KINH XƯNG TÁN TỊNH ĐỘ PHẬT NHIẾP THỌ
Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Pháp Sư HUYỀN TRANG phụng chiếu dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Bạc Già Phạm (Bhagavān) ngự tại Thất La Phiệt (Śrāvastya), trụ ở vườn Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍadasyārāma) trong rừng Thệ Đa (Jeṭavaṇa) cùng với chúng Đại Bật Sô (Mahā-bhikṣu) gồm một ngàn hai trăm năm mươi người đến dự, tất cả đều là chúng Thanh Văn Tôn Túc, bậc Đại A La Hán mà mọi người đã biết. Các vị ấy tên là: Tôn Giả Xá Lợi Tử (Śāriputra),, Ma Ha Mục Kiền Liên (Mahā-Māudgalyāyana), Ma Ha Ca Diếp (Mahā-Kāśyapa), A Nê Luật Đà (Aniruddha). …. Các Đại Thanh Văn (Mahā-śrāvaka) của nhóm như vậy đều là bậc Thượng Thủ.

Lại cùng với vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát đến dự. Tất cả đều trụ địa vị Bất Thoái Chuyển (Avaivartika), có vô lượng Công Đức, mọi chỗ trang nghiêm. Tên các vị ấy là: Bồ Tát Diệu Cát Tường (Mañjuśrī), Bồ Tát Vô Năng Thắng (Ajita), Bồ Tát Thường Tinh Tiến (Nityodyukta)  Bồ Tát Bất Hưu Tức (Gandha-hasta:Hương Tượng). Các Đại Bồ Tát của nhóm như vậy đều là bậc Thượng Thủ.

Lại có Đế Thích (Śakra), Đại Phạm Thiên Vương (Mahā-brahma-deva-rāja), Kham Nhẫn Giới Chủ (Sahāṃpati), Hộ Thế Tứ Vương (Catur-mahā-rājakajikaḥ)…Như vậy là bậc Thượng Thủ của trăm ngàn câu chi (Koṭi) na dữu đa (Nayuta) số các chúng Thiên Tử (Devaputra) với vô lượng hàng Trời (Deva), Người (Manusya), A Tố Lạc (Asura) của Thế Gian khác…vì nghe Pháp cho nên đều đến ngồi trong Hội.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Tử: “Nay ông biết chăng ? Ở phương Tây đó, cách Thế Giới này hơn trăm ngàn câu chi na dữu đa cõi Phật, có Thế Giới Phật tên là Cực Lạc (Sukhavati). Đức Thế Tôn trong cõi ấy tên là Vô Lượng Thọ (Amitāyur) với Vô Lượng Quang (Amitābha) Như Lai (Tathāgata) Ứng (Arhate:Ứng Cúng) Chính Đẳng Giác (Samyaksaṃbuddha), tròn đủ mười Hiệu. Ngày nay, hiện tại vị ấy an ổn trụ trì vì các hữu tình tuyên nói Pháp vi diệu thâm sâu khiến cho được thù thắng, lợi ích, an vui.

Lại Xá Lợi Tử ! Nhân nào, duyên nào mà Thế Giới Phật ấy có tên là Cực Lạc?

Này Xá Lợi Tử ! Do trong cõi ấy, các loài hữu tình không có tất cả thân tâm ưu khổ, chỉ có vô lượng thanh tịnh thiện lạc. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong Cực Lạc Thế Giới Tịnh Phật Độ, nơi nơi đều có bảy lớp lan can báu màu nhiệm bày thành hàng, bảy lớp cây Đa La (Sāla) báu bày thành hàng với có bảy lớp lưới võng báu màu nhiệm vòng khắp vây quanh; bốn báu trang nghiêm là báu vàng ròng (Suvarṇa), báu bạc (Rūpya), báu Phệ Lưu Ly (Vaiḍùrya), báu Pha Chi Ca (Sphaṭika) …trợ nhau xen kẽ nghiêm sức màu nhiệm.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích thuộc nhóm như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong Cực Lạc Thế Giới Tịnh Phật Độ, nơi nơi đều có ao bảy báu màu nhiệm, trong đó tràn đầy nước tám Công Đức. Nhóm nào gọi là nước tám Công Đức?

