La-kha Min-ka-ra

Từ điển Đạo Uyển


S: lakṣmīṅkarā; “Công chúa điên”; Một Du-già ni Ma-ha Tất-đạt (s: yoginī ma-hāsiddhā) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong thế kỉ thứ 8. Bà là em gái của nhà vua In-đra-bu-ti (s: indrabhūti), vị vua trị vì nước Ô-trượng-na. Từ nhỏ bà đã nghe giáo pháp của Kam-ba-la (kambala) và thông hiểu nhiều loại Tan-tra. Bà được đính hôn với vua Ja-len-đra (s: jalendra), vua của Lan-ka-pu-ri (s: laṅkāpurī) và khi được đưa về nhà chồng, bà thấy chồng tương lai vừa đi săn về, trên vai mang xác hổ. Bà đau khổ ngất xỉu. Khi tỉnh dậy bà tự giam mình trong phòng, giả điên, nhưng thật tế bà chuyên tâm thiền quán không cho ai hay và mọi người nghĩ là bà mắc bệnh điên. Sau đó bà trốn khỏi cung điện, sống trên bãi thiêu xác, ăn đồ ăn dư thừa và thiền định không nghỉ. Sau bảy năm bà đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrā-siddhi). Bà giáo hoá cho một người chuyên lo cung cấp lương thực cho mình và vị này cũng đạt đạo. Lần nọ chồng bà là vua Ja-len-đra lại đi săn, lạc đường và tình cờ đến động của bà. Ông tò mò nhìn vào thì thấy vợ mình toả hào quang, các vị nữ thần bao bọc xung quanh phục vụ và đỉnh lễ. Ngày hôm sau vua trở lên, xin thụ giáo, bà đọc câu kệ: Tất cả loài hữu tình, còn trong vòng Sinh tử, đều phải chịu khổ đau. Ngay cả loài cao cấp, như chư Thiên, loài người, cũng mang đầy khổ ải. Còn các loài ác đạo, khổ chính là bản chất, ác thú ăn thịt nhau, có loài khổ nóng lạnh. Hỡi Hoàng thượng, thưa Ngài, hãy tìm đạo giải thoát! Và bà cho hay vua không phải đệ tử của bà. Ðạo sư của vua là một đệ tử của bà và vị này là người chuyên chùi thùng rác cho vua, cũng đã đạt thánh quả. Vua tìm ra vị này, đặt lên ngôi và phủ phục cầu pháp. Cuối cùng nhà vua cũng được truyền Nghi quỹ của nữ thần Kim cương Va-ra-hi (vajra vārāhī). La-kha Min-ka-ra và vị chùi thùng rác còn giáo hoá thêm cho nhiều người nữa. Bài kệ chứng đạo của bà có những câu sau: Trước hết, người có trí, tạo linh ảnh giác ngộ, sau đó nhất tâm quán, về Thật tại trống rỗng. Làm như thế liên tục, với chứng thật huyền diệu. Tất cả chỉ cần là: khiêm tốn và tinh tiến. Bà có để lại một tác phẩm danh tiếng là Thành bất nhị luận (s: advayasiddhi), còn được lưu hành.