La-hán

Từ điển Đạo Uyển


羅漢; S: arhat; C: luóhàn; J: rakan; Là một Thánh nhân; cần phân biệt A-la-hán (arhat) của Phật giáo nguyên thuỷ và La-hán của Phật giáo Trung Quốc. Thật ra thì La-hán xuất phát từ A-la-hán, nhưng đến Trung Quốc, ý nghĩa của A-la-hán đã biến đổi. La-hán đóng một vai trò quan trọng tại đây, nhất là khi trở thành một khái niệm của Ðại thừa. Khái niệm La-hán đã du nhập Trung Quốc khoảng thế kỉ thứ 7, nhưng qua thế kỉ thứ 10, La-hán mới được Thiền tông phổ biến rộng rãi. Chính Thiền tông tìm thấy nơi La-hán tính người và sự từ chối mọi Tha lực, dùng Tự lực để đạt đạo nên La-hán rất phù hợp tinh thần Thiền. Người ta cho rằng, nhờ trí huệ siêu việt, La-hán đạt nhiều thần thông (Lục thông). Trong nhiều tranh tượng, người ta hay vẽ các vị mặt mày dữ tợn, hình dạng siêu nhiên; tuy thế cũng có nhiều vị mặt mày hiền hậu. Trong nhiều chùa ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, ta tìm thấy tượng của năm trăm La-hán, hay nhóm 16 hay 18 vị, được vẽ trên vách tường của chính điện. Mỗi vị thường thường có một hình dáng và khuôn mặt đặc biệt. Tượng 500 La-hán được sáng tạo là để nhớ lại lần Kết tập thứ nhất với sự có mặt của 500 vị thánh. Lần kết tập thứ tư tại Kashmir cũng có 500 vị A-la-hán tham dự. Có nhiều tương truyền về 500 vị La-hán này: đó là các vị sống trong 500 hang động của núi Côn Luân, là các vị được Phật đưa về đó theo lời mời của Long vương. Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, người ta còn dựng lại hang động của 500 vị La-hán đó. Trong nhiều chùa, người ta hay xếp các vị La-hán thành từng nhóm 16 hay 18 vị. Ðiều này được truyền tụng như sau: Vị A-la-hán Nan-đề Mật-đà (s: nandimitra), 800 năm sau khi Phật nhập diệt, cho hay Phật đã truyền pháp lại cho 16 vị A-la-hán. Các vị này bất tử và sống với học trò tại nhiều miền trên thế giới, nơi các thánh địa và giữ gìn giáo pháp. Tới thời mạt pháp, lúc mà Phật pháp bị tiêu diệt hoàn toàn, các vị đó sẽ họp nhau lại, góp xương cốt Phật vào trong một Tháp, rồi nhập Niết-bàn, còn Tháp sẽ chìm dưới đại dương. Trong thế kỉ thứ 10, số lượng 16 vị được nâng lên thành 18. Người ta kể tên cụ thể các vị đó nhưng các danh tự không đóng vai trò gì. Người ta chỉ nhớ đến các vị với những cử chỉ đặc biệt như: La-hán với hình Phật nơi trái tim, La-hán mi dài, La-hán gãi tai, La-hán hàng phục rồng, hổ.