SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

BÀI TỰA KINH XUẤT DIỆU

Kinh Xuất Diệu do Bồ-tát Bà-tu-mật Cửu Pháp Cứu soạn, tập thành một ngàn chương, gồm ba mươi ba phẩm, gọi là Pháp Cú Lục. Kinh vốn gồm nhiều phần phức tạp được giải thích ra gọi là Xuất Diệu. Danh từ Xuất Diệu cựu dịch là Thí Dụ, tức bộ thứ sáu trong mười hai bộ kinh.

Năm thứ mười chín niên hiệu Kiến nguyên đời Tiền Tần (Phù Tần) có Sa-môn Tăng-già-bạt-trừng, người nước Kế-tân bên Ấn độ, vượt ngọn Thông lĩnh, qua sa mạc vùng Tây bắc Trung hoa, chẳng ngại đường sá xa xôi muôn dặm, đến Trường an. Kiến thức của ngài thật sâu rộng tuyệt luân. Thầy ngài (có lẽ là Đại An) coi ngài là pháp khí nên rất kính trọng ngài. Ngài giảng pháp cũng rất cao sâu, trong khoảng bốn năm, sư đã giảng cho vua nghe biết bao điều cốt yếu siêu dị cùng những tạp sự đặc kỳ. Nhưng sau đó chẳng bao lâu, Tam Tần sụp đổ, sư phải tránh nạn nơi đất Đông Chu. Về sau vào khoảng năm thứ tư niên hiệu Hoàng sơ đời Hậu Tần sư quay về Y lạc, định trở về quê cũ nên phải nấn ná nơi kinh đô. Nhìn con đường trước mắt mà lòng những than thở vì kinh Pháp Cú chưa hoàn bị mà kinh Xuất Diệu cũng chưa xong, tâm trí sư luôn nghĩ ngợi băn khoăn, lòng dạ luốn ôm ấp niềm khoắc khoải khôn nguôi.

Có quan Thái úy Diêu Mân lòng thành khẩn nghe chuyện vui mừng không kịp đợi vời sư đến, đi gặp người ngay. Mùa thu năm thứ năm niên hiệu Hoàng sơ, Thái úy thỉnh cầu sư bắt đầu việc phiên dịch, đến mùa xuân năm thứ năm Hoàng sơ là xong. Trong công việc phiên dịch này, Bạt-trừng cầm nguyên bản tiếng Phạm,

Trúc Phật Niệm dịch và Đạo Nghi ghi chép. Làm cho bản dịch bóng bẩy như ngọc bích họ Hòa là phần việc của hai sư Phật Niệm và Đạo Nghi, phần sư Bạt-trừng rà soát lại bao quát phần thiền pháp mà kiểu chính cho hoàn bị. Thời đó không có gì để nương tựa, chỉ căn cứ vào nguyên bản tiếng Phạm mà thôi. Xưa có bốn quyển mà phần ích lợi cũng đã nhiều. Nay có được quyển dịch này giải thích đầy đủ, đọc nó hiểu được rõ ràng vậy!

Tôi từ Võ đương khăn gói rong ruổi đến chốn kinh đô Văn vật để học hỏi cùng tham quan phong hóa, được tham dự vào việc rà soát lại bản in, nhân đó viết lời tựa.

Ngày 12 tháng 8 năm đầu niên hiệu Hoằng thỉ (399),

Tăng Duệ viết lời tựa đầu sách.

 

GIỚI THIỆU KINH XUẤT DIỆU

 I. Kinh Xuất Diệu:

Gồm ba mươi quyển (hoặc hai mươi bốn quyển) do Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatràta) soạn và do Trúc Phật Niệm cùng Tăng-già-bạt-trừng hợp dịch. Sách hoàn thành trong khoảng Vĩnh hòa năm thứ sáu cho đến Nghĩa hy thứ mười ba đời Đông Tấn (350-417) và còn có tên là Xuất Diệu luận. Sách được chép vào quyển thứ bốn Đại Tạng Kinh và thuộc dạng chú thích các bài kệ ở các kinh rồi qua thí dụ hoặc truyện tích tập hợp lại mà viết thành, chia ra làm ba mươi bốn phẩm. Tên cũ Xuất Diệu là Thí Dụ (Avadàna) dịch âm là A-bà-đà-na là quyển thứ sáu trong mười hai bộ kinh của Phật giáo, mục đích nhằm trợ giúp cho việc lý giải giáo lý bằng cách dùng thí dụ hoặc ngụ ngôn để thuyết minh. Toàn quyển kinh qua các thí dụ mà thuyết minh lẽ vô thường của nhân sinh, lấy việc tu hành giới, định, tuệ để tích tập căn lành mà đạt đến đạo lý giải thoát, có nội dung tương tợ kinh Pháp Cú. Quyển sáu kinh này định nghĩa chữ Xuất Diệu như sau: “Gọi là Xuất Diệu tức từ phẩm thứ nhất “Vô thường” cho đến phẩm cuối cùng “Phạm chí”, kinh đã thu thập yếu tàng của các kinh khác, diễn giải tỏ rõ ra để dạy dỗ đời sau, cho nên gọi là Xuất Diệu”.

