Lời bạt cho sách Định Hải Huyện Giám Ngục Giảng Kinh Tham Quan Ký của Hạng Bá Xuy

Việc cai trị trọng nơi đại thể. Đã đạt được đại thể thì chuyện không kể lớn hay nhỏ đều có hiệu quả. Nếu không, chỉ là làm dáng, khó đạt được lợi ích thật sự! Đại thể là gì? Thưa: Chỉ là Thành mà thôi! Người giữ chức vụ cai quản đất nước nếu phát xuất từ lòng Thành thì tuy là dị loại vẫn còn có thể cảm hóa được, huống gì con người là “vạn vật chi linh”? Vì thế, những chứng cứ lạ như hổ chẳng vào cõi, cá bỏ sang chỗ khác v.v… được chép rõ ràng trong sử sách. Sách Đại Học giải thích câu nói “Như bảo xích tử” (như che chở con đỏ) của kinh Thư như sau: “Tâm thành cầu chi, tuy bất trúng bất viễn hỹ”[1] (Dùng tâm thành mà cầu thì dù chẳng trúng cũng chẳng xa vậy). Dùng cái tâm “che chở con đỏ” để che chở dân thì không mưu tính điều gì mà chẳng đúng; nói là “chẳng xa” là vì sợ con người chẳng chí thành đến cùng cực, chứ thật ra là thúc đẩy sao cho chí thành đến mức cùng cực. Đây là lời quyết đoán, chứ chẳng phải là lời nói nghi ngờ, do dự!

Ấp lệnh Định Hải là ông Đào Tại Đông học đạo yêu dân cùng lý tận tánh. Đối với tâm pháp của thánh nhân Nho – Thích đều có sở đắc lớn lao. Lo việc cai trị chỉ lấy lòng tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha làm gốc. Vừa đến nhậm chức, bèn đau đáu nghĩ đến nỗi khổ của kẻ dân ngu không được dạy dỗ, phạm pháp bị tù đày. Nguyên do là chẳng biết những chuyện nhân quả báo ứng, phước thiện họa dâm và sanh tử luân hồi, ác báo trong tam đồ v.v… cứ một mực có dã tâm ích kỷ, chẳng sợ mắc ác báo vì hại người, nên mới bị hãm vào đây. Do vậy, muốn tuyên giảng cho họ những chuyện tam thế nhân quả, lục đạo luân hồi, tam đồ khổ sở, cõi Phật yên vui v.v… ngõ hầu họ hoảng sợ, kinh hãi, mau mắn sửa đổi tâm trước, vâng phục tuân theo, sửa đổi đức sau.

Do vì biết một niệm tâm tánh của chúng ta và một niệm tâm tánh của Nghiêu – Thuấn không hai, với Phật không hai thì ai chịu liếm chút mật trên lưỡi dao để mắc cái họa đứt lưỡi, nỡ để Ma Ni bảo châu tùy ý mưa ra các báu bị chìm đắm vĩnh viễn trong nhà xí, chẳng những trọn không có ích gì, còn thường bị coi là hôi nhơ giống như phẩn vậy! Từ đấy, hành trọn vẹn đạo hiếu hữu nhân từ và Giới – Định – Huệ. Dù chẳng thể ngay trong đời này đạo đức bằng với Nghiêu – Thuấn và chư Phật, nhưng ngựa mong thành ngựa Ký thì cũng là loài ngựa Ký, người mong thành Nhan Hồi thì cũng là hạng giống như Nhan Hồi, sẽ cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh để thành tựu nhân duyên siêu phàm nhập thánh tối thắng. Nếu như chân ngữ, thật ngữ của thánh hiền, Phật, Bồ Tát dạy người chẳng truyền sang phương Đông thì làm sao thỏa mãn tâm ấy cho được? Nhân quả báo ứng thật sự là phương tiện lớn lao để thánh nhân Nho Giáo giữ yên thiên hạ, nhưng lời lẽ của họ đơn giản, sơ sài, khiến cho nhà Nho quá quen nên chẳng xem xét, coi nhẹ, bỏ qua, đến nỗi người bậc thượng chỉ làm một kẻ tự giải thoát, chứ không thể thay đổi phong tục được, còn kẻ bậc hạ bèn tùy ý hoành hành, cốt sao hưởng yên vui một thời. Do vậy, thế đạo nhân tâm mỗi ngày mỗi đi xuống, hết thuốc chữa!