1_ Lắng sạch
2_ Trong mát
3_ Ngon ngọt
4_ Mềm nhẹ
5_ Thấm nhuận
6_ An hòa
7_ Lúc uống vào thời trừ vô lượng tai vạ lỗi lầm của nhóm đói khát
8_ Uống xong, quyết định hay nuôi lớn các Căn, bốn Đại, tăng ích mọi loại căn lành thù thắng, chúng sinh nhiều Phước thường vui thọ dụng.

Đáy của các ao báu đó rải bày cát vàng, giáp vòng bốn mặt có bốn thềm bậc đường đi, bốn báu trang nghiêm rất đáng yêu thích. Giáp vòng các ao có cây báu màu nhiệm xếp thành hàng tỏa hương thơm phức, bảy báu trang nghiêm rất đáng yêu thích. Bảy báu là:

1_ Vàng (Suvarṇa)
2_ Bạc (Rūpya)
3_ Phệ Lưu Ly (Vaiḍùrya)
4_ Pha Chi Ca (Sphaṭika: Pha lê)
5_ Xích Châu (Lohita-mukta: Ngọc màu đỏ)
6_ Báu A Thấp Ma Yết Lạp Bà (Aśma-garbha: Mã Não)
7_ Báu Mưu Sa Lạc Yết Lạp Bà (Musāra-galva: Xà Cừ)

Trong các ao đó thường có mọi loại hoa sen đủ màu, lớn như bánh xe. Hình màu xanh (Nīlāni) hiển màu xanh (Nīla-varṇāni) tỏa ánh sáng màu xanh (Nīla-nirbhāsāni) có ảnh màu xanh (Nīlani-darśanāni).Hình màu vàng (Pītāni) hiển màu vàng (Pītavarṇāni) tỏa ánh sáng màu vàng (Pīta-nirbhāsāni) có ảnh màu vàng (Pītani-darśanāni). Hình màu đỏ (Lohitāni) hiển màu đỏ (Lohita-varṇāni) tỏa ánh sáng màu đỏ (Lohitanirbhāsāni) có ảnh màu đỏ (Lohita-darśanāni).Hình màu trắng (Avadātāni) hiển màu trắng (Avadāta-varṇāni) tỏa ánh sáng màu trắng (Avadāta-nirbhāsāni) có ảnh màu trắng (Avadāta-darśanāni). Bốn hình, bốn hiển, bốn ánh sáng, bốn ảnh .

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm thuộc nhóm như vậy, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc

Lại Xá Lợi Tử ! Trong Cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, tự nhiên thường có vô lượng vô biên mọi kỹ nhạc màu nhiệm, âm khúc hòa nhã rất đáng yêu thích. Các loài hữu tình nghe âm thanh màu nhiệm này thời các phiền não ác thảy đều tiêu diệt, vô lượng Pháp lành dần dần tăng trưởng, mau chứng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích thuộc nhóm như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, vòng khắp đại địa (Mahā-pṛthivi) đều do vàng ròng hợp thành, tiếp chạm mềm mại, thơm tho tinh khiết, tỏa ánh sáng, vô lượng báu màu nhiệm xen kẽ nhau tô điểm.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích thuộc nhóm như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, ngày đêm sáu Thời thường tuôn mưa mọi loại hoa Trời thượng diệu, sáng bóng thơm tho tinh khiết, mềm  mịn, đủ màu. Tuy khiến cho thân tâm của người nhìn thấy ưa thích nhưng chẳng tham dính, tăng trưởng cô lượng vô số Công Đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của hữu tình. Loài hữu tình ấy, ngày đêm sáu Thời thường cầm lấy, cúng dường Đức Phật Vô Lượng Thọ. Lúc sáng sớm thời cầm hoa Trời này, trong khoảng một bữa ăn, bay đến vô lượng Thế Giới ở phương khác, cúng dường trăm ngàn câu chi chư Phật. Ở các cõi Phật đều dùng trăm ngàn câu chi cây hoa, cầm rải cúng dường, rồi quay về chỗ của mình, dạo chơi các nơi mà chư Thiên trú ngụ (Devāvihārāya:Thiên trụ đẳng) .

