Linh Cảm Ngũ Bách Danh

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm là tuyển tập 500 Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Mỗi danh hiệu tán dương một bản nguyện, công đức, ứng thân, khuyến tu, hoặc oai lực của Bồ Tát, viết thành một câu khá dài. Phần lớn danh hiệu trích dẫn từ Kinh Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni (266 câu), còn lại dẫn từ nhiều Kinh khác. Do dẫn nhiều bản Kinh nên có những câu tương tự hoặc lập lại để tôn trọng ý Kinh.

Danh hiệu Ngài tượng trưng cho Trí tuệ (Quán) và Từ bi (Thế Âm), những tánh đức của một vị Phật tương lai. Thật ra, Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước, danh hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì lòng thương chúng sanh nên Ngài trở lại cuộc đời để cứu độ qua vô số kiếp, vô số địa phương. Khi ứng thân vô số theo từng tâm niệm chúng sanh, Ngài không những mang hình tướng cao quý hoặc giới bình dân mà lại còn hình tướng loài vật, hoặc hình tướng dễ sợ như Tiêu Diện Đại Sĩ thống lãnh Cô hồn. Với chúng sanh hung dữ, khi lời hiền dịu không hiệu quả thì Ngài cũng dùng biện pháp mạnh, thần thông biến hóa nhưng không bao giờ rời Từ bi, Trí tuệ, Đại định. Vô số Thiên long Bát bộ và Thiện thần cảm ân đức Từ bi Hỷ xả Cứu độ của Bồ Tát mà dõng mãnh phát tâm hỗ trợ Ngài cứu giúp chúng sanh.

Theo ý kiến của nhiều Tôn đức, Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm do một bậc Cao tăng Việt Nam (Ẩn danh) biên soạn. Nhà nghiên cứu Quảng Minh nghĩ rằng bản Kinh này đã sớm có từ đời nhà Trần, căn cứ vào câu “Linh cảm Ngũ bách Danh” trong nghi thức cúng âm linh cô hồn “Thủy Lục Chư Khoa” thịnh hành vào đời nhà Trần, thế kỷ XIII. Bản gỗ khắc in xưa nhất còn được lưu trữ là vào năm Thành Thái Mậu Tuất, mùa Hạ 1898, do chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, tỉnh Hà Nội (nay là Tp. Hà Nội) thực hiện. Bản in này ghi là “trùng khắc”, tức là khắc lại từ một bản in trước đó.

Tổ sư biên soạn Sám pháp không để lại dấu tích. Vào thế kỷ XIII tại Đại Việt (nay là Việt Nam), các bậc Cao tăng Thạc đức, Phật học uyên thâm, tinh thông chữ Hán, đại nguyện hoằng Pháp lợi sanh với tầm nhìn sâu rộng không nhiều, đương thời hẳn có nhiều người biết Ngài?! Nhưng chính tâm đức khiêm nhượng của Ngài đã giúp cho Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm dễ đi vào lòng người và lưu truyền mãi mãi.

Trong khi ca ngợi tha lực “ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ” của Bồ Tát, bản Kinh cũng dành đến 18 câu để nhắc nhở người tu tập nhận ra Phật tánh, tánh Biết-như-thật sẵn có nơi mỗi cá nhân (câu 430-447). Ngoài việc khuyến khích trì tụng Tâm Chú Đại Bi, niệm danh hiệu Quán Thế Âm và Đức Phật A Di Đà, bản Kinh cũng khuyên thực hành thiền định và quy kính Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Cốt lõi của Năm trăm Danh hiệu là khích lệ hành giả nỗ lực tu tập và làm việc thiện để chuyển hóa nghiệp ác, luôn luôn vì an vui, lợi ích cho chúng sanh. Theo đạo lý Duyên khởi, nói đến chúng sanh là đã bao gồm cả bản thân và thân nhân nhiều đời của mình.

