LẮNG NGHE CHÁNH PHÁP

Thích Giác Hải

 

1. Dẫn nhập

Kinh Tạp A Hàm số 834, Đức Thế Tôn có nêu lên bốn yếu tố cần thiết để hành giả tu tập đi vào dòng Thánh. Bốn yếu tố đó là: Thân cận bậc Thiện tri thức, lắng nghe Chánh Pháp, như lý tác ý và pháp tùy pháp hành (pháp thứ pháp hướng) 1. Đây cũng là bốn điều kiện giúp hành giả chứng đắc Huệ nhãn2. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ luận bàn về yếu tố thứ hai “Lắng nghe Chánh Pháp”.

Bàn về vấn đề “Lắng nghe Chánh Pháp”, người viết chủ yếu dựa vào những ghi chép theo kinh luận Hán Tạng để tập trung làm rõ những vấn đề sau: Thế nào là lắng nghe Chánh Pháp ? Phương pháp lắng nghe như thế nào để đúng với tinh thần chỉ dạy của Đức Phật? Công đức lắng nghe Chánh Pháp và lắng nghe Chánh Pháp liên hệ đến trí tuệ.

2. Định nghĩa

“Lắng nghe Chánh Pháp”, Phạn ngữ: Saddhammasavanam,tiếng Pali: Saddhamma-savanam, Hán dịch: Đa văn chánh pháp (多闻正法, 聽聞正法), tiếng Anh dịch là: Hearing the true Dhamma.

Theo T.W Rhys Davids and W.Stede trong cuốn “The Pali Text Society,s, Pali-English Dictionary”,trang số 675 : Lắng nghe Chánh Pháp được phân tích như sau: 1. “Saddhamma” được giải thích với nhiều nghĩa: The true Dhamma(giáo pháp chân chánh); The best religion(tôn giáo tốt nhất); Good practice(pháp thực tập tốt); The Doctrine of the good (học thuyết về những điều tốt đẹp). 2.“ Savana” có 2 nghĩa: Ear (lỗ tai) ; Hearing (nghe) .

Ngoài ra, y cứ vào “ Phạn Hòa tự điển” của học giả Nhật Bản Địch Nguyên Lai Vân giải thích như sau : từ “Saddhamma” thuộc dương tính, có nghĩa là chân chánh, một quy luật rất tốt. Từ này cũng được gọi là Pháp bảo, Chánh pháp, Diệu pháp, Kinh pháp, Phật pháp, Diệu chánh pháp, Thắng diệu pháp,Vi diệu chánh pháp, vv… còn từ “Savanam ” tức là lắng nghe. Do sự kết hợp của từ tố “Saddhamma” và “Savanam ” nên được gọi là “Lắng nghe Chánh Pháp”3.

Trong “A Tỳ-Đạt-Ma Tập Dị Môn túc luận” , được Tôn giả Xá Lợi Phất giải thích rõ ràng, ở đây xin tóm lược đại ý, “ Chánh Pháp” nghĩa là phương pháp giúp cho hành giả tu tập tăng trưởng thiện pháp , giác ngộ giải thoát, như pháp Tứ đế hay Nhân duyên , vv… gọi là Chánh pháp. Đối với pháp tứ thánh đế hay những thánh pháp khác , nếu người nào dùng tâm hoan hỷ nghe, hoan hỷ tư duy, hoan hỷ thọ trì, cho đến hoan hỷ chứng đạt, như vậy mới gọi là lắng nghe Chánh pháp4.

Từ những phân tích trên chúng ta có thể thấy, quá trình lắng nghe Chánh pháp là dùng nhĩ căn lắng nghe thiện pháp, sau khi nghe xong nội tâm sanh khởi hoan hỷ thọ trì, hoan hỷ quán chiếu cho đến chứng đắc thiện pháp.

