KINH XƯNG TÁN ĐẠI THỪA CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Bạc-già-phạm, trụ ở điện Đại công đức, trang nghiêm bằng các thứ báu, trong Pháp giới tạng, là nơi chốn hành hóa của chư Phật, cùng với vô số chúng đại Thanh văn, Đại Bồ-tát và vô lượng đại chúng chư Thiên, Người, A-tố-lạc… trước sau vây quanh Phật.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Bồ-tát thị hiện làm thân nữ tên là Đức Nghiêm Hoa, nương nơi oai thần của Phật từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ Phật, thưa:

–Thế nào gọi là ác hữu của Bồ-tát để Bồ-tát mới học biết rõ nhằm xa lìa?

Đức Phật nói với Đức Nghiêm Hoa:

–Ta quán xét thế gian, không có Thiên, Ma, Phạm thiên, Đế Thích, Sa-môn, Bà-la-môn nào… cùng với các Bồ-tát mới học đối với đạo Bồ-đề vô thượng là tri thức ác, như những người ưa thích thừa Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì phàm là Bồ-tát, chắc chắn tạo lợi lạc cho các loài hữu tình, siêng năng cầu đạo Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, còn những hạng người ưa thích hàng Nhị thừa, thì ý chí thấp kém, chỉ cầu tự chứng nơi niềm vui Bát-niết-bàn. Vì nhân duyên đó, Bồ-tát mới học không nên cùng với hạng người kia ở chung một chùa, cùng nghỉ một phòng, cùng kinh hành một chỗ, cùng dạo chơi trên một đường. Nếu các Bồ-tát, đối với pháp Đại thừa đầy đủ sự đa văn, có được lòng tin vững chắc, ta sẽ chấp nhận cho người kia cùng ở chung với họ, vì họ dẫn dắt phát tâm hướng đến đại Bồ-đề, nếu Bồ-tát kia, các căn lành chưa thành thục thì không nên vì họ nói pháp Đại thừa, khiến họ sinh tâm phỉ báng, mắc vô lượng tội.

Bồ-tát mới học chỉ nên thân gần học pháp Đại thừa với Bồ-tát đa văn, tu học pháp Đại thừa đã lâu vì đối với đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, chỗ vun trồng các căn lành, sẽ mau thành thục; không nên thân gần với những người ưa thích hàng Nhị thừa. Tại sao vậy? Vì họ làm chướng ngại tâm Bồ-đề của Bồ-tát; họ khiến lìa bỏ tâm Bồ-đề, họ làm khuyết tổn tâm Bồ-đề, họ khiến hủy phạm hạnh Bồ-tát. Bồ-tát thà hủy bỏ thân mạng chớ không hủy bỏ tâm đại Bồđề để phát khởi ý hướng cầu Nhị thừa. Nếu Bồ-tát khuyên các hữu tình bỏ tâm Bồ-đề hướng tới quả vị Nhị thừa, nếu Bồ-tát khuyên các chúng sinh bỏ tâm Bồ-đề làm các nghiệp ác, thì đều bị đọa địa ngục, nhận các khổ thảm khốc.

Bồ-tát thà giữ tâm đại Bồ-đề, tạo ra năm tội vô gián, chịu khổ nơi địa ngục, chứ trọn kiếp không lìa bỏ tâm đại Bồ-đề, để hướng cầu chứng quả Dự lưu. Bồ-tát thà giữ tâm Đại Bồ-đề, trăm ngàn đại kiếp chịu khổ nơi địa ngục, chứ trọn kiếp không lìa bỏ tâm đại Bồ-đề mà hướng cầu chứng quả Nhất lai. Bồ-tát thà giữ tâm đại Bồ-đề, nhận kiếp súc sinh, hoặc làm ngạ quỷ, chứ trọn kiếp không lìa bỏ tâm đại Bồ-đề để hướng cầu chứng quả Bất hoàn. Bồ-tát thà giữ tâm đại Bồ-đề tạo mười nghiệp ác, đọa vào đường ác, chứ trọn kiếp không lìa bỏ tâm đại Bồ-đề để hướng cầu chứng quả Vô sinh. Bồ-tát thà giữ tâm đại Bồ-đề vào hầm lửa dữ, cứu độ các loài hàm thức, chứ trọn kiếp không lìa bỏ tâm đại Bồ-đề, để cùng với hạng Nhị thừa vào cảnh giới Niết-bàn.