Kinh Ngũ Bách Danh cho thấy cách tu tập rất Việt Nam là Thiền Tịnh Mật đồng tu. Mật là trì tụng Tâm Chú Đại Bi; Tịnh là niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ mà về tương lai, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật tiếp nối Đức Phật A Di Đà ở cõi đó; còn Thiền ở đây có hai phần là chỉ và quán. Chỉ là tập trung vào Chú Đại Bi, không nghĩ chi khác (Danh hiệu 376), đây chính là định có tầm có tứ, hay nhất tâm bất loạn. Với tâm lắng yên, hành giả có thể nhìn sâu, nhìn lâu, nhìn kỹ vào lòng sự vật để hiểu đúng, gọi là quán. Bản Kinh nhắc đến 10 phép quán trong Phẩm Phổ Môn là quán chân, quán thanh tịnh, quán quảng đại trí tuệ, quán bi, quán từ, quán diệu âm, quán phạm âm, quán hải triều âm, quán thế âm, quán thắng bỉ thế gian âm.

Năm trăm Danh hiệu sắp xếp từ dễ đến khó, từ cụ thể đến thâm sâu. Trước là kể lại cách tu tập và nguyện lực của Bồ Tát, kế đó là dẫn chứng các bệnh về thân, tâm, nghiệp lực và chướng nạn Ngài có thể giúp tiêu trừ. Lên một bậc nữa, Ngài hướng dẫn cách tiến tu như trì tụng Tâm Chú Đại Bi, thiền định, chuyển hóa thân tâm, làm việc thiện, phát tâm Bồ Đề vì an vui, hạnh phúc cho cộng đồng, nhân loại, tất cả chúng sanh, vì an lành cho nơi cư trú, đất nước, trái đất này. Cuối cùng, Ngài khuyến tấn hành giả mau chứng Tứ quả Thanh Văn, Thập địa Bồ Tát, cho đến Giác ngộ, Giải thoát. Giác ngộ rồi là “thỏng tay vào chợ” hóa độ chúng sanh như 32 ứng thân của Bồ Tát.

Sau 500 Danh hiệu Bồ Tát, có phần sám hối ngắn gọn mà thực tế, thiết tha, cảm ứng, chuyển hóa lòng người. Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm có thể thực hành mỗi lần 10 câu, hoặc nhiều câu hơn, hoặc mỗi chữ một lạy, tùy theo sức khỏe và thời gian mỗi người. Lạy chậm rãi, chắp tay đưa lên thì hít vào, cúi xuống thì thở ra, khi trán chạm đất thì thong thả thở vào, thở ra một vài hơi nhẹ nhàng, không nghĩ gì hết, rồi đứng dậy thì hít vào, thở ra. Như vậy, thực hành lễ lạy vừa dẻo dai cơ thể, trừ nhiều bệnh, vừa sám hối ba nghiệp thân, miệng, ý, dần dần đạt đến thân và tâm là một. Vậy là nương tướng mà vào tánh, tâm với cảnh không hai, người lạy và đối tượng lạy đều đồng một thể rỗng lặng, Phật với chúng sanh không khác.

Để góp phần giới thiệu bản Kinh Linh ứng Mầu nhiệm Cổ truyền của Dân tộc đến các bạn trẻ Việt Nam và quý độc giả tiếng Anh, cùng chia sẻ nguồn tài liệu tham khảo với quý hành giả, đệ tử chúng con không quản tuổi già, sức mọn, xin mạo muội và cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Anh. Bản chuyển ngữ và chú thích gồm ba ngôn ngữ: chữ Việt, chữ Anh, chữ Hán. Đây cũng là duyên lành cho chúng con tu học Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm. Và, nhận ra tha lực của Ngài là những trường hợp “cấp cứu”; qua cơn khổ nạn, mỗi người nên “Tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp”.

