Lời tựa cho bản chép kinh Pháp Hoa

(năm Dân Quốc 22 -1933)

Kinh Pháp Hoa nghĩa lý rộng sâu, công đức rộng lớn, khai Quyền hiển Thật, thọ ký Thanh Văn thành Phật, việc lành “tán tâm niệm Phật và giơ tay, cúi đầu” cũng đều là cái nhân để thành Phật trong vị lai. Khai Tích hiển Bổn, dạy rõ Như Lai thọ lượng vô biên, quyến thuộc nơi Bổn Địa[1] và diệu dụng lợi sanh của bậc đại sĩ cũng được tỏ rõ triệt để về mặt Bổn lẫn mặt Tích, khiến cho khắp hết thảy chúng sanh đều cùng biết nỗi khổ luân hồi bao kiếp là huyễn vọng, biết Phật tánh sẵn có nơi chân tâm. Từ đó, trên là ngưỡng mộ chư thánh, dưới trọng tánh linh của chính mình, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để mong vĩnh viễn thoát khỏi Ngũ Trược, mau chứng Vô Sanh như trong phẩm Dược Vương Bổn Sự đã dạy. Thỏa mãn bản hoài xuất thế của Như Lai, là sự hướng dẫn tốt lành cho chúng sanh trong chín giới. Lợi ích ấy nếu không phải là Phật sẽ không thể biết được! Do vậy, hễ ai đọc tụng, thọ trì, biên chép, lưu thông, thì công đức ấy phàm phu trong thế gian, Nhị Thừa chẳng thể nào suy lường được!

Tôi thường nói: “Muốn được lợi ích chân thật nơi Phật pháp thì phải cầu từ nơi cung kính. Có một phần cung kính liền tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính liền tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng được mười phần phước huệ”. Phàm những ai đọc tụng, thọ trì, biên chép, đều phải giữ thân – khẩu – ý trong sạch, cạn lòng thành, kiệt lòng kính như trung thần tuân phụng thánh chỉ của minh chúa, như hiếu tử đọc di chúc của từ thân (cha mẹ nhân từ), cung kính run sợ, chẳng dám coi thường thì vô biên lợi ích sẽ tự đích thân đạt được. Nếu khinh mạn, không kính nể, mặc lòng khinh nhờn, cũng giống như những nhà Nho đọc sách Nho trong thời gần đây, trọn chẳng có ý tưởng giống như đang đối trước thánh hiền, chẳng dám nghĩ tưởng dễ duôi, [những kẻ đọc tụng theo kiểu khinh nhờn ấy] tuy cũng có thể gieo được thiện căn đắc độ trong tương lai, nhưng cái tội khinh nhờn, ngạo mạn thật chẳng cạn nhỏ! Vì thế, chẳng thể không chú ý! Do cư sĩ Khế Thành Tào Tung Kiều kính cẩn chép kinh này, muốn cho những người thọ trì đọc tụng sau này đều được lợi ích chân thật, nên cậy tôi lược thuật ý nghĩa. Do vậy, tôi bèn viết bài tựa này để tặng cho. Nếu chẳng coi lời tôi sai lầm thì lợi ích đạt được sẽ chẳng thể hình dung bằng ngôn ngữ, văn tự được đâu!

***

[1] Trong phẩm Tùng Địa Dũng Xuất kinh Pháp Hoa, khi các Bồ Tát từ những phương khác đến dự hội phát nguyện thụ trì, lưu thông kinh này, Phật nói “không cần, vì trong cõi này đã có các vị Bồ Tát phát nguyện hộ trì, lưu thông kinh!” Đức Như Lai nói xong, từ dưới đất vọt lên vô số vị Bồ Tát chẳng thể đếm kể được. Ngài Di Lặc Bồ Tát nhân đấy khởi lòng nghi, hỏi vì sao đức Phật chỉ thành đạo trong thời gian rất ngắn lại có thể giáo hóa vô lượng vô biên vị Bồ Tát như vậy. Tiếp đó, trong phẩm Như Lai Thọ Lượng, đức Phật bèn nói rõ thọ lượng không thể nghĩ bàn của Như Lai, cũng như Ngài đã thành Phật từ bao kiếp lâu xa mà hàng phàm phu chẳng thể hình dung được.