Bồ-tát thương xót tất cả hữu tình luân chuyển ở trong sinh tử không được cứu độ, lúc mới phát tâm Bồ-đề Vô thượng, tất cả hàng Trời, Người, A-tố-lạc… đều nên cúng dường, vì đã chứng được quả vị cuối cùng của Thanh văn, Duyên giác đã bẻ gãy, hàng phục tất cả quân ma, các ác, ma vương đều kinh sợ.

Lúc đó, Đức Nghiêm Hoa nghe Phật giảng nói như vậy rồi, lại hỏi Phật:

–Thế nào là quân ma? Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót vì con mà giảng nói.

Phật bảo Đức Nghiêm Hoa:

–Nếu có người nghe nói về giáo pháp Đại thừa, mà không sinh tùy hỷ, không thích nghe, không cầu ngộ nhập, không thể tin, nhận, trở lại xem thường, chê cười, mắng nhiếc, lăng mạ, ly gián, phỉ báng, đánh đập, đuổi đi, thì nên biết những hạng đó đều là quân ma, đó gọi là những người ưa phi pháp. Người tâm tánh thô lậu, kém cỏi, người cầu ngoại đạo, người thực hành hạnh tà, người phá hoại chánh kiến, nên biết những hạng người đó đều hủy báng Đại thừa, sẽ bị đọa địa ngục khổ não dữ dội, từ địa ngục ra khỏi thì sinh làm ngạ quỷ, trải qua trăm ngàn kiếp, luôn ăn phân nhơ, sau sinh trong loài người bị mù, điếc, câm, ngọng, thân thể không đầy đủ, mũi tẹt, ngu độn không biết gì, hình dáng lùn xấu. Như vậy dần dần tội chướng tiêu trừ, luân chuyển khắp mười phương, hoặc gặp chư Phật, gần gũi, cúng dường, lại nghe pháp Đại thừa, nghe rồi hoặc có thể tùy hỷ tin nhận, nhân đấy liền phát tâm đại Bồ-đề, dũng mãnh tinh tấn, siêng năng tu hạnh Bồ-tát, dần dần tiến học cho đến giải thoát.

Chư Phật Thế Tôn không sinh ý phân biệt, vì loài hữu tình nói pháp năm thừa, do diệu lực từ bản nguyện nương thân pháp giới, ở bất cứ lúc nào, từ các lỗ chân lông tự nhiên phát ra vô lượng pháp quang, dùng một âm thanh vi diệu, tưới mát bằng pháp vũ cho vô lượng hữu tình trong một chúng hội. Từ xưa đến nay, những người tin, ưa thích Thanh văn thừa thì nghe Phật giảng nói pháp của Thanh văn thừa. Từ xưa đến nay, những người tin ưa thích Độc giác thừa thì nghe Phật giảng nói pháp của Độc giác thừa. Từ xưa đến nay, những người tin ưa thích Vô thượng thừa thì nghe Phật nói pháp Vô thượng thừa. Từ xưa đến nay, những người tin ưa thích tất cả thừa thì nghe Phật giảng nói pháp của tất cả thừa. Từ xưa đến nay, những người tin ưa thích Nhân thiên thừa thì nghe Phật giảng nói pháp của Nhân thiên thừa. Bàng sinh, ngạ quỷ… cũng nghe Như Lai tùy theo loại âm thanh, vì chúng mà giảng nói pháp. Nếu có người từ xưa đến nay chưa nghe pháp, người ấy chỉ thấy Phật ở trong chúng im lặng. Người từng nghe pháp Đại thừa mà phỉ báng, trải qua vô lượng kiếp bị đọa vào các nẻo địa ngục lớn, bàng sinh, ngạ quỷ và trong hàng trời, người chịu đầy đủ các khổ rồi, nghe pháp Đại thừa liền có thể tùy hỷ, phát sinh lòng tin thanh tịnh, vững chắc, nên phát tâm cầu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Lúc đó, Đức Nghiêm Hoa nghe Phật giảng nói rồi, lại hỏi Phật:

–Thế nào gọi là Đại thừa? Đại thừa này ý nghĩa là gì?

Thế Tôn đáp:

–Lành thay, lành thay! Bồ-tát có thể thích lãnh hội công đức của Đại thừa, hãy lắng nghe cho kỹ, khéo suy nghĩ về việc ấy. Như Lai sẽ vì Bồ-tát mà phân biệt, giải nói.

Đại thừa này có các ý nghĩa sau:

Thừa ấy thâu tóm, gom góp tất cả mọi sự lớn rộng không còn sót lại, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này công đức rất sâu xa, vi diệu, vượt qua các số lượng nên gọi là Đại thừa.

