PHẬT NÓI KINH
THÂN VUA BA-TƯ-NẶC DÍNH BỤI VÌ THÁI HẬU QUA ĐỜI

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Cự
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, thái hậu của vua Ba-tư-nặc nước Câu-sa-la qua đời, lúc tuổi đến một trăm, già cả suy yếu, nhưng vẫn tinh tấn tu tập pháp thiện.

Trời đã giữa trưa, sau khi tống táng cho mẹ, vua Ba-tư-nặc với thân thể dính đầy bụi, đi bộ đến gặp Thế Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên.

Thế Tôn hỏi:

–Hôm nay vì sao Đại vương người dính đầy bụi, đi bộ đến gặp Ta?

Bấy giờ nhà vua khóc lóc không tự kiềm chế được, lau nước mắt, bạch Thế Tôn:

–Thái hậu đã qua đời! Thưa Thế Tôn. Thái hậu đã không còn! Thưa Như Lai, thái hậu vào tuổi phải nương cậy, không còn sức lực, vẫn tích đức tu pháp thiện, con rất yêu thương, ngày đêm chăm sóc chưa từng trái ý. Mạng sống có thể chuộc được để sống mãi, thì con đem hết cả voi, ngựa, xe cộ để chuộc mạng, đem hết cả dân chúng để chuộc mạng cho thái hậu của con đừng chết. Nếu đem vàng bạc đổi được mạng sống, con cũng đem đổi. Nếu đem châu báu đổi được mạng sống con cũng đem đổi. Nếu đem nô tỳ đổi được mạng sống con cũng đem đổi. Nếu đem làng xóm đổi được mạng sống con cũng đem đổi. Nếu đem thành phố đổi được mạng sống con cũng đem đổi. Nếuđem cả thành phố, xóm làng đổi được mạng sống con cũng đem đổi. Nếu đem một phương đổi được mạng sống, con cũng đem đổi. Nếu đem một vùng dân chúng đổi được mạng sống con cũng đem đổi. Nếu đem một phương dân chúng đổi được mạng sống con cũng đem đổi, để cho mẹ con không bị qua đời.

Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đúng vậy, Đại vương. Như lời Đại vương nói, nếu đem voi trắng đổi được mạng sống thì có thể đem voi đổi mạng cho mẹ. Nếu đem ngựa, xe, dân chúng, châu báu, vàng bạc, nô, tỳ, xóm làng, thànhphố, một phương chúng dân đổi mạng cho mẹ được thì nên đem một phương dân chúng để đổi mạng sống cho mẹ, đừng để cho mẹ qua đời.

Do vậy, này Đại vương, nên tư duy nhớ nghĩ về vô thường, nên tưởng rộng về vô thường, nên tưởng rộng về sự chết.

Thế Tôn nói kệ:

Ai cũng phải qua đời
Không có ai sống mãi
Tùy hành động tội phước
Tự nhận quả thiện ác
Làm ác đọa địa ngục
Người thiện chắc sanh thiên
Người trí phân biệt rõ
Làm phước ngăn điều ác.

Này Đại vương, có bốn việc đáng sợ, là sợ hãi lớn không thể tránh khỏi, không thể dùng sức lực đao gậy tránh được, không thể dùng chú thuật, dược thảo, voi ngựa, xe cộ, dân chúng, châu báu, vàng bạc, nô tỳ, xóm làng thành phố, một phương dân chúng mà có thể tránh thoát được. Bốn việc ấy là: Già là sợ hãi lớn, bắp thịt tiêu hết, không thể dùng dao gậy để tránh thoát, cho đến dùng một  phương dân chúng cũng không tránh thoát được. Bệnh là sợ hãi lớn, không còn ý chí cường thịnh, không thể dùng dao gậy cho đến một phương dân chúng để tránh thoát được. Chết là sợ hãi lớn, tuổi thọ không còn, không thể dùng dao gậy hay một phương dân chúng để tránh thoát được. Ân ái bị biệt ly là sợ hãi lớn, không thể dùng dao gậy cho đến một phương dân chúng để tránh thoát được. Thế nên, này Đại vương, bốn sự sợ hãi lớn này không thể dùng dao gậy cho đến chú thuật, dược thảo, voi ngựa, xe cộ, dân chúng, châu báu, vàng bạc, nô tỳ, làng xóm, thành phố, dân chúng một phương để tránh thoát được. Này Đại vương, ví như mây lớn nổi lên sấm chớp tung tóe, rồi nó tự tiêu tán không tồn tại lâu. Cũng vậy, này Đại vương, mạng người rất ngắn, thọ dài lắm là trăm năm, vượt hơn số này rất ít. Này Đại vương, ví như có bốn núi đá lớn, không có chỗ khuyết. Bốn núi này đồng thời đi đến nghiền nát cây cối dược thảo thì không thể dùng dao gậy để tránh thoát được. Cũng vậy, này Đại vương, có bốn sự sợ hãi lớn đến, không thể tránh thoát được. Bốn sựđó là: Già là sợ hãi lớn, bắp thịt tiêu hết, không thể dùng dao gậy tránh thoát, không thể dùng dược thảo chú thuật mà tránh thoát được. Bệnh là sợ hãi lớn, không còn ý chí cường thịnh. Chết là sợ hãi lớn, thân bị tiêu diệt. Ân ái bị biệt ly là sợ hãi lớn, không thể dung dao gậy, chú thuật dược thảo mà tránh thoát được. Này Đại vương, cần phải tu tập nhiều tưởng vô thường, nên trải rộng tưởng vô thường. Vì sao? Đã tu tập tưởng vô thường, trải rộng tưởng vô thường, thì đoạn trừ sạch tất cả dục ái, đoạn trừ tất cả sắc ái, đoạn trừ tất cả vô sắc ái, tất cả vô minh đã bị đoạn trừ, bất kỳ ái gì cũng bị đoạn trừ hết. Này Đại vương, ví như đem lửa đến đốt hết đống cỏ rơm củi, đốt cả rừng rậm lớn, lầu đài nhà cửa. Đây cũng vậy, ai tu tưởng vô thường, trải rộng tưởng vô thường thì đoạn trừ sạch dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vô minh, và tất cả ái khác. Thế nên, này Đại vương cần phải học như vậy.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

–Pháp này tên là gì, phụng trì như thế nào?

Thế Tôn bảo:

–Tên kinh là Trừ Ưu Hoạn. Pháp này trừ hết ưu sầu hoạn nạn.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

–Thế Tôn, đúng là kinh Trừ Ưu Hoạn, đúng là kinh Trừ Ưu Hoạn. Vì sao? Thưa Thế Tôn, con nghe kinh này xong thì bao nhiêu thương cảm sầu ưu đều bị tiêu trừ hết, cảm giác thân thể nhẹ nhàng hoan hỷ.

Thế Tôn lại vì vua Ba-tư-nặc thuyết pháp vi diệu làm cho hoan hỷ.

Nhà vua đứng dậy đem đầu mặt lạy sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi từ giã.

Vua Ba-tư-nặc nước Câu-sa-la nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.