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích thuộc nhóm như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, thường có mọi loại chim đủ màu với mọi thứ kỳ diệu đáng yêu là: Nga Nhạn (Haṃsa), Thu Lộ (Śāli), Hồng Hạc, Khổng Tước (Mayūra), Anh Vũ (Krauñcā), Yết La Tần Ca (Kalaviñka), Mệnh Mệnh Điểu…Loài chim như vậy, ngày đêm sáu Thời, thường cùng nhau tập hội, phát ra âm thanh hòa nhã. Tùy theo âm thanh của loài ấy, tuyên dương Chính Pháp là: vô lượng Diệu Pháp của nhóm  Niệm Trụ thâm sâu, Chính Đoạn, Thần Túc, Căn, Lực, Giác, Đạo. Chúng sinh trong cõi ấy, nghe âm thanh đó xong, đều được vô lượng Công Đức của Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng  xông ướp tu sửa thân ấy.

Này Xá Lợi Tử ! Ý của ông thế nào ? Loài chim của cõi ấy có phải là chỗ nhiếp của nẻo ác, bàng sinh chăng ? Đừng khởi cái nhìn ấy ! Tại sao thế ? Vì Tịnh Thổ của Đức Phật ấy không có ba nẻo ác, còn chẳng nghe thấy tên gọi của ba nẻo ác, huống chi là có thật nghiệp tội chiêu cảm của bàng sinh ! Nên biết loài chim ấy đều là nơi biến hóa tạo làm của Đức Phật Vô Lượng Thọ khiến loài ấy tuyên xướng vô lượng Pháp Âm, giúp cho hữu tình được lợi ích an vui.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích thuộc nhóm như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, thường có gió màu nhiệm thổi các cây báu với lưới võng báu phát ra âm thanh vi diệu, ví như trăm ngàn loại nhạc của cõi Trời cùng tấu một lúc, phát ra tiếng vi diệu rất đáng yêu thích. Như vậy cõi ấy thường có gió màu nhiệm thổi mọi cây báu với lưới võng báu, đánh vào phát ra mọi loại âm thanh vi diệu, nói mọi loại Pháp. Chúng sinh của cõi ấy, nghe tiếng đó xong khởi vô lượng Công Đức của nhóm tác ý, niệm Phật Pháp Tăng.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy có mọi sự nghiêm sức màu nhiệm, Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích thuộc nhóm như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, có vô lượng vô biên việc rất hiếm có, chẳng thể nghĩ bàn thuộc nhóm như vậy. Giả sử trải qua trăm ngàn câu chi na dữu đa kiếp, dùng vô lượng trăm ngàn câu chi na cái lưỡi, trên mỗi một cái lưỡi phát ra vô lượng tiếng khen ngợi Công Đức ấy thời cũng chẳng thể hết. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, Đức Phật có duyên gì mà gọi là Vô Lượng Thọ (Amitāyur) ?

Xá Lợi Tử ! Do Đức Như Lai ấy với các hữu tình có thọ mệnh vô lượng vô số đại kiếp. Do duyên đó cho nên Đức Như Lai của cõi ấy có tên gọi là Vô Lượng Thọ.

Này Xá Lợi Tử ! Đức Phật Vô Lượng Thọ chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarāṃ-samyaksaṃbuddhi:Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) đến nay đã trải qua mười đại kiếp.

Xá Lợi Tử ! Do duyên nào mà Đức Phật ấy có tên gọi là Vô Lượng Quang (Amitābha)?

Này Xá Lợi Tử ! Do Đức Như Lai ấy luôn phóng ra vô lượng vô biên ánh sáng màu nhiệm chiếu khắp tất cả cõi Phật ở mười phương, ban làm việc Phật không có chướng ngại. Do duyên đó cho nên Đức Như Lai của cõi ấy có tên gọi là Vô Lượng Quang.

Này Xá Lợi Tử ! Cõi Tịnh của Đức Phật ấy thành tựu Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, Đức Phật Vô Lượng Thọ thường có vô lượng Thanh Văn Đệ Tử, tất cả đều là bậc Đại A La Hán, đầy đủ mọi loại Công Đức vi diệu. Số lượng ấy nhiều vô lượng vô biên chẳng thể xưng đếm.

