Lời tựa cho bộ Phổ Đà Lạc Già Tân Chí

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian, đều do thời tiết nhân duyên mà phát khởi. Vì thế, cổ đức nói: “Thời tiết nhược chí, kỳ lý tự chương” (Nếu đến thời tiết, lý sẽ tự được tỏ rõ), thật là đúng lắm! Quang vì tầm thường, kém cỏi, trăm chuyện chẳng làm được một chuyện nào, ăn bám chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà ba mươi hai năm. Trước kia đọc Phổ Đà Chí, thấy những điều được ghi chép đều là chuyện đạo tràng hưng – suy và những chuyện tầm thường giống như vậy; còn đối với sự lý Bổn – Tích trong các kiếp xưa của Quán Âm Đại Sĩ và nhân duyên cảm ứng nơi phương này thảy đều thiếu sót, sơ sài, khôn ngăn người ta phải thở dài!

Năm Dân Quốc thứ sáu (1917), ba vị cư sĩ Vương Thái Thần, Châu Hiếu Hoài, Trần Tích Châu tới núi thăm viếng. Ông Vương và ông Châu nói: “Phổ Đà là thánh địa đạo tràng của Quán Âm Đại Sĩ, trong nước lẫn ngoài nước đều kính ngưỡng, cớ sao dẹp bỏ giảng tòa đã lâu, nỡ để cho pháp đạo tịch mịch vậy? Xin thầy hãy phát tâm giảng kinh, chúng con sẽ lo liệu chi dụng đầy đủ”. Quang viện cớ kém cỏi cực lực chối từ. Ông Tích Châu liền nói: “Bộ Sơn Chí chưa được tu chỉnh đã lâu, bản in đã mờ mịt rồi, nếu thầy chịu sửa chữa, con sẽ cho khắc in”. Quang nói:

– Chuyện ấy nào phải dễ dàng! Nếu theo như lệ cũ thì bậc văn nhân mới có thể làm được. Nếu đem sự tu chứng về mặt Bổn lẫn mặt Tích của Đại Sĩ trong những kiếp xưa và sự tích cảm ứng nơi phương này mỗi mỗi đều lược thuật những nét chánh yếu khiến cho người đọc đều biết ân Đại Sĩ trọn khắp các cõi nước số lượng nhiều như cát, lòng Từ cứu vớt không ngằn mé; từ đấy phát khởi chánh tín, thân lẫn tâm đều quy y thì gần là được hưởng phước trong cõi trời người, xa là chứng quả Bồ Đề. Nếu không đọc trọn khắp Đại Tạng, tham khảo trọn khắp các sách sẽ không thể [làm được]. Nếu chẳng tỏ rõ các sự lý cảm ứng về mặt Bổn lẫn mặt Tích của Đại Sĩ sẽ trở thành bỏ chủ trọng khách, bỏ gốc lấy ngọn, có khác gì những sơn kinh thủy chí[1] tầm thường đâu? Làm sao có thể tỏ rõ Phổ Đà chính là đạo tràng ứng hóa của Đại Sĩ, lại làm sao có thể tỏ rõ Đại Sĩ chính là cha mẹ đại từ bi của chúng sanh trong pháp giới, có nhân duyên sâu đậm nhất đối với chúng sanh cõi Sa Bà? Nhưng Quang do túc nghiệp, đến nỗi tâm không hiểu biết, mắt gần như lòa, vẫn cần phải sám hối một hai năm, đợi khi nghiệp tiêu trí rạng, chướng hết, mắt sáng, sẽ chẳng tiếc thân mạng, gắng sức thành tựu. Nếu như nghiệp nặng, chẳng thể cảm ứng, trừ khử được nghiệp chướng, thì sẽ qua Giang Tây, cầu cư sĩ Lê Đoan Phủ thay tôi lo liệu công việc này. Vị ấy học thông suốt cả Nho lẫn Thích, văn chương hơn người, ắt sẽ có thể nêu tỏ tấm lòng, sự tích từ bi của Đại Sĩ được!