Ông Đào bèn truyền cho hai vị trụ trì chùa trước và chùa sau của Phổ Đà[2], chọn ra từ trong núi những vị Tăng giới hạnh tinh nghiêm, hiểu kinh giáo thông suốt làm thầy giáo hối. Hai vị trụ trì muốn chọn những vị tại gia giỏi giang đảm nhiệm chức vụ ấy, nhưng ông Đào cho rằng: “Dùng lời lẽ để giáo hóa còn bị tranh cãi, chứ dùng thân để giáo hóa, người ta phải thuận theo”. Giáo hóa tù nhân không chỉ ở chỗ có khả năng tuyên thuyết! Do vậy, bèn cử pháp sư Trí Đức đáp ứng lời mời. Đến ngày khai giảng, sự sắp đặt, diễn thuyết, và dự trù chương trình, không gì chẳng đặt căn bản trên lòng Thành, nghiễm nhiên biến nhà ngục thành đạo tràng, biến tù nhân thành pháp lữ, kể từ khi Định Hải lập huyện đến nay chưa từng có chuyện như vậy! Ấy là vì ông Đào biết tù nhân do không được dạy dỗ nên mới phạm pháp, căn cứ vào ý “cách vật trí tri, làm sáng tỏ đức sáng, đạt đến chí thiện, con người ai cũng có thể là Nghiêu – Thuấn, ai cũng đều có thể thành Phật” mà làm chuyện này. Có thể nói là biết đại thể, lòng thành son sắt, chẳng thẹn là bậc cha mẹ của dân.

Ông lại chẳng chê bỏ Quang là kẻ bất tài, đem bài ký sự thăm viếng nhà tù của ông Hạng đưa cho Quang xem. Đọc xong, khôn ngăn mừng rỡ, bèn quên mình hèn kém, ghi đại lược mấy lời bạt dở tệ, ngõ hầu người đọc biết được tông chỉ của việc giáo hóa trong nhà tù và lòng thành của ông Đào, có lẽ người bắt chước làm theo sẽ chẳng phải chỉ có một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy kẻ mà thôi! Tuy nhiên, thuyết pháp không bắt buộc phải sử dụng toàn là Tăng nhân. Những gì được giảng nếu chẳng lấy nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo, sự khổ sở trong tam đồ, sự yên vui nơi cõi Phật làm gốc thì dẫu cho giảng nói diệu nghĩa cảm được hoa trời rơi xuống thì cũng chẳng có hiệu quả thật sự. Vì sao vậy? Vì không gây được xúc động bên trong, như gió lùa qua cây cối, chỉ phớt qua chứ chẳng ăn nhằm gì cả!

***

[1] Câu “như bảo xích tử” trích từ tiết Khang Cáo, chương Châu Thư của kinh Thư (tức sách Thượng Thư). Khang Cáo là đoạn sách ghi lại lời Châu Thành Vương răn dạy Khang Thúc về đạo trị dân. Trong sách Đại Học, Mạnh Tử đã giải thích câu nói “như bảo xích tử” bằng câu: “Tâm thành cầu chi, tuy bất trúng bất viễn hỹ”. Cổ thư thường dùng chữ “xích tử” để chỉ nhân dân, ý nói vua phải thương yêu nhân dân như con do mình dứt ruột đẻ ra.

[2] Tức chùa Pháp Vũ và Phổ Tế.