Này Xá Lợi Tử ! Cõi Tịnh của Đức Phật ấy thành tựu Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật thanh tịnh tại Thế Giới Cực Lạc, Đức Phật Vô Lượng Thọ thường có vô lượng Bồ Tát Đệ Tử, tất cả đều là bậc Nhất Sinh Sở Hệ (ekajāti-pratibaddha), đầy đủ mọi loại Công Đức vi diệu. Số lượng ấy nhiều vô biên chẳng thể xưng đếm. Giả sử trải qua vô số lượng kiếp, khen ngợi Công Đức ấy thời cuối cùng chẳng thể hết được.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy thành tựu Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Nếu các hữu tình sinh vào cõi ấy, đều chẳng thoái chuyển, ắt chẳng bị rơi lại trong các nẻo hiểm ác, biên địa, hạ tiện, Miệt Lệ Xa…thường dạo chơi các cõi nước thanh tịnh của Phật, Hạnh Nguyện thù thắng, niệm niệm tăng tiến, quyết định sẽ chứng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Này Xá Lợi Tử ! Trong cõi Phật ấy thành tựu Công Đức trang nghiêm rất đáng yêu thích như vậy. Thế nên gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Tử ! Nếu các hữu tình nghe vô lượng Công Đức, mọi chỗ trang nghiêm trong cõi Phật thanh tịnh của Đức Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây ấy, đều nên phát nguyện sinh về cõi Phật ấy. Tại sao thế ? Nếu sinh về cõi ấy, được cùng với nhóm Đại Sĩ thuộc vô lượng Công Đức, mọi chỗ trang nghiêm như vậy, đồng tập hội một chỗ, thọ dụng vô lượng Công Đức, mọi chỗ trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh như vậy, thường không thoái chuyển niềm vui của Pháp Đại Thừa, niệm niệm tăng tiến Vô lượng Hạnh Nguyện, mau chứng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề.

Cho nên này Xá Lợi Tử ! Loại hữu tình sinh về cõi Phật ấy thành tựu vô lượng vô biên Công Đức, chẳng phải các loại hữu tình có chút ít căn lành sẽ được vãng sinh về cõi Phật thanh tịnh thuộc Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Lại Xá Lợi Tử ! Nếu các kẻ trai lành hoặc người nữ thiện có niềm tin trong sạch, được nghe vô lượng vô biên Công Đức, danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật Vô Lượng Thọ, Công Đức trang nghiêm của Thế Giới Cực Lạc. Nghe xong, suy nghĩ, hoặc một ngày đêm, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu, hoặc bảy ngày đêm…buộc niệm chẳng loạn thì kẻ trai lành, người nữ thiện đó khi lâm chung thời Đức Phật Vô Lượng Thọ cùng với vô lượng Thanh Văn Đệ Tử, chúng Bồ Tát của ngài đều vây quanh trước sau, đi đến trụ trước mặt người ấy, Từ Bi gia hộ, khiến tâm chẳng loạn. Người ấy bỏ mạng xong, tùy theo chúng hội của Phật, sinh về cõi Phật thanh tịnh trong Thế Giới Cực Lạc của Đức Vô Lượng Thọ.

Lại Xá Lợi Tử ! Ta quán lợi ích. An vui, việc lớn, nhân duyên như vậy nên nói lời thành thật rằng: “Nếu các kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, được nghe Công Đức, danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật Vô Lượng Thọ như vậy, cõi Phật thanh tịnh trong Thế Giới Cực Lạc…tất cả đều nên tin nhận, phát nguyện, như Thuyết tu hành, sinh về cõi Phật ấy”

Lại Xá Lợi Tử ! Như Ta ngày nay xưng dương, khen ngợi vô lượng vô biên Công Đức cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Như vậy phương Đông (Pūrvasyāṃ-diśi), hiện tại cũng có Đức Như Lai Bất Động (Akṣobhya), Đức Như Lai Sơn Tràng (Meru-dhvaja), Đức Như Lai Đại Sơn (Mahā-merur), Đức Như Lai Sơn Quang (Meru-prabhāsa), Đức Như Lai Diệu Tràng (Mañju-dhvaja). Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Đông, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyatha yūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Nam (Dakṣiṇasyāṁ diśi) hiện tại cũng có Đức Như Lai Nhật Nguyệt Quang (Candra-sūrya-pradīpa), Đức Như Lai Danh Xưng Quang (Yaśaḥprabha), Đức Như Lai Đại Quang Uẩn (Mahārciḥ-skandha), Đức Như Lai Mê Lô Quang (Meru-pradīpa), Đức Như Lai Vô Biên Tinh Tiến (Ananta-vīrya).  Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Nam, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng:”Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Tây (Paścimāyāṁ diśi) hiện tại cũng có Đức Như Lai Vô Lượng Thọ (Amitāyur), Đức Như Lai Vô Lượng Uẩn (Amita-skandha), Đức Như Lai Vô Lượng Quang (Amitābha), Đức Như Lai Vô Lượng Tràng (Amitadhvaja), Đức Như Lai Đại Tự Tại (Mahe’svara), Đức Như Lai Đại Quang (Mahāprabha), Đức Như Lai Quang Diệm (?Śuddharaśmiprabha: Tịnh Quang), Đức Như Lai Đại Bảo Tràng (Mahāratnaketu), Đức Như Lai Phóng Quang (?Mahāvidya: Đại Minh).

