kỵ nhật

Phật Quang Đại Từ Điển

(忌日) Cũng gọi là Húy nhật, Mệnh nhật, Kỵ thần, Húy thần. Ngày tưởng nhớ người đã qua đời, tức ngày giỗ, ngày kị. Vào ngày này, thân nhân thường tránh các cuộc vui chơi, mà tổ chức pháp hội để tụng kinh làm những việc phúc thiện như bố thí, phóng sinh để cầu cho chân linh của người quá cố được siêu thoát. Ngày kị 1 tháng sau khi người chết gọi là Nguyệt nghị; sau 35 ngày gọi là Tiểu luyện kị; 49 ngày gọi là Đại luyện kị; ngày kị đúng tháng người chết hàng năm gọi là Chính kị, hoặc gọi là Tường nguyệt, Tường nguyệt mệnh nhật; ngày hôm trước của ngày Chính kị gọi là Túc kị; ngày Chính kị tròn một năm gọi là Tiểu tường kị; Nhất chu kị. Ngày chính kị tròn 2 năm gọi là Đại tường kị, Tam hồi kị. Ngoài ra, mỗi 7 ngày đặt trai hội, đến 49 ngày gọi là Trung ấm pháp yếu, đủ 100 ngày thiết trai hội gọi là Bách nhật. Nghi thức thiết trai tụng kinh vào ngày kị đã có từ thời xưa, trong kinh Phật ghi chép nhiều về pháp hội này. Như kinh Phạm võng quyển hạ nói, khi cha mẹ, anh em, Hòa thượng, A xà lê chết, trong vòng 21 ngày đến 49 ngày nên đọc tụng kinh luật Đại thừa. Danh từ Tiểu tường, Đại tường đã được ghi trong sách Lễ kí. Bởi vì Bách nhật và Đại, Tiểu tường kị, v.v… đều được Thiền gia mượn từ nghi lễ tang chế của Nho gia. Chẳng hạn như Đạt ma kị, Bách trượng kị, v.v… cũng có nghĩa là Kị nhật… [X. kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.1; Phật tổ thống kỉ Q.33; Thích môn chính thống Q.4; Thích thị yếu lãm Q.hạ; Truyền pháp chính tông kí Q.5; điều Bách trượng kị trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.2; Lễ ký lễ vấn truyện; Tề vương kỉ trong Ngụy chí Q.4; Hoàn huyền truyện trong Tấn thư liệt truyện thứ 69; Tăng đường thanh qui Q.4].