II. Bồ-tát Pháp Cứu:

Trong bài tựa kinh Xuất Diệu, Tăng Duệ ghi sách do Bồ-tát Bà-tu-mật Cửu Pháp Cứu soạn. Nhưng Phật học sử cũng ghi Pháp Cứu là từ dịch theo ý của chữ Đạt-ma-đa-la (Dharmatràta), cũng còn gọi là Đàm-ma-đa-la, là Luận sư của Nhất thiết hữu bộ, ra đời kế tiếp các ngài Bà-tu-mật (dịch ý Thế Hữu) và Cù-sa (dịch ý Diệu Âm). Sách Đại Tỳ-bà-sa luận quyển thứ bảy mươi bảy cũng cho sư là một trong bốn vị Luận sư thuyết về Nhất thiết hữu bộ, hoặc cho sư là một trong bốn vị Đại luận sư của Bà-sa hội. Nhưng ở các sách Câu-xá luận, hoặc Tôn giả Bà-tu-mật Bồ-tát Tập luận hay Tỳ-bà-sa luận thì phần nhiều dùng tên Đại đức Pháp Cứu, Tôn giả Pháp Cứu, Tôn giả Đàm-ma-đa-la để dẫn dụng luận thuyết của các vị Luận sư đó, có nghĩa Pháp Cứu với họ là một. Nhưng mặt khác,kinh Pháp Cú lại ghi là do Đại đức Pháp Cứu soạn. Do đó rất khó mà xác định Bà-tu-mật Cửu Pháp Cứu là một hoặc hai người và sự

tích của tác giả kinh Xuất Diệu cũng không có gì rõ ràng cả.

III. Tăng-già-bạt-trừng:

Tăng-già-bạt-trừng, Sankrist là Samghabhùti, dịch theo ý là Chúng Hiện, là Tăng nhân dịch kinh đời Đông Tấn, người nước Kế-tân miền Bắc Ấn độ. Sư là người làu thông tam tạng, bác lãm quần điển, tinh thông thiền học, lại chuyên tụng đọc A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa luận, quán thông diệu chỉ. Sư là người có chí đi xa nên vào khoảng

năm thứ mười chín niên hiệu Phù tần Kiến nguyên (383), sư vượt dãy Thông lĩnh, xuyên sa mạc Tây bắc Trung hoa đến Trường an, cùng với Đạo An, Đàm-ma-nan-đề, Phật-đồ-la-sát, Triệu Chính dịch A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa luận. Năm thứ hai mươi Phù tần Kiến nguyên lại theo lời yêu cầu của Triệu Chính cùng Đàm-ma-nan-đề, Tăng-già-đề bà và Trúc Phật Niệm dịch bộ tập luận mười quyển của Tôn giả Bà-tu-mật Bồ-tát. Không bao lâu sau đó sư lại theo yêu cầu của Triệu Chính, tại chùa Thạch dương ở Trường an dịch tập kinh ba quyển của Tăng-già-la-sát. Sau đó đất Quang trung đại loạn, sư tạm lánh nạn vùng Đông Tấn.

Năm thứ tư niên hiệu Hoàng sơ đời Diêu Tần (397) sư quay trở về vùng Y lạc. Mùa thu năm thứ năm niên hiệu Hoàng sơ, đáp lời thỉnh cầu của Thái úy Diêu Mân, sư cùng Trúc Phật Niệm dịch kinh Xuất Diệu ba mươi quyển. Sư là người giới đức nghiêm túc, ly trần thoát tục, Tăng chúng vùng Quang trung đều coi sư là tấm gương sáng. Về sau không biết sư tịch thế nào.

IV. Thông Lĩnh:

Tên một dãy núi phát mạch từ vùng Tân cương chạy dài đến Bồ lê, còn được gọi là Côn luân hay Thiên sơn. Núi cao trùng điệp rất khó trèo qua.

V. Lưu Sa:

Chỉ dãy sa mạc to lớn vùng Tây bắc nước Trung hoa, vượt qua thật thiên nan vạn khổ.

VI. Tiên Sư:

Đây là lời gọi của Tăng Duệ, tỏ ý tôn vọng thầy mình, có lẽ là Đại An chứ chữ Tiên Sư không phải chỉ thầy của Tăng-già-bạttrừng.

VII. Đông Chu:

Tức chỉ vùng đất Đông Tấn.

VIII. Tăng Duệ:

Tăng nhân đời Đông Tấn, người Trường lạc, Ngụy quận, năm sinh, ngày mất không rõ, là một trong Tứ thánh đất Quang trung.