3. Phương pháp lắng nghe chánh pháp

Trong “ Đại Trí Độ Luận ” Bồ Tát Long Thọ luận giải rằng: Hãy lắng nghe Chánh Pháp từ Tam Bảo, nghĩa là hãy lắng nghe giáo pháp từ Chư Phật, từ Tam Tạng thánh điển và từ các vị đệ tử xuất gia của Phật5. Thế nhưng, chúng ta cần phải dùng tâm niệm gì? và tư duy như thế nào? để việc nghe chánh pháp được hiệu quả? Trong “Quảng Nghĩa Pháp Môn kinh ” quyển thứ nhất có ghi rằng: Nếu người nào muốn nghe chánh pháp, phải đầy đủ mười sáu tướng sau:  1. Tùy thời nghe pháp, tức nơi nào có chánh pháp, chúng ta đến đó nghe; 2. Tâm cung kính ; 3. Tâm hỷ lạc; 4.Tâm không chấp trước; 5.Nghe pháp và thực hành như pháp đã nghe; 6.Không nên đem tâm tranh đấu;7.Đối với chánh pháp phải khởi tâm cung kính; 8. Phải cung kính vị pháp sư; 9.Không được chê bai chánh pháp; 10.Không được hủy báng pháp sư; 11. Không được khinh chê tự thân , nghĩa là suy nghĩ mình là hạng không có học, không thể nghe hiểu được pháp; 12.Tâm chuyên nhất không tán loạn;13.Khởi tâm nghe pháp để cầu giải thoát;14. Nhất tâm lắng nghe;15. Nghe pháp xong, y vào chánh pháp mà tư suy quán chiếu;16.Luôn thực hành pháp6. Nếu hành giả nào biết lắng nghe Chánh pháp với những tâm thức trên thì việc nghe pháp sẽ có kết quả tốt đẹp và con đường đi đến bến giác cũng được thành tựu viên mãn.

Ngoài ra, khi lắng nghe chánh pháp chúng ta phải tư duy bốn phép quán chiếu sau: Thứ nhất, bịnh tưởng: Nghĩa là phải biết rằng từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp khổ, mãi trôi lăn trong vòng sanh tử; thứ hai, y tưởng: Phải tin tưởng pháp sư là vị lương y tài giỏi có thể trị bệnh cho chính mình; thứ ba thuốc tưởng , nghĩa là chánh pháp là lương dược trị bệnh ; thứ tư tha thiết trị bệnh , tức là chúng ta phải tha thiết thực hành giáo pháp, điều này rất quan trọng, nếu chúng ta có bịnh mà không uống thuốc thì sẽ không khỏi. Cũng vậy, nếu chúng ta nghe chánh pháp mà không thực hành pháp thì không bao giờ chứng ngộ giải thoát được7 .

Bên cạnh những điều kiện và suy tư quán chiếu trên, chúng ta cũng cần xa lìa những tâm niệm bất thiện trong lúc nghe pháp, như tâm kiêu mạn, tâm bất tín , tâm không muốn nghe, tâm tán loạn, v.v…8Trong tác phẩm “ Thành Phật Chi Đạo” Hòa thượng Ấn Thuận đã nêu lên hai ví dụ: Dụ về bình đựng nước và dụ về hạt giống. Trước hết, dụ về bình đựng nước có ba ý nghĩa : 1khi trời mưa chúng ta lấy bình đựng nước, nhưng nếu chúng ta đem cái bình úp xuống thì nước không thể vào được, cũng vậy nếu chúng ta không chú ý, không chuyên tâm thì không thể lắng nghe chánh pháp. 2Hoặc giả trong bình có chất độc, hay nhiễm bẩn nếu có đựng được nước thì nước ấy cũng không thể dùng được, cũng có khi uống vào sẽ bị hại nữa là khác, cũng vậy nếu chúng ta có chuyên tâm lắng nghe, nhưng nghe với tâm thành kiến, hoài nghi, cho dù chúng ta lắng nghe chánh pháp nhưng cũng không thể sanh khởi công đức, thậm chí đồng nghĩa với việc hủy báng Chánh pháp. 3Hoặc như cái bình bị thủng, có thể đựng nước được nhưng vẫn bị chảy ra ngoài, cũng vậy tuy nghe pháp với tâm không thành kiến, nhưng do nội tâm tán loạn, suy nghĩ đủ điều , nên không đạt được kết quả viên mãn. Tiếp đến là dụ về hạt giống cũng có 3 nghĩa: 1. Nếu đem hạt giống gieo trên đá, hạt giống ấy sẽ không nẩy mầm, cũng vậy nếu không chú ý lãnh thọ , thì không thể lắng nghe chánh pháp. 2. Nếu đem hạt giống gieo trồng trên đất nhưng đầy dẫy gai gốc, cho dù chúng có thể phát triển, nhưng chẳng được bao lâu hạt giống sẽ khô đi, bởi sự lớn mạnh của gai gốc. cũng vậy, nếu chúng ta nghe pháp dù có lãnh thọ, nhưng nghe với tâm tạp nhiễm không thanh tịnh, thì cũng không có hiệu quả. 3. Hạt giống được gieo trồng nơi đất tốt, cũng không có gai gốc, nhưng nếu hạt giống không được trồng sâu dưới đất, mà chỉ để trên mặt đất, không bao lâu sẽ bị chim tha đi mất. Người nghe pháp cũng vậy, nếu nghe với tâm thanh tịnh, nhưng không thực hành pháp thường xuyên, thì cũng sẽ bị mất.

