LỜI TÂM HUYẾT

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính thưa quý Thiện hữu gần xa kính mến,

Giáo lý của đạo Phật đã trải qua hơn 25 thế kỷ và ngày càng được phổ biến rộng rãi ở khắp năm châu. Những lời dạy của đức từ phụ Thích Tôn đã để lại cho nhân loại nói chung, Phật giáo đồ nói riêng một kho tàng bất hữu, quả thật hiếm có, như hoa Ưu Đàm ngàn năm mới nở hoa.

Lời dạy của Ngài được ghi lại và được gọi là Kinh. Giáo lý của Phật giáo không chỉ những là một tôn giáo đứng riêng biệt mà giáo lý của đạo Phật là một nền giáo dục, có nền móng vững chắc, bất cứ quốc gia nào hay riêng biệt của cá nhân áp dụng theo lời dạy của Bậc Đại Giác Ngộ thì đều được thấm nhuần trong những giọt nước cam lồ của Pháp vị, làm được vậy thì mỗi mỗi đều được lợi ích và an lạc. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, bất cứ người ở vào tầng lớp nào hoặc là người giàu sang hay khốn khổ, nếu biết áp dụng theo lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống hằng ngày thì có thể được nhiều lợi lạc ngay trong đời hiện tại.

Do dó, việc thuyết pháp giảng Kinh là điều chủ yếu không thể xem là thứ yếu được. Nếu là Phật tử tại gia, mọi người có thể sao chép, in kinh sách rồi đem phát cho mọi người cùng nghe cùng đọc. Hãy giới thiệu cho mọi người biết về trang nhà Phật giáo, nếu như họ có phương tiện truy cập vào mạng.

Đa số người hiện nay cứ nghĩ rằng chỉ cần chuyên nhất vào một phương pháp thực tiện rồi không cần làm phước hay tạo công đức. Việc rất cần cho sự giúp sức trên tiến trình giải thoát của chúng ta. Không thể xem việc làm phước là một thứ yếu được, vì phước chính là chủ chốt của các vấn đề. Vì sao? Vì không phước thì sẽ không gặp được thiện duyên, cũng chẳng có sự trợ giúp của ngoại cảnh. Người có phước gặp được thiện duyên và sự trợ giúp bên ngoài kể cả người và cảnh. Có đủ phước thì mới có đủ nghị lực để tiến bước, nguyện lực dũng mạnh trải qua mọi thử thách, giới luật nghiêm trì giúp thân tâm được thanh tịnh, do giữ giới nghiêm túc mà tâm không chao động (được định) nên sanh ra huệ, do có huệ mà có thể phá vỡ màng vô minh.

Người con Phật phải biết áp dụng ngay vào đời sống của chính mình để thật được lợi lạc ngay trong đời sống hiện tại, chớ chẳng phải đến một cõi xa xăm nào đó. Người con Phật phải biết áp dụng Phước Huệ song tu, nghĩa là vừa tu Phước cũng vừa tu Huệ, Phước Huệ không thể thiếu một trong hai trong đời sống hằng ngày của người con Phật chân chánh.

Người có Phước ví như một thân cây khỏe mạnh, cành lá xanh tươi, hoa trái xum xuê, đươm bông kết trái, người có Trí Huệ ví như gốc rễ của cây. Một ngôi nhà xinh đẹp vừa được xây lên, mọi người đều đưa mắt trầm trộ, với những cảnh trang trí, sơn phết, đầy kiểu lạ mắt rồi đồng cho là đẹp, kỳ thật đa số người chỉ thấy được những cảnh trang trí kia là đẹp, nhưng có khi nào họ để ý đến làm sao được một cảnh trang trí, phòng ốc xinh xắn kia chăng? Hãy hỏi thử nếu không có những đóng góp từ vật dụng như; sắt, đá, xi măng, gạch v.v… làm nền móng thì làm sao có được một ngôi nhà xinh đẹp kia? Người có phước ví như ngôi nhà được trang trí với những cảnh xinh đẹp, người có huệ ví như nền móng của nhà vậy.

Do đó, người Phật tử ngoài tu Huệ thì cũng phải tu phước để được phước báu. Trong đời sống hằng ngày chúng ta là những người chuyên tu theo những pháp môn của Phật dạy để sớm thoát khỏi luân hồi, nhưng cũng phải tu phước vì bất luận là tu theo Pháp môn nào thì cũng phải tu Phước. Vì phước chính là chủ chốt của việc tiến tu, sự giúp sức của huệ là giúp cho chúng ta biết rõ và nhận định rõ ràng những nhân mà chúng ta đang gieo trồng để được chơn phước báu.