Chúng sanh vô số lượng, khổ nạn vô cùng tận, cho nên Bồ Tát vận dụng Pháp thí để dạy dỗ, khéo léo hướng dẫn người đời tu học Phật pháp và các cách áp dụng đúng để lợi mình, lợi tha, tự giác, giác tha. Rồi Bồ Tát khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm quý báu đó cho người lân cận. “Tha” là khác, lợi tha và giác tha là giúp cho người khác, tức là hành Bồ Tát đạo mà khởi đầu là bố thí. Nhiều khi chỉ cần một bàn tay đưa ra, một ánh mắt cảm thông, một nụ cười hiền dịu, hay một lời nói nhẹ nhàng cũng có thể cứu được một sinh mạng trong cơn quẫn bách, cứu vãn được một mái ấm gia đình sắp đổ vỡ, hay chuyển hóa được một nghịch cảnh. Làm được như vậy là đã trở thành cánh tay nối dài của Bồ Tát, là đang thực hiện hạnh “ngàn mắt ngàn tay” trong đời thường! Thực hành lời dạy của Ngài, có tám nhóm câu chúng con xin mạo muội chuyển ngữ từ tha lực thành nỗ lực tu tập trong môi trường sống hiện nay; phần chuyển ngữ này để trong dấu ngoặc đơn (…).

Chúng con thành kính tri ân Tác giả các công trình tham khảo quý báu là Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni do HT. Thích Thiền Tâm dịch, Great Compassion Dharani Sutra do Silfong Tsun dịch, Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm do Quảng Minh dịch, Opening the Heart of the Cosmos của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng vô số tài liệu từ các bộ Kinh, Luận, nghi lễ, tự điển, sách, bài nghiên cứu, Pháp thoại, băng cassette, video, DVD và Internet. Vì không có địa chỉ nên chúng con không thể gởi thư xin phép, kính mong chư Tôn đức Liệt vị từ bi hỷ xả cho.

Chúng con đê đầu đảnh lễ Bậc Tổ sư đã dày công biên soạn và chư Tiền bối khắc in từng chữ. Thành kính đảnh lễ cúng dường Tôn sư thượng Thái hạ Siêu và Chư tôn Thiền đức đã khuyến khích tâm nguyện, the Vietnamese Nôm Preservation Foundation chuyển Kinh sang chữ Hán bằng kỹ thuật số. Kính Tri ân NS. Thích Nữ Giới Hương, NS. Thích Nữ Tịnh Quang, Quý Phật tử Chơn Hiền Tuệ, Phổ Vân, Ngô Kim Phương, Nguyễn Thị Kim Cúc, Casey Romeo Từ Bi Âm, Viên Hương, Đặng Đức Cương, Trần Duy Quang, Trần Thị Khánh Hiền, Ngô Thị Hạnh, Chúc Tiến, cùng nhiều Thiện Tri thức đã hết lòng hỗ trợ. Kính Niệm ân chư Tôn đức và quý Đạo hữu tùy hỷ cúng dường ấn tống.

Mặc dù đã hết sức thận trọng, cố gắng và tâm nguyện cả đời, nhưng vẫn không sao tránh khỏi thiếu sót, ngưỡng mong Chư tôn Liệt vị từ bi bổ khuyết cho.

Kính Lạy Mẹ Hiền Quán Thế Âm!
Con chưa bao giờ mơ thấy Mẹ
Nhưng cảm như Mẹ vẫn quanh đây
Gia hộ cho con bền nguyện lực
Giữa cõi phong trần vững bước chân.

Từ thuở ấu thơ, con đã được trông thấy hình ảnh hiền hậu của Ngài trên bàn thờ Phật, thỉnh thoảng được lau bàn, quét bụi, thay nước, hoặc rót dầu, thắp đèn, thắp hương mỗi tối. Nhờ Hồng ân của Ngài gia hộ nên mỗi khi có việc khó khăn, con chí thành trì tụng Chú Đại Bi, Kinh Phổ Môn, niệm và lễ lạy 500 Danh hiệu Ngài thì mọi việc trở nên yên ổn, lại có nhiều cảm ứng khó nghĩ bàn!

Là người lính trên chiến trường, con đã ba lần thoát nạn mìn bẫy chỉ trong nửa bước chân! Nhiều năm dài sinh hoạt với bạn trẻ như Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên, Gia Đình Phật Tử Phước Linh, Thanh Thiếu Niên Phật Tử Diệu Quang dưới sự hướng dẫn của ĐĐ. Chơn Thức, ĐĐ. Thanh Huyền, NS. Diệu Từ, và làm việc thiện dưới sự hướng dẫn của Bác Siêu, Sư bà Thể Quán, NS. Cát Tường, Sư Cô Như Minh, Sư Cô Minh Tú, Chú Lê Quý Quang tại Việt Nam, rồi Hội Từ Bi Quán Thế Âm tại Hoa Kỳ, con vẫn giữ được niềm vui tinh khôi, lòng chân thành và niềm tin bất động vào Tam Bảo dù bao đổi thay của lòng người và thế sự! Đó chính là nhờ những hạt mầm Phật pháp đã được huân tập từ khi còn nhỏ.