Từ những phân tích trên, chúng ta hiểu rõ rằng khi lắng nghe Chánh pháp phải nghe bằng tâm cung kính, tâm thanh tịnh, tâm hỷ lạc, tâm chuyên nhất, không khởi tâm hồ nghi, tâm hủy báng chánh pháp, đồng thời luôn suy tưởng rằng chúng ta đang bị bệnh sanh tử luân hồi đeo mang, cần phải lắng nghe chánh pháp, lấy chánh pháp làm ngọn đèn soi sáng và thực hành pháp để thoát ly sanh tử.

4. Công đức lắng nghe chánh pháp

Nếu chúng ta “Lắng nghe Chánh pháp” đúng pháp sẽ sanh trưởng những công đức như sau: Trong “ Quảng Nghĩa Pháp Môn kinh ” quyển thứ 1, có ghi lại rằng nếu ai lắng nghe chánh pháp, sẽ có mười pháp sanh khởi, có khả năng thành tựu bát nhã. Thứ nhất , được thân cận thiện tri thức, thiện tri thức là người hướng dẫn và giúp đỡ cho chúng ta trên con đường học tập Phật pháp; thứ hai, có khả năng trì giới; thứ ba, tâm mong cầu giải thoát ; thứ tư, hoan hỷ đón nhận thiện pháp; thứ năm, hoan hỷ cúng dường pháp sư; thứ sáu, theo thời hỏi pháp; thứ bảy, lắng nghe chánh pháp; thứ tám, hằng tu tập chánh pháp; thứ chín, khởi tâm xa lìa ác pháp; thứ mười , suy nghĩ chánh pháp, suy nghĩ chánh pháp ở đây được nêu lên là tứ chánh cần9.

Tương đồng, luận bàn về nghe pháp có những công đức gì, trong “ A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa luận” quyển thứ nhất, đã nêu lên bốn điểm đáng tư duy: thứ nhất, nghe pháp có thể biết được tất cả pháp, tức là do nghe chánh pháp, biết được những gì là thiện pháp, những gì là bất thiện pháp, những gì là pháp hữu lậu hay vô lậu, v..v ; Thứ hai, nghe pháp lìa ác pháp, khi chúng ta nghe chánh pháp, biết được những ác pháp, nghiệp quả của ác pháp, nên xa lìa ác pháp; thứ ba, nghe pháp đoạn trừ những việc làm vô nghĩa, tức là chúng ta cần làm những việc đúng chánh pháp, tu tập đúng theo tinh thần Phật dạy, không làm những điều vô nghĩa như xin quẻ, đốt giấy tiền vàng bạc…; thứ tư, nghe pháp chứng đắc Niết Bàn, sau khi lắng nghe chánh pháp, hành giả thực hành như pháp, tức sẽ chứng đắc Niết bàn10. Ngoài ra, trong tác phẩm nổi tiếng của Phật giáo “ Du Già Sư Địa luận ” Luận chủ cũng nêu lên rằng, nếu chúng ta lắng nghe chánh pháp sẽ có nhiều lợi ích cho tự thân và tha nhân, hơn nữa đoạn trừ khổ đau và chứng đắc Niết bàn11.

5. Lắng nghe chánh pháp liên hệ với trí tuệ

Trong Phật giáo thường đề cập đến ba huệ: Văn tuệ (huệ ), Tư tuệ và Tu tuệ, trong đó Văn tuệ là chi phần đầu, Văn tuệ cũng được kinh luận giải thích là từ nơi lắng nghe chánh pháp mà sinh trưởng trí huệ, (văn sở thành tuệ) . Ở đây tác giả xin đưa một vài phân tích để chúng ta thấy rằng lắng nghe chánh pháp có sự liên hệ mật thiết đến trí tuệ. Trong cuốn “ Phạn Hòa Đại Tự Điển ” học giả Nhật Bản Địch Nguyên Vân Lai phân tích “ Văn sở thành tuệ ” như sau: Văn sở thành tuệ , tiếng phạn ZrutamayIprajJA(wisdom acquired through hearing), từ này do ba từ tố hợp thành: 1.“Zruta lắng nghe; 2.“MayI sở tạo thành, hình thành; 3.“PrajJA trí tuệ. Như vậy, có nghĩa là do sự lắng nghe chánh pháp (nhân) , hình thành nên kết quả trí tuệ (quả)12.

