Lời đề từ và tựa bản in lại Long Thư Tịnh Độ Văn

(viết thay cho ông Vương Hoằng Nguyện)

Tâm tánh chúng sanh bằng với chư Phật, do mê trái nên luân hồi chẳng ngơi. Như Lai từ mẫn, tùy cơ thuyết pháp, khiến cho khắp hàm thức đều theo đường về nhà. Hiềm rằng căn tánh muôn thứ chẳng giống nhau, nếu không phải người lỗi lạc sẽ khó thể thoát khỏi! Nhân đấy, bèn đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ để nhiếp khắp hết thảy: Thượng trung hạ căn, Ngũ Nghịch, Thập Ác tướng địa ngục hiện, nhất niệm dốc lòng thành, liền lên được bờ kia. Đẳng Giác Bồ Tát đức bằng với Phật, còn phải vãng sanh mới chứng được Bồ Đề. Phàm phu sát đất, đầy đủ phiền não, chẳng chịu niệm Phật, làm sao tốt lành cho được? Nhắn với người đời, cùng sanh tín nguyện, chấp trì Phật hiệu, từ đầu đến cuối không thay đổi, đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, mau ra khỏi Ngũ Trược, lên thẳng chín phẩm, thấy Phật nghe pháp, tự chứng Vô Sanh, nương đại nguyện luân phổ độ hữu tình.

Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn do Như Lai tâm bi triệt để phổ độ chúng sanh, khiến cho những kẻ không có sức đoạn Hoặc, hàng phàm phu sát đất tín nguyện trì danh liễu thoát ngay trong đời này, cùng làm bầu bạn với Quán Âm, Thế Chí. Trên đến Đẳng Giác Bồ Tát địa vị gần với Phật Quả, còn cần phải vãng sanh, mới thành Chánh Giác. Chí viên, chí đốn, thông trên thấu dưới, vượt trội các pháp môn đã được nói trong một đời giáo hóa tại một phương. Vì thế, khi đức Phật giảng kinh Di Đà, sáu phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài cùng một giọng khen ngợi, xưng là kinh Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm. Lại khen đức Thích Ca Thế Tôn ta có thể làm được chuyện hy hữu rất khó, đức Thế Tôn ta tự nêu túc nhân rằng: Ta ở trong đời ác Ngũ Trược, làm chuyện khó khăn này, chứng được Bồ Đề, vì hết thảy thế gian nói pháp khó tin này, thật là rất khó, khiến cho người nghe tin nhận phụng hành, diễn bày rốt ráo bổn hoài xuất thế vậy.

Nhưng pháp môn này rất sâu khó lường, dẫu được Bổn Sư và chư Phật cùng khuyên tin tưởng, thế nhưng kẻ nghi trong đời vẫn còn rất nhiều! Chẳng những thế trí phàm tình không tin, ngay cả những hàng tri thức thâm hiểu sâu xa Tông, Giáo vẫn còn nghi hoặc. Không những bậc tri thức không tin mà ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác đã chứng Chân Đế, nghiệp tận tình không cũng vẫn còn nghi hoặc! Chẳng những hàng Tiểu Thánh không tin, ngay đến bậc Quyền Vị Bồ Tát hãy còn nghi ngờ! Cho đến ngay cả bậc Pháp Thân đại sĩ tuy có thể tin chắc, nhưng vẫn chưa thể thấu nguồn tột đáy. Ấy là vì pháp môn này lấy Quả Giác làm cái tâm để tu nhân, toàn thể là cảnh giới Phật. Chỉ có Phật với Phật mới có thể rốt ráo thấu hiểu cùng tột, trí của những hạng người kia dễ hòng biết được nổi! Bọn phàm phu chúng ta ngửa tin lời Phật, y giáo phụng hành, tự được lợi ích chân thật. Nếu được nghe pháp môn chẳng thể nghĩ bàn này chính là nhiều kiếp đã trồng sâu thiện căn, huống chi còn tin nhận phụng hành nữa ư?

