KINH VIỆT NAN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Cư sĩ Nhiếp Thừa Viễn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Phật và các Hiền giả nhóm họp tại nước Ba-la-nạitư. Khi ấy, trong nước có một Trưởng giả, thuộc một trong bốn dòng họ lớn, tên là Việt Nan. Nhà Trưởng giả giàu có, châu báu, trâu ngựa, ruộng vườn, nhà cửa, đồ vật rất nhiều. Việt Nan là người tham lam keo kiệt, ganh tị, không tin đạo đức, không ưa ban cho. Ban ngày thường dạy người gác cửa: “Nếu có người đến xin, chớ có cho vào.”

Việt Nan có một người con, tên là Chiên-đàn, cũng rất tham lam keo kiệt. Việt Nan sau khi qua đời, cũng sinh lại trong nước này, làm con của vợ chồng người hành khuất mù.

Một hôm người chồng bảo:

–Nàng bệnh nặng, nay lại mang thai, tôi thì nghèo khổ, không đủ cơm ăn, áo mặc. Nàng hãy tự đi.

Nghe lời chồng nói, người vợ liền ra đi, chưa được bao xa thì gặp đống rác lớn, dừng nghĩ ở đó.

Đến chín tháng, người vợ sinh ra đứa bé, hai mắt đều mù.

Người mẹ phải đi xin thức ăn về nuôi con.

Đến lúc con lên bảy tuổi, người mẹ nói:

–Mẹ nuôi con đã lâu rồi. Nay con hãy tự mình chống gậy, cầm bát đi xin, nói những lời bi thảm: “Ở đời, người nghèo rất khổ. Nay con bạc phước sinh vào nhà nghèo hèn, hai mắt lại mù, không thấy gì cả, bị người khinh dể. Cho con xin chút ít thức ăn uống, để con đỡ đói, ví như trời mưa cho người khát được nước uống.”

Nghe mẹ nói như vậy, đứa bé liền đi xin từng nhà, rồi đến nhà Chiên-đàn.

Khi đứa bé vừa đến nơi, người canh cửa đã bỏ đi đâu đó, nên nó vào được trong sân, nói y lời mẹ dạy.

Khi ấy Chiên-đàn đang đứng ở nhà trên, nghe đứa bé mù nói vậy, liền nổi giận, kêu người canh cửa, hỏi:

–Ai cho đứa bé mù xin ăn này vào cửa?

Nghe gọi, người canh cửa rất sợ, liền kéo đứa bé mù đánh đập, đẩy ra ngoài cửa. Bị thương ở đầu, mặt, gãy cánh tay phải và bát đựng thức ăn rơi xuống đất bể nát, thân thể rất đau đớn, đứa bé kêu khóc thảm thiết.

Nghe tin con như vậy, người mẹ liền chạy đến chỗ con, nói:

–Người nào xấu ác, gây hại con ta? Con ta còn nhỏ, hai mắt lai mù, nó có lỗi gì mà phải chịu như vậy? Sao trời không thương xót!

Đứa bé thưa với mẹ:

–Con vừa vào trong cửa nhà này để xin. Có một người gọi lớn, nhiều người mạnh mẽ đến kéo con đánh đập, làm cho thân thể con bị tổn thương, rất đau đớn như vầy. Không bao lâu con sẽ chết!

Lúc ấy, vị thần giữ cửa, liền kêu đứa bé, nói:

–Con bị đau khổ này cùng còn nhỏ thôi. Sau này con bị đau khổ rất lớn, là do tội đời trước: Con giàu có của cải mà không ban cho nên nay chịu quả khổ này. Ở đời không có giàu sang mãi. Giàu sang mà không có lòng ban phát cho người thì cũng như không có tài vật, khi chết bị đau khổ. Lúc đó lo buồn, hối hận, đâu có ích gì!

Khi ấy, người đến xem rất nhiều, họ nói với nhau và tiếng đồn vang xa.

Với trí giác ngộ, Phật biết được, nên cùng các Tỳ-kheo vào thành khất thực. Trông thấy việc này, Phật liền hỏi Tôn giả A-nan:

–Những tiếng gì mà ồn ào đến như vậy?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Đó là sự việc đã xảy ra của mẹ con đứa bé mù. Tôn giả A-nan liền chắp tay bạch Phật:

–Xin Phật thương xót, đi đến chỗ đứa bé này.

Phật im lặng không đáp.

Khất thực xong, lúc trở về, Phật liền đến đó. Thấy đứa bé mù bị thương đau đớn, Phật lấy tay xoa đầu, mắt. Đứa bé thấy những vết thương đau đớn liền được lành mạnh. Nhờ đó biết được nhân đời trước của mình.

Phật hỏi đứa bé:

–Đời trước, con là Trưởng giả tên Việt Nan phải không?

Đứa bé thưa:

–Vâng, phải.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Người ở đời rất ngu si. Một đời làm cha con với nhau mà không biết được.

Bấy giờ, Phật thuyết kinh để giải bày cho mọi người:

Người cầu con và của
Trong cả hai việc này
Rất buồn lo, khổ cực
Làm người mắc quả báo.
Có thân khó bảo tồn
Huống là con và của
Ví như nóng tháng hạ
Nghỉ mát bên gốc cây.
Trong chốc lát, sẽ đi
Thế gian không thường còn.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Sau khi qua đời, đứa bé này sẽ sinh vào cõi nào?

Phật nói:

–Nó sẽ bị đọa vào đại địa ngục đến một kiếp.

Khi Phật thuyết giảng kinh này, hơn tám vạn người đều xả bỏ ba độc: tham, sân, si, chứng được mắt pháp. Các đệ tử đều vui mừng, làm lễ Phật rồi lui ra.