kỳ dạ đa

Phật Quang Đại Từ Điển

(祈夜多) Phạm:Jeyata. Vị A la hán, người nước Kế tân miền Bắc Ấn độ. Theo kinh Tạp bảo tạng quyển 7 chép, thì ngài Kỳ dạ đa ra đời ở nước Kế tân khoảng 700 năm sau đức Phật nhập diệt. Vua nước Nguyệt thị (chi) nghe danh đức của Ngài nên cùng với các quan và đoàn tùy tùng đến thăm ngài, nhưng Kỳ dạ đa ngồi lặng thinh không đón rước, vua thấy uy đức của Ngài càng thêm kính tin bội phần, sau được Ngài chỉ dạy (Đại 50, 316 thượng): Trước đây nhà vua đã từ con đường thù thắng mà đến, nay trở về cũng nên theo đường ấy mà đi! Nghĩa là ở đời quá khứ vua đã gieo trồng nhiều phúc đức nên nay mới được làm vua; nếu đời hiện tại vua tiếp tục tu tập thiện nghiệp thì đời sau vua cũng sẽ được hưởng phúc lành. Nghe xong, nhà vua vui vẻ trở về nước. Ngài Kỳ dạ đa có thần thông, từng hàng phục rồng dữ A lợi na ở nước Kế tân. Trong kinh còn ghi rằng: Vào thời quá khứ lâu xa, sau khi đức Phật Tì bà thi nhập diệt, Kỳ dạ đa là con 1 trưởng giả lại cũng đã từng 500 kiếp đầu thai làm chó nên thường bị khổ não vì đói khát. Những sự kiện trên đây rất phù hợp với truyện ngài Đạt ma mật đa trong Phó pháp tạng nhân duyên truyện quyển 5. Lại theo Ấn độ Phật giáo sử chương 12 của Đa la na tha (Phạm: Tàranàtha), thì nước Ca thấp di la có vua Sư tử xuất gia tên là Thiện kiến (Phạm:Sudarzana), chứng quả A la hán; bấy giờ có vua Ca nị sắc ca (Phạm:Kaniwka) nướcJàlaídhara(Phạm: Gandhàra, Kiện đà la) nghe danh đức của ngài bèn đến Ca thấp di la dự nghe Ngài thuyết pháp rồi cúng dường tháp pháp và chúng tăng. Căn cứ vào những ghi chép trên đây, ta có thể suy biết Kỳ dạ đa, Đạt ma mật đa, Thiện kiến có lẽ cùng là một người nhưng khác tên và từng là thầy của vua Ca nị sắc ca.