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Tây, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng:”Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyatha yūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Bắc (Uttarāyāṁ diśi) hiện tại cũng có Đức Như Lai Vô Lượng Quang Nghiêm Thông Đạt Giác Tuệ (?Vaiśvānara-nirghoṣa: Tối Thắng Âm), Đức Như Lai Vô Lượng Thiên Cổ Chấn Đại Diệu Âm (Duṇḍubhisvaranirghoṣa), Đức Như Lai Đại Uẩn (Mahā-skandha), Đức Như Lai Quang Võng (Jaleniprabha), Đức Như Lai Sa La Đế Vương (Sālendra-rāja).

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Bắc, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ

Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyatha yūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương bên dưới (Adhastāyāṁ diśi) hiện tại cũng có Đức Như Lai Thị Hiện Nhất Thiết Diệu Pháp Chính Lý Thường Phóng Hỏa Vương Thắng Đức Quang Minh (?), Đức Như Lai Sư Tử (Siṃha), Đức Như Lai Danh Xưng (Yaśa), Đức Như Lai Dự Quang (Yaśaḥprabhāsa), Đức Như Lai Chính Pháp (Dharma), Đức Như Lai Diệu Pháp (Saddharma ? Dharmadhara: Trì Pháp), Đức Như Lai Pháp Tràng (Dharma-dhvaja), Đức Như Lai Công Đức Hữu (?Guṇamitra), Đức Như Lai Công Đức Hiệu (?Guṇa-nāma)

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương bên dưới, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương bên trên (Upariṣṭhāyāṁ diśi) hiện tại cũng có Đức Như Lai Phạm Âm (Brahma-ghoṣa), Đức Như Lai Tú Vương (Nakṣatra-rāja), Đức Như Lai Hương Quang (Gandha-prabhāsa), Đức Như Lai Như Hồng Liên Hoa Thắng Đức (?Ratna-kusuma-saṃpuṣpita-gātra: Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân), Đức Như Lai Thị Hiện Nhất Thiết Nghĩa Lợi (Sarvārtha-darśi)

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương bên trên, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Đông Nam (Āgneyī) hiện tại cũng có Đức Như Lai Tối Thượng Quảng Đại Vân Lôi Âm Vương (?).

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Đông Nam, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Tây Nam (Naiṛṛtā) hiện tại cũng có Đức Như Lai Tối Thượng Nhật Quang Danh Xưng Công Đức (?).

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Tây Nam, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Tây Bắc (Vāyavyā) hiện tại cũng có Đức Như Lai Vô Lượng Công Đức Hỏa Vương Quang Minh (?)

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Tây Bắc, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Như vậy phương Đông Bắc (Aiśānī) hiện tại cũng có Đức Như Lai Vô Số Bách Thiên Câu Chi Quảng Tuệ (?)

Chư Phật thuộc nhóm như vậy nhiều như cát sông Hằng (Căng Già:Gaṅga) trụ tại Phật Tịnh Thổ của mình ở phương Đông Bắc, mỗi mỗi đều hiện bày tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, giáp vòng vây quanh, nói lời thành thật rằng: “Hữu Tình các ngươi đều nên tin nhận Pháp Môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ (pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ) như vậy”.

Lại Xá Lợi Tử ! Do duyên nào mà Kinh này có tên gọi là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ Pháp Môn?

Này Xá Lợi Tử ! Do trong Kinh này xưng dương, khen ngợi Công Đức cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn thuộc Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ với chư Phật Thế Tôn ở mười phương vì muốn phương tiện lợi ích an vui cho các hữu tình, cho nên đều trụ tại cõi nước của mình, hiện Đại Thần Biến, nói lời thành thật, khuyên các hữu tình tin  hận Pháp này. Chính vì thế cho nên Kinh này có tên là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Thổ Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Nhiếp Thọ Pháp Môn (Pratīyathayūyamidamacintyaguṇaparikīrtanaṁ sarvabuddhaparigrahaṁ nāma dharmaparyāyam).

