Hết thảy hạnh Đại, Tiểu, Quyền, Thật, hạnh hạnh viên thông. Đây chính là quy củ lớn lao nuôi dạy hàng ngàn căn cơ của đức Như Lai, là nghĩa lý lớn lao trong giáo pháp suốt cả một đời đức Phật.

Xét từ lúc đạo Phật được hưng khởi vào đời Chiêu Vương nhà Châu[3], đạo truyền khắp cõi Tây Càn (Ấn Độ), đến đời Hán Minh Đế, pháp được truyền sang Đông Chấn (Trung Hoa). Thoạt đầu chỉ được hoằng truyền nơi đất Bắc, đến đời Ngô mới bắt đầu truyền xuống phương Nam. Từ đời Tấn trở đi, đạo được truyền khắp trong nước, ngoài nước: Cao Ly, Nhật Bản, Tiêm La (Thái Lan), Diến Điện đều cùng được gội pháp hóa của Phật trong thời ấy. Ngài La Thập ở Quan Trung[4], Viễn Công tại Lô Sơn, công huân hoằng pháp không ai to lớn bằng. Do vậy, pháp được truyền đến các nước, đều được bình đẳng hưởng ơn Phật. Từ đấy trở đi, đến thời Đại Đường, kinh, luận, pháp môn thảy đều trọn vẹn. Tính chung những tông lớn thì có năm tông là Luật, Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Cố nhiên tri thức các tông đều thông suốt các pháp, nhưng để hoằng dương thì hoặc kiêm, hoặc chuyên, chỉ mong sao khế cơ, nên không nhất định! Đa số là bậc đã chứng thánh quả, thừa nguyện thị hiện, hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Khi sống được vua quan khâm phục, kính ngưỡng, dân chúng tôn sùng; mất đi, trời người buồn khóc, cầm thú kêu ai oán. Làm bậc thầy mô phạm cho cõi đời khi ấy, làm cầu bến cho đời sau. Đạo đức lợi ích nói chẳng thể cùng!

Rặng Côn Luân tuy sanh ngọc, vẫn có đá tảng; rừng chiên-đàn phần nhiều thơm ngát, vẫn sanh cỏ thối. [Đó là vì chư Tăng] hoặc thừa nguyện thị hiện bệnh hạnh[5], hoặc do mê tâm nên phạm Thanh Quy. Dấu tích của những lợi ích bị mất mát và những khổ báo chiêu cảm đều đáng để khơi gợi thiện tâm cho người đời sau, răn dạy đời Mạt phải gắng chí, vĩnh viễn là gương soi về sự trái đạo nghịch pháp trong pháp môn. Vì thế, chưa chắc [những gương phạm giới ấy] đã là trái nghịch sự giáo hóa của Phật, mà là nhằm khiến cho con người y giáo phụng hành vậy.

Cư sĩ Quách Hàm Trai ở Hồ Nam xem rộng rãi các sách vở, tiện tay sao lục những chuyện đáng để làm gương, đáng để răn dè được bao nhiêu đó chuyện, đặt tên là Thích Môn Pháp Giới Lục với chí nguyện mong mỏi lợi lạc mọi người. Nhưng do tuổi đã già suy, tinh thần chẳng đủ, chưa thể sắp xếp trước sau theo từng triều đại được, thật chưa được thỏa đáng lắm, nhưng sách khiến cho người đọc bắt chước theo, đề phòng, răn dè thì nào có trở ngại gì! Phần Phụ Lục cuối sách là một số đoạn giáo huấn thiết yếu trích lục từ Vân Thê Pháp Vựng. Phần trước là những hạnh đẹp đáng noi theo, phần này chính là những lời tốt lành. Miệng thường tụng, tâm thường nghĩ những lời hay hạnh đẹp của cổ đức sẽ giống như người nhiễm hương, thân tự có mùi thơm, dù kẻ ấy ương bướng, kém cỏi đến đâu cũng trở thành bậc “tri hành hợp nhất”[6], huống là những bậc đại chí một bề mong thành thánh thành hiền, học Phật, học Tổ, lợi ích ấy làm sao lường được? Nguyện tứ chúng học Phật thấy người hiền mong được bằng, thấy kẻ chẳng hiền trong lòng tự phản tỉnh thì pháp môn may mắn lắm, thế giới may lắm thay!