Thừa này vững chắc, phân biệt hư vọng không thể làm khuynh động, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này chân thực, cùng tận đời vị lai không chấm dứt, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này cũng như lưới hư không rộng lớn, bao quát khắp cả pháp giới, không có giới hạn, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như biển thâu nạp, chứa nhóm vô số công đức báu, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như núi làm khu vực trấn giữ đám tà đạo không cho quấy nhiễu, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như hư không bao hàm tất cả loài hữu tình và chẳng phải loài hữu tình, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như đất có khả năng sinh trưởng tất cả pháp thiện thế gian và xuất thế gian, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như nước làm thấm nhuần tất cả, khiến không khô khan, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như lửa, thiêu diệt các thứ chướng hoặc, khiến không còn tập khí sót lại, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như gió, quét sạch tất cả mây mù sinh tử, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như ánh sáng mặt trời soi chiếu tất cả mọi vật khiến đều thành thục, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này như mặt trăng hay trừ các thứ phiền não nóng bức, phá các tà ám, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này tôn quý, tám bộ chúng Trời, Rồng…, đều tôn kính phụng thờ, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này luôn làm cho chúng Càn-thát-bà ca vịnh tán thán, ngợi khen, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này luôn làm Tứ Thiên vương, Phạm vương, Đế Thích lễ kính, tôn trọng, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này luôn làm cho các Long, Thần… cung kính, tôn thờ, phòng hộ, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này luôn làm cho các hàng Bồ-tát siêng năng tinh tấn tu học, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này giữ gìn các giống Phật thánh, lần lượt tăng trưởng, thạnh hành, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này viên mãn đầy đủ đại oai đức, chiếu rọi tất cả, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này chu cấp cho tất cả chúng sinh, không còn thiếu thốn, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này oai lực cũng như cây thuốc cứu trị các bệnh, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này có công năng hủy hoại tất cả giặc phiền não của chúng sinh, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này có thể chuyển pháp luân vô thượng tạo lợi ích cho tất cả, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này vi diệu, sâu xa, bí mật, không thể diễn nói hết, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này thần dụng, tiếp nối hạt giống Tam bảo khiến không bị dứt, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này có khả năng làm sáng tỏ nghĩa lý thù thắng của thế gian, hướng đến cứu cánh, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này có thể làm sáng tỏ đầy đủ các hạnh Bồ-tát, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này có khả năng làm sáng tỏ công đức nơi quả vị Phật, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này tạo mọi lợi lạc cho tất cả chúng sinh đến tận cùng đời vị lai, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này có công năng tột bậc dựng nghĩa lớn, diệu dụng không cùng tận, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này cao xa, vi diệu, người nào tâm ý thích chỗ thấp kém thì không thể tin, nhận, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này bình đẳng, người nào có tâm ý ưa thích tăng thượng mới có thể tin, nhận, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này rộng lớn, người ngu kém không thể lường xét được, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này cao quý, bậc thượng trí mới có khả năng đạt được cảnh giới quý báu, nên gọi là Đại thừa.

Thừa này vượt hẳn Độc giác thừa … trên hết, không gì có thể so sánh được, nên gọi là Đại thừa.

Khi Phật giảng nói về danh nghĩa, thể, dụng, các công đức thù thắng của Đại thừa như vậy, thì ngay lúc đó, tam thiên đại thiên thế giới, hiện đủ sáu cách chấn động. Trong hư không, trăm ngàn loại nhạc trời, không tấu mà tự kêu vang. Chư Thiên rải đủ loại hoa, vô lượng Thiên tử, vô số Thanh văn nghe pháp âm này, thấy điềm ứng lạ thường ấy, nên đều phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng, trăm ngàn vô số chư Bồ-tát mới tu học cùng lúc chứng được pháp Nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, thưa:

–Nay, pháp môn này rất ít có, tạo lợi ích cho khắp tất cả chúng sinh, nên gọi tên gì để phụng trì lưu hành rộng rãi?

Phật bảo:

–Kinh này gọi là Xưng Tán Công Đức Đại Thừa, cũng gọi là Nói Rõ Nghiệp Chướng Hủy Báng Chánh Pháp. Tên gọi như vậy, ông nên theo đấy mà phụng trì.

Lúc Đức Bạc-già-phạm giảng nói kinh này rồi, Tôn giả A-nan-

đà cùng với vô lượng Thanh văn, Đức Nghiêm Hoa, cùng với vô số Bồ-tát và chư Thiên, Người, A-tố-lạc, tất cả đại chúng nghe Phật nói, đều rất vui vẻ tin, nhận, phụng hành.