kỳ viên tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(祇園寺) I. Kỳ Viên Tự. Chùa ở Nam kinh, tỉnh Giang tô, do tướng quân Phạm thái sáng lập vào niên hiệu Vĩnh sơ năm đầu (420) đời Vũ đế nhà Lưu Tống, để cúng dường cao tăng Tuệ nghĩa. Ngài Tuệ nghĩa hoan hỉ vì lòng tin chí thành thanh tịnh của cư sĩ Phạm thái, nên chỉ dạy các phép tắc, người đương thời thấy tướng quân Phạm thái kính tin Phật pháp giống như trưởng giả Tu đạt thủa xưa nên gọi chùa là Kỳ viên. Chùa là 1 đạo tràng nổi tiếng về dịch kinh hoằng pháp và rất nhiều vị cao tăng thạc học đã từng chú tích nơi đây, như: Ngài Tam tạng Cầu na bạt ma từ nước Kế tân đến Trung quốc vào năm Nguyên gia thứ 7 (430) và phụng sắc chỉ trụ ở chùa này giảng kinh Pháp hoa và Thập địa kinh luận; ngài Đàm ma mật đa ở đây dịch rất nhiều kinh điển. Về sau có các ngài Tăng thuyên, Đạo chiếu,… cũng lần lượt đến trụ chùa này, nghiên cứu kinh điển, hoằng dương giáo pháp, nổi tiếng một thời. Chùa hiện nay đã bị hoang phế. II. Kỳ Viên Tự. Chùa ở phía Đông chùa Hóa thành, núi Cửu hoa, mạn tây nam huyện Thanh dương, tỉnh An huy, Trung quốc, được sáng lập vào khoảng năm Gia tĩnh (1522-1566) đời Minh, tên là Kỳ thụ am, Kỳ viên. Vào đời Thanh, qua nhiều lần trùng tu và mở rộng thêm nên chùa có quy mô rất lớn, đứng đầu các chùa trong toàn núi Cửu hoa. Khoảng năm Gia khánh đời Thanh, ngài Long sơn mở đàn truyền giới ở đây, môn phong ngày càng thịnh, xây dựng thêm điện đường, bèn trở thành tùng lâm thập phương.