Lại Xá Lợi Tử ! Nếu kẻ trai lành hoặc người nữ thiện, hoặc đã được nghe, hoặc sẽ được nghe, hoặc nay được nghe. Nghe Kinh đó xong, sinh tin hiểu sâu xa. Sinh tin hiểu xong đều được sự nhiếp thọ của mười căng già sa chư Phật Thế Tôn ở mười phương. Người hành như Thuyết, tất cả quyết định được chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Tất cả quyết định sinh về cõi Phật thanh tịnh thuộc Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Thế nên, này Xá Lợi Tử ! Hữu tình các ông, tất cả đều nên tin nhận, hiểu biết lời nói của Ta với mười phương Phật Thế Tôn, nên siêng năng tinh tiến, như Thuyết tu hành, đừng sinh nghi ngờ lo lắng.

Lại Xá Lợi Tử ! Nếu kẻ trai lành hoặc người nữ thiện đối với Công Đức trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh thuộc Thế Giới Cực Lạc của Đức Vô Lượng Thọ. Hoặc đã phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện, hoặc nay phát nguyện đều  được sự nhiếp thọ của mười căng già sa chư Phật Thế Tôn ở mười phương. Người hành như Thuyết, tất cả quyết định được chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Tất cả quyết định sinh về cõi Phật thanh tịnh trong Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Thế nên, này Xá Lợi Tử ! Nếu các kẻ trai lành, hoặc người nữ thiện có niềm tin trong sạch. Tất cả đều nên đối với cõi Phật thanh tịnh trong Thế Giới Cực Lạc của Đức Vô Lượng Thọ, thâm tâm tin hiểu, phát nguyện vãng sinh, đừng hành phóng dật.

Lại Xá Lợi Tử ! Như Ta ngày nay, xưng dương khen ngợi Công Đức cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn thuộc Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ thì chư Phật Thế Tôn ở mười phương ấy cũng xưng tán Công Đức vô biên chẳng thể nghĩ bàn của Ta, đều nói lời này: “Thật hiếm có thay Thích Ca ! Tịch Tĩnh Thích Ca Pháp Vương Như Lai, Ứng, Chính Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn hay ở thời ác năm Trược (Pañca-kaṣāya), trong Thế Giới Kham Nhẫn (Saha-loka-dhātu) đó, ấy là Kiếp Trược (Kalpa–kaṣāya), Chư hữu tình Trược (Satva-kaṣāya), Chư Phiền Não Trược (Kleśa-kaṣāya), Kiến Trược (Dṛṣṭi-kaṣāya), Mệnh Trược (āyus-kaṣāya) …Ở trong thời đó, chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, vì muốn phương tiện lợi ích an vui cho các hữu tình, cho nên nói Pháp mà Thế Gian rất khó tin.

Thế nên, này Xá Lợi Tử ! Nên biết ngày nay, Ta ở thời năm ác trược trong Thế Giới Tạp Nhiễm Kham Nhẫn này, chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, vì muốn phương tiện lợi ích an vui cho các hữu tình, cho nên nói Pháp mà Thế Gian rất khó tin, rất là hiếm có, chẳng thể nghĩ bàn.

Lại Xá Lợi Tử ! Ở thời năm ác trược trong Thế Giới Tạp Nhiễm Kham Nhẫn này. Nếu các kẻ trai lành hoặc người nữ thiện có niềm tin trong sạch, nghe nói Pháp mà tất cả Thế Gian rất khó tin như vậy, hay sinh tin hiểu, thọ trì, diễn nói, như Giáo tu hành. Nên biết người đó rất là hiếm có, đã từng gieo trồng căn lành nơi vô lượng Đức Phật. Người đó mệnh chung, quyết định sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, thọ dụng mọi loại Công Đức trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, niềm vui của Pháp Đại Thừa. Ngày đêm sáu Thời gần gũi cúng dường Đức Phật Vô Lượng Thọ, nghe Pháp Thọ Ký, mau được tròn đủ tư lương Phước Tuệ, mau chứng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề”

Khi Đức Bạc Già Phạm nói Kinh đó xong thời các Đại Thanh Văn của nhóm Tôn Giả Xá Lợi Tử với các Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát; vô lượng hàng Trời, Người, A Tố Lạc…tất cả Đại Chúng nghe điều Đức Phật đã nói đều rất vui vẻ, tin nhận, phụng hành.