Bất luận là ai sống trong xã hội này, đều có thể làm chuyện đó cả, người giàu sang, phú quý cho đến người nghèo nàn, khốn khổ cũng đều làm được. Kinh Phật cũng dạy, khi thấy người làm việc thiện, mình hoan hỷ tán thành, công đức của hai người bằng nhau. Do đó, mà nói bất luận là người nào dù giàu sang hay nghèo khổ cũng đều có thể làm được. Trái lại, nếu mình chống đối, hay không có lòng ủng hộ, không phát tâm tùy hỷ cho việc làm thiện của người khác, phước báu của người đó không mất, mà chỉ thiệt cho mình mất phước báu từ sự tùy hỷ của bản thân.

Về danh và lợi, chúng ta hãy quên chúng đi, đừng chú tâm cũng đừng nghĩ đến nó mà hãy vì trường tồn của chánh pháp (Phật sự), vì sự giúp đỡ chân chánh đối với tha nhân (làm từ thiện trong xã hội) để mang lợi lạc đến cho mọi người với tấm lòng hoan hỷ và tràn đầy hạnh phúc, hãy nghĩ đến những người lầm đường lạc bước, sống trong vòng tội lỗi, đau khổ không lối thoát chung quanh chúng ta.

Phát tâm bố thí tiền tài hay vật chất nào đi chăng nữa cũng chỉ giải quyết được một thời gian nào đó thôi, không khác gì đem tảng đá nè lên cỏ, khi dời tảng đá đi thì cỏ vẫn mọc trở lại như thường. Quí vị có thể sao chép lại những băng về Phật Pháp rồi đem phân phát cho mọi người cùng được nghe chánh pháp và đem lời dạy của Đức Phật áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, để tất cả đều được lợi lạc và gieo nhân cho quả thiện ở tương lai, thử hỏi còn việc làm nào đầy ý nghĩa hơn nữa. Nếu như mình không hội đủ phương tiện để sao chép phân phát cho mọi người, thì có thể chịu khó mang những băng/sách mà mình có cho người khác mượn, và cứ thực hành như vậy với tâm hoan hỷ, thì là một việc làm đáng quý biết dường nào. Chỉ sợ mình không phát tâm để làm chứ không sợ việc làm của mình không thành tựu đạt kết quả, (nhưng phải thận trọng khi phổ biến chánh pháp, hãy xem đó có hợp với chánh pháp và khế lý với đạo không, vì chúng ta hiện đang sống trong thời mạt Pháp, nên phải thận trọng, nếu không chỉ là vô ích hoặc làm trái lại với tông chỉ độ sinh của Phật giáo, nếu có phước báu đi chăng, cũng chỉ là phước báu hữu lậu mà thôi, có thể thưa hỏi với những tôn túc đức cao đạo trọng là những người thật sự có đức hạnh, hoặc quí vị có thể phổ biến những danh sách mà chúng tôi đang phổ biến, và không phổ biến những gì mà chúng tôi không phổ biến nếu như quí vị chưa rõ).

Những sách và băng giảng khi đã nghe qua hay không thích hợp cho mình thì có thể chuyển sang cho người khác để cùng được lợi lạc. Chớ đem chúng cất vào tủ hay chất chồng lên bàn, như vậy sẽ không giúp được gì, mà chúng ta phải cùng nhau sách tấn cùng nhau góp phần lăn chuyển bánh xe Pháp. Để kết duyên lành với nhau và cùng chung xây tòa nhà giải thoát cho mỗi chúng ta.

Phật dạy, trong các pháp thí, bố thí Pháp là việc làm cao cả nhất, và Pháp thí cũng có công đức lớn nhất, vì mọi người sẽ nhờ vào chánh pháp mà áp dụng cải đổi cũng như thực hành và sống trong chánh niệm, giúp mọi người đều được lợi lạc. Thử hỏi nếu mọi người trong xã hội này biết thực hành theo lời dạy của đức Phật, thì tốt đẹp biết dường nào.

Kết quả mong muốn sẽ không đạt được nếu như chúng ta không thực sự sửa đổi và thực hành chơn chánh theo lời dạy của đức Phật. Hy vọng mọi người khi đã có duyên nghe được Pháp Âm, được đọc Kinh sách của Phật giáo, sớm áp dụng vào đời sống sinh hoạt hằng ngày, để đều hưởng được niềm an lạc tối thượng và chân thật trong nguồn pháp vị.

Mọi sai sót, xin nguyện được sám hối,
Mọi công đức xin hồi hướng Pháp giới chúng sinh.

Nam mô A Di Đà Phật, tác đạo chứng minh!
Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát!

Trân trọng,
Tạng Thư Phật Học