Truy nguyên, từ khi đại giáo truyền sang Đông, Viễn Công sáng lập Liên Xã. Từ đấy trở đi, bậc cao nhân trong Tông, trong Giáo, không ai chẳng hoằng dương, khen ngợi, như Trí Giả, Từ Ân, Thanh Lương, Vĩnh Minh v.v… vì pháp này là môn trọng yếu nhất để nhập đạo cho người sơ cơ, là bước cuối cùng để thành Phật trong kinh Hoa Nghiêm. Do vậy, hạng phàm phu đầy dẫy phiền não nương theo Phật lực để liễu sanh tử, không thể dùng toán số thí dụ để biết được nổi! Nhằm vào thời Nam Tống, bậc tiên đức trong tông ta có cư sĩ Long Thư, tên là [Vương] Nhật Hưu, tự là Hư Trung, thừa nguyện tái lai, dùng thân thuyết pháp: Tuy sống trong trần tục, nhưng chẳng lập gia đình, tuy đậu quốc học nhưng chẳng làm quan, phát huy tâm tông Nho – Phật, dạy dỗ hàng đệ tử có đủ lòng tin. Lại muốn cho đồng nhân đều cùng sanh Tịnh Độ, nên soạn sách này để hướng dẫn rộng khắp. Lời lẽ đơn giản nhưng mẫu mực, lý lẽ sâu xa nhưng rõ rệt, thuận theo căn cơ kém cỏi, khéo léo dẫn dụ dần dần, dốc lòng đau đáu chiều theo tâm họ, không gì chẳng thấu. Sợ họ ngại khó chẳng vào, nên dùng cách Thập Niệm buổi sáng để làm phương tiện tối thắng nhiếp trọn các căn cơ; đợi đến khi vào sâu dần dần, như được thức ăn ngon lành, đã biết mùi vị, liền đối với những pháp nhật dụng sẽ tự khăng khắng vâng giữ, chỉ nghĩ đến Phật, nào phải chỉ hạn cuộc trong [thời gian niệm Phật chừng bằng] một bữa trà; lấy đó làm nề nếp nhất định! Nếu có thể đầy đủ tín nguyện, cả đời kiên trì Thập Niệm, ắt quyết định vãng sanh. Huống chi lại gia công dụng hạnh!

Chẳng phải chỉ có thế, dù cho hoàn toàn không có tín nguyện, không tu trì, nhưng biết đến thánh hiệu Di Đà thì cũng là thiện căn chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Là vì do biết [Phật hiệu] nên hễ gặp cảnh đụng duyên, sẽ có thể đề khởi. Như Trần Xí bị oán quỷ [là những kẻ từng bị] chính ông ta giết chết, kéo đến bức bách; nhờ niệm Phật, quỷ bèn chẳng hiện nữa. Do vậy, cả đời niệm Phật. Lâm chung vãng sanh lại còn có thể quay trở lại tự thuật tiền nhân, đích thân hiện diệu tướng sanh Tây của chính bản thân. Nếu trước kia, chưa từng được nghe biết [danh hiệu Phật] ắt sẽ bị quỷ đoạt mạng, mãi mãi luân hồi. Do vậy, ba phước trong Quán Kinh thì phước đầu tiên là những điều thiện thế gian, đều có thể dùng để hồi hướng, và trong chín phẩm thì phẩm cuối cùng chính là những kẻ tướng địa ngục đã hiện còn được vãng sanh. Còn những ai nhất tâm bất loạn, diệu quán viên thành, chứng tam-muội mà vãng sanh thì không cần phải bàn đến nữa! Do vậy, biết pháp môn Tịnh Độ nhiếp khắp mọi căn cơ hoàn toàn chẳng bỏ sót ai, tốt lành thay, cao quý thay, lớn lao thay!

Sách ấy lấy lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật, ngay trong đời này quyết định được vãng sanh làm Tông. Đọc kỹ sẽ đoạn nghi sanh tín, khuyên khắp mọi người tu trì. Riêng nêu những sự tích vãng sanh để khuyên lơn, cũng như những việc cả một đời Vương cư sĩ đã làm, cuối sách chỉ rõ: Thượng trung hạ căn không căn nào chẳng được thâu tóm. Ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh không pháp nào chẳng phô bày rõ ràng. Do vậy, bèn khắc in phổ biến rộng khắp để hòng đáp tạ chừng bằng một giọt nước biển trong trần sát[1] “công Phật Thích Ca thuyết pháp, chư Phật chứng minh, liệt tổ truyền đăng, tâm đại từ bi soạn sách của Vương cư sĩ” mà thôi!

***

[1] Trần sát là một thuật ngữ trong kinh Hoa Nghiêm, diễn tả số cõi nước Phật nhiều như số vi trần.