***

[1] Hàm thức (Sattva), còn được dịch là Hữu Tình, Chúng Sanh, Hàm Linh, Hàm Sanh, Hàm Loại, Hàm Tình, hay Bẩm Thức. Do hết thảy chúng sanh đều có tâm thức, tức có những chúng sanh có cảm giác, có nhận biết, nên gọi là Hàm Thức. Xin lưu ý, chữ Chúng Sanh hiểu theo nghĩa rộng bao gồm Hữu Tình Chúng Sanh (tức các sinh vật) và Vô Tình Chúng Sanh (những khoáng vật, đồ vật). Từ sau thời ngài Huyền Trang, danh từ Sattva được dịch là Hữu Tình hay Hàm Thức, chứ không dịch là Chúng Sanh vì theo Câu Xá Luận Bảo Sớ: “Những gì do các duyên hòa hợp mà sanh thì được gọi là Chúng Sanh”. Do vậy, Hữu Tình hay Vô Tình (Phi Tình) đều do các duyên hòa hợp mà thành nên đều được gọi là Chúng Sanh. Nhưng trong các bản luận hay sớ giải vẫn quen dùng chữ Chúng Sanh để chỉ hết thảy những loài sanh vật.

[2] Ngũ Tánh là một khái niệm phân chia căn tánh theo tông Hoa Nghiêm, dựa trên căn tánh thành Phật của chúng sanh mà chia thành năm loại:

1. Bất Định Tánh Bán Thành Phật, tức căn tánh bất định, nếu gặp được pháp Nhị Thừa sẽ tu tập pháp Nhị Thừa, nếu gặp pháp Bồ Tát sẽ tu tập pháp Bồ Tát, khả năng thành Phật tùy theo căn duyên nên gọi là “bán”.

2. Vô Chủng Tánh Bất Thành Phật: Chỉ hạng người không có thiện căn, chánh tín, bài bác nhân quả, chẳng chịu nhận lãnh sự hóa độ, cam phận chìm đắm trong sanh tử, chẳng cầu giải thoát.

3. Thanh Văn Tánh Bất Thành Phật: Những người mang căn tánh Thanh Văn, chỉ tu tập pháp Tứ Đế, chứng chân không Niết Bàn, tham đắm không tịch, kinh sợ sanh tử, chẳng muốn độ sanh, tấn tu Phật đạo.

4. Duyên Giác Tánh Thành Phật: Những người mang căn tánh Duyên Giác, chỉ quán Thập Nhị Nhân Duyên, chứng chân không Niết Bàn, cố chấp thiên không, chẳng cầu Phật đạo.

5. Bồ Tát Tánh Toàn Thành Phật: Bồ Tát có thể tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, bi trí song vận, rộng tạo các nhân, chứng quả Bồ Đề.

[3] Theo quan điểm cổ truyền của Phật môn Trung Hoa, đức Phật giáng sanh nhằm thời Châu Chiêu Vương (995-977 trước Công Nguyên).

[4] Lãnh thổ nhà Diêu Tần nằm trong địa phận tỉnh Thiểm Tây, do vùng này nằm lọt giữa các cửa ải Hàm Cốc, Tán Quan, Vũ Quan và Hào Quan nên thường gọi là Quan Trung.

[5] “Bệnh hạnh” là một trong năm hạnh của Bồ Tát, được nói đến trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Theo đó, Bồ Tát vận dụng lòng vô duyên đại từ, vận tâm bình đẳng, nhằm cứu bạt những chúng sanh đang khổ sở phiền não mà thị hiện các hạnh gây tạo tội nghiệp lớn lao. Chữ Bệnh ở đây chỉ cho những tội nghiệp, vì tội nghiệp chính là bệnh nơi thân – khẩu – ý. Chẳng hạn như ngài Ưu Đà Di thị hiện phạm nhiều hạnh bất tịnh để Phật có cơ duyên chế giới, cũng như ngài Đề Bà Đạt Đa thị hiện phá hòa hợp Tăng, thị hiện phạm đại tội Ngũ Nghịch, thị hiện đọa địa ngục A Tỳ để cảnh tỉnh người đời sau về quả báo Ngũ Nghịch, hoặc như Hàn Sơn, Thập Đắc, Tế Điên thị hiện điên khùng, không giữ Thanh Quy đều nhằm hóa độ chúng sanh.

[6] “Tri hành hợp nhất” là học thuyết của Vương Dương Minh (tức Vương Thủ Nhân 1472-1558). Ông chủ trương cái học, cái biết phải đi đôi với việc làm, kiến thức phải phù hợp với hành động, biến những điều đã học thành hành động thực tiễn, chứ không phải chỉ để nói xuông, lòe đời.