kỳ na giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(耆那教) Phạm:Jaina. Một giáo phái ở Ấn độ, do ngài Ni càn đà nhã đề tử (Phạm: Nirgranthajĩàtaputra), cũng gọi Đại hùng (Phạm: Mahàvìra) sáng lập vào khoảng thế kỉ V, IV trước Tây lịch, chủ trương khổ hạnh, phi bạo lực. Giáo nghĩa căn bản là nghiệp báo luân hồi, linh hồn giải thoát. Tương truyền, trước ngài Ni càn đà nhã đề tử, còn có 23 vị Tổ sư, cho nên đời sau cho ngài là vị Tổ thứ 24 trung hưng Kỳ na giáo. Trong 24 vị Tổ thì chỉ có ngài Ba thấp phạt na đà (Phạm:Parzvanàtha) và Ni càn đà nhã đề tử là nhân vật có thật trong lịch sử, còn các vị Tổ khác e rằng đều là những nhân vật trong truyền thuyết. Ngài Ni càn đà nhã để tử chủ trương thuyết Vô thần, cải cách và tập đại thành giáo lí của 23 vị Tổ sư trước. Về phương diện giáo lí, ngài chia những yếu tố cấu thành vũ trụ làm 2 phần là Linh hồn (Phạm:Jìva) và Phi linh hồn (Phạm:Ajìva). Yếu tố Phi linh hồn bao gồm 4 thứ: Vận động nhân (Phạm: Dharma), Chỉ tĩnh nhân (Phạm: Adharma), hư không, vật chất, cộng thêm Linh hồn thành 5 cá thể thực tại. Vật chất do nguyên tử cấu tạo thành, có tính chìm xuống, còn Linh hồn là nhất thiết tri(biết tất cả)có tính bay lên, tự nó không có chướng ngại, vì thế được tự do. Còn sự hình thành vật chất là do nơi nghiệp, nên bị trói buộc, đây chính là nhân của sự luân hồi. Nếu muốn thoát khỏi luân hồi thì phải sống khổ hạnh và giữ gìn nghiêm ngặt 5 điều răn (5 thệ nguyện lớn)là: Không giết hại, không nói dối, không trộm cắp, không dâm dục, không sở đắc (Phạm:Anupalabhya). Nếu sống theo đúng 5 điều răn này, thì có thể tiêu trừ nghiệp lực, phát huy bản tính của linh hồn, đạt đến tịch diệt, tức được giải thoát, gọi là Niết bàn. Linh hồn, phi linh hồn, thiện nghiệp, ác nghiệp, lậu nhập, hệ phược, chế ngự, chỉ diệt, giải thoát… gọi là Cửu đế. Ngoài ra, Kỳ na giáo còn chủ trương chủ nghĩa Bất định (Phạm:Syàdvàda) tương đối có tính phán đoán và chủ trương Quan điểm luận (Phạm: Naya) quan sát mang tính phê phán, đây chính là đặc sắc của Kỳ na giáo. Thánh điển chủ yếu của Kỳ na giáo có 2 loại: Tất đàn đa (Phạm:Siddhanta), có 45 bộ, được thành lập vào khoảng từ thế kỉ thứ III trước Tây lịch đến thế kỉ thứ VI Tây lịch; Tứ phệ đà (Phạm:Veda), được thành lập vào thế kỉ thứ IX Tây lịch. Ngoài ra còn có Giáo lí tinh yếu và Ngũ nguyên lí tinh yếu do ông Khang đạt Khang đạt (Phạm:Kundakunda) soạn vào thế kỉ V và Đế nghĩa chứng đắc thư do ông Ô ma tư phạt thê (Phạm:Umàsvàti) sáng tác. Vào thời đại vị Giáo tổ, giáo đoàn kỳ na rất hưng thịnh, nhưng sau phân hóa làm phái Bạch y (Phạm:Zvetàmbara) theo chủ nghĩa khoan dung và phái Không y (Phạm: Digambara) theo chủ nghĩa nghiêm khắc. Phái Bạch y căn cứ theo Thánh điển Tất đàn đa, còn phái Không y thì căn cứ theo Thánh điển Tứ phệ đà. Đến thế kỉ thứ XII, tín đồ Hồi giáo xâm nhập Ấn độ và công kích Kỳ na giáo rất kịch liệt. Sau thế kỉ XVII, trong giáo đoàn phát sinh cuộc vận động cải cách, chủ trương dùng chủ nghĩa nhân đạo và quan điểm bác ái để giải thích giáo nghĩa cổ xưa của Kỳ na giáo. Đại biểu cho chủ trương cải cách có ông Động địa bì âu (Dhundibia) lãnh đạo cuộc vận động của phái Lang ca (Lokas), thế kỉ XVIII, có ông Duy lạp cát (Vìraji) lãnh đạo cuộc vận động của phái Tư đặc na ca ngõa tây (Sthànakavàsì). Đến nay, số tín đồ tuy không đông, nhưng họ vẫn giữ gìn giới luật rất nghiêm khắc trong sinh hoạt hàng ngày. [X. W. Schubring: Die Lehre der Jainas, 1935; Kỳ na giáo Thánh điển (Linh mộc Trọng tín)].(xt. Ni Càn Tử Ngoại Đạo, Ni Càn Đà Nhã Đề Tử).