Ngoài ra, trong các bộ luận , các vị luận sư giải thích“ Văn sở thành Tuệ ” như sau :

Thứ nhất : “A Tỳ Đạt Ma Câu Xá luận ” quyển 22, Phân biệt hiền thánh phẩm , Đại chánh tạng 29, trang 116, dòng 19-20: “Hành giả nương vào nghe pháp, tinh tấn tu hành, sinh khởi thắng tuệ, nên gọi là văn sở thành tuệ”13.

Thứ hai : “ Câu Xá Luận Thích” quyển 16, Phân biệt thánh đạo quả nhân phẩm, Đại chánh tạng 29, trang 269, dòng 19: “Hành giả nương vào thánh giáo lượng, thường hằng tu tập, phát sanh quyết định trí, gọi là văn tuệ”.

Thứ ba: “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa luận ”, quyển 42, Đại chánh tạng 27, trang 217, dòng 7:

“Hành giả thực tập, lưu truyền Tam Tạng giáo điển (kinh , luật , luận) và mười hai phần giáo , được gọi là văn sở thành tuệ. Đồng thời do hành giả nương tựa vào sự lắng nghe, lấy sự lắng nghe chánh pháp làm trợ duyên, tu tập phát sinh trí tuệ14.”

Thứ tư :  “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa luận ”, quyển 7, Đại chánh tạng 27, trang 34, dòng 23:

Theo giải thích của Luận sư, người tu hành, nếu gặp minh sư lắng nghe giải thích về chánh pháp, như mười tám giới, mười hai xứ hay ngũ uẩn .v..v; hoặc giả tự mình nghiên cứu lắng nghe chánh pháp từ kinh, luật và luận. Như vậy, ở đây có hai cách lắng nghe chánh pháp để sanh trưởng trí tuệ: Nghe pháp với vị minh sư, hoặc tự mình có thể tìm hiểu trong tam tạng thánh điển.

Từ những dẫn chứng và phân tích trên , chúng ta có thể hiểu được lắng nghe Chánh Pháp là nghe từ Tam Tạng thánh điển, thông qua sự chỉ dẫn của giáo thọ sư, hoặc cũng có thể tự mình nghiên cứu. Tuy nhiên, hành giả phải có một năng lực nhận thức nhất định. Đồng thời sau khi lắng nghe xong, hành giả nỗ lực tu tập và quán chiếu, trí tuệ sẽ được tăng trưởng.

6. Kiết luận

“Lắng nghe Chánh Pháp” là một trong những yếu tố đặc biệt cần thiết đối với người học Phật, vì đây cũng là một trong bốn điều kiện tu tập đưa hành giả đi vào dòng thánh. Như trên đã luận giải, việc lắng nghe chánh pháp không chỉ dừng lại ở nhĩ căn ( lỗ tai ), mà cần phải nghe bằng tâm hoan hỷ, tâm cung kính, tâm mong cầu giải thoát, v.v… Ngoài ra, khi nghe pháp hành giả cần phải loại bỏ những tâm niệm bất thiện như: tâm khinh bỉ, tâm ngã mạn, tâm tán loạn, tâm hủy báng chánh pháp,v.v… Vì vậy, hành giả nào nghe pháp bằng tâm niệm thiện thì sẽ thành tựu được những công đức lành. Đồng thời, vị ấy luôn sống với tuệ giác, có thể phân biệt rõ giữa các pháp thiện và bất thiện; luôn tu tập nhân lành để làm tăng trưởng những thiện nghiệp, xa lìa ác nghiệp; bên cạnh đó, nhờ biết lắng nghe Chánh Pháp, tư duy trong Chánh Pháp, vị ấy nỗ lực tu tập tăng trưởng trí tuệ, dẫn đến chứng đắc quả vị giải thoát.

Bài viết này đã đăng trên Nguyệt San Giác Ngộ với bút hiệu Giác Hải