Thuở nhỏ sư đã có chí xuất trần, năm mười tám tuổi xuống tóc thờ Tăng Hiền làm thầy, đến năm hai mươi tuổi đã bác thông kinh luận. Khi nghe Tăng Lãng giảng kinh Phóng Quang Bát-nhã thì sư thường hay vặn hỏi những chỗ nghi ngờ khiến Tăng Lãng phải ngợi khen tài. Năm hai mươi bốn tuổi sư chu du các nước giảng đạo thính chúng rất đông, nhưng sư vẫn than là thiền pháp chưa được lưu truyền. Kịp đến tháng chạp năm thứ ba niên hiệu Hoằng thỉ đời Diêu Tần (401), Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập đến Trường an, sư bèn theo ngài thọ thiền pháp, nhờ thầy truyền dạy pháp yếu, luyện tập chuyên cần đêm ngày. Quan tư đồ Diêu Tung rất khế trọng sư. Tần chúa Diêu Hưng cũng ca tụng tài sư. Sư từng cùng nhóm Tăng Triệu tham đính các kinh do Cưu-ma-la-thập dịch. Đời sau cho sư là một trong bốn Đại đệ tử của La-thập (Đạo Sinh, Tăng Triệu, Đạo Dung và Tăng Duệ). Khi La-thập dịch kinh Pháp Hoa đến chỗ chuyển thành câu văn Hán “Thiên kiến nhân, nhân kiến thiên” thấy trúc trắc phải suy đi nghĩ lại, thì sư kiến nghị nên dịch là “Nhân thiên giao tiếp, lưỡng đắc tương kiến” được La-thập vui vẻ nhận ngay và câu chuyện trên lập tức trở thành giai thoại nhất thời. Sau La-thập đưa Thành Thật luận cho sư giảng thuyết, chỉ ý của sư rất khế hiệp ý của La-thập.

Bình sinh sư viết rất nhiều lời tựa cho các quyển kinh dịch từ Phạm và Hán như Pháp Hoa Kinh Hậu Tự, Đại Trí Độ Luận Tự, Tỳ-ma-la-cật-đề Kinh Nghĩa Số Tự, Tự Tại Vương Kinh Hậu Tự, Quang Trung Xuất Thiền Kinh Tự mà nay hãy còn lưu hành và một số bài tựa nay đã mất như Thành Thật Luận Tự, Bách Luận Tự, Tư Ích Kinh Nghĩa Số Tự. Ngoài ra, do bài tựa kinh Đại Phẩm do sư soạn mà người đời biết được vị thầy mà sư thờ chính thức là Đạo An, mặc dù trong suốt cuộc đời sư còn học đạo với một số các thiền sư khác là Đạo Hiền, Đạo Lãng và Cưu-ma-la-thập.

IX. Trúc Phật Niệm:

Tăng nhân đời Đông Tấn, người Lương châu (Cam túc, Vũ uy). Xuất gia từ thuở còn thơ, ý chí học đạo nghiệp rất kiên định. Ngoài việc học tập các kinh, sư còn nghiên cứu sâu rộng ngoại điển.

Khoảng niên hiệu Phù tần Kiến nguyên (365-384), các ngày Tăng-già-bạt-trừng và Đàm-ma-nan-đề cùng đến Trường an và theo yêu cầu của Triệu Chính, Bạt-trừng phiên dịch Bà-tu-mật Sở Tập Luận, Nan-đề dịch Vương Tử Pháp Ích Hoại Mục Nhân Duyên Kinh, Tăng Nhất A-hàm Kinh, Trung A-hàm Kinh, còn sư thì phụ trách nhiệm vụ truyền ngữ. Theo sách Lương Cao Tăng truyện thì khoảng thời gian 399 đến 416, tức thời Diêu Tần Hoàng thỉ, sư dịch cả thảy năm bộ kinh là Bồ-tát Anh Lạc Kinh, Thập Trụ Đoạn Kết Kinh, Xuất Diệu Kinh, Bồ-tát Xứ Thai Kinh, Trung Ấm Kinh được đời gọi là bậc Tông sư trong ngành dịch kinh đời Phù và Diêu Tần.

Theo quyển hai, sách Tam Tạng Ký Tập thì ngoài năm bộ vừa kể sư còn dịch thêm Kinh Vương Tử Pháp Ích Hoại Mục Nhân Duyên, Bồ-tát Anh Lạc Bổn Nghiệp Kinh, Trì Nhân Bồ-tát Kinh, Đại Phương Đẳng Vô Tưởng Kinh, Bồ-tát Phổ Xứ Kinh, Thập Tụng Tỳ-kheo-ni Giới… Sau sư viên tịch ở Trường an. Năm tịch và niên thọ đều không rõ.

Cư sĩ Lý Việt Dũng viết lời giới thiệu.