Lời tựa cho bộ Đạo Đức Tùng Thư

Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Khổng Tử khen ngợi Châu Dịch, vừa mở đầu liền nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa. Nhà tích điều chẳng lành, ắt tai ương có thừa). Cơ Tử trần thuật Hồng Phạm, cuối cùng mới nói: “Hưởng dụng ngũ phước, oai dụng lục cực” (thuận theo sẽ được năm điều phước, trái nghịch sẽ bị sáu điều cực) đấy chính là nghĩa “nhân đời trước, quả đời này” vậy. Nho gia trong cõi đời chẳng biết nhân quả, quy hết [mọi chuyện] về sự cai trị của vua. Thế nhưng, tánh tình hung bạo, thọ mạng ngắn ngủi, tấm thân bệnh tật, nỗi lòng lo sầu, cảnh ngộ nghèo cùng, diện mạo xấu xí, thân thể yếu đuối đều do sự cai trị của vua gây ra hay sao? Vu báng sự cai trị của vua, trái nghịch tâm pháp của thánh nhân quá sức!

Đạo “sửa mình trị người” của thánh nhân lấy “sáng tỏ Minh Đức” làm gốc. Công phu bước đầu của làm sáng tỏ Minh Đức chính là cách vật. “Vật” chính là nhân dục tham – sân – si – mạn, trừ sạch hết đi thì lương tri sẵn có tự nhiên hiển hiện. Lương tri đã hiển hiện thì chẳng thể nào ý không thành, tâm không chánh, thân không tu! Kẻ học phải học từ đầu nguồn như vậy mới là thật học. Người căn tánh trung hạ chẳng thể trừ khử nhân dục để thành ý, chánh tâm, tu thân thì dùng thật sự, thật lý nhân quả ba đời và luân hồi lục đạo để giảng nói cho họ, ắt họ sẽ gắng sức làm lành, càng cố ý bỏ ác, dùng “bốn điều đừng” của Nhan Tử và “ba điều phản tỉnh” của Tăng Tử để làm gương báu cho suy nghĩ, khởi niệm, hành xử, sẽ dần dần tự đạt đến chỗ hết sạch nhân dục, đạt được địa vị làm sáng tỏ Minh Đức. Những nhà Nho đời sau kỵ nói nhân quả luân hồi là đã đánh mất phương tiện thúc bách con người chẳng thể không thành ý, chánh tâm, tu thân. Lại còn đặc biệt cao giọng đề xướng để tự khoe bản lãnh cao minh, cho “có gì để làm lành thì đấy chính là ác”. Con người chết đi, hình hài đã mục nát, thần hồn cũng phiêu tán, dẫu bị chém – chặt – xay – giã, sẽ thực hiện vào đâu? Nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo chính là lời dối trá để phỉnh phờ ngu phu ngu phụ tin phụng giáo pháp nhà Phật. Do những lời lẽ ấy, thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt, dẫu có pháp bình trị cõi đời đi nữa cũng đều thuộc ngoài da, trọn chẳng có căn bản!

Vì thế, đến khi gió Âu dần dần thổi sang phương Đông, tất cả những pháp do thánh nhân Trung Quốc lập ra đều bị bỏ đi, học theo văn hóa mới của Thái Tây, biến đổi tận gốc càng thêm dữ dội, những tấn tuồng xấu xa như phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, không hổ thẹn, tranh thành, giành đất, tàn sát lẫn nhau đều thấy diễn ra, đạo làm người gần như bị diệt mất! Do vậy, người có tâm lo cho thế đạo nhân tâm đua nhau cứu vãn, hoặc đề xướng Phật học, hoặc biên soạn thiện thư, không gì chẳng muốn cho con người đều biết nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo, đổi ác hướng lành, dứt lòng tà, giữ lòng thành, sốt sắng hành tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, luyện tập tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hòng tự sáng tỏ Minh Đức, ở yên nơi địa vị chí thiện. Tự giác được giác tâm để khôi phục bầu trời sẵn có, sao cho nhân họa dứt, lễ nghĩa, nhân nhượng thịnh hành, thuận lòng trời thì mưa nắng đúng thời. Cõi đời quay lại thuở Đường, Ngu, con người trở lại hiền thiện. Đấy chính là thâm tâm cứu thế của các vị hữu tâm ở mọi nơi.

Tiên sinh Trần Kính Y ở Hải Môn bác học đa văn, chú trọng tận tụy hành thực tiễn, hiểu nhân rõ quả, cực lực mong giác thế yên dân, soạn ra bộ Đạo Đức Tùng Thư gồm mười lăm loại, văn tự lẫn ý nghĩa đều viên thông, sự lý đích xác, quả thật là món thuốc tốt lành cho căn bệnh trầm kha, là người hướng dẫn trong đường mê. Nếu có thể khắc in lưu hành rộng rãi thì lợi ích há thể tính lường được ư? Nguyện những người có tâm lực, khẩu lực, tài lực đều cùng chú ý.