Khi mạo muội cố gắng chuyển ngữ bản Kinh sang tiếng Anh để báo đáp Ân đức, con thường xuyên quán chiếu và đảnh lễ Danh hiệu Ngài, xin được soi sáng để không sai lạc ý Phật, ý Tổ. Con nhận ra vai trò chính của Ngài là Pháp thí: hướng dẫn người đời tu học Phật pháp và các cách áp dụng đúng để lợi mình, lợi người, tự giác, giác tha; còn tha lực của Ngài là những trường hợp “cấp cứu”. Qua cơn khổ nạn, mỗi người nên “Tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp”.

Như cha mẹ lúc nào cũng thương yêu chăm sóc, hết sức tạo điều kiện cho các con ăn học, nhưng học giỏi hay không là do cố gắng của con chứ cha mẹ không thể học thế. Cũng vậy, chư Phật, chư Bồ Tát, Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn thương nghĩ cứu giúp chúng sanh, nhưng kết quả ra sao, cảm ứng đến mức nào là do nỗ lực của mỗi cá nhân.

Trong khi dõi theo từng dấu chân Ngài, con được nhiều an vui, học được lời Phật dạy qua Kinh Nguyên thủy và Đại thừa. Con lạy Ngũ Bách Danh mà không hiểu rõ, cho đến ngày đạo hữu Quảng Hữu dẫn đến chùa Đức Viên thỉnh Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni về đọc thì mới sáng ra! Khi ghép từng câu, từng chữ Hán, con không khỏi bị nhức đầu và hoa mắt. Sau 3 tháng, con chợt khởi ý là ghép 3 chữ 五 百 名 đưa vào Google thì tìm thấy toàn bộ Kinh Ngũ Bách Danh chữ Hán do Nôm Foundation dày công chuyển dịch bằng kỹ thuật số và cho phép sử dụng! Cũng như năm 2002 nhờ các em Lê Tuấn, Trần Tuấn, Thái Hiền dùng photoshop tẩy các vết đen copy từng tấm hình Ngài đưa vào Phẩm Phổ Môn song ngữ Việt Anh, qua ngày thứ ba thì Lê Tuấn tải xuống được bộ hình màu sắc tươi sáng, trang nghiêm của Ngài từ trang Web www.vnet.org/phatgiao/gallary/phomon (một tháng sau thì không còn nữa)! Ôi! Những lần như vậy, nước mắt con tuôn tràn trên má! Phải chăng là “Có cầu tức có ứng, có cảm thì có thông, không nguyện nào chẳng thành”?! 

Với tấm lòng Thành kính Tri ân Ngài, nhân ngày Vía Bồ Tát Quán Thế Âm Đản sanh, con xin được thay mặt Vô lượng Ân đức trợ duyên, Kính Cúng dường bản Chuyển ngữ và Chú thích Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm này lên Tam Bảo. Đồng thời tiếp tục lễ bái 500 Danh hiệu Ngài, mỗi chữ một lạy. Thành tâm Cầu nguyện đại dịch Virus Corona 19 mau có thuốc chữa bệnh và vaccine phòng ngừa cho nhân loại bớt tang tóc, khổ đau. Lại nguyện Phật pháp nhuần khắp, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, chư Hương Linh Siêu sanh Lạc quốc.     

Nam Mô Tùy Sở Trụ Xứ Thường An Lạc Quán Thế Âm Bồ Tát.

Cẩn bạch,
Ngày 19 tháng 2 năm Tân Sửu, PL 2565 (2021)
Đệ tử Trần Duy Phô, Pháp danh Nguyên Thành, Pháp tự Thông Đạo