ký hiển

Phật Quang Đại Từ Điển

(寄顯) Cũng gọi là Ký tề, Ký tại, Ký thuyết. Không trực tiếp hiển bày 1 ý nghĩa nào đó mà gửi(ký) ý nghĩa ấy vào một sự việc khác để giải nói. Như tông Hoa nghiêm gửi thứ tự giai vị của Nhất thừa Biệt giáo vào Chung giáo, để rồi từ đó hiển bày sự sai biệt sâu cạn của giáo môn. Đặc biệt sự gửi gắm này được gọi là Ký vị. Giáo nghĩa tông Thiên thai thì mượn giai vị để hiển bày vị thứ của Viên giáo. Hoa nghiêm kinh thám huyền ký quyển 10 (Đại 35, 299 thượng), nói: Dựa vào phương tiện gửi nghĩa pháp để nêu rõ sự sai khác của các Địa, như: Sơ địa, Nhị địa, Tam địa đồng với thế gian, còn Tứ địa, Ngũ địa, Lục địa thì đồng với Nhị thừa. Ngoài ra cũng kí thác vào Thiền chi, Đạo phẩm và các đế duyên sinh để nêu bày sự khác biệt về các Địa, nhờ đó mọi người sẽ hiểu rõ nghĩa các Địa. Sự chứng quả của hàng Bồ tát Thập địa rất sâu xa, khó có thể phân biệt được, vì vậy phải mượn các pháp thế và xuất thế gian của 3 thế gian và 5 thừa để làm sáng tỏ cái tướng của nghĩa ấy. Lại Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí quyển 3 thì mượn sự thô tế của 4 tướng: Sinh, Trụ, Dị, Diệt để phân biệt 4 giác là Bất giác, Tương tự giác, Tùy phần giác và Cứu cánh giác. [X. Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.thượng; Hoa nghiêm kinh sớ Q.31; Ngũ giáo chương thông lộ kí Q.6].