Năm sau, cư sĩ Từ Úy Như đem Văn Sao ấn hành, khiến cho những người không suy xét tường tận, tưởng lầm Quang là tri thức, từ đấy thư từ qua lại, hằng ngày chẳng rảnh rỗi! Giữa Xuân năm Dân Quốc thứ tám (1919), ông Đoan Phủ quy Tây, cái tâm đã phát trước kia rốt cuộc trở thành lời nói xuông! Mùa Xuân năm Dân Quốc 11 (1922), Tri Sự[2] huyện Định Hải là ông Đào Tại Đông lên núi, nói: “Sơn Chí lưu thông sẽ khiến cho người ta do tin tưởng, đổi dữ hướng lành, bỏ vọng về với chân, quả thật là nhiệm vụ trọng yếu căn bản để vãn hồi thế đạo nhân tâm, hãy nên gấp rút sửa chữa, tu chỉnh”. Do ông Đào tâm hộ pháp tha thiết, lòng cứu thế ân cần, Quang liền cậy chủ nhân hai chùa Phổ Tế, Pháp Vũ khẩn khoản thỉnh ông Đào đích thân đảm nhiệm chuyện ấy. Ông Đào do việc công chẳng rảnh rỗi, bèn ủy thác một vị hương thân trong vùng là ông Vương Nhã Tam đảm nhiệm. Hết thảy sự việc cần thiết thì bên ngoài có ông Đào, trong núi có [hòa thượng] Khai Như đã về hưu[3] châm chước lo liệu. Do không rảnh rỗi nên Quang trọn chẳng hề hỏi đến. Năm sau, ông Đào được thăng chức lên huyện Hàng, nhưng vẫn thư từ qua lại, bàn soạn, lo liệu mọi sự. Nếu chẳng phải là do đời trước đã nhận sự phó chúc của Đại Sĩ, há có thể được như thế chăng?

Thoạt đầu vừa bàn bạc về chuyện tu chỉnh Sơn Chí xong, chưa đầy một tháng, cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh ở Bành Trạch tỉnh Giang Tây đến thăm, vừa gặp mặt đã trở thành bạn thiết. Quang thuật lại nỗi niềm trước kia, rồi đem chuyện soạn Đại Sĩ Tụng gởi gắm, ông ta liền nhận lời. Nếu không phải là Đại Sĩ thầm rủ lòng gia hộ, há có dịp gặp gỡ như vậy hay chăng? Ông Hứa bèn tra duyệt, sưu tập trong khắp kinh tạng và các sách vở, mất cả hai năm mới hoàn thành bản thảo, soạn ra lời văn ca tụng gần đến hai vạn chữ, lại còn chú thích ý nghĩa liền ngay sau đó để người đọc đều biết rõ nguyên do. Lại còn trích lục các kinh để làm chứng cớ rõ ràng. Lời văn ca tụng gồm ba quyển, kinh văn trích dẫn để làm chứng gồm một quyển, tổng cộng hơn ba trăm bảy mươi trang, gởi tới [Phổ Đà] vào đầu Hạ. Ý nghĩa bài tụng đã được trình bày trong lời tựa của ông Hứa, ở đây không nhắc lại nữa.

Thoạt đầu, Quang muốn đặt cuốn này vào đầu bộ Sơn Chí, nay vì số quyển quá nhiều, bèn cho lưu hành riêng ngõ hầu được lưu truyền rộng khắp trong thiên hạ đời sau. Nếu in chung với Sơn Chí sẽ khó thể lưu hành rộng rãi được! (Về sau, ông Đào thấy tụng văn cao trỗi, tuyệt diệu, bảo phải đặt vào đầu bộ Sơn Chí, bèn lược bớt lời chú thích và các dẫn chứng từ kinh điển, chỉ sao lục chánh văn, gộp chung thành một quyển, đặt tên là Bổn Tích Môn, tức quyển thứ nhất [của bộ Sơn Chí]). Nhưng Đại Sĩ từ vô lượng kiếp đến nay, phân thân trong các cõi nước số nhiều như vi trần, cảm ứng dù Bổn hay Tích nếu không phải là đức Phật sẽ chẳng thể biết được! Mấy quyển tụng ấy bất quá là một hạt bụi trong đại địa, là một giọt nước trong biển cả, để kẻ chẳng biết đến lòng đại từ bi sâu xa của Đại Sĩ sẽ tạm biết đại khái! Từ đấy sẽ thẹn thùng, xấu hổ, hào khí bừng bừng nói:

– Cái tâm của chúng ta và tâm Đại Sĩ không hai, không khác, nhưng Đại Sĩ viên thành Phật đạo đã trải kiếp lâu xa, lại do Bi tâm vô tận chẳng lìa cõi Tịch Quang, hiện hình trong chín giới, hiện khắp các sắc thân độ thoát chúng sanh. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay luân hồi sáu nẻo, những kẻ được nhờ ơn Bồ Tát đích thân dẹp khổ ban vui, chẳng biết là bao nhiêu? Mãi cho đến ngày nay, ta vẫn còn là phàm phu, trên đã phụ bạc ân sâu Đại Sĩ cứu vớt, dưới ruồng rẫy Phật Tánh sẵn có của chính mình. Lặng im suy nghĩ, há chẳng thẹn đến chết ư? Ngài đã là trượng phu, ta cũng thế, chẳng nên tự khinh rồi lùi bước, thua sụt.

Do vậy, chuyển phàm tình để dõi theo dấu thánh, đánh đổ lòng ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, dứt lòng tà, giữ lòng thành, sốt sắng làm các điều lành thế gian, kiêm tu Tịnh nghiệp. Lâu ngày chầy tháng sẽ cùng được biến đổi. Bậc thượng sẽ liền có thể đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử ngay trong đời này; bậc hạ đến khi lâm chung, sẽ nương vào Phật từ lực, vãng sanh Tây Phương. Được như thế thì ai nấy đều giữ vẹn lễ nghĩa, ai nấy biết nhân quả, tự nhiên can qua vĩnh viễn dứt, nhân họa vĩnh viễn diệt, mưa nắng đúng thời, quyến thuộc trời thường giáng xuống. Nhiệm vụ căn bản trọng yếu để vãn hồi thế đạo nhân tâm như ông Đào đã nói có phải là đấy hay chăng? Nguyện cho người thấy, kẻ nghe đều cùng phát tâm ngưỡng mộ Đại Sĩ, gắng sức tu tập, may mắn vô cùng! Tán rằng:

Quán Âm thệ nguyện diệu nan tư,
Phó cảm ứng cơ bất thất thời,
Cứu khổ tầm thanh từ hấp thiết,
Hiện thân thuyết pháp nguyệt ấn trì,
Trần sát quốc trung hàm sự tế,
Sa Bà giới nội cánh thùy từ,
Thâm ân cùng kiếp mạc năng tán,
Ký mẫn quần manh phổ hộ trì.
(Quán Âm thệ nguyện diệu khôn lường,
Cảm ứng tùy cơ há trễ tràng,
Cứu khổ tầm thanh: từ hút sắt ,
Hiện thân thuyết pháp: nước in trăng,
Cứu vớt muôn sự trần sát cõi
Sa Bà càng nặng tấm lòng Từ,
Ân sâu hết kiếp khen sao trọn,
Che chở quần manh khắp xót thương)

***

[1] Sơn kinh thủy chí: những sách ghi chép về đặc điểm, lịch sử sông, núi.

[2] Vào đầu thời Dân Quốc, chánh quyền đổi chức vụ Tri Châu, Tri Huyện thành Tri Sự, nhưng chức trách vẫn là người đứng đầu ngành hành chánh một huyện.

[3] Nguyên văn là “thoái cư”, tức là đã từng làm Trụ Trì, rồi nại cớ tuổi già xin thôi, không